Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.
Hội Thánh Kiền Bái » » Tết Trung Thu Và Trăng Rằm Tháng 8

Tết Trung Thu Và Trăng Rằm Tháng 8

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A







TẾT TRUNG THU VÀ TRĂNG RẰM THÁNG 8


Ai trong chúng ta không trải qua một tuổi thơ với những lần hăm hở đón Tết Trung Thu cùng với bạn bè đồng trang lứa trong thôn xóm, trong khu phố của mình phải không bạn?

Tôi cũng vậy, vui vô cùng khi mùa Trung Thu đến. Tôi không bao giờ quên thời thơ ấu, những Tết Trung Thu với lồng đèn ngôi sao năm cánh, lồng đèn bánh ú, lồng đèn hình cá chép…mình tự cặm cụi làm và cầm tung tăng trên tay để đi dạo quanh thôn xóm, ngắm trăng Trung Thu đẹp mơ màng cùng với bạn bè quanh xóm thôn mới vui làm sao! Dù đã hơn bốn mươi năm trôi qua rồi, nhưng những Tết trung Thu thuở bé thơ như vẫn còn đong đầy trong tâm khảm, không hề phôi phai. Ôi, vui biết bao mỗi khi đến Tết Trung Thu! Ôi, đẹp làm sao trăng Trung Thu!

Mùa Trung Thu năm nay lại về, giống như tôi và bạn thuở còn ấu thơ, các cháu thiếu nhi hôm nay cũng đang háo hức đón chờ Tết Trung Thu sắp đến. Còn những hơn nửa tháng nữa mới đến Tết Trung Thu, nhưng không khí Trung Thu đã đầy ắp phố phường, thị trấn, chợ búa hay ngay cả các gian hàng tạp hoá bé xíu ở miền quê. Nào là trống, đầu lân, mặt nạ Ông Địa, Tề Thiên, Bát Giới... Nào là lồng đèn đủ kiểu với đủ sắc màu sặc sỡ. Nhất là bánh Trung Thu, thôi thì đủ loại, đủ hãng với bao bì thật bắt mắt, sang trọng và giá cả cũng …sang trọng không kém.

Nhìn thấy không khí Trung Thu được người ta chuẩn bị như thế làm cho tôi cũng cảm thấy vui lây với các cháu thiếu nhi, với con em của mình trong thời đại ngày nay. Ngày nay, người ta trang bị Tết Trung Thu cho các cháu thiếu nhi đến … tận răng, nhưng có điều chỉ có những cháu thiếu nhi nào sống trong gia đình giàu có mới có thể hưởng được mà thôi. Những loại bánh Trung Thu được bày bán khắp nơi với đủ mọi kiểu dáng hấp dẫn đó, thiết nghĩ không một cháu thiếu nhi nào mà không thèm thuồng được ăn thử một lần, nhưng làm sao các cháu thiếu nhi con nhà nghèo miền quê có thể mua được mà ăn, bởi giá cả các loại bánh đó chí ít cũng từ vài chục ngàn đồng đến cả trăm ngàn đồng một cái thì làm sao cha mẹ các cháu có thể mua nổi cho con của mình. Cho nên, các cháu có thấy thèm cũng đành phải đứng xa nhìn mà … nuốt nước miếng cho đỡ thèm chứ biết làm sao hơn. Thật tội cho các cháu thiếu nhi ở miền quê nghèo quá đổi!

Tôi đã từng chứng kiến nhiều cháu thiếu nhi nghèo miền quê với ánh mắt thèm thuồng khi nhìn thấy người ta mua bánh Trung Thu xách đi biếu tặng cho những người có chức, có quyền mà thương quá là thương. Tôi ước, giá mà mình có nhiều tiền, mình sẽ mua cho các cháu thiếu nhi nghèo ở gần nhà để ăn thử cho biết … mùi với bạn bè, nhưng tôi chưa làm được điều đó. “Lực bất tòng tâm”. Đành chịu!

Tôi cũng đã từng chứng kiến các cháu thiếu nhi nghèo miền quê nơi tôi ở, vì không có tiền để mua cái trống đánh cho vui với bạn bè, bèn lấy cái thau nhôm hay cái gàu múc nước thay trống và dùng đôi đũa tre để đánh cho đỡ … ghiền mà thương các cháu quá đi thôi!

Trung Thu năm nay, nhất định tôi phải mua một món quà gì đó và dành tặng cho ít nhất một cháu thiếu nhi nghèo hay tật nguyền nào đó để ít nhất có thêm một cháu nghèo hay tật nguyền được hưởng niềm vui Tết Trung Thu với bạn bè. Nếu được, tôi mời bạn cũng hãy bày tỏ một hành động nho nhỏ như tôi để đem niềm vui đến các cháu bạn nhé.

Thôi, cho chuyện bánh Trung Thu qua một bên đi cho … khỏi thèm.

Xin nói đến chuyện trăng. Nói đến Tết Trung Thu mà không nói đến trăng thì coi như là chưa nói đến Tết Trung Thu vậy. Dù không khí đón Trung Thu có thay đổi theo thời gian. Thời của tôi mấy chục năm về trước, thiếu nhi đón Trung Thu vui vẻ không kém gì bây giờ, nhưng chú trọng về tinh thần nhiều hơn là vật chất. Còn bây giờ, Trung Thu đã bị người lớn thương mại hoá quá nhiều, vật chất hoá quá nhiều, làm mất đi không ít niềm vui thật của Tết Trung Thu nơi các cháu. Thật đáng buồn về điều đó.

Dù không khí đón Tết Trung Thu có thay đổi theo thời gian, nhưng trăng Trung Thu thì bao năm qua, hay nói xa hơn, bao đời nay, vẫn thế, không hề thay đổi chút nào. Trăng Trung Thu vẫn tròn vành vạnh, vẫn luôn luôn lung linh, huyền ảo và đẹp mơ màng không chỉ đối với cách cháu thiếu nhi mà còn với tất cả mọi người. Nhìn lên mặt trăng, ta vẫn như thấy chú Cuội cũng vẫn còn ngồi dưới gốc cây đa như đã từng ngồi từ ...hàng ngàn năm qua vậy. Sao mà chú giỏi quá thế không biết nữa? Ngồi mấy ngàn năm rồi mà vẫn không biết mệt, không chịu đứng dậy cho người ta, nhất là cho các cháu thiếu nhi yêu dấu được ... diện kiến dung nhan. Hay là do chú ngồi quá lâu rồi, bị mọc rễ, không thể đứng dậy được? Hay là do để trâu ăn lúa người ta rồi không dám về nhà, cứ ngồi lì luôn ra đó mà gọi cha thôi như câu ca dao quen thuộc, vui vui mà không ai không thuộc sau đây:

            Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời.

Nói đến trăng, không chỉ có các cháu thiếu nhi mới thích thú mà ngay cả những người lớn chúng ta cũng không ai là không thích. Đặc biệt là các anh chàng thi sĩ nhà ta thì lại còn yêu trăng hơn cả các cháu thiếu nhi nữa cơ. Chính vì vậy mà trăng là một trong các đề tài không thể thiếu để các chàng thi sĩ nhà ta sáng tác thơ đó. Người sáng tác thơ nói về trăng nhiều nhất và hay nhất ở Việt Nam, có lẽ không ai khác hơn là chàng thi sĩ họ Hàn. Và có lẽ câu thơ viết về trăng gây ngạc nhiên, sững sốt cho nhiều người nhất, theo tôi, đó là câu:
                       
Ai mua Trăng tôi bán trăng cho?
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò..(1).

Trăng là tài sản chung của cả nhân loại nầy, vậy mà Hàn Mặc Tử thi sĩ làm như là của riêng mình không bằng, anh kêu ... bán luôn. Không thể không ... sững sốt được phải không bạn?

Nhắc đến mặt trăng, ta cũng không thể nào không nhớ đến sự kiện trọng đại trong lịch sử nhân loại đã xảy ra vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Sự kiện đó là lần đầu tiên con người đã đặt chân được lên mặt trăng. Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ là vào ngày 16. 7. 1969, phi thuyền Applo 11 của Mỹ đã được phóng lên không gian, mang theo ba phi hành gia là Neil Armstrong, Buzz Aldrin và M Collins. Sau 3 ngày vượt hành trình ... cao 240 ngàn dặm vào không trung, vào lúc gần nửa đêm của ngày 20. 7. 1969, Neil Armstrong đã đặt bước chân đầu tiên của loài người lên mặt trăng và ông đã phát biểu một câu đáng nhớ như sau: “Đây là bước đi nhỏ của con người, nhưng là một bước vĩ đại của nhân loại.” Lúc bấy giờ, có ít nhất độ 500 triệu người trên thế giới theo dõi sự kiện trọng đại nầy qua màn ảnh nhỏ. Vào ngày 24. 7. 1969, họ trở về trái đất an toàn. Được biết, cả ba phi hành gia hiện đang còn sống ở Mỹ và họ là tín đồ của Chúa Giê-su.

Mặt trăng là vệ tinh duy nhất của trái đất và là vệ tinh lớn thứ năm trong hệ mặt trời. Khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng là 384. 403 km. Mặt trăng là thiên thể duy nhất ngoài trái đất mà con người đã đặt chân tới được. Mặt trăng thì không xa lạ gì với con người chúng ta, vì hằng tháng thì chúng ta đều có thể ... gặp được mặt trăng. Mặt trăng rất quen thuộc với con người, mặt trăng cho ánh sáng đẹp đẽ để ta thưởng thức hằng tháng, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi mặt trăng từ đâu mà tới không? Hay là ai đã dựng nên mặt trăng và đặt ở trên trời vậy nhỉ?

Từ nhỏ, khi nhìn lên ánh sáng dịu hiền của mặt trăng vào mỗi đêm hè hay mỗi mùa Trung Thu, tôi đều hay tự hỏi như thế. Và tôi đã tìm được câu trả lời thật đích xác cho mình. Câu trả lời tôi tìm được là ở trong Kinh Thánh như sau: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm... Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao.” (Sách Sáng thế ký, đoạn 1, câu 14 và 16). Một số chỗ khác trong Kinh Thánh cũng cho biết: “Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa. Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt.” (Sách Thi-thiên, chương 8, câu 3); “Ngài đã làm nên mặt trăng để chỉ thì tiết; mặt trời biết giờ lặn.” (Sách Thi-thiên, chương 104, câu 19)... Như vậy, rõ ràng, Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên mặt trăng, mặt trời, trái đất cũng như muôn vàn tinh tú trên bầu trời.

Mặt trăng chỉ là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời mà thôi, ấy vậy mà bạn biết không, từ xưa nay, nhiều người ở nhiều nơi, lại xem mặt trăng như là một vị thần linh thiêng rồi đem lòng cung kính thờ lạy, thật là việc làm không phải lẽ và chẳng đẹp lòng Đức Chúa Trời chút nào.

Mong bạn cùng với tôi bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên mặt trăng đẹp đẽ, lung linh từ ngàn năm qua bằng cách tôn Ngài làm Chủ cuộc đời mình. Chúc các cháu thiếu nhi và các bạn hưởng một mùa Trung Thu nhiều niềm vui dưới ánh trăng diệu kỳ, xin đừng quên ơn Đấng đã ban cho mình mặt trăng đẹp đẽ từ hàng ngàn năm qua nhé.
                                                           
(1) Trích từ “Tuyển Tập Hàn Mặc Tử”. Do Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu, NXB Văn Học, Hà Nội, 1987, trang 86




Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »