Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.

6 lý do bạn cần “Gia Đình Hội Thánh”?

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A








[HoiThanhKienBai Blog] Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho một Cơ Đốc nhân trở nên thiếu sự gắn kết với Hội Thánh địa phương. Nhưng cho dù nguyên nhân đó là gì, thì chúng ta đều hiểu rằng việc xa rời mối thông công với một Hội Thánh địa phương luôn có tác động tiêu cực tới đức tin của người đó.

Bài viết ngày hôm nay được trích từ cuốn sách Sống Theo Đúng Mục Đích của Rick Warren.  Chúng tôi xin được chia sẻ một phần của cuốn sách với mong muốn giúp các bạn hiểu hơn vì sao Hội Thánh địa phương chính là một Gia Đình của bạn, và những lý do vì sao việc trở nên gắn kết với Hội Thánh địa phương lại là việc quan trọng đối với mỗi một Cơ Đốc nhân:



Kinh Thánh nói rằng, một Cơ Đốc nhân không có Hội Thánh giống như một bộ phận không có thân thể, một con chiên lạc đàn, hay một đứa trẻ không có gia đình. Đó là tình trạng bất thường. Kinh Thánh chép:

“Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:19).
Nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân độc lập ngày nay đã tạo nên nhiều trẻ mồ côi thuộc linh – “những con thỏ tín nhân” nhảy từ Hội Thánh này sang Hội Thánh khác mà không có một cam kết hay trách nhiệm gì. Nhiều người tin rằng có thể làm một “Cơ Đốc nhân tốt” mà không cần gia nhập (hay thậm chí dự nhóm) tại một Hội Thánh nào, nhưng Đức Chúa Trời không đồng ý với việc đó. Kinh Thánh nêu ra nhiều lý do thuyết phục tại sao bạn cần phải gia nhập và tích cực trong một mối thông công địa phương.

Vậy Tại Sao Bạn Cần Một Gia Đình Hội Thánh?

1. Một gia đình Hội Thánh nhận định bạn là người tin Chúa thật: 


Tôi không thể tuyên bố mình đi theo Đấng Christ nếu không dự phần vào một nhóm môn đồ cụ thể nào đó. Chúa phán:

“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35).

Khi chúng ta cùng gom bó nhau lại trong tình yêu thương như một gia đình Hội Thánh từ nhiều nền tảng, chủng tộc, và địa vị xã hội khác nhau, thì đó là một lời chứng cho thế gian. Một mình bạn thì không thể là Thân Thể của Đấng Christ được. Bạn cần những người khác nữa mới thể hiện được điều đó. Hết thảy chúng ta, chứ không phải từng người một, là Thân Thể của Ngài.

2.Gia đình Hội Thánh đưa bạn ra khỏi chỗ “cô lập hướng ngã”: 


Hội Thánh địa phương là một lớp học dạy về cách hòa thuận trong gia đình của Đức Chúa Trời. Đó là phòng thí nghiệm để thực hành tình yêu không vị kỷ, cảm thông. Là một thành viên trong đó, bạn có thể học biết cách quan tâm đến những người khác và chia sẻ những kinh nghiệm của họ:

“Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (I Cô-rinh-tô 12:26).

Chỉ trong sự liên hệ thường xuyên với những tín nhân bình thường, bất toàn, chúng ta mới học được sự thông công thật và kinh nghiệm được lẽ thật Kinh Thánh Tân Ước nói về sự liên hệ và lệ thuộc lẫn nhau.

Sự thông công trong Kinh Thánh là hết lòng với nhau như thể chúng ta hết lòng với Đức Chúa Giê-su Christ. Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta phó cuộc đời mình cho nhau. Nhiều Cơ Đốc nhân biết Giăng 3:16 mà không biết I Giăng 3:16:

“Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.” (I Giăng 3:16)

Đây là loại tình yêu hy sinh mà Đức Chúa Trời muốn bạn bày tỏ cho những tín nhân khác, sẵn sàng yêu thương họ theo cách Chúa Giê-su đã yêu bạn.


Trong Gia Đình Hội Thánh, bạn tìm thấy mối thông công thật.

3. Gia đình Hội Thánh giúp bạn phát triển đời sống thuộc linh: 


Bạn sẽ không bao giờ trưởng thành nếu chỉ đi dự các chương trình thờ phượng và làm một khán giả thụ động. Chỉ có sự dự phần vào sinh hoạt của một Hội Thánh địa phương mới giúp bạn phát triển cơ bắp thuộc linh. Kinh Thánh chép,

“Khi các bộ phận thực hiện phần việc đặc biệt của mình, nó giúp các phần khác phát triển, và cả thân thể được khỏe mạnh, lớn lên và đầy dẫy tình yêu thương” (Ê-phê-sô 4:16b bản NLT-ND).

Có hơn năm mươi lần Thánh Kinh Tân Ước dùng cụm từ “lẫn nhau” hay “cho nhau.” Chúng ta được lệnh phải yêu thương nhau, cầu nguyện cho nhau, khích lệ lẫn nhau, khuyên bảo nhau, chào hỏi nhau, phục vụ lẫn nhau, dạy dỗ nhau, chấp nhận nhau, tôn trọng lẫn nhau, mang gánh nặng cho nhau, tha thứ lẫn nhau, chịu phục nhau, hết lòng vì nhau, và nhiều công việc hỗ tương khác. Đây là tư cách thành viên theo như Kinh Thánh dạy! Đó là “những trách nhiệm trong gia đình” mà Đức Chúa Trời muốn bạn làm trọn thông qua mối thông công địa phương. Bạn đang làm những việc này với ai?

Có vẻ như sống thánh khiết lại dễ dàng hơn khi không có ai khác làm trái ý thích của bạn, nhưng đó là sự thánh khiết giả tạo, chưa gặp thử thách. Sự cô lập sinh ra lừa dối; chúng ta dễ rơi vào chỗ tự lừa dối mình rằng mình đã trưởng thành nếu không có một ai đó thách thức chúng ta. Sự trưởng thành thật thể hiện qua các mối quan hệ.

Chúng ta không chỉ cần Kinh Thánh để tăng trưởng; chúng ta cần các tín nhân khác. Chúng ta tăng trưởng nhanh và mạnh hơn khi học hỏi lẫn nhau và chịu trách nhiệm về nhau. Khi những người khác chia sẻ điều Đức Chúa Trời đã dạy họ, tôi cũng học được và lớn lên.



4.Thân Thể Đấng Christ cần bạn: 


Đức Chúa Trời có một vai trò độc nhất cho bạn trong gia đình của Ngài. Đây được gọi là “chức vụ” của bạn, và Ngài đã ban ơn để bạn làm công việc này:

“Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung” (I Cô-rinh-tô 12:7).
Mối thông công địa phương của bạn là nơi Đức Chúa Trời đặt để bạn để khám phá, phát triển và sử dụng các ân tứ của mình. Bạn cũng có thể có một chức vụ rộng hơn, nhưng đó là phụ thêm vào chức vụ của bạn tại Hội Thánh địa phương. Đức Chúa Giê-su đã không hứa là Ngài sẽ xây dựng chức vụ của bạn; Ngài hứa sẽ xây dựng Hội Thánh của Ngài.

Bạn chia sẻ với sứ mệnh của Đấng Christ trong thế gian. Khi Chúa Giê-su còn trên đất, Đức Chúa Trời đã vận hành thông qua thân thể vật lý của Chúa Giê-su; ngày nay Ngài dùng thân thể thuộc linh của mình. Hội Thánh là công cụ của Đức Chúa Trời trên đất. Chúng ta không chỉ noi theo tình yêu của Đức Chúa Trời bằng cách yêu thương lẫn nhau; chúng ta cũng phải mang nó đến cho cả thế gian nữa. Đây là một đặc ân kỳ diệu mà chúng ta đã cùng nhau nhận lãnh. Là những thành viên trong thân thể của Đấng Christ, chúng ta là những bàn tay, đôi chân, đôi mắt, và trái tim của Ngài. Ngài vận hành thông qua chúng ta trong thế gian này. Mỗi người chúng ta đều có một đóng góp. Phao-lô nói với chúng ta rằng,

“Chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10).

5. Gia đình Hội Thánh sẽ giúp bạn khỏi sa ngã: 



Không một ai trong chúng ta được miễn cám dỗ. Nếu có cơ hội, bạn và tôi có thể phạm bất cứ tội gì. Đức Chúa Trời biết điều này, nên Ngài giao phó cho mỗi cá nhân chúng ta trách nhiệm nâng đỡ lẫn nhau. Kinh Thánh chép rằng,

“Hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau… hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 3:13).

“Hãy lo chuyện của anh đi” không phải là một câu nói Cơ Đốc. Chúng ta được kêu gọi và được lệnh để bước vào cuộc đời của nhau. Nếu bạn biết một ai đó đang chao đảo về thuộc linh, thì trách nhiệm của bạn là đi sau họ và đưa họ trở về với mối thông công. Gia-cơ nói với chúng ta rằng,

“Hỡi anh em, trong vòng anh em nếu có ai lầm lạc cách xa lẽ thật, mà có người khác làm cho nó trở lại” (Gia-cơ 5:19).

Một ích lợi khác của Hội Thánh địa phương đó là đem lại sự bảo vệ thuộc linh cho những người lãnh đạo tin kính. Đức Chúa Trời giao cho những người lãnh đạo bầy chiên trách nhiệm trông chừng, bảo vệ, phòng thủ và chăm lo cho sức khỏe thuộc linh của bầy mình. Kinh Thánh chép,

“Công việc của họ là tỉnh thức về linh hồn của các anh em và họ biết rằng họ chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:17 bản NLT-ND).

Sa-tan rất thích những tín nhân tẻ tách, phân rẽ khỏi cuộc sống của Thân Thể, xa rời gia đình của Đức Chúa Trời, và không có trách nhiệm đối với những người lãnh đạo thuộc linh, vì hắn biết rằng họ không được bảo vệ và bất lực trước mưu mẹo của hắn.

6. Đó là điều bạn phải chọn lựa: 


Khi một đứa bé ra đời, nó tự động trở thành một phần trong gia đình loài người toàn cầu. Nhưng đứa trẻ đó cũng cần phải làm thành viên của một gia đình cụ thể nào đó để được nuôi dưỡng, chăm sóc và lớn lên mạnh khỏe. Về phương diện thuộc linh cũng vậy. Khi bạn được tái sanh, bạn tự động trở thành một phần trong gia đình hoàn vũ của Đức Chúa Trời, nhưng bạn cũng phải trở thành một thành viên của hội chúng địa phương, vốn là một phần trong đại gia đình của Đức Chúa Trời.

Chỗ khác biệt giữa một người đi nhà thờ và một thành viên Hội Thánh chính là sự cam kết. Những người đi nhà thờ là những người quan sát từ những hàng ghế phụ; các thành viên là những người dự phần vào chức vụ. Những người đi nhà thờ là các khách hàng; các thành viên là những nhà đầu tư.

Những người chỉ đi nhà thờ muốn được nhiều lợi ích từ Hội Thánh mà không muốn chia sẻ trách nhiệm. Họ giống như những đôi trai gái muốn sống chung với nhau mà không muốn thành hôn.

Tại sao việc gia nhập một gia đình Hội Thánh địa phương lại quan trọng như vậy? Vì nó chứng thực bạn gắn liền với các anh chị em thuộc linh của mình trong thực tiễn chứ không phải lý thuyết. Đức Chúa Trời muốn bạn yêu thương những con người thật, chứ không phải những con người chỉ có trong suy nghĩ. Bạn có thể dành cả đời tìm kiếm một Hội Thánh hoàn hảo, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Bạn được kêu gọi để yêu thương những tội nhân bất toàn, giống như Đức Chúa Trời yêu thương vậy.

Trong Công Vụ, các Cơ Đốc nhân tại Giê-ru-sa-lem rất chi tiết trong cam kết của họ với nhau. Họ hết mình trong mối thông công. Kinh Thánh chép

“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công Vụ 2:42).
Ngày nay Đức Chúa Trời cũng mong muốn bạn cam kết bằng những điều như vậy.

Kết luận: 



Đời sống Cơ-đốc không chỉ có sự cam kết với Đấng Christ; nó bao gồm cả sự cam kết với các Cơ-đốc nhân khác nữa. Các Cơ-đốc nhân ở Ma-xê-đoan hiểu rõ điều này. Phao-lô viết

“Họ lại làm quá lòng trông cậy của chúng tôi, vì trước hết đã dâng chính mình cho Chúa, và sau lại cho chúng tôi, theo ý muốn Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 8:5).

Gia nhập vào một Hội Thánh địa phương là một bước tiếp theo rất bình thường khi bạn trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Bạn trở thành một Cơ-đốc nhân khi dâng phó chính mình cho Đấng Christ, nhưng bạn trở thành một thành viên Hội Thánh khi bạn cam kết chính mình với một nhóm các tín hữu cụ thể nào đó. Quyết định đầu tiên đem lại sự cứu rỗi; quyết định thứ hai đem tới mối thông công.

Bạn hãy xem thêm Sách Sống Theo Đúng Mục Đích  của Rick Warren để rõ hơn.

HoiThanhKienBai Blog
Sưu tầm và chỉnh sửa 






Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »