VẤN ĐỀ AN TỬ- TRỢ TỬ TRONG CƠ ĐỐC GIÁO
Tiến sĩ/ thạc sĩ/ mục sư Bùi Qúy Đôn
Dẫn
Nhập
Trong
thời đại ngày hôm nay, cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học thì bệnh tật cũng xuất hiện càng ngày càng nhiều.
Có những căn bệnh phải điều trị lâu năm, có những căn bệnh phải chấp nhận sống
đời sống thực vật. Bệnh vô phương cứu chữa vô hình chung đã trở thành gánh nặng
không những cho bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình và sau
cho cả xã hội nói chung. Rất nhiều gia đình con cái, vợ chồng chịu điêu đứng
đau khổ, khánh kiệt về tài chính kinh tế, khổ sở vừa về tinh thần lẫn vật chất,
… nhưng bệnh tật không có gì chuyển biến hơn. Một vấn đề đặt ra ở đây là chúng
ta có tìm đến giải pháp cho điều đó bằng an tử và trợ tử không. Những cuộc
tranh luận về an tử, trợ tử luôn là một trong những chủ đề nóng hổi được nhắc đến
trong luân lý đạo đức xã hội ngày nay. Với những khái niệm và sự nhìn nhận về
quyền quyết định cá nhân, hành vi giết người nhân đạo đã và đang làm cho không
ít người Cơ Đốc đã bị ảnh hưởng, thậm chí còn bày tỏ quan điểm đi ngược với đạo
đức Cơ Đốc. Họ thường lập luận rằng: “Đằng nào cũng phải chết, tại sao tôi phải
chịu đau đớn trong nhiều ngày, hay trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình
mà trong khi đó tôi có thể chọn cho mình cái chết thanh thản dễ chịu hơn, hầu
chấm dứt sự đau đớn ấy được mà? Hay lập luận rằng: có cần kéo dài thời gian mà
làm tăng những đau khổ cho bệnh nhân không? Có nên cho bệnh nhân sống sót nhưng
phải gánh chịu những di chứng nặng nề và thân nhân họ đau khổ tột cùng hay
không?” Trong bài viết này, tôi cố gắng
bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề an tử - trợ tử dưới lăng
kính đạo đức học Cơ Đốc và giải pháp cho vấn đề này theo niềm tin trong Kinh
Thánh.
I. Định Nghĩa An Tử- Trợ Tử
1. An tử là gì?
“An tử” trong tiếng Hy lạp là euthanasia; eu có nghĩa là tốt, cao quý và thanasia
có nghĩa là chết, hiểu gần nghĩa nhất là “cái chết tốt” và thường được dịch
hiểu là “cái chết êm ái”. Cái chết này nhằm nói đến “một hành vi làm cho chết nơi
những người đau bệnh được chết một cách êm ái, chết một cách không đau đớn”[1]
do bệnh tật (bệnh tật nan y, bệnh quái
ác, bệnh vô phương cứu chữa …) với mục đích xóa bỏ, hay giảm bớt mọi đau khổ
cho bệnh nhân cũng như gia đình, xã hội. Cái chết được gây ra đó có thể được phân
biệt như sau:
a)
An tử tự nguyện (voluntary euthanasia)
Tự nguyện là xuất phát từ ý muốn của
mình, tự mình muốn làm, không phải bị thúc ép, bắt buộc. Như vậy an tử tự nguyện là bệnh nhân yêu cầu xin được cái chết
có sự trợ giúp trong khi đang được chăm sóc y tế, trong khi đó bác sĩ thực thi
tin rằng bệnh nhân có lý do chính đáng để xin được chết. “Đây đúng là tự nguyện
vì việc giết chết được thực hiện thể theo yêu cầu của bệnh nhân, và bác sĩ tin
rằng bệnh nhân có lý do chính đáng để được kết liễu mạng sống do tình trạng tâm
lý và sức khoẻ hiện nay hay ở tương lai tiên liệu được.”[2]
b)
An tử không tự nguyện (involuntary euthanasia)
An tử không tự nguyện là bệnh nhân không
hề bày tỏ ước muốn, cũng không đưa ra được bằng chứng vững chắc nào cho thấy mạng
sống của người ấy cần phải được kết liễu, hay nằm ngoài ý muốn của bệnh nhân. Thi
hành việc giết chết vì thương xót mà không có yêu cầu rõ rệt của bệnh nhân là
phạm tội giết người.[3]
Khác hơn với an
tử không tự nguyện là an tử phi tự nguyện.
c)
An tử phi tự nguyện (non-voluntary
euthanasia)
An tử phi tự nguyện là nói đến việc kết
liễu những bệnh nhân không có khả năng hiểu biết, nhận biết được những gì đang
xảy ra cho mình, ví dụ bệnh nhân đó là những người bị thiểu năng trầm trọng, bệnh
nhân trong tình trạng sống thực vật vĩnh viễn, thậm chí bệnh nhân còn là trẻ sơ
sinh nữa.
d)
An tử thụ động
Nếu bệnh nhân chủ
động tự nguyện thì tìm đến việc “không hành động” hay “không can thiệp” hoặc
quyết định cho ngưng việc điều trị, để cho quá trình tử vong diễn ra một cách tự
nhiên. Hoặc người thân gia đình với ý hướng gây ra cái chết cho bệnh nhân để chấm
dứt đau khổ của họ đang phải chịu với hành động như trên thì cũng được gọi là
an tử - đó là an tử thụ động[4]
hay “để
cho chết” (allowing to die). Hành vi này được thực hiện cho các bệnh nhân
vô phương cứu chữa, hoặc bị tổn thương não trầm trọng chìm trong hôn mê không có
hy vọng mà biết chắc chắn là sẽ chết (“chắc sẽ chết” là theo lời khẳng định của
bác sĩ).
Trong phần an tử
thụ động, tôi xin được nói rõ tại đây rồi tôi sẽ đóng lại, không đề cập đến an
tử thụ động nữa để tránh bị nhầm lẫn với ba (03) an tử trên. Vì ba (03) an tử trên
(an tử tự nguyện, an tử không tự nguyện, an tử phi tự nguyện) đều liên quan có sự tham gia của bác sĩ; còn an tử thụ động
là trực tiếp bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nhận định quyết định chứ không
có mức độ tham gia của bác sĩ.
An tử thụ động
khác với quyết định khước từ việc “bám riết điều trị”. Không phải là an tử thụ động
là từ chối tất cả các can thiệp của y khoa mà là khi nhận thấy những can thiệp
này không còn tương hợp với tình trạng thực tế của bệnh nhân, không cân xứng với
bất cứ kết quả nào mà người ta có thể chờ mong, và tạo ra gánh nặng quá mức
trên bệnh nhân và gia đình. Trong những trường hợp như thế, khi biết cái chết
đang gần kề và rõ ràng không tránh khỏi, với lương tâm của con cái cùng người
thân trong gia đình có thể khước từ những biện pháp bám riết điều trị vốn chỉ bảo đảm kéo dài hơi thở sống thoi thóp phập
phồng nặng nhọc và mong manh, nhưng vẫn phải tiếp tục những chăm sóc bình thường
phải có cho bệnh nhân, phải cung cấp cho bệnh nhân những phương tiện điều trị
thông thường cho đến khi bệnh nhân qua đời, đây chính là cách diễn tả sự hữu hạn
của phận người. Kinh Thánh đã khẳng định về sự hữu hạn của phận từng người mà Đức
Chúa Trời đã định trước như sau:
“Ai
là người sống mà sẽ chẳng thấy sự chết?” Thi Thiên 98: 48
“Theo như đã định cho loài người phải chết một lần” Hê-bơ-rơ 9: 27
“Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật
cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn
dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới
hạn chỗ ở” Công vụ các sứ đồ 17: 25 - 26
2. Trợ
tử là gì?
“Trợ tử” - physician-assisted suicide/ Euthanasie là
một từ xuất phát từ tiếng Hi Lạp, xuất hiện vào thế kỷ XVII, có nghĩa là “làm
cho chết tốt đẹp” tức là một hành động dùng thuốc men hay một cách nào đó gây
nên cái chết êm thấm cho một bệnh nhân không chữa được[5], đó là cái chết với sự trợ giúp của bác sĩ cho
bệnh nhân không còn hy vọng chữa trị, chết thì chưa chết, sống thì đau đớn, nên
người ta giúp cho chết sớm hơn cái chết tự nhiên. Điều này cũng cho thấy rằng
trợ tử cũng giống như an tử vì đều cần đến bác sĩ trong việc dẫn đến cái chết của
người bệnh, nhưng khác biệt là ở mức độ tham gia của bác sĩ mà thôi. Với an tử,
bác sĩ là người thực hiện “hành vi cuối cùng”, thường là một mũi tiêm quyết định.Ở
đây, các bác sĩ đóng vai trò chính yếu, là nguyên nhân gây ra cái chết cho bệnh
nhân. Còn với trợ tử, bệnh nhân đóng vai trò chính yếu khi họ là người thực hiện
việc tiêm thuốc hay uống thuốc để gây ra cái chết, vai trò của bác sĩ chỉ là phụ
thuộc.
Trợ tử không phải
là an tử chủ động, bởi lẽ trong trợ tử có cấp độ trợ giúp từ bác sĩ. Việc trợ tử
gồm có: cung cấp kiến thức y khoa; kê toa thuốc gồm các lại thuốc có khả năng
gây chết người để bệnh nhân có thể dùng để an tử; cung cấp phương tiện thiết thực:
như thuốc ở liều lượng gây tử vong hoặc chính thuốc độc; và theo dõi việc trợ
giúp hoặc trực tiếp trợ giúp, ví dụ như kiểu trợ giúp của bác sĩ Jack
Kevorkian.[6]
Như thế cơ bản của trợ tử là bệnh nhân tìm
cách an tử cho bản thân mình với sự hỗ trợ của một người khác (bác sĩ) để đảm bảo
cái chết diễn ra nhanh chóng và không đau đớn, cái chết êm ái.[7]
Trợ tử được phân
biệt thành hai loại: thụ động và chủ động. Trợ tử thụ động (passive euthanasie) là việc dừng can thiệp điều trị,
tắt thiết bị duy trì sự sống để người bệnh chết tự nhiên. Trợ tử chủ động (active voluntary euthanasie) là việc sử dụng thuốc
làm cho người bệnh chìm vào hôn mê và chết dần đi. Trợ tử chủ động cũng được
chia làm hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, người bệnh đã mất hẳn khả năng hiểu
biết nhận thức, kéo dài đời sống là làm kéo dài mối thương tâm nên bác sĩ điều
trị và người thân (hay người giám hộ hợp pháp) của họ dùng phương pháp nhẹ
nhàng kết liễu đời sống – gọi là trợ tử
tiêu cực (negative euthanasia). Trường hợp thứ hai, người bệnh còn đủ tỉnh
táo, đủ khả năng nhận thức và chính họ yêu cầu được chấm dứt đau đớn bằng phương
tiện trợ tử – gọi là trợ tử tự nguyện
(voluntary euthanasia).
Như vậy, dù có
khác biệt về chủ thể hành động là bác sĩ, nhưng cả hai trường hợp về cơ bản đều
có sự yêu cầu trợ giúp của bệnh nhân và ý hướng nhắm đến là kết thúc mạng sống
của người bệnh để loại bỏ đau khổ do bệnh tật gây ra[8].
Theo nghĩa này, an tử và trợ tự cũng
không khác biệt nhau về bản chất, đều là
người ta giúp cho chết sớm hơn cái chết tự nhiên. Và cả an tử/ trợ tử có thể là
trực tiếp (là tiêm thuốc, uống thuốc), hay gián tiếp (là không cung cấp thức
ăn, nước uống, khí thở …). An tử/ trợ tử đều có thể do bệnh nhân xin (chủ động),
hay do người đại diện, người coi, người nhà, người giám hộ hợp pháp muốn (thụ động).
3. Một số danh từ liên quan
Trợ giúp [an tử/ trợ tử] bằng y khoa (suicide médicalement assisté) là sự
giúp đỡ, thường thường do một bác sĩ, một người bệnh đã quyết định chấm dứt cuộc
sống của mình, bằng một liều thuốc độc hay một phương tiện khác. Hành động đưa
tới cái chết là do người bệnh, nhưng người trợ giúp thường là bác sĩ y khoa.
Giảm đau cuối đời (sédation terminale), còn gọi là an tử/ trợ tử gián tiếp (euthanasie
indirecte) là sự điều trị bằng thuốc giảm đau loại thuốc morphine, nhằm giảm
đau cho bệnh nhân, nhưng có thể đưa tới cái chết do tai biến suy giảm hô hấp.
Thật ra, ai cũng biết rằng tất cả là tùy liều thuốc, nhẹ hay nặng, mà hành động
này mang tính chất giảm đau hay an tử/ trợ tử.
Điều trị thông thường [trong phần viết an tử thụ động] là điều trị không nhằm
khỏi bệnh, mà nhằm thuyên giảm sự đau đớn cho bệnh nhân, về thể xác cũng như
tinh thần.
Điều trị tới cùng hay còn gọi là “bám riết điều trị” (acharnement thérapeutique) [trong phần
viết an tử thụ động] là điều trị bằng
mọi cách, nhằm kéo dài cuộc sống, tuy biết rằng bệnh nhân ở trong tình trạng cuối
đời.
Tình trạng sống thực vật (état végétatif) là một thực thể y khoa
xuất hiện từ những năm 1960- 1970. Đó là một trong những hình thái tiến hoá của
coma, sau khi não bị chấn thương nặng hoặc thiếu oxy. Người bệnh có vẻ tỉnh, mở
mắt, nhưng không có hoạt động ý thức nào, không hề có bất cứ phản ứng nào với mọi
kích thích. Người bệnh không nghe, không nói, không cử động, không ăn uống,
không thể khống chế đại tiểu tiện và toàn bộ những phản ứng bản năng của người
bệnh đó vẫn được duy trì là bao gồm sự co bóp của tim, hơi thở, phản ứng ho, nuốt,
hắt hơi. Vì vậy người bệnh có thể sống liên tục nhiều năm là hoàn toàn phụ thuộc
sự điều dưỡng trong đời sống hàng ngày bằng nước, sữa hoặc chất dinh dưỡng truyền
qua ống thông. Sau một thời gian khoảng một năm, tình trạng có thể gọi là thực vật mãn tính (état végétatif chronique, persistent vegetative state), không còn
hy vọng hoặc khó có thể đảo ngược lại tình thế, và có những biến chứng xảy ra
do liệt giường lâu ngày.
II. Luận Cứ Về Việc Thực Hiện An Tử- Trợ Tử
Có hai luận cứ lớn
nhất để thực hiện an tử/ trợ tử đó là: quyền
tự quyết và lòng thương xót.
1. Quyền
Tự Quyết Cá Nhân
Thứ
nhất là liên quan đến việc quyền tự quyết cá nhân. Đây là luận cứ mạnh mẽ nhất,
là tâm điểm để ủng hộ thực hiện an tử/ trợ tử. Cách diễn giải phổ biến hiện nay
mang tính cách chủ nghĩa tự do vốn rất đề cao sự tự do và quyền của mỗi cá
nhân. Họ nói rằng “sự sống của tôi là của tôi”, và họ cũng nói rằng “sự chết của
tôi là của tôi”, tôi có quyền lựa chọn, định đoạt, không ai có quyền ngăn cản sự
tự do của tôi. Họ cho đó là quyền của họ chứ không phải của ai cả mà phải cấm
đoán.[9] Với quyền này, con người có quyền tự do quyết
định cuộc sống của mình mà không bị can thiệp hoặc bị sự chi phối của người
khác. Quyền tự quyết cá nhân không chỉ trong những phạm vi của cuộc sống, mà
còn cả quyết định về định mệnh của mình. Nói khác đi là tự quyết trong việc tự
quyết định đoạt thân xác và kết thúc mạng sống của mình, kể cả việc kết liễu nó
– “có quyền được chết” (right to die) -
ý nói rằng quyết định kết liễu mạng sống là sự lựa chọn riêng tư, không gây hại
cho ai cả. Người ta cho rằng, có quyền sống thì tại sao lại không có quyền được
chết. Theo họ, quyền được chết của mỗi con người là một nhân quyền căn bản mà mỗi
con người đều có cần được phải tôn trọng. Một trong những luận cứ chủ yếu là:
chúng ta sẽ sống tốt đẹp hơn, sẽ chết tốt đẹp hơn, bởi lẽ chúng ta có quyền định
đoạt và chúng ta đủ khả năng để kết liễu sự sống của mình khi nào chúng ta muốn,
hầu chặn đứng những sự đau khổ không cần thiết đối với chính mình hay đối với gia
đình của mình. Đó là nhân quyền căn bản mà mọi người đều có quyền ấy nên pháp
luật không thể cấm chế để ngăn cản an tử và trợ tử. Và bác sĩ, với tư cách là
người chăm lo cho lợi ích tốt đẹp nhất của bệnh nhân cùng tôn trọng quyền tự
quyết đó nên phải ra tay trợ giúp bằng cách
giúp bệnh nhân an tử/ trợ tử.
Như vậy trong
trường hợp bệnh tật phải chịu đựng những sự đau khổ tột cùng bởi bệnh vô phương
cứu chữa gây ra thì người ta có quyền chọn cái chết để “giải thoát” khỏi khổ
đau. Vì thế những người theo quan điểm này họ cho an tử/ trợ tử là những hành
vi nhân ái nhằm giải toả đau khổ cho con người.
2. Lòng Thương Xót
Quan
điểm xót thường đi đôi song song với quan điểm mạnh mẽ về quyền tự quyết cá
nhân. Ấy sẽ là tình thương nếu giúp cho người bệnh có một cái chết nhẹ nhàng,
được thoát khỏi đau khổ và mất phẩm giá. Nếu những người này cứ sống trong tình
cảnh bệnh tật “sống không ta sống”, sống đời sống thực vật, không giao tiếp với
mọi người xung quanh, không có ý thức và hiểu biết, và còn làm cho người thân
gia đình bị gánh nặng khổ sở kiệt quệ từ tinh thần đến tài chính. Họ cho đó là
một cuộc sống không có giá trị và không đáng để tiếp tục sống. Hơn nữa đằng nào
cũng phải chết thì tại sao phải chịu những sự đau đớn khổ sở đó kéo dài. Khi kết
liễu sự sống của những người này, ta chẳng hề gây hại nhưng lại là sự trao tặng
tình xót thương. Thành thử, theo quan điểm này, an tử/ trợ tử là hành vi từ bi,
hành vi của nhân ái, hành vi của lòng thương xót nhằm đáp ứng được nguyện vọng
trốn thoát khỏi đau khổ của người bệnh vô phương cứu chữa bằng cái chết nhẹ
nhàng êm ái hơn và làm vơi bớt sự đau khổ của người bệnh cũng như gia đình. Chết
như thế xứng với phẩm giá con người hơn là chết tự nhiên với những đau khổ dai
dẳng kéo dài cùng những hệ lụy của nó. Theo nghĩa này, hành vi an tử/ trợ tử còn
được hiểu là “giết vì xót thương” (mercy killing).
3. Xoay quanh vấn đề trong an tử- trợ tử
a)
Quan điểm trong y học
Hippocrates
là một y sĩ Hy Lạp thời cổ đại (khoảng 460 – 370 Trước Công nguyên) được xem là
ông tổ của nền y khoa phương Tây. Ông là người khởi xướng nền y khoa mang tính
khoa học trong hoàn cảnh hệ thống y khoa của Hy Lạp thời đó. Bản gốc của lời thề
Hippocrates được nhiều nước lưu giữ, và được gọi là “Lời thề Hippocrates” là lời
tuyên thệ của các thầy thuốc khi vào nghề. Ở Việt Nam ta còn gọi là “Lời thề Y
đức”. Lời tuyên thệ gồm có 6 điều thì điều 2 và điều 3 chép:[10]
Điều 2: Tôi
sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi,
và không bao giờ làm hại ai.
Điều 3: Tôi
không bao giờ đưa thuốc giết người cho bất kỳ ai hỏi tôi và sẽ không tư vấn một
kế hoạch như vậy; và cũng như thế
tôi sẽ không cho bất kỳ người phụ nữ nào một dụng cụ phá thai. Nhưng tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho
nghề nghiệp của tôi.
Theo “Lời thề Hippocrates”
này thì các bác sĩ tuyên thệ lời thề Hippocrates sẽ không chấp nhận việc giết bệnh
nhân là đúng ngay cả khi bệnh nhân lựa chọn được chết. Đối với các bác sĩ, ít
nhất, cuộc sống con người trong cơ thể sống đòi hỏi sự tôn kính – bởi chính bản
chất tự nhiên của nó. Vì sự tôn kính không phụ thuộc vào thỏa thuận của con người
hoặc sự đồng ý của bệnh nhân, xóa bỏ sự đồng ý tiếp tục sống của một người vẫn
không tước đoạt được sự tôn kính đối với cơ thể sống của người đó. Nguyên tắc đạo
đức sâu sắc nhất trói buộc quyền lực của bác sĩ không phải là quyền tự chủ hay
tự do của bệnh nhân; cũng không phải là lòng trắc ẩn hay là ý định tốt của bác
sĩ. Đúng hơn, chính phẩm giá và sức mạnh bí ẩn của đời sống con người, và do
đó, Lời thề Hippocrates cũng gọi đây là sự thuần khiết và thánh thiện của cuộc
sống và nghệ thuật, mà các bác sĩ đã thề nguyện tuân theo.[11] Như vậy trong lời tuyên thệ này thì các bác
sĩ, các nhà chuyên nghiệp y khoa được huấn luyện để chữa lành và bảo vệ sự sống
chứ không phải để chấm dứt sớm sự sống.
Lời thề ông tổ của
ngành y học của Hippocrate chống lại an tử/ trợ tử vào thế kỷ 5- 4.TCN thì Francis
Bacon lên tiếng chủ trương hành động an tử/ trợ tử vào thế kỷ 17 trong
một cuốn sách in năm 1623, Francis Bacon viết:
“Phận sự của người thầy thuốc không phải chỉ
là chữa khỏi bệnh tật, mà còn làm vơi dịu những khổ đau do bệnh tật gây nên. Và
không phải chỉ làm vơi dịu khổ đau và khỏi bệnh, mà còn đem lại cho bệnh nhân
khi không còn hi vọng sống sót, một cái chết êm dịu và an lành. An tử như vậy
là một phần không nhỏ của hạnh phúc”[12].
Và
năm 1920, một bác sĩ và một luật sư Đức, tên là Hoche và Binding, đồng xuất
bản một cuốn sách trình bày quan điểm: “Một
số bệnh nhân bị chứng nan y, bệnh tâm thần và trẻ con dị dạng, sống những cuộc
sống “không đáng sống”, vì thế đem lại cái chết cho họ là một lối điều trị nhân
đạo, phù hợp với y đức. Tác giả cũng nhấn mạnh tới gánh nặng kinh tế phải trả để
kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân đó.”[13] Và quan điểm của Hoche và Binding đã có ảnh
hưởng lớn trên tư tưởng Đức sau này và được Đức quốc xã áp dụng một cách triệt
để.
Tại
Hà Lan sau nhiều trường hợp bị truy tố trước pháp luật, và dần dần đã tiến tới ủng
hộ và sự cho phép an tử an tử/ trợ tử vào năm 1993, miễn truy tố pháp luật các
thầy thuốc an tử/ trợ tử với điều kiện là hội đủ ba yếu tố sau[14]:
“Thứ nhất sự yêu cầu an tử phải tới từ bệnh
nhân, và được lặp lại nhiều lần, một cách có ý thức và tự do.
Thứ hai, bệnh nhân phải ở trong tình trạng
vô cùng đau đớn, không có phương pháp nào làm thuyên giảm, ngoài cái chết.
Thứ ba người thầy thuốc phải tham khảo ý
kiến một thầy thuốc khác, và người đó cũng phải xem an tử như là một giải pháp
có thể chấp nhận được.”
Theo Bộ Y Tế Việt
Nam tìm hiểu và cung cấp vào năm 2015[15] đã có những quốc gia trên thế giới công nhận
an tử/ trợ tử: Hà Lan (4/2002), Bỉ (năm 2012),
Luxembourg (2/2008), Canada (3/2015), Mỹ (5 bang gồm Washington, Oregon,
Vermont, New Mexico và Montana), Pháp (2005) và Đức, Thụy sĩ.
b)
Hệ lụy về đạo đức và xã hội
Việc
chấp nhận an tử/ trợ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng khó lường trước về đạo
đức và xã hội, ví dụ như:
Thứ
nhất là ranh giới giữa an tử/ trở tự và hành vi giết người:
-
Con cái và người thân bệnh nhân sẽ thông đồng với
bác sĩ để sửa bệnh án, hoặc cưỡng ép ông bà, cha mẹ bị bệnh ký vào giấy an tử
nhằm thi hành “án tử” với ông bà, cha mẹ mình để trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc,
nuôi dưỡng hoặc để tranh giành tài sản. Trong trường hợp này, luật an tử/ trợ tử
lại là công cụ tiếp tay cho hành vi giết người có chủ đích hay không?
-
Một bác sĩ bất tài hay vì một sai lầm trong chuẩn
đoán bệnh, với quyền trợ tử, có thể xóa hết dấu vết của sai lầm của chính bản
thân.
-
Có những trường hợp bác sĩ chuẩn đoán sai tình
trạng bệnh, nếu áp dụng an tử/ trợ tử thì cũng sẽ là vô tình giết người.
-
Một em bé sinh ra với dị tật. Cha mẹ hay bác sĩ
có quyền “giúp” bé chết hay không ? Liệu có giết người không?
-
Liệu có bác sĩ thiếu y đức sẽ dùng an tử/ trợ tử
để “loại bỏ” những bệnh nhân không có tiền chi trả viện phí hoặc những bệnh
nhân từng có thù oán với họ.
-
Nhiều trường hợp người bệnh có thể hồi phục một
cách kỳ diệu ngoài dự đoán của y học (ví dụ như đột ngột tỉnh dậy sau nhiều năm
hôn mê) hoặc bệnh đó sẽ được tìm ra cách chữa trong tương lai gần, nếu áp dụng an
tử/ trợ tử thì bệnh nhân không còn cơ hội chữa trị sau này, đó sẽ là vô tình giết
hại một mạng người.
Thứ
hai hệ lụy đến đạo đức và xã hội:
-
Một cha mẹ già khó chăm sóc bởi gia đình neo người.
Với lý do là an tử/ trợ tử, con cái sẽ quyết định đó hay sao ?
-
Con cái và người thân bệnh nhân sẽ thông đồng với
bác sĩ để sửa bệnh án, hoặc cưỡng ép ông bà, cha mẹ bị bệnh ký vào giấy an tử
nhằm thi hành “án tử” với ông bà, cha mẹ mình để trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc,
nuôi dưỡng hoặc để tranh giành tài sản. Trong trường hợp này, luật an tử/ trợ tử
lại có cổ súy hành vi và tư tưởng bất hiếu trong xã hội.
-
Một số người bệnh sẽ tự chọn cái chết (dù bệnh
có thể chữa khỏi) để trốn tránh những khoản nợ hoặc để gian lận điều gì đó.
-
Việc thi hành trợ tử sẽ dẫn tới nhiều bệnh nhân
không còn tinh thần đấu tranh với bệnh tật, nhiều người sẽ chỉ muốn chết sau một
vài nỗi đau đớn (dù cơ hội cứu chữa cho họ vẫn còn). Việc chữa trị do đó sẽ sụt
giảm hiệu quả do tinh thần người bệnh bị buông xuôi.
-
Việc ký vào giấy an tử/ trợ tử đối với người bệnh
sẽ để lại di chứng tâm lý (day dứt, hối hận) đối với những người thân còn sống.
Nếu những người thân của họ bất đồng về việc an tử người bệnh (người đồng ý,
người không đồng ý) sẽ rất dễ dẫn tới sự rạn nứt tình cảm gia đình, căm hận, thậm
chí trả thù lẫn nhau sau này.
-
An tử/ trở tự liệu có hợp thức hoá giúp người tự
tử có thể dẫn đến hoặc cổ súy việc gia tăng tỉ lệ tự tử. Ví dụ nhiều người dù
không bị bệnh nan y nhưng chỉ cần cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, tình cảm,
không có nghị lực vươn lên ... đã vội đi tìm cách an tử/ trợ tử, khiến tỷ lệ tự
tử trong xã hội tăng lên.
-
Cho phép an tử/ trợ tử đưa ra một tiêu chuẩn hai
mặt về cách mà một xã hội đánh giá cuộc sống. Một mặt chúng ta xót xa đau khổ
khi biết một người đã chấm dứt cuộc sống của họ qua việc an tử/ trợ tử hay tự tử.
Thế nhưng mặc khác, chúng ta lại hợp thức hoá an tử/ trợ tử để chúng ta có thể
giúp người khác chấm dứt mạng sống của họ qua cái gọi là an tử/ trợ tử hay giúp
người tự tử. Như vậy thì đâu là sứ điệp và truyền thông mà chúng ta muốn nói với
những người đang có ý định tự tử?
-
Người bác sĩ, thầy thuốc có làm cho bệnh nhân chết
vì lòng thương xót, vì sự nài nỉ của đương sự, vì luật lệ đòi buộc ... thì hành
động làm chết người khác liệu có gây một dấu vết nơi lương tâm người bác sĩ, thầy
thuốc không? Nếu làm thế thì chức năng của người bác sĩ, thầy thuốc bị thay đổi,
nghĩa là, người bác sĩ, thầy thuốc không chỉ là người cứu người, nhưng còn là
người giết người; không chỉ nghiên cứu những cách cứu người hiệu quả nhất nhưng
còn nghiên cứu những cách giết người nhanh chóng nhất, ít đau đớn nhất?
Đó mới chỉ là những
câu hỏi trong muôn vàn trường hợp hệ lụy của an tử/ trợ tử đã gây ra khó lường
và nghiệm trọng với ranh giới rất mỏng manh giữa đúng và sai từ luật pháp (hành
vi giết người) đến đạo đức và xã hội.
III. Kinh Thánh Nói Gì Về An Tử- Trợ Tử
Dưới
lăng kính đạo đức học Cơ Đốc chúng ta có giải pháp cho vấn đề an tử - trợ tử
theo niềm tin trong Kinh Thánh. Trước tiên chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Kinh
Thánh nói gì về sự chết thân thể.
1. Kinh Thánh nói gì về sự chết thân thể
Kinh
Thánh trình bày sự chết là sự tách rời: sự
chết thân thể là sự tách rời của linh hồn khỏi thể xác, và sự chết thuộc linh là sự tách rời của
linh hồn khỏi Đức Chúa Trời. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến sự chết
thân thể.
Sự
chết thân thể có thể định nghĩa là: Chết là từ giã cõi đời, là ngừng sống. Chết
là chuyển từ giai đoạn sinh động sang giai đoạn hết sinh động. Chết là khi tim
ngừng đập, hơi thở ngưng lại và khi thân thể trở nên một xác cứng đờ. Theo Kinh
Thánh Truyền Đạo 12: 7[16]
thì sự chết là sự tách biệt của thân thể
và hồn linh: Thân thể xuống mồ và tan ra thành cát bụi. Hồn linh đi đến một
trong hai nơi: Hồn linh của người ác vào địa ngục và hồn linh của người công
chính vào Ba-ra-đi (xem Lu-ca 16:19-31; 23:43).
a)
Kinh Thánh mô tả sự chết
Sự
chết thuộc thể được Kinh Thánh mô tả là:
-
Ngủ. “La-xa-rơ, bạn ta, đang ngủ.”
Giăng 11: 11; I Tê-sa-lô-ni-ca 4: 14
- Linh hồn bị đòi lại. “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ
bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” Lu-ca 12:
30
- Tắt hơi. Công vụ các sứ đồ 5: 10,
“Sa-phi-ra”, và trong Lu-ca 23: 46,
nói về Chúa Cứu Thế.
- Nhà tạm đổ nát. “Nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát,
thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời.” II Cô-rinh-tô 5: 1
- Đi con đường không trở lại. “Vì ít số năm còn phải đến, rồi tôi sẽ đi
con đường mà tôi chẳng hề trở lại.” Gióp 16: 22
- Xuống cõi nín lặng. “Kẻ chết hoặc kẻ xuống cõi nín lặng chẳng ngợi
khen Đức Giê-hô-va.” Thi Thiên 115:17
b)
Căn nguyên sự chết
Khi
đọc ngay những chương đầu tiên của sách Sáng thế ký trong Kinh Thánh thì chúng
ta thấy được ngay rằng sự chết thuộc linh và sự chết thuộc thể cả hai đều xuất
phát từ sự phản nghịch trong vườn Ê-đen. Kinh Thánh chép “... vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” Sáng thế ký 2: 17. Trong vườn
Ê-đen, ông A-đam và bà Ê-va không chết ngay về phần xác khi họ ăn trái cấm. Họ
chết trong phương diện thuộc linh (xem thêm Ê-phê-sô 2: 1). Ngay sang đến
chương 4 thì người đầu tiên chịu chết là A-bên con của A-đam, bị anh là Ca-in
giết: “Ca-in xông đến A-bên là em mình,
và giết đi.” (4: 8b).
Sự chết thuộc
linh gây nên do sự không vâng lời Đức Chúa Trời. “Lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết.”
(Gia-cơ 1: 15) Cho thấy sự chết thuộc thể là hệ quả trực tiếp của tội lỗi.
Trong trường hợp chết thuộc thể, bác sĩ có thể ghi ra một trong các nguyên nhân
trong giấy khai tử, nhưng thật sự chỉ có một nguyên nhân sâu xa là tội lỗi. Tội
lỗi là nguyên nhân căn bản và bệnh tật, sự chết thuộc thể là tác nhân bên ngoài
mà Đức Chúa Trời dùng để thi hành bản án Ngài đã công bố trên nhân loại trong vườn
Ê-đen. Kinh Thánh hẫu thuận:
“Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.”
Ê-xê-chi-ên 18: 20
“Tiền công của tội lỗi là sự chết.” Rô-ma
6: 23
“Theo như đã định cho loài người phải chết một
lần, rồi chịu phán xét.” Hê-bơ-rơ 9: 27
Dù khoa y học hiện
đại và các bác sĩ làm nhiều điều thì chỉ có thể để kéo dài cuộc sống. Đời người
được dài ra, nhưng điều đó chỉ tạm đình hoãn lại sự chết mà thôi. Chúng ta đã bị
“ấn định phải chết” (Hê-bơ-rơ 9: 27 xem thêm Công vụ các sứ đồ 17: 25 - 26).
Chúng ta được sanh ra với một cuộc hẹn với cái chết. Chúng ta buộc phải giữ cuộc
hẹn đó, không ai tránh khỏi, ai cũng phải chết.
2. Kinh Thánh Nói Gì Về An Tử- Trợ Tử
Dù muốn dù
không, đến đây khi nói đến an tử/ trợ tử là nói đến khái niệm quyền được chết, tìm đến cái chết trước
để được “chết êm ái”, “chết tốt đẹp”- một sự kết liễu trước hạn định.
Ý tôi nói đó là cái chết trước - một sự kết liễu trước hạn định.
Cái chết hạn định là gì? “Hạn định” mà tôi muốn nói đến đó chính là sự quyết định
thời điểm chết người đó của Đức Chúa Trời tức là con người không có quyền tự chọn
cái chết. Bởi sự sống là Đức Chúa Trời ban cho nhân loại, và trong Ngài chúng
ta được sống động và hiện hữu, Ngài cũng định trước thì giờ đời người nữa, Kinh
Thánh chép: “Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một
người và khiến ở khắp trên mặt đất, định
trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, … tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có” (Công -vụ các sứ -đồ 17: 25- 28). Như vậy, “tìm đến cái
chết trước” đó là tự tử, tự sát và tự tử
, tự sát thì Kinh Thánh cũng đã nên
án trong bảng Mười Điều Răn rằng: “Ngươi
chớ giết người.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20: 13, xem thêm I Giăng 3:15 “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh
em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình.”).
Đâu chỉ những thế thôi đâu, Kinh Thánh sách Truyền đạo 8: 8 tuyên bố rằng “Chẳng có ai cai trị được sanh khí để cầm
sanh khí lại; lại chẳng ai có quyền về ngày chết”. Chẳng có ai cai trị được và chẳng
ai có quyền tự quyết về ngày chết của mình.
Như thế, an tử và trợ tử là nỗ lực của con người để chiếm đoạt lấy thẩm quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trên sự sống
và sự chết. Tóm lại, chúng ta đi đến một kết luận là chọn an tử và trợ tử đều
sai.
Quay trở lại về sự chết, thì tất nhiên
rằng sự chết là một điều tự nhiên, ai cũng phải chết về thể xác một lần (Hê-bơ-rơ 9:27)- đó là điều không tránh khỏi
đối với con người. Nhưng nếu chúng ta hối thúc sự chết đến nhanh là không đúng.
Thật vậy, quyền tự quyết có nghĩa nguyên gốc bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là autonomy: auto có nghĩa là tự mình hay
chính mình và nomos có nghĩa là cai trị hay điều hành, do đó autonomy (quyền tự quyết) có ý nghĩa
liên quan đến ý nghĩa cai trị hay cai quản. Cụm từ “cai trị hay cai quản”
được thấy ngay chương một (01) Sáng thế ký khi Đức Chúa Trời tạo dựng lên loài
người và ban phước: “Đức Chúa Trời ban
phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất;
hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị
loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.”
(1: 28) Điều này cho thấy rằng quyền tự quyết đúng nghĩa theo Kinh Thánh thì
không có nghĩa là muốn làm gì thì làm mà quyền này chỉ cho thấy con người có tự
do cách đích thực khi theo đuổi và chọn theo những chân lý:
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ
vườn. Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán
dạy rằng: Ngươi được tự do ăn
hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về
cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ
chết.” Sáng thế ký 2: 15- 16
Hai câu Kinh
Thánh trên cho thấy sự tự do mà Chúa ban cho con người có kết quả, hữu ích, tốt
đẹp và tuyệt vời khi chọn theo vâng lời Đức Chúa Trời- đó là chân lý phổ quát. Do
đó, quyền tự quyết chỉ thực sự khi được gắn liền với những chân lý phổ quát của
Đức Chúa Trời. Như đã trình bày, một trong những chân lý phổ quát của Chúa đó
là không được giết người (Xuất Ê-díp-tô
Ký 20: 13, I Giăng 3:15) và cẩn thận đề
phòng để bảo vệ sự sống của mình và người khác (Phục truyền luật lệ 22:8) -
Điều này, Đức Chúa Trời muốn chúng ta quý trọng món quà sự sống- đây cũng là lẽ
thường phổ quát đối với lý trí luân lý tự nhiên của con người: không được giết
người và làm tổn hại đến mạng sống người khác. Như vậy, quyền tự quyết tự nó
không thể làm nền tảng cho cái được gọi là “quyền được chết” vì như thế là mâu
thuẫn, là đi ngược lại chân lý phổ quát của Kinh Thánh. Cũng vậy, không thể dựa
vào quyền tự quyết của mình mà đòi người khác trợ giúp mình tự tử, vì như thế
là áp đặt nghĩa vụ lên người khác, làm hạn chế quyền tự quyết của họ.[17]
Thứ hai là lòng thương xót. Chắc chắn không ai muốn
thấy chính mình hay người thân của mình bị dằn vặt trong những đau khổ thể xác
lẫn tinh thần. Dù cho ý đó tốt lành đến mấy đi nữa, là thể hiện lòng thương xót
đối với người bệnh, không muốn họ phải đau khổ hay trở nên gánh nặng cho gia
đình và xã hội đi nữa, thì cũng không thể biện minh cho hành vi kết thúc mạng sống
của người khác. Lòng thương xót trong hoàn cảnh ấy là giả tạo. Bởi lẽ, lòng
thương xót chân thật khiến ta chia sẻ nỗi đau của người khác, chứ không giết chết
người đang chịu sự đau khổ mà chính chúng ta không mang được nỗi đau ấy. Chúng
ta hãy nhìn vào Kinh Thánh, trong ví dụ người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10: 1-
42), rõ ràng là lòng thương xót phải được chứng tỏ đối với bất cứ ai cần được sự
trợ giúp của mình. Như Chúa Giê-xu, lòng thương xót luôn luôn tôn trọng mọi người,
mà còn phải chứng tỏ điều đó bằng một việc của Ngài chẳng những phải làm nữa (I
Giăng 3: 17) cho dù có phải hy sinh bản thân.[18] Thế nên an tử/ trợ tử không phải là thương
xót. Và đây cũng không phải là cách giải quyết đối với sự đau đớn. Các bệnh
nhân vô phương cứu chữa có thể được giảm đau rất nhiều vào những cách thức điều
trị hiện nay. An tử/ trợ tử phải được gọi là một sự thương xót sai lầm, và thực
sự đó là một sự xuyên tạc về lòng thương xót. Lòng thương xót đích thực dẫn đến
việc chia sẻ sự đau đớn của người khác chứ không phải giết người đang đau đớn
vì chúng ta không thể chịu đựng được. Thêm vào đó, hành động an tử/ trợ tử sẽ
trở nên nguy hại hơn nếu nó được thực hiện bởi người thân, những người đáng ra
phải đối xử với thành viên gia đình với sự kiên nhẫn và yêu thương, hoặc bởi những
người, như các bác sĩ, là những người mà theo đạo đức nghề nghiệp phải chăm sóc
bệnh nhân ngay cả đang trong những giai đoạn đau đớn cuối cùng.[19]
3. Giải pháp
Kinh Thánh không nói cụ thể về việc an
tử/ trợ tử. Nhưng qua phần nhận định của tôi như trên, cho thấy rằng tình huống
đối với bệnh vô phương cứu chữa hay sống đời sống thực vật mà tìm đến an tử/ trợ
tử là một giải pháp thì đây là điều không khôn ngoan chút nào, là điều sai
trong đạo đức Cơ Đốc. Vì sao là sai thì tôi đã giải thích ở trên. Vì sao là
không khôn ngoan? Vì:
Thứ nhất, các
phương pháp y học chỉ đưa ra những gì mà họ nhìn thấy, nhưng Đức Chúa Trời mới
là Đấng Sáng Tạo, Đấng Thiết Kế con người đó. Do vậy Đức Chúa Trời luôn có những
chủ đích của Ngài trong mọi sự, trong mọi hoạn nạn, đau khổ kể cả cho đến giây
phút cuối cùng của một đời người (Rô-ma 9: 28 chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại
làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn
Ngài đã định..”) Đôi khi Chúa cho
phép một người đau khổ trong một thời gian dài trước khi cái chết diễn ra; những
lần khác, sự đau khổ được thu ngắn lại. Không ai tận hưởng sự đau khổ, nhưng điều
đó không làm cho việc một người tìm an tử/ trợ tử là đúng. Thông thường, mục
đích của Chúa được biết rõ trong sự đau khổ: Rô-ma 5:3 dạy rằng “hoạn nạn sanh sự nhịn nhục.” Trong cõi
đời đời, và cái nhìn toàn cảnh của Đức Chúa Trời thì Ngài mới biết được điều gì
là tốt nhất, và trong thời điểm của Ngài, kể cả về thời điểm chết đi của một
người, cũng là hoàn hảo. Ngài là Đấng Vô Hạn! Con người là hữu hạn! Loài người
cho điều đó là tốt nhưng đối với Chúa thì chưa chắc đã là tốt nhất.
Điều thứ hai,
phương pháp y học ngày nay chuẩn đoán không thể chính xác 100 %. Về điều này Bác sĩ Huỳnh Văn Bình, chuyên
ngành ung bướu Việt Nam, chia sẻ: “Y khoa
là một ngành khoa học không chính xác tuyệt đối. Chuẩn đoán thì không thể chính
xác 100%, luôn có một tỉ lệ sai sót không mong muốn, tỉ lệ này cao hay thấp phù
thuộc vào trình độ chuyên môn của từng bác sĩ, trang bị kỹ thuật của từng bệnh
viện. Thế nên làm sao chúng ta có thể đoán chắc là bệnh nhân này đã hết cách cứu
chữa. Và nếu thực hiện “quyền được chết” thì ta sẽ giết lầm một nhân mạng, mà nếu
điều đó xảy ra thì thật khủng khiếp.”[20]
Điều thứ ba, phương
pháp y học hiện tại chưa phải là đã đủ là tất cả bởi vì nó đang phát triển. Có
thể nói nôm na dễ hiểu là với tiến bộ của khoa học, bệnh mà y khoa hôm nay
không cứu chữa được có thể có hy vọng cứu chữa được trong tương lai ngày mai.
Thí dụ kinh điển: “Trong những năm 1940,
một bác sĩ giúp con mình, bị bệnh uốn ván, chết một cách nhẹ nhàng. Như khi
chôn con xong, ông ấy nghe đài báo là một serum trị bệnh uốn ván mới vừa được
phát minh.” Y khoa lại không phải là môn toán hay vật lý. Y khoa chỉ là những
nghệ thuật và phương thức chữa trị và nhiều khi kết quả thật bất ngờ, người bệnh
có thể hồi phục một cách kì diệu ngoài dự đoán của y học ví dụ như đột ngột tỉnh
lại sau nhiều năm hôn mê. [21]
Như thế đó, trong hoàn cảnh này chúng
ta hãy nhờ cậy Chúa, cầu xin Chúa thêm sức cho chúng ta, ban cho chúng ta sự
khôn ngoan để đối mặt với nan đề này. Tin cậy nơi Chúa vì biết rằng Ngài có mục
đích thời điểm tốt nhất cho bệnh nhân. Đây là hy vọng của chúng ta. Chúng ta chỉ
chiến thắng cái chết trong đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Phục Sinh, Đấng là Chủ Tể
của mọi sự, của sự sống cũng như sự chết. Và chúng ta hãy có tấm lòng yêu
thương chăm sóc đối với bệnh nhân đó. Không được có ý tưởng hối thúc sự chết đến
nhanh chóng cũng như từ chối mọi cách phương pháp chữa trị vì đó là sai lầm,
nhưng hãy để sự chết diễn ra một cách tự nhiên với người mang bệnh nan y không
hẳn là sai.
Phản Tỉnh và Kết Luận
Theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy rằng sự sống luôn là mục
tiêu của con người, chứ không phải cái chết. Nếu mục tiêu là cái chết thì thà rằng
con người chúng ta đừng sinh ra thì hơn. Do đó, dù sử dụng cách thế nào đi
chăng nữa, ngày nay người ta vẫn hiểu an tử/ trợ tử là hành động làm chấm dứt mạng
sống của bệnh nhân, theo tôi, đó là xúc phạm đến nhân phẩm con người bởi vì sự
sống là tài sản quý giá nhất, là chính con người. Hơn nữa, sự sống là quà tặng
của Đức Chúa Trời- Đấng Tạo Hóa: không ai sở hữu sự sống, nên không có quyền
quyết định trên sự sống sự chết, kể các người ngoài cuộc (bác sĩ, nhân thân) lẫn
người trong cuộc là bệnh nhân. Và theo như những gì đã trình bày, tôi thấy rằng
bệnh nhân cũng không có quyền trên sự chết của mình hay chọn cái chết cho mình.
Vì thế, tôi chống lại vấn đề an tử/ trợ tử, không chỉ theo lập trường ở trên mà
còn vì lương tâm và đức tin trong Kinh Thánh. Trong cuộc sống, không một giá trị
nào mà không có trả giá, ai quý trọng sự sống, tôn kính Đức Chúa Trời thì phải
chấp nhận trả giá. Là người có đức tin nơi Chúa Giê-xu và Kinh Thánh, tôi nghĩ
chúng ta cần phải có trách nhiệm là làm sao dung hòa được giữa tình yêu thương
với bệnh nhân và tôn trọng đạo đức Cơ Đốc. Để được như thế tôi xin đưa ra một
vài đề nghị như sau:
- Thứ nhất, trong đức
ái, cần phải tôn trọng và nâng đỡ những người già cả, người bệnh tật thậm chí cả
người khuyết tật cách đặc biệt.
- Thứ hai, không thể
chấp nhận dù với bất cứ lý do nào, phương tiện nào đẫn đến việc “chết một cách
êm dịu” đối với những người nói trên.
- Thứ ba, bệnh nhân
và người thân (hay người giám hộ hợp pháp) có quyền được chấp nhận ngưng những
cách chữa trị quá tốn kém, hoặc việc bám riết điều trị mà không nắm chắc kết quả.
- Thứ tư, không được
ngưng những biện pháp chăm sóc thông thường, sự điều trị thông thường dù bệnh
nhân sắp chết; nhưng được dùng thuốc làm giảm đau (như morphine, hoặc thuốc giảm
đau tương tự chẳng hạn), ngay cả khi vì dùng thuốc đó bệnh nhân có thể chết sớm
hơn.
Dù sao, vấn đề an tử và trợ tử vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi
vì câu trả lời tùy thuộc vào nhân sinh quan (triết học, nhân học) và vào lương
tâm (đạo đức học, tôn giáo) của mỗi người. Thế nhưng, nếu quyết định trợ giúp
an tử/ trợ tử hoàn toàn vì lý do thực dụng (có lợi ngay trước mắt) thì là xúc
phạm đến giá trị sự sống, đến nhân phẩm của bệnh nhân. Vì thế, một lần nữa tôi
khẳng định quan điểm của cá nhân tôi là không nên sử dụng an tử/ trợ tử, ngay cả
khi người bệnh yêu cầu, và nếu được thì nên áp dụng biện pháp dung hòa như đã
nói trên. Nguyện xin Chúa ban phước cho bạn!
THƯ MỤC
Baruch A. Brody, Suicide
and Euthanasia: Historical and Contemporary Themes, Philosophy and Medicine 35.
R. G. Frey và Sissela Bok, Euthanasia and Physician-Assisted Suicide: For and Against. United Kingdom: CambridgeUniversity Press, 1998.
Kevin O'Rourke, Value
Conflicts Raised by Physician-Assisted Suicide, LinacreQuarterly, 1990.
Richard
J. Devine, Good Care, Painful Choice. New Jersey: Paulist Press, 1966.
Nguyễn Ngọc Lan, Trợ Tử-
Cái nhìn đúng đắn, từ trang web:
Kinh Thánh nói gì về
An tử/ Trợ tử, từ trang web:
Lm Phero Trần Mạnh Hùng, An
tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý, NXB Tôn Giáo, 2004.
Jeff McMahan, The
Ethics of killing, Oxford University press, 2002.
Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Lời
thề Hippocrates – Lời thề Y đức của các tân Bác Sĩ Sài Gòn xưa, từ trang
web: https://dansaigon.com/2018/11/25/loi-the-hippocrates-loi-the-y-duc-cua-cac-tan-bac-si-sai-gon-xua/
Leon Kass, Ts. Y khoa,
Should Euthanasia or Physician-Assisted
Suicide Be Legal?, từ trang web:
Andrew Goddard, A
Pocket Guide to Ethical Issues, Lion Hudson, 2006.
Tự điển Thánh Kinh-
Lòng Thương Xót, Vietbible 3.0.
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết, Tại
Sao Không Nên Hợp Pháp Hoá Trợ Tử, từ trang web: http://vietcatholicsydney.net/vietcatho/newsdetail/Hoi-Dap-21/Tai-Sao-Khong-Nen-Hop-Phap-Hoa-Tro-Tu-(Euthanasia)456/
Tú Anh, Nhiều quốc gia
trên thế giới công nhận “quyền được chết”, từ trang web: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhieu-quoc-gia-tren-the-gioi-cong-nhan-quyen-duoc-chet-1430436532.htm
“Quyền được chết tạo
áp lực khủng khiếp cho y, bác sĩ - Tuổi Trẻ Online”. Web: Tuổi Trẻ Online.
“Quyền được chết - an
tử và trợ tử”. Web: Dân Trí.
[1] Baruch A. Brody, Suicide and Euthanasia: Historical and
Contemporary Themes, Philosophy and Medicine 35, trang 9.
[2] R. G. Frey
và Sissela Bok, Euthanasia and
Physician-Assisted Suicide: For and
Against. (United Kingdom: CambridgeUniversity Press, 1998), trang 110- 111.
[3] Kevin
O'Rourke, "Value Conflicts Raised by
Physician-Assisted Suicide." LinacreQuarterly 57 (1990): trang 39-40.
[4] Richard J.
Devine, Good Care, Painful Choice. (New
Jersey: Paulist Press, 1966), trang 198.
[5] Nguyễn Ngọc
Lan, Trợ Tử- Cái nhìn đúng đắn, từ
trang web:
http://hockiquandoi.vn/goc-nhin-da-chieu-tro-tu-chi-ung-ho-khi-co-cai-nhin-dung-dan/,
đăng ngày 18/10/2015, truy cập ngày 15/3/2019.
[6] Bác sĩ
Jack Kevorkian bị truy tố vì trợ giúp một bệnh nhân vô phương cứu chữa kết liễu
mạng sống. Trước khi bị kết án tù vào năm 1999 vì tội giết người, ông tuyên bố
đã thực hiện việc này cho 130 người. Vụ Kevorkian gây chấn động và đến nay việc
làm của ông vẫn còn được công luận bàn tán, mổ xẻ.
[7] Kinh Thánh nói gì về An tử/ Trợ tử, từ trang
web:
https://www.gotquestions.org/Viet/an-tu-tro-tu-lam-chet-khong-dau-don.html.
Không có tác giả, không ghi ngày đăng. Truy cập ngày 15/3/2019.
[8] Lm Phero Trần
Mạnh Hùng, An tử và trợ tử dưới nhãn quan
thần học luân lý, NXB Tôn Giáo, 2004, trang 80.
[10] Bác Sĩ Đỗ
Hồng Ngọc, Lời thề Hippocrates – Lời thề
Y đức của các tân Bác Sĩ Sài Gòn xưa, từ trang web
https://dansaigon.com/2018/11/25/loi-the-hippocrates-loi-the-y-duc-cua-cac-tan-bac-si-sai-gon-xua/,
không ghi rõ ngày đăng. Truy cập ngày 15/3/2019.
[11] Leon Kass,
Ts. Y khoa, Should Euthanasia or Physician-Assisted Suicide Be Legal?, từ trang
web https://euthanasia.procon.org/view.source.php?sourceID=000929, đăng ngày
1/6/2009. Truy cập ngày 16/3/2019.
[13] Andrew
Goddard, A Pocket Guide to Ethical Issues,
Lion Hudson, 2006, trang 207- 212.
[15] Tú Anh, Nhiều quốc gia trên thế giới công nhận “quyền
được chết”, từ trang web
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhieu-quoc-gia-tren-the-gioi-cong-nhan-quyen-duoc-chet-1430436532.htm
, đăng ngày 23/4/2014. Truy cập 16/3/2019.
[16] “Bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần
linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” Truyền Đạo 12: 7
[17] Lm Phero Trần Mạnh Hùng, An tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân
lý, nxb Tôn Giáo, 2004, trang 168.
[19] Lm FX Nguyễn
Văn Tuyết, Tại Sao Không Nên Hợp Pháp Hoá
Trợ Tử, từ trang web
http://vietcatholicsydney.net/vietcatho/newsdetail/Hoi-Dap-21/Tai-Sao-Khong-Nen-Hop-Phap-Hoa-Tro-Tu-(Euthanasia)456/
, không rõ ngày đăng. Ngày truy cập 16/3/2019.
[20] “Quyền được chết tạo áp lực khủng khiếp cho
y, bác sĩ - Tuổi Trẻ Online”. Web: Tuổi Trẻ Online. Đăng ngày 27 tháng 4
năm 2015. Truy cập 16 tháng 3 năm 2019.
[21] “Quyền được chết - an tử và trợ tử”.
Web: Dân Trí. Đăng ngày 29 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 3
năm 2019.
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..
1 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :
Tôi đồng thuận với ý kiến không dùng biện pháp nào đó để chấm dứt cuộc sống một con người!
Đăng nhận xét
NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!