Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.

Những Từ Ngữ Mùa Giáng Sinh- 2

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A










Kính thưa quý thính giả,

Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta thường thấy hình ảnh của hang đá hay chuồng chiên, với hài nhi Giê-xu được đặt nằm trong máng cỏ. Có Ma-ri và Giô-sép ngắm nhìn hài nhi bên cạnh máng cỏ. Vây quanh cũng có các gã chăn chiên trong các bộ áo quần rách rưới lam lũ với những chiếc gậy đầu vòng trên tay, tương phản với ba nhà thông thái trong những y phục sang trọng rực rỡ, đang quỳ xuống để dâng lên hài nhi Giê-xu các món quà quý giá.

Địa danh “tiểu thôn Bết-lê-hem” thường được nhắc đến trong các bài thánh ca Giáng Sinh. Đây là nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sinh.

Có những sự kiện xảy ra trước đó, để rồi tại tiểu thôn này, trong một chuồng chiên, Ma-ri sinh hài nhi Giê-xu, lấy khăn bọc và đặt nằm trong máng cỏ.

Kinh Thánh có ký thuật, khi cô Ma-ri vẫn còn là trinh nữ, chưa hề ăn ở với người chồng hứa gả là Giô-sép, thì thiên sứ hiện đến, báo tin cô sẽ thụ thai do bởi quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa. Thiên sứ cũng hiện đến trong giấc mộng của Giô-sép, để giải thích cho ông về bào thai Giê-xu trong lòng của cô Ma-ri và khuyên ông chớ ngần ngại lấy cô làm vợ. Khi tỉnh dậy, Giô-sép làm y theo lời.

Khi sắp đến ngày Ma-ri sinh nở, xảy ra sự kiện hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ kiểm tra dân số khắp đế quốc La Mã, bắt buộc mọi người phải trở về quê quán để đăng tên vào sổ bộ. Thời bấy giờ, xứ Do-thái nằm dưới ách cai trị của người La-mã.

Giô-sép thuộc giòng họ của vua Đa-vít- vị vua Ysorael. Quê hương của vị vua lẫy lừng này là Bết-lê-hem, do vậy Bết-lê-hem còn được gọi là “thành Đa-vít”. Theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế, Giô-sép lúc ấy đang sống tại Na-xa-rét, đã cùng với Ma-ri đang mang thai, vượt một khoảng đường bộ cả trăm cây số, xuôi về hướng nam, trở lại nguyên quán của mình là Bết-lê-hem để đăng tên vào sổ.

Bết-lê-hem nằm cách thủ đô Giê-ru-sa-lem vài cây số, có những cánh đồng cỏ để nuôi chiên và là nơi hằng năm chuyên cung cấp chiên cho đền thờ Giê-ru-sa-lem để làm của tế lễ. Vua Đa-vít xuất thân tại đây, vốn là một người chăn chiên.

Vào thời điểm Chúa Giê-xu sắp giáng sinh, thời vàng son của vua Đa-vít đã qua đi gần hai ngàn năm; thành vua Đa-vít bấy giờ chỉ còn là một tiểu thôn bé nhỏ, hiu quạnh, nằm im lìm bên cạnh thủ đô Giê-ru-sa-lem.

Khi Giô-sép và Ma-ri vừa đến Bết-lê-hêm, thì cô chuyển bụng và sinh ra hài nhi Giê-xu tại đây, ứng nghiệm với lời báo trước của tiên tri Mi-chê hơn 700 năm trước đó rằng: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng” (Mi-chê 5:1)

Quý thính giả thân mến,

Tiểu thôn Bết-lê-hêm thường ngày im lìm vắng vẻ; nhưng kể từ khi hoàng đế Augustus ban chiếu chỉ kiểm tra dân số, những người tha phương khắp nơi trở về quê quán để đăng tên vào sổ bộ; cộng với các viên chức La-mã cũng đến nơi để thi hành công vụ, khiến cho một vài quán trọ tại đây đầy người và hết chỗ.
Do quán trọ không có đủ chỗ ở, Ma-ri phải sanh hài nhi Giê-xu, có thể tại một hang đá, có thể tại một chuồng chiên. Kinh Thánh, sách Lu-ca 2:7 có xác nhận rằng: “Nàng sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc hài nhi đặt nằm trong máng cỏ, vì quán trọ không còn chỗ”.

Máng cỏ là vật dụng thường thấy trong các chuồng chiên hay chuồng bò, để đựng cỏ hay rơm, là đồ ăn cho súc vật. Chắc vì không có được giường, nệm, hay nôi để đặt hài nhi, nên bắt buộc cô Ma-ri phải linh động ứng phó, lấy khăn bọc hài nhi Giê-xu rồi đặt nằm trong máng cỏ.

Chi tiết “quán trọ không còn chỗ”“máng cỏ” trong câu chuyện giáng sinh không phải là tình cờ ngẫu nhiên, nhưng Đấng Tạo Hóa muốn gởi một sứ điệp quan trọng đến mỗi chúng ta.

Cho dù loài người khước từ Đấng tạo dựng ra mình, chẳng dành một chỗ nào trong đời sống hay tâm hồn để tiếp đón, nhưng Ngài vẫn đến để bày tỏ tình yêu thương vô biên đến với mỗi chúng ta.

Cho dù “quán trọ không còn chỗ”, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu vẫn đến, vì Ngài đã sửa soạn thật nhiều chỗ ở trên thiên đàng cho nhiều người bằng lòng đến với Ngài.

Con Trời giáng thế, không phải trong nơi cung vàng điện ngọc, nhưng nơi chuồng chiên, là chốn thấp hèn nhất, để đưa tất cả mọi người, kể cả những người hèn hạ nhất, được trở về nơi vinh hiển cao quý nhất.


Kính thưa quý thính giả,

Ai nhận được vinh dự lớn lao ra mắt hài nhi Giê-xu trong đêm Con Trời giáng hạ?

Không phải các bậc lãnh đạo tôn giáo, cũng chẳng phải hoàng đế hay quý tộc, nhưng người chăn chiên nghèo khổ, lam lũ, thất học, hôi hám, rách rưới, bị tôn giáo loại bỏ, bị xã hội khinh thường, lại là những người có được vinh dự lớn lao tột cùng đó.

Kinh Thánh có ký thuật:
“...trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên.
Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi.
Thiên sứ bèn phán rằng:
“Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-Thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ”.
Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng:
“Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao,
Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”
Sau khi các thiên sứ lìa họ lên trời rồi, bọn chăn chiên nói với nhau rằng: “Chúng ta hãy tới thành Bết-lê-hem, xem việc đã xảy đến mà Chúa cho chúng ta hay”.
Vậy, họ vội vàng đi đến đó, thấy Ma-ri, Giô-sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ. (Lu-ca 2:8-16)

Tin vui cứu rỗi là cho tất cả mọi con người, không phân biệt một ai.
Thiên sứ báo tin giáng sinh cho những người chăn chiên nghèo khổ, bần cùng và vô vọng.

Khi lớn lên và bắt đầu thi hành chức vụ, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến và chữa lành người mù, người bại, người cùi; nâng đỡ những người cô đơn thất thế, rịt lành vết thương lòng của những ai mang nặng quá khứ đau thương, biến đổi tấm lòng những kẻ thâu thuế tham lam bị người đời khinh bỉ, bạn hy vọng cho kẻ cùng đường; vì lời mời của thiên đàng là cho bạn và cho tôi, cho tất cả mọi người đang khao khát được cứu rỗi, bất chấp hiện trạng của người đó hiện nay có ra sao đi chăng nữa.

Quý thính giả thân mến,

Sau khi Chúa Giê-xu đã giáng sinh, có các nhà thông thái, cũng rất có thể là các chiêm tinh gia, ở tận bên phương đông, theo ngôi sao Ngài dẫn đường, lặn lội tìm đến kinh thành Giê-ru-sa-lem và sau đó đến tận ngay tiểu thôn Bết-lê-hem, để bái lạy, mở các hộp châu báu, dâng lên hài nhi Giê-xu vàng, trầm hương và nhựa thơm.

Rất có thể, thói quen tặng quà cho nhau vào dịp Giáng Sinh xuất phát từ sự kiện các nhà thông thái đã lặn lội từ phương xa để tìm đến và dâng các lễ vật lên Con Trời.

Sự kiện các nhà thông thái tìm đến với hài nhi Giê-xu cho biết tin vui cứu rỗi đến từ Thiên Chúa là cho mọi dân tộc khắp mọi nơi trên thế giới, không hề bị giới hạn trong một ranh giới địa lý hay chủng tộc.

Chúng ta đã vừa điểm qua những nhân vật mà Kinh Thánh có đề cập đến trong sự kiện Giáng Sinh.

Thế còn Santa Claus hay Ông Già Nô-ên thì sao?

Bỏ qua những chi tiết huyền thoại như Ông Già Nô-ên sống ở Bắc cực với những người lùn; hàng năm cởi chiếc xe có tám con tuần lộc kéo, bay đi khắp nơi trên thế giới để phát quà cho các em nhỏ; thực ra đây là nhân vật có thật, sống vào khoảng năm 350 sau Chúa Giáng Sinh.

Ông Già Nô-ên chính là thánh Nicholas, giám mục của địa phận Myra, thuộc nước Lycia, hay Thỗ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ông là người vô cùng tốt bụng và giàu tình thương, dành trọn cuộc đời để giúp đỡ, cung cấp đồ ăn, thức uống, áo quần, chỗ ở và phương kế sinh nhai cho rất nhiều người nghèo khổ và nhiều trẻ em bất hạnh. Ông thường giúp đỡ kín đáo, như bỏ tiền vào các cửa sổ hay các đôi giày trước ngõ của các gia đình nghèo.

Có phải vì vậy mà mới sinh ra huyền thoại vào mùa Giáng Sinh, Ông Già Nô-ên thường lẻn đi vào nhà qua cột ống khói lò sưởi, bỏ quà vào các đôi vớ cho các em nhỏ vào lúc nửa đêm, khi các em đang ngủ say?

Xin mời các bạn tìm đọc Cuộc Đời Thật Của Ông Già Nô-ên  trong mùa Giáng Sinh năm 2010.

Còn truyền thống trưng bày một cây thông xanh, có treo các hình trang trí và các giây đèn chiếu lấp lánh, thoạt tiên xuất phát từ nước Đức.

Có người cho rằng, Martin Luther là nhà cải cách giáo hội vào thế kỷ 16, vào một đêm Giáng Sinh, trên con đường trở về nhà đầy tuyết phủ, ông bỗng bị thu hút trước ánh sáng lấp lánh tuyệt đẹp của một ngôi sao trên bầu trời cao, nhìn qua những cành lá đan nhau của một cây thông.

Để dựng lại nét lại tuyệt vời này cho vợ và con cùng thưởng thức, khi về nhà, ông bứng lên một cây thông ngoài vườn, đem vào vườn ươm cây, gắn trên các cành của cây thông này những ngọn nến đang cháy, để ngắm nhìn những tia sáng lấp lánh xuyên qua những cành lá thông.

Quý thính giả thân mến,

Ngày nay, trên cây thông của mùa Giáng Sinh, có nhiều hình trang trí đẹp mắt khác nhau, nhưng chắc chắn không thể nào thiếu một ngôi sao thật lớn, để nhắc lại ngôi sao dẫn đường năm nào, đã dẫn đưa các nhà thông thái từ bên phương trời đông xa xôi, tìm đến để ra mắt, thờ lạy và dâng những của lễ quý nhất lên Đấng Cứu Tinh của nhân loại vừa giáng sinh.

Kể từ đêm Giáng Sinh đầu tiên cho đến nay đã được hơn hai ngàn năm, Giáng Sinh đã trở thành mùa lễ hội lớn nhất trên thế giới, có pha trộn với rất nhiều truyền thống và tập tục khác nhau ở những quốc gia khác nhau.

Ước mong sao giữa muôn vàn xôn xao của mùa Giáng Sinh, với vô số sắc màu và âm thanh, bạn và tôi nhận lại được ngôi sao dẫn đường năm nào, để tìm trở về nơi tiểu thôn Bết-lê-hêm hiu quạnh, với hài nhi Giê-xu nằm trong máng cỏ, là trọng tâm chính của mùa lễ hội này, để nghe tâm hồn rung động xao xuyến vì tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho mỗi con người, dành cho riêng bạn, dành cho riêng tôi.

Kinh Thánh trong I Giăng 4:9-10 có chép: “Đây là cách Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương của Ngài giữa vòng chúng ta: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để nhờ Con ấy chúng ta được sống. Tình yêu thương ở trong điều này: Không phải chúng ta đã yêu kính Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài làm sinh tế hy sinh chuộc tội lỗi chúng ta”.

Merry Christmas! Chúc mừng Giáng Sinh!
Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri- Phát Thanh Hy Vọng





Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »