Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.

Sứ Mạng Hội Thánh Tin Lành Kiền Bái

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A






Sứ Mạng Và Phương Cách Thực Hiện
Sứ Mạng Của Hội Thánh Tin Lành Kiền Bái


Dẫn nhập

Hội Thánh là cộng đồng của những người được Đức Chúa Trời kêu gọi biệt riêng ra khỏi thế gian, được cứu chuộc bởi Chúa Giê-xu, qua sự tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình, để trở nên dân thánh cho Đức Chúa Trời.[1] Vì cũng là một tổ chức tập hợp những con người trên đất nên Hội Thánh cần phải biết lý do tại sao mình lại hiện hữu trên đất.  Trong bài viết này, tôi trình bày “tại sao Đức Chúa Trời đã lập một Hội Thánh trên đất nầy?” hay nói cách khác rằng tôi trình bày “sứ mạng của Hội Thánh Đức Chúa Trời trên đất và phương cách thực hiện”, hầu cho chúng ta là người hầu việc Đức Chúa Trời trong Hội Thánh khiến Ngài vui lòng.

            Để hiểu được cho đúng về sứ mạng của Hội Thánh Đức Chúa Trời trên đất, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu khái niệm về sứ mạng là gì?

Theo từ điển cho biết “sứ mạng” – tiếng Anh là “Mission”[2],  là một nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng cần phải thực hiện của một tổ chức.[3]  Do vậy, khi nói sứ mạng của Hội Thánh Đức Chúa Trời trên đất là nói đến nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng mà Đức Chúa Trời cần “tổ chức” Hội Thánh phải thực hiện.  Đó là mục đích của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh hay cũng là lý do tại sao Hội Thánh của Ngài hiện hữu trên đất này.  Sứ mạng của Đức Chúa Trời trên đất đó là gì, cụ thể như thế nào?

Khi đọc hết Kinh Thánh, chúng ta thấy không có một sách, hay bất kỳ một phân đoạn Kinh Thánh nào nói một cách cụ thể và tỉ mỉ về sứ mạng của Hội Thánh Đức Chúa Trời trên đất.  Nhưng khi chúng ta đọc với tấm lòng hạ mình, nghiên cứu Kinh Thánh thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy những phân đoạn, những câu Kinh Thánh liên quan với nhau “tạo thành” sự toàn diện của sứ mạng Đức Chúa Trời muốn Hội Thánh cần phải thực hiện trên đất này.  Dưới đây là  một vài những phân đoạn, câu Kinh Thánh mà tôi trích dẫn để phần nào giúp chúng ta hiểu biết từng khía cạnh của sứ mạng đó là: Thờ phượng Đức Chúa Trời, gây dựng đức tin cho nhau và truyền giáo.



I. Thờ Phượng Đức Chúa Trời



            Để hiểu và nhận biết sự được thờ phượng Đức Chúa Trời sao cho phải lẽ, chúng ta cùng suy ngẫm định nghĩa của sự thờ phượng, hay sự thờ phượng là gì?

            1. Định nghĩa của sự thờ phượng

            Ý nghĩa của sự thờ phượng trong tiếng Hê-bơ-rơ là “Apat”, và “Xiaha”, có nghĩa là “phục dịch”, “quỳ lạy”, “phủ phục”, còn trong tiếng Hy lạp là “Proxquênêo”“Latryuô” với nghĩa “tiếp nhận”, “kính cẩn”, “bày tỏ tấm lòng tôn kính”.[4]  Trong tiếng Anh gọi thờ phượng là “worship”. Worship là từ ghép của “worth” có nghĩa là “giá trị” và từ “ship” có nghĩa là thân phận”. “Worship” mang ý nghĩa là hành động dâng lên Người có giá trị được tôn kính, quý trọng tối cao.  Theo những ý nghĩa trên cho thấy, sự thờ phượng Đức Chúa Trời là sự kính dâng những giá trị tối thượng nhất của con người lên Đức Chúa Trời.  Ông Sam Doherty nói về sự thờ phượng như sau: “Thờ phượng Đức Chúa Trời là chiêm nghiệm về Đức Chúa Trời trong tinh thần sùng bái, … là tập trung suy niệm về Đức Chúa Trời chứ không chú tâm vào nhu cầu hoặc phước hạnh của chính mình.”[5]  Ông nói tiếp: “Dĩ nhiên, cầu nguyện và ca ngợi có thể đan xen với thờ phượng, và có thể nằm trong phần thờ phượng.  Nhưng điều quan trọng là khi thờ phượng Đức Chúa Trời chúng ta tập trung ý nghĩ, lời nói lẫn cảm xúc vào Ngài.”[6]

2. Chúng ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời như thế nào?

            “Vì sao chúng ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời và chúng ta phải thờ phượng Ngài như thế nào?” Câu hỏi này chính là một trong những giáo lý nền tảng của Cơ-đốc giáo từ xưa đến nay.  Khi đọc Kinh Thánh chúng ta thấy một lẽ thật rằng: Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời vì đó là ý muốn của Ngài và vì cớ Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta- là những người thuộc về Ngài thì phải thờ phượng Ngài.  Chúng ta được lệnh phải tôn cao Chúa và tán dương danh thánh Ngài.  Thi Thiên 29: 2 chép: Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài; Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giê-hô-va”; trong 34: 3 chép rằng: “Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh Ngài” (xem thêm I Sử ký 16: 29; Khải huyền 14: 7)Và trong Giăng đoạn 4 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người thờ phượng Ngài (4: 23).  Là cộng đồng của những người tin thờ Chúa trên đất này, ý muốn của Đức Chúa Trời cho mỗi Cơ-đốc nhân nói riêng và Hội Thánh nói chung là chúng ta phải thờ phượng Ngài.  Đó là gương mẫu của người thuộc về Đức Chúa Trời.  Đó là hình bóng của sự thờ phượng trong cõi đời đời của nước Trời.  Hơn nữa, thờ phượng Ngài còn trổi hơn là một nhiệm vụ, vì chúng ta yêu thích, Hội Thánh yêu thích thờ phượng Ngài, thích “thể hiện” tình yêu của mình đối với Ngài qua sự thờ phượng.
            “Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời như thế nào?”- một câu hỏi thật quan trọng.  Nhiều Cơ-đốc nhân thật sự không hiểu rõ thờ phượng là gì, nên họ có mặt trong Hội Thánh mà không thờ phượng hoặc thờ phượng không đúng cách.  Chúng ta cùng quay trở lại với Kinh Thánh để lẽ thật soi sáng chúng ta,  giúp chúng ta biết cách thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời, hay là sự thờ phượng mà Chúa ưa thích, mà Ngài đang tìm kiếm. Cách thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời có bốn đặc tính sau:

                        a. Đức Chúa Trời đẹp lòng khi chúng ta thờ phượng cách đúng đắn
           
            Sự thờ phượng Đức Chúa Trời phải đặt trên nền tảng chân lý Kinh Thánh, chứ không phải trên quan điểm của bạn về Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu từng nói với người đàn bà Sa-ma-ri rằng: Những kẻ thờ phượng thật sẽ thờ phượng Cha [Đức Chúa Trời] bằng tâm linh và lẽ thật, vì họ là những người thờ phượng mà Cha [Đức Chúa Trời] tìm kiếm (Giăng 4: 23 NIV).  “Thờ phượng bằng lẽ thật” có nghĩa là thờ phượng Đức Chúa Trời theo đúng như điều Kinh Thánh bày tỏ về Ngài.

                        b. Đức Chúa Trời đẹp lòng khi chúng ta thờ phượng Ngài cách chân thật

            Khi Đức Chúa Giê-xu dạy: người thờ phượng Cha phải “thờ phượng bằng tâm linh” thì không phải Ngài ngụ ý Thánh Linh ở đây, mà Ngài muốn nói đến tâm linh của người thờ phượng, tâm linh của tôi và bạn! Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta là một thể chất có tâm lình và Đức Chúa Trời đã tạo ra tâm linh đó để tương giao với Ngài.  Thờ phượng tức là tâm linh của chúng ta đáp ứng lại Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
            Khi Chúa Giê-xu phán dạy rằng: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn … kính mến Chúa.”[7]  Ngài muốn nói rằng sự thờ phượng phải chân thật và xuất phát từ tấm lòng.  Đó không chỉ là nói những lời đúng đắn về Đức Chúa Trời; mà chúng ta còn phải đặt cả tấm lòng của mình vào đó khi nói nữa.  Lời ngợi khen thờ phượng vô tâm hoàn toàn không phải là lời ngợi khen! Đó là những lời vô ích và thậm chí còn xúc phạm Đức Chúa Trời nữa (Ma-thi-ơ 15: 7- 9).
            Khi chúng ta thờ phượng, Đức Chúa Trời không chỉ nghe những lời chúng ta nói, Ngài còn nhìn vào trong tấm lòng của mỗi chúng ta. Kinh Thánh chép: Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng (I Sa-mu-ên 16: 7b).
            Ngày nay có nhiều Hội Thánh, có nhiều người cho rằng được cảm động về phương diện tình cảm bởi âm nhạc là được Thánh Linh thăm viếng.  Hai điều này hoàn toàn khác nhau.  Sự thờ phượng thật diễn ra khi tâm linh của chúng ta đáp ứng lại với Đức Chúa Trời.  Vì trên thực tế trong nhiều Hội Thánh đang sử dụng những bài hát dễ “kích thích” đến cảm xúc của con người, điều này là không tốt, hãy loại đi những bài hát mà nội dung bài hát đó không dẫn con người thờ phượng hướng về Đức Chúa Trời và tôn cao Ngài.  Thờ phượng không liên quan đến tình cảm cảm xúc, mặc dù có thể có liên hệ với cảm xúc.[8]  Sự thờ phượng Chúa trong Hội Thánh, hay cá nhân có tấm lòng thôi không đủ mà phải là sự kết hợp trọn vẹn giữa tấm lòng tâm thần và lẽ thật mới đủ.  Hội Thánh nhắm vào việc bày tỏ bản chất của Đức Chúa Trời một cách thích đáng, chứ không phải để thỏa mãn cảm xúc riêng của mình.[9]

                        c.  Đức Chúa Trời đẹp lòng khi chúng ta thờ phượng cách có suy nghĩ

            Mạng lệnh của Chúa Giê-xu “yêu Chúa với cả tâm trí” trong Mác 12: 30, cho thấy Đức Chúa Trời không đẹp lòng với việc hát Thánh ca theo thói quen của môi miệng, cầu nguyện cách chiếu lệ, hoặc những lời cảm thán vô tâm như “Ngợi khen Chúa” vì chúng ta không nghĩ ra được điều gì chúng ta nói lúc đó.  Thờ phượng Chúa phải có hiểu biết (I Cô-rinh-tô 14: 15), phải đặt tâm trí mình vào đó.  Thờ phượng Đức Chúa Trời không phải là chuyện huyền bí.  Thờ phượng đòi hỏi sự tham gia của tâm trí học biết về Ngài.  Thờ phượng liên quan đến trí khôn và đặt nền tảng trên lẽ thật tức là trên những điều chúng ta đã học và hiểu về Ngài qua Kinh Thánh.

                     d. Đức Chúa Trời đẹp lòng khi chúng ta thờ phượng cách thực tiễn

            Sứ đồ Phao-lô khuyên dạy rằng: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ” (Rô-ma 12: 1).
            Những từ ngữ có ý nghĩa về sự thờ phượng trong Kinh Thánh mà tôi đã trình bày trên đều là những từ được dùng khi đầy tớ phục vụ chủ nhân của mình.  Đầy tớ ngày xưa đều là nô lệ; họ phải kính cẩn quỳ gối mà hôn chân chủ của mình, nếu không thì phải phủ phục luôn dưới đất.  Khi kính cẩn với chủ nhân, họ không còn là mình nữa; thân thể và nhân cách của họ cũng không nhìn thấy nữa.  Lúc ấy chỉ thấy mỗi chủ nhân của họ, chỉ có mỗi thân thể và nhân cách của chủ nhân được thể hiện.  Sự thể hiện tấm lòng của nô lệ là dù ở đâu cũng chỉ có chủ nhân, dù làm gì cũng trên cơ sở nhân cách của chủ nhân suy nghĩ và hành động.  Nó được biểu hiện bằng sự cung kính quỳ gối, hôn chân chủ nhân của mình.[10]  Sự thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời mà sứ đồ Phao-lô khuyên ở đây cũng vậy; đó là hành động làm cho con người thờ phượng không còn nữa, không tồn tại nữa, chỉ hoàn toàn hiện ra mỗi Đức Chúa Trời. Hay sự thờ phượng đòi hỏi cả tấm lòng, cả đời sống và mọi sự mà tôi có.  Đức Chúa Trời muốn bạn sống cho Ngài! Chúng ta phải hết sức sống đẹp lòng Ngài, hết sức sống cho Ngài, đó là điều thờ phượng phải lẽ!



II. Gây Dựng Đức Tin



            Khía cạnh quan trọng thứ hai của sứ mạng Hội Thánh là gây dựng tín đồ.  Dù Chúa Giê-xu nhấn mạnh về truyền giảng Phúc Âm nhiều hơn, nhưng việc gây dựng tín hữu về mặt logic thì phải có trước.[11]  Sứ đồ Phao-lô nhiều lần nói về sự gây dựng thân thể.  Như trong Ê-phê-sô 4: 12, ông cho biết rằng Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh những ơn khác nhau “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và gây dựng thân thể Đấng Christ”, các tín hữu trong Hội Thánh phải lớn lên trong Đấng Christ (4: 16).  Sự gây dựng trong Hội Thánh là việc của mỗi thành viên trong thân thể cùng xây dựng lẫn cho nhau chứ không riêng gì cho một ai, một chức vụ nào cả.
            Có nhiều phương cách chính mà qua đó những thành viên trong Hội Thánh được gây dựng. Một trong những cách đó là sự thông công.

            1. Thông công – Phục vụ

            Cơ-đốc nhân chúng ta được kêu gọi để thuộc về, không chỉ để tin.[12]  Chúng ta không được kêu gọi để sống những đời sống cô độc, nhưng chúng ta thuộc về một gia đình của Đấng Christ, là các thành viên trong thân thể Ngài. “Báp- têm” trong Đại mạng lệnh (Ma-thi-ơ 28: 18-20 ) không chỉ là một biểu tượng bên ngoài của sự cứu rỗi bên trong mà nó còn là biểu tượng bước vào mối thông công trong Đức Chúa Trời (Rô-ma 6: 1- 11, I Phi-e-rơ 3: 21).  Cơ-đốc nhân được kêu gọi vào mối thông công với Đức Chúa Trời (I Giăng 1: 3), với Đức Chúa Con là Đức Chúa Giê-xu (I Cô-rinh-tô 1: 9) và với Đức Thánh Linh (II Cô-rinh-tô 13: 14).
 Khi một người tiếp nhận Chúa Cứu Thế được mời đến tham dự, được báp-têm, Hội Thánh tôi đón nhận họ vào trong mối thông công của đại gia đình Đức Chúa Trời. Chúng ta không cơ đơn, chúng ta được nương dựa vào nhau như lời Chúa nói: “Dường ấy, anh chị em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2: 19). 
Từ “thông công” trong Kinh Thánh Tân ước là “koinonia” , theo nghĩa đen là có hay giữ mọi thứ làm của chung.  Trong Công-vụ các sứ-đồ đoạn 2: 42- 47; 5: 1- 11 cho chúng ta thấy các thành viên của Hội Thánh đầu tiên đã lấy của cải vật chất của riêng họ để làm của cải chung.  Sứ đồ Phao-lô đã chia sẻ cách cụ thể về sự thông công này trong Hội Thánh như sau: Họ chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng nhau, “trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (I Cô-rinh-tô 12: 26).  Trong Hội Thánh, chúng ta phải khích lệ và cảm thông với nhau. Các tín hữu phải mang lấy gánh nặng cho nhau (Ga-la-ti 6: 2).  Đôi khi sự thông công cũng đòi hỏi có sự sửa trịquở trách với tinh thần yêu thương (Ma-thi-ơ 18: 15- 17). Hãy nhớ sự kỷ luật trong I Cô-rinh-tô 5: 1- 2 không phải là trừ bỏ, tống khứ tín hữu đó ra khỏi Hội Thánh, nhưng mục đích để phục hồi người đó qua mối thông công trong tương lai với những tín hữu khác.
Nếu chúng ta nói sự thờ phượng Đức Chúa Trời chính là mối thông công, phục vụ Ngài thì sự quan tâm giúp đỡ, đáp ứng những nhu cầu của người khác được gọi là thông công phục vụ cho nhau.  Trong sự thông công phải có phục vụ.  Vì phục vụ là biểu hiện tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho những người khác qua mối thông công bằng cách đáp ứng nhu cầu và chữa lành những đau đớn của họ trong danh Đức Chúa Giê-xu.  Mỗi khi bạn đến với ai đó trong tình yêu thương là bạn đang phục vụ họ.  Hội Thánh là “cái nôi” vun đắp nhu cầu thuộc linh, tinh thần, tình cảm thậm chí có cả thuộc thể nữa.  Họ khích lệ đừng bỏ sự nhóm lại và hãy sống yêu thương và làm những điều tốt đẹp cho nhau (Hê-bơ-rơ 10: 24- 26).  Họ bày tỏ sự mến khách (Hê-bơ-rơ 13: 1-3).  Chính Chúa Giê-xu ở trên đất, Ngài phán dạy rằng ngay cả việc giúp đỡ tiếp đón nhau bằng một chén nước trong danh Ngài với tinh thần phục vụ thì cũng sẽ được ban thưởng rồi (Ma-thi-ơ 10: 42).  Cơ-đốc nhân cần thăm viếng trẻ mồ côi và người góa bụa trong hoạn nạn của họ (Gia-cơ 1: 27).  Họ quan tâm sức khỏe cho nhau như Lu-ca phục vụ cho sức khỏe của Phao-lô (II Ti-mô-thê 4: 11).  Họ đáp ứng nhu cầu vật chất cho nhau như Hội Thánh Phi-líp đáp ứng vật chất cho Phao-lô (Phi-lip 4: 6), như Hội Thánh Cô-rinh-tô đã giúp đỡ các thánh đồ nghèo ở thành Giê-ru-sa-lem (Rô-ma 15: 25- 27; I Cô-rinh-tô 16: 3; 8: 9).vvv… Đó là điều Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên đất được trang bị để các “thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch  [Bản dịch hiện đại là công tác phục vụ ]Ê-phê-sô 4: 12.

            Thật không may là nhiều Hội Thánh có rất ít sự thông công phục vụ thật. Thay vào đó, đa số thời gian được dành cho các buổi hội họp. Sự trung tín thường được định nghĩa chệch hướng sang sự hiện diện trong Hội Thánh hơn là sự phục vụ, và các thành viên thì chỉ ngồi, nghe, và … “lên men”!

  Tóm lại, Hội Thánh của Đức Chúa Trời hiện hữu trên đất để tạo mối thông công yêu thương khăng khít giữa các tín hữu với nhau.

2. Giảng- dạy lời Chúa

            Hội Thánh hiện hữu là để giảng- dạy lời Chúa vì Hội Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống là trụ và nền của lẽ thật (II Ti-mô-thê 2: 14).  Nơi đó có sự giảng- dạy lời Chúa.  Qua việc này đời sống đức tin của các tín đồ được tăng trưởng (Công vụ 11: 23, II Ti-mô-thê 3: 16).  Tín đồ trong Hội Thánh cần được nâng đỡ, cần được hướng dẫn, cần được sửa trị theo đúng lời Chúa.  Do vậy lời Chúa được giảng- dạy trong Hội Thánh phải ngay thẳng, không bị méo mó hay lệch lạc, phải đúng với lẽ thật là điều mà Đức Chúa Trời muốn dân sự Ngài được nghe.  Lẽ thật lời Chúa được giảng ra khiến cho tín hữu nhận được sự chữa lành (Mác 1: 40- 42), nhận được sự khích lệ (Mác 12: 41- 43).[13]  Cũng vậy, Sa-tan cùng tà linh của nó không thể đánh ngã được người đứng vững trong lẽ thật lời Chúa.  Lẽ thật lời Chúa được giảng ra cách ngay thẳng đem đến quyền năng biến đổi đời sống của tín đồ.  Năng lực lời Chúa kêu gọi họ, ban cho họ năng quyền để từ bỏ đi những cái cần loại bỏ trong cuộc đời mình mỗi ngày, và khiến họ có được đời sống nên thánh giống Chúa nhiều hơn.

            Như vậy lời Chúa được giảng trong Hội Thánh rất quan trọng đến đời sống tín hữu, Hội Thánh tôi luôn tìm mọi cách, mọi địa điểm để đem lời Chúa đến với mỗi hoàn cảnh của tín hữu, như giảng lời Chúa tại các nhóm (ban) ấu nhi, thiếu nhi, thanh niên, nhóm (ban) phụ nữ, trung tráng niên, nhóm các cặp vợ chồng trẻ và những nhóm nhỏ gia đình, nhóm tế bào dù chỉ hai hay ba người, vvv…  Để thúc đẩy mạnh, Hội Thánh tôi cũng chia sẻ lẽ thật lời Chúa qua những ấn phẩm sách, vở, tạp chí hàng quý và qua webstie … hầu cho mọi tín đồ đều có cơ hội học, đọc, nghe lời Chúa ở mọi nơi.

            Nhận biết tầm quan trọng đó nên chức vụ chia sẻ, giảng dạy lời Chúa trong Hội Thánh, trong các nhóm (ban), nhóm nhỏ, tế bào phải được huấn luyện.  Họ phải có tấm lòng ham học hỏi lẽ thật Kinh Thánh, họ lấy Kinh Thánh ‘làm vui thích’.  Họ phải được môn đồ hóa. Các trưởng nhóm hay trưởng ban và các trưởng tế bào phải được huấn luyện trong chương trình Cơ Đốc giáo dục của Hội Thánh qua trường Chúa nhật, các khóa học Kinh Thánh gắn hạn hay dài hạn, qua các lớp bồi linh “chuyên môn” và tấn tới qua các trường thần học.  Người hầu việc Chúa trong chức vụ chia sẻ, giảng dạy lời Chúa với tinh thần hạ mình học tập Kinh Thánh thì mới dẫn Hội Thánh đi đúng theo ý muốn lẽ thật mà Đức Chúa Trời khát khao dân sự được nghe được học và vâng theo, lời Chúa mới được giảng ra cách ngay thẳng và có quyền năng.

            Đây là điều mà Chúa Giê-xu đã phán trong đại mạng lệnh cho các sứ đồ ban đầu rằng hãy dạy cho các tín hữu “giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các người” (Ma-thi-ơ 28: 20).  Qua công tác huấn luyện giáo dục, nhiều tín hữu được trưởng thành tấn tới trong chức vụ trưởng nhóm, lãnh đạo, thầy giảng, mục sư, giáo sư, truyền giáo vvv… trong Hội Thánh. Họ tấn tới và có kết quả nhiều hơn trong chức vụ. Đó là một trong những “quà tặng” mà Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh. Chính họ sửa soạn và trang bị cho dân sự Đức Chúa Trời để phục vụ tốt hơn (Ê-phê-sô 4: 11-12).

            Công tác giáo dục huấn luyện này có thể mang nhiều hình thức khác nhau và thể hiện ở nhiều mục đích khác nhau.  Hội Thánh có bổn phận tận dụng mọi phương tiện và kỹ thuật chính đáng sẵn có ngày nay để tạo được sự nghiệp Cơ Đốc giáo dục ở Hội Thánh địa phương, hay thông qua các trường Chúa nhật chẳng hạn.  Một bước tiến nữa là Hội Thánh địa phương hợp tác với các Hội Thánh khác để xúc tiến các chương trình huấn luyện dạy dỗ cho các tín hữu.  Ví dụ các trường thần học Tin Lành như trường cử nhân thần học CMA, trường cử nhân thần học Trưởng Lão, Báp-tít, hay trường thần học BSFVN Online,… Các trường học đã lấy mục tiêu của mình như điều Phao-lô đã chỉ thị cho Ti-mô-thê rằng: Những điều con đã nghe nơi ta, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác (II Ti-mô-thê 2: 2).

            Như vậy để đạt được sứ mạng này của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh trên đất thì Hội Thánh tôi bắt đầu đối với tín hữu mới là: gây dựng đời sống đức tin họ qua lời Chúa trong những buổi nhóm nhỏ, buổi nhóm tế bào, trong các ban ngành của Hội Thánh.  Trong những buổi nhóm đó họ được thông công phục vụ lớn lên trong Hội Thánh như là đại gia đình của họ vậy.  Ngoài những buổi thờ phượng Chúa tại Hội Thánh, tôi có những khóa học Kinh Thánh ngắn hạn cho tín hữu mới từ 2- 3 tháng  cho đợt học đầu tiên “Khởi đầu niềm tin Cơ Đốc” (là giáo lý bap-tem- Quyển 1 ), sau đó một thời gian khoảng 6 tháng các tín hữu mới đó bắt đầu khóa học “Giáo lý nền tảng” (Quyển 2 )  kéo dài 12- 18 tháng.  Sau thời gian này, các tín hữu đó tấn tới học các khóa học bồi linh được tổ chức trong Hội Thánh hay liên hệ phái.  Song hành các tín hữu trong Hội Thánh tôi được tổ chức những đợt/ khóa bồi linh mang tính “nghiên cứu” Kinh Thánh, hầu cho mọi tín hữu trong Hội Thánh đều được gây dựng lớn lên trong Lời Chúa. Vì chính Lời Chúa cùng quyền năng Đức Thánh Linh tái tạo đời sống tín hữu trở lên giống Chúa nhiều hơn- họ đạt đến sự trưởng thành.  Khi tín hữu nào nhận được ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời cho các chức vụ của Hội Thánh, họ bắt đầu ở trong sự huấn luyện đào tạo “cao hơn” nữa  như: Khóa học Lẽ đạo Bất Biến của Kinh Thánh (Quyển 3) và Cuộc đời Chúa Cứu Thế (Thần học căn bản dành cho người hầu việc Chúa) được tổ chức ngay trong Hội Thánh - đó là 4 khóa học cơ bản nhất trong chương trình giáo dục Cơ đốc tại Hội Thánh địa phương tôi.  Tiếp đến, họ được cử đi học các khóa thần học của giáo hội hay liên hệ phái như: Trung cấp thần học, Cao đẳng thần học, Cử nhân thần học , vvv… Tôi thường khích lệ họ rằng: “Nếu thiếu đi tấm lòng hạ mình ham học hỏi Lời Chúa thì chức vụ của bạn đang dần đứng lại.” Điều này phải bắt đầu từ tôi- phải làm gương.
           
            Đến đây chúng ta đã biết sứ mạng của Đức Chúa Trời trên đất có liên quan đến chính Ngài là Hội Thánh phải thờ phượng Ngài.  Tiếp đến sứ mạng liên quan đến tín hữu là các tín hữu trong Hội Thánh được gây dựng, được huấn luyện đào tạo, được bổ nhiệm “sai đến” trong các chức vụ được Chúa kêu gọi. Cuối cùng sứ mạng đó liên quan đến thế giới là Hội Thánh phải truyền giáo.  Chúng ta cùng tìm hiểu định nghĩa truyền giáo, tại sao chúng ta phải truyền giáo và truyền giáo bằng cách nào?
           

III. Truyền Giáo


            1. Tại sao chúng ta phải truyền giáo?

            Truyền giáo Tin Lành là người được sai đi, “hãy đi” (Ma-thi-ơ 28: 19) nói, thuật lại, thuyết giảng, chia sẻ về Tin Lành – con đường cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho mọi người trong quyền năng Đức Thánh Linh.[14]  Là Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên đất này thì phải truyền đạt lời Chúa.  Trách nhiệm của Hội Thánh, của mỗi Cơ-đốc nhân là phải chia sẻ Tin Lành bất cứ nơi nào chúng ta đặt chân tới.  Chúng ta phải nói với toàn thế giới về sự giáng sinh, sự chết trên thập tự giá, sự phục sinh và lời hứa tái lâm của Đức Chúa Giê-xu Christ.  Chúng ta phải giảng Phúc âm, vì chính Ngài xem việc truyền giáo này chính là lý do cho sự hiện hữu của mỗi chúng ta.[15] 

            Tóm lại “tại sao chúng ta phải truyền giáo?” Có hai lý do chính chúng ta phải truyền giáo: Thứ nhất, lời kêu gọi truyền giáo Phúc âm là một mạng lệnh. Vì đại mạng lệnh đó được chép lại bốn lần trong sách Phúc âm (Ma-thi-ơ 28: 18-20; Mác 16: 15; Lu-ca 24: 47- 49; Giăng 20: 21) và một lần trong Công vụ (1: 8).  Nếu là môn đồ thật sự yêu Chúa thì chúng ta sẽ thi hành lời Ngài kêu gọi rao truyền Phúc âm- đây không phải là vấn đề có thể chọn lựa làm hay không làm.

            Lý do thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo đó là vì chính chúng ta khẳng định được “Chúa Giê-xu có thật, Ngài hằng sống và đang sống cùng chúng ta.”   Chúng ta hiện hữu trên đất này là để làm chứng về Chúa (Công vụ 1: 8).  Và chính Chúa hiện diện cùng chúng ta trên mỗi bước đường truyền giáo (Ma-thi-ơ 28: 20).  Vậy chúng ta truyền giáo bằng cách nào?

            2. Truyền giáo bằng cách nào?

            Có nhiều cách truyền giáo Tin Lành.  Một cách tổng quát và thường xuyên ở Hội Thánh tôi hay kết hợp và sử dụng là: Thứ nhất truyền giáo chung, có nghĩa là Hội Thánh tổ chức các chương trình truyền giảng Tin Lành trong các định kỳ hay vào kỳ đặc biệt như nhân dịp lễ Giáng Sinh, lễ Thương Khó vvv…

Thứ hai Hội Thánh tôi sai phái những môn đồ được huấn luyện đi ra từng đôi một đến những vùng, những nơi mà Tin Lành chưa được rao giảng dựa theo Lu-ca 10: 1- 2 và Rô-ma 10: 14 “Chưa nghe nói về Ngài thì tin làm sao; nếu chẳng ai được sai đi thì rao giảng thể nào?”  Họ được sai đi, đến những vùng đất mới, họ truyền đạo, mở điểm nhóm gia đình.  Sau một thời gian phát triển thiết lập Hội Thánh, rồi họ lại trở về nơi Hội Thánh đã sai họ đi.  Nhờ cậy ơn Chúa, cứ thế họ lại truyền giáo đến vùng đất mới khác. 

Cách thứ ba truyền giáo ở Hội Thánh tôi là truyền giáo cá nhân, mỗi tín hữu thực hiện việc chứng đạo.  Ngay sau khi họ tin Chúa (Giăng 1: 41- 42; 45- 46 ), họ tiếp tục làm chứng (bằng lời chứng cá nhân) bất luận gặp thời hay không gặp thời, họ nói về Chúa Giê-xu- con đường cứu rỗi của nhân loại hầu đưa người khác trở về với Chúa rồi đến Hội Thánh.

Khi những người mới tin Chúa Giê-xu, đưa họ bắt đầu đến những buổi thờ phượng Chúa. Trong Hội Thánh, họ được nghe sự giảng dạy lời Chúa.  Họ bước vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời, họ được thông công, họ được quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.  Tiến tới họ được huấn luyện trong công tác môn đồ.  Qua chức vụ này họ nhận được ơn kêu gọi của Chúa trong chức vụ, họ dự phần vào công việc nước Trời thông qua Hội Thánh.  Tôi không biết điều gì khác hơn, quan trọng hơn khi họ đáp ứng sự kêu gọi của Chúa bằng tấm lòng tận hiến cả cuộc đời của mình cho vương quốc Ngài trên đất.  Họ hầu việc Chúa không phải lợi ích cá nhân của họ, nhưng vì Đức Chúa trời muốn mọi người được cứu rỗi.  Và cứ như vậy, mỗi chức năng quan trọng được thực hiện là thờ phượng Đức Chúa Trời, gây dựng tín đồ và truyền giáo  thì Hội Thánh Chúa trên đất sẽ hoàn tất được sứ mạng của Đức Chúa Trời đã đặt để.


Kết luận


Qua bài viết này, tôi đã trình bày câu trả lời cho câu hỏi “tại sao Đức Chúa Trời đã lập một Hội Thánh trên đất nầy?” hay “sứ mạng của Hội Thánh Đức Chúa Trời trên đất và phương cách thực hiện như thế nào”.  Đó là điều then chốt và lý do cho sự tồn tại Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên đất này.  Hãy nhớ rằng sứ mạng đó liên quan trước tiên đối với Đức Chúa Trời là thờ phượng Ngài.  Đã là Hội Thánh của Đức Chúa Trời thì sứ mạng đầu tiên là phải thờ phượng Đức Chúa Trời, nếu không thờ phượng Đức Chúa Trời thì không phải là Hội của Đấng Thánh.  Khía cạnh thứ hai của sứ mạng là liên quan đến tín hữu. Nghĩa là trong Hội thì có người. Người trong Hội phải được gây dựng, lớn lên giống Chúa, được huấn luyện đào tạo cho chức vụ được Chúa  kêu gọi.  Khía cạnh thứ ba của sứ mạng là liên quan để thế giới- nghĩa là Hội Thánh phải truyền giáo, Hội Thánh phải “sai phái” người được đào tạo huấn luyện ra đi bắt đầu từ “Giê-ru-sa-lem, đến Sa-ma-ri và đến cùng trái đất”[16]

Đây là điều trọng yếu mà mỗi chúng ta cần phải nắm vững và thực hành, nếu chúng ta muốn Hội Thánh của Đức Chúa Trời giao cho chúng ta chăm sóc được phát triển một cách cân đối, hài hòa và làm đẹp lòng Ngài.  Nguyện Chúa Thánh Linh giúp đỡ chúng ta để phục vụ Chúa trong địa vị Chúa kêu gọi mình trong Hội Thánh địa phương một cách kết quả và đầy vinh hiển Danh Chúa.





THƯ MỤC


Gilkey Langdon. How the Church Can Minister to the World Without Losing Itself. New York:
Harper and Row, 1964.

Giáo Lý Nền Tảng. Thư Viện Tin Lành Hội Thánh Kiền Bái.

Lê Cao Qúy. Phước Âm Chiếu Chỉ. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2003.

Lee Jae Chol. Tân Tín Hữu.  Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008.

Millard J. Erickson. Thần Học Cơ Đốc Giáo Tập II. TP HCM: Nhà Xuất Bản Thời Đại, 2009.

Nguyên Văn Khôn. Từ điển Anh-Việt. Sài Gòn: Nhà Xuất Bản Khai Trí, 1952.

Những Bước Đầu Trong Niềm Tin Cơ Đốc. Văn phẩm nguồn sống.

Rick Warren. Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích. Thư Viện Tin Lành.

Sam Doherty. Những Điều Căn Bản Dành Cho Nhân Sự Cơ Đốc. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn 
Giáo, 2009.

Từ điển Tiếng Việt Online.  http://www.informatik.uni-leipzig.de






[1] Qúy Cao Lê, Phước Âm Chiếu Chỉ (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2003), 45.
[2] Khôn Văn Nguyên, Từ điển Anh-Việt (Sài Gòn: Nhà Xuất Bản Khai Trí, 1952), 998.
[3] Từ điển Tiếng Việt Online: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/
[4] Chol Jae Lee, Tân Tín Hữu  (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008), 174.
[5] Doherty Sam, Những Điều Căn Bản Dành Cho Nhân Sự Cơ Đốc (Hà Nội, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2009), 34- 35.
[6] Doherty Sam, Những Điều Căn Bản Dành Cho Nhân Sự Cơ Đốc, 35.
[7] Mác 12: 30
[8] Doherty Sam, Những Điều Căn Bản Dành Cho Nhân Sự Cơ Đốc, 44.
[9] Langdon Gilkey, How the Church Can Minister to the World Without Losing Itself (New York: Harper and Row, 1964) 104.
[10] Chol Jae Lee, Tân Tín Hữu , 174.
[11] Erickson J. Millard, Thần Học Cơ Đốc Giáo Tập II (TP HCM: Nhà Xuất Bản Thời Đại, 9/2009), 404.
[12] Warren Rick, Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích (Thư Viện Tin Lành), 108.
[13] Những Bước Đầu Trong Niềm Tin Cơ Đốc, (Văn phẩm nguồn sống ), 102.
[14] Giáo Lý Nền Tảng, (Thư Viện Tin Lành Hội Thánh Kiền Bái ), 140.
[15] Erickson J. Millard, Thần Học Cơ Đốc Giáo Tập II, 402.

[16] Công vụ các sứ đồ 1: 8







Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »