BÀI VIẾT NGẮN
“Luật đạo đức của
Môi-se và Luật đạo đức Tân Ước giống và khác nhau thế nào?”
Tiến sĩ/ Thạc sĩ/ Mục sư Bùi Qúy Đôn
Dẫn Nhập
Luật pháp về
nghĩa căn bản đó là những giáo huấn, dạy dỗ chỉ ra giới hạn nhằm thực hiện. Luật
pháp là áp dụng giao ước vào đời sống. Ban bố luật pháp cũng là phần sự ban cho
của Đức Chúa Trời về chính mình Ngài cho dân Ngài trong giao ước và bày tỏ cùng
mục đích yêu thương trong giao ước (Xuất Ê-díp-tô 19: 5- 6). Như vậy đó, luật
pháp tỏ bày cho dân Ngài thấy cách thức ăn ở làm sao để tương xứng với địa vị
thuộc về Đức Chúa Trời và tình yêu Chúa dành cho họ - Đó chính là đạo đức. Vậy
luật đạo đức của Môi-se và luật pháp đạo đức Tân ước giống và khác nhau như thế
nào thì qua bài viết ngắn này, tôi mô tả bức tranh về điểm giống và khác nhau
đó.
Luật Đạo Đức Của
Môi-se
Đạo đức là
khoa học về hành vi.[1] Đạo đức dạy chúng ta phải ăn ở, ứng xử như
thế nào. Trong Cựu ước, đạo đức của Môi-se bắt nguồn từ lịch sử từ gia đình
Áp-ra-ham đến Giô-sép rồi đến thời gian họ từng làm nô lệ tại Ê-díp-tô và đã được
Đức Chúa Trời dùng quyền năng giải cứu. Vì thế dân Y-sơ-ra-ên đã vâng lời Chúa
vì hai lý do chính: Thứ nhất Chúa là Đức Chúa Trời quyền năng, làm
những việc vĩ đại và thứ hai Đức Chúa
Trời đã làm những việc vĩ đại quyền năng cho họ. Chính bởi điều này sự bước
đi ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời là thành ngữ thông dụng chỉ về nếp sống đạo
đức của dân sự Ngài đối với Ngài. Nó bắt nguồn từ giao ước chủ động của chính
Ngài đối với dân Ngài, đó là do ân sủng của Ngài chớ không phải vì hành động tốt
lành của dân Ngài:
Vì ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài đã chọn
ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài. Đức
Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi
dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức
Giê-hô-va thương yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ phụ các
ngươi, nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô lệ,
và cứu khỏi tay Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô. (Phục truyền luật lệ ký 7: 6-
8)
Không chỉ như
vậy, đạo đức của Môi-se cũng là một mối liên hệ cá nhân giữa con người với Chúa
(ví dụ trong Xuất Ê-díp-tô ký 20: 1- 11) và giữa con người với nhau (ví dụ
trong Xuất Ê-dip-tô ký 20: 12- 17) và tình yêu thương làm nền tảng (ví dụ Xuất
Ê-díp-tô 20: 5). Dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Ngài vì tình yêu, chứ không phải vì sợ
hãi hình phạt. Họ phải vâng lời Ngài đó là nếp sống chứng tỏ họ là dân của
Ngài:
Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức
Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời
cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài; và Ngài báo ứng
nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài, mà hủy diệt chúng nó đi. Ngài không trì hoãn
cùng kẻ nào ghét Ngài đâu, sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó. Vậy, khá cẩn thận
làm theo những điều răn, luật lệ, và mạng lịnh mà ta truyền cho ngươi ngày nay.
(Phục truyền luật lệ ký 7: 9- 11)
Trong nếp sống dân Y-sơ-ra-ên, họ
vâng lời Đức Chúa Trời bởi tình yêu, và cũng bởi tình yêu dân Ngài cũng sống đời
sống phân cách xứng đáng là dân của Ngài: “Hãy
nên thánh, vì Ta là Thánh” (Lê-vi-kí 20: 26; 19: 2; 11: 44- 45). Đây là một
đời sống dọn mình, phân rẽ mà Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên cần sống. Được
Đức Chúa Trời lựa chọn, biệt riêng, trở nên dân của Ngài, là một nước thầy tế lễ[2] thì phải có đời sống nên thánh cho Chúa. Bởi
sự đòi hỏi áp dụng này, một số vấn đề đạo đức của Môi-se được đưa ra những lời
giáo huấn, lời dạy dỗ cụ thể dần dần để dân sự Ngài vâng theo như không được cưới
gả dân ngoại, về thực hành tôn giáo, các nghi lễ, các việc tỏ lòng thương xót đối
với nô lệ, người nghèo khó, dân ngoại, … thậm chí có cả trong kinh doanh, việc
làm. Mặc dù khi chúng ta đọc luật pháp của Môi-se thấy như có phần nghiêm nhặt,
nhưng lại chứa đựng đầy sự khoan dung, cởi mở và đầy tình yêu thương. Đây chính
là cái nôi hướng tới mà đạo đức Tân ước bày tỏ.
Luật Đạo Đức Tân Ước
Cựu ước là tiền
thân của Tân ước, mà chúng ta vừa tìm hiểu về đạo đức của Môi-se, liệu đạo đức
Tân ước có khác hay không?
Bắt đầu Tân ước
là các sách Phúc âm, bày tỏ vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với toàn
nhân loại nên Ngài đã chủ động ban Chúa Giê-xu cho nhân loại, hầu cho ai tin
Con ấy đều nhận được sự sống đời đời (Giăng 3: 16). Qua Chúa Giê-xu, một giao ước
mới được thiết lập. Đó là ân sủng của Ngài dành cho tất cả nhân loại. Trong
giao ước mới này, không còn phân biệt dân Y-sơ-ra-ên hay dân ngoại nữa mà tất cả
được thành một dân, trở thành nước thầy tế lễ cho Ngài:
“Nhưng
anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh,
là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi
anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài; anh em ngày trước không phải là một dân, mà
bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được
thương xót. (I Phi-e-rơ 2: 9-10)
Bởi tình yêu đó, Cơ Đốc nhân sẵn
sàng vui lòng vâng giữ lời Ngài: “Nếu các
ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” (Giăng 14: 15, 21). Và cũng bởi tình yêu đó, trong Đức Chúa
Giê-xu, Ngài đòi hỏi chúng ta cũng phải có đời sống nên thánh mà chính sứ đồ
Phi-e-rơ đã trích dẫn trong Lê-vi-kí 20: 26; 19: 2; 11: 44- 45 để viết trong
thư gởi cho các tín hữu là: “như Đấng gọi
anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có
chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.” (I Phi-e-rơ 1: 15- 16)
So Sánh
Như vậy, so sánh giữa luật đạo đức
Môi-se và luật đạo đức Tân ước về nguyên tắc nội tại thì không có gì thay đổi
(vẫn y nguyên) mặc dù điều bên ngoài đúng là đã thay đổi. Mối liên hệ giữa Đức
Chúa Trời với dân Ngài, và mối liên hệ giữa con người với con người thì cũng
không thay đổi. Nếu có sự khác biệt thì đó là sự khác biệt do áp dụng theo
phong tục, tập quán của lãnh thổ, đất nước mà thôi. Chứ giá trị đạo đức của nguyên tắc trong hai
luật đạo đức này đề cập đến là những điều bất biến, và những mối liên hệ không
hề thay đổi. Đây chính là tính vĩnh hằng của Lời Ngài: “Mọi xác thịt ví như cỏ, Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ.Cỏ khô,
hoa rụng, Nhưng lời Chúa còn lại đời đời.” (I Phi-e-rơ 1: 24- 25).
Ví Dụ Về Vấn Đề Nô Lệ:
+ Cựu Ước:
Nô lệ tồn tại. Mặc dù rất nhiều
trong thế giới cổ xưa chế độ này vừa lan tràn rộng rãi vừa hết sức tàn ác. Người
nô lệ chẳng được quyền lời nào cả và bị đối xử gần như thú vật. Nhưng luật đạo
đức của Môi- se, đảm bảo cho nô lệ một số quyền lợi, cả đến việc nghỉ ngơi và
tham dự lễ lạc nữa. Ví dụ như chỉ phục dịch chủ sáu (06) năm, rồi được tự do với
một ít tiền (Xuất 12: 2; Phục 15: 13). Và người làm chủ nô được dạy dỗ giáo huấn
là nhớ rằng nô lệ cũng là những con người cần được đối xử trân trọng – phải
luôn nhớ rằng chính họ đã từng bị bắt làm nô lệ tại Ê-díp-tô mà Đức Chúa Trời
đã dùng quyền năng mà giải cứu họ ra khỏi (Phục 15: 15). Còn đối với người nữ
nô lệ thì phải được bảo vệ đặc biệt (Xuất 21: 9-11; Phục 21: 10- 14). Qua cách
cử xử tốt lành như vậy mà chủ nô đáng phải làm trong luật đạo đức của Môi-se
thì ông Greene nhận định rằng: “Cách giải
quyết vấn đề nô lệ của luật pháp Cựu ước là một cách thức vừa giảm thiếu sự áp
bức vừa nuôi dưỡng tư tưởng hướng tới việc hủy bỏ nó” (Trong Kaiser 1972,
227. Vietbible 2.0 sách Thần Học Cựu ước).
+ Tân Ước:
Khi đọc trong các sách Phúc Âm,
chúng ta thấy rằng mười hai vị (12) môn đồ của Chúa Giê-xu không có một ai thuộc
hệ thống chế độ nô lệ, chẳng có ai là nô lệ, cũng chẳng có ai là chủ nô. Nhưng
trong bài giảng dạy của Chúa Giê-xu thì Ngài nhấn mạnh mối liên hệ giữa các môn
đệ với Ngài tương tự như mối liên hệ giữa các tôi tớ với chủ họ: “Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ”
(Ma-thi-ơ 10: 24 xem thêm Giăng 13: 16). Và ngay chính Chúa Giê-xu cũng tự
nhận vai trò sứ mạng là một tôi tớ: “Vì
Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người
ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10: 45). Và
trong câu chuyện Chúa Giê-xu rửa chân cho các môn đồ Giăng 13: 4- 17, Chúa
Giê-xu đã nêu gương khích lệ cho các môn đồ nên phục vụ lẫn nhau.
Rồi đến khi Hội Thánh được thành
lập, tại nhiều nơi trong Hội Thánh được thiết lập trên cơ sở là anh em của nhau
là “người nhà”[3] bao gồm có cả chủ nô lẫn tôi tớ: “Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc
người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc
đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một” (Ga-la-ti
3: 28 xem thêm I Cô-rinh-tô 7: 22). Và sứ đồ Phao-lô thì cũng không lên án, chống
đối lại chế độ nô lệ nhưng ông nói rằng nếu có cơ hội thuận tiện để tự do thì
hãy cố gắng (I Cô-rinh-tô 7: 21). Và
cũng chính ông lại đưa ra lời dạy dỗ nữa là người nô lệ phải đặt mục tiêu làm đẹp
lòng Đức Chúa Trời qua cung cách phục vụ của họ:
“Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ,
lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng
Christ, không
phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng
người ta, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức
Chúa Trời. Hãy
đem lòng yêu mến hầu việc chủ, cũng như hầu việc Chúa, chẳng phải như hầu việc
người ta, vì biết rằng bất luận tôi mọi hay tự chủ, mỗi người đều sẽ nhận lãnh
của Chúa tùy việc lành mình đã làm. Hỡi anh em là người làm chủ, hãy đối đãi kẻ
tôi tớ mình đồng một thể ấy, đừng có ngăm dọa chúng nó, vì biết rằng mình với
chúng nó đều có một chủ chung ở trên trời, và trước mặt Ngài chẳng có sự tây vị
ai hết.” (Ê-phê-sô 6: 5- 9)
Mối dây liên hệ do tình huynh đệ
anh chị em trong Chúa với chủ nô là tín hữu phải là một lý do thêm vào để phục vụ cho thật tốt
hơn. Mặc khác, tình cảm trên hết của người làm chủ cũng phải là tình huynh đệ
anh chị em (xem Phi-lê-mô 16) và chắc chắn cũng phải đối xử với các nô lệ của
mình bằng thái độ lòng yêu mến, công bằng
(Ê-phê-sô 6: 9) và tuyệt đối công bằng
-“Hỡi người làm chủ, hãy lấy điều công bình chánh trực đãi tôi tớ mình, vì
biết rằng anh em cũng có một Chủ mình ở trên trời.” (Cô-lô-se 4: 1).
Như thế, rõ ràng rằng tình huynh
đệ của các con cái Đức Chúa Trời nổi bật hơn hẳn tinh thần nô lệ, chủ nô. Vì tất
cả mọi thành viên trong gia đình Ngài thảy đều được giải phóng khỏi các xiềng
xích. Mối phân biệt giai cấp đó không thể tác động hay ảnh hưởng đến mối quan hệ
huynh đệ trong Chúa nữa. Nơi nào có mối quan hệ huynh đệ trong Đấng Christ nơi
đó không còn chế độ nô lệ. Điều này đã bày tỏ được rõ ý nhận định mà ông Greene
đã nói ở trên: “… nuôi dưỡng tư tưởng hướng
tới việc hủy bỏ nó”.
Kết Luận
Vậy, luật đạo
đức của Môi- se và luật đạo đức Tân ước về nguyên tắc nội tại thì vẫn y nguyên,
bởi là đều đến từ Chúa, là Lời của Chúa. Nếu có khác biệt thì chỉ là cách áp dụng
vào hoàn cảnh phong tục, tập quán, đất nước khác nhau mà thôi ví dụ như thời
dân Y-sơ-ra-ên Cựu ước và Tân ước, vvv…. Mặc dù luật đạo đức của Môi-se có tỉ mỉ,
nhân văn ra sao thì bởi xác thịt chúng ta không thể làm nổi:“Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại
xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã
vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng
ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt” (Rô-ma 8: 3). Tạ ơn Chúa, trong
Đấng Christ chúng ta được dạn dĩ bước đi trong đạo đức Cơ Đốc.
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..
0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :
Đăng nhận xét
NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!