Chữ Thứ Mười Chín
KOQ (Cái lỗ của lưỡi rìu)
Số tiêu biểu: 100
|
Chữ nầy có nghĩa là cái lỗ của lưỡi rìu (để tra cán vào, phát âm như chữ Q).
Kinh Thánh ít đề cập đến nghĩa của chữ nầy, chỉ trong sách II Các Vua 6:1-5 kể về câu chuyện cái lưỡi rìu sút cán văng xuống nước, rồi lại nổi lên, đó là một phép lạ Ê-li-sê đã làm. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng đọc qua câu chuyện hay nghe nhiều tôi tớ Chúa giảng luận về phân đoạn Kinh Thánh nầy.
Lưỡi rìu và cái cán cả hai đều quan trọng, ích lợi một khi cái cán được lắp vào trong lưỡi rìu. Lưỡi rìu hạ cây đẵn gỗ chứ không phải cán, nhưng nếu không có cán thì lưỡi rìu cũng không thể đốn gỗ hạ cây được.
Câu chuyện trong sách II Các Vua 6:5 ghi lại sự mất rìu và tìm lại được của một chàng thanh niên vô danh. Phần nhiều tôi tớ Chúa khi giảng phân đoạn Kinh Thánh nầy đều chọn đề mục là: "Mất quyền phép của Thánh Linh và được lại".
Câu chuyện rất ngắn chỉ bày tỏ phép lạ "sắt nổi" trên mặt nước là việc hi hữu!
Theo thường tình thì khi lưỡi rìu văng xuống nước, chàng thanh niên nầy phải nhảy xuống sông lặn hụp mò tìm mới đúng. Nhưng anh ta lại kêu la với thầy mình, tỏ thật rằng lưỡi rìu đó anh mượn của người khác nên lo sợ vô cùng. Ðiều ấy khiến chàng ta lo sợ và la lên. Tiên tri nghe vậy không hề bực tức, cũng không quở trách hoặc la rầy học trò tại sao lại vô ý, bất cẩn v. v... như thói thường của các cấp lãnh đạo. Trái lại vị tiên tri khả kính chỉ hỏi lại một câu: "Nó rớt ở đâu?". Người bèn chặt một khúc gỗ quăng ngay xuống nước chỗ lưỡi rìu rớt khiến nó nổi lên tức khắc. Ðây là một phép lạ, một phép lạ độc nhứt trong Kinh Thánh: "gỗ chìm, sắt nổi". Chàng thanh niên tìm lại lưỡi rìu, tra vào cán cách cẩn thận chắc chắn hơn hầu công việc được tiếp tục.
Câu chuyện nầy đề cập đến bốn đối tượng: Chàng thanh niên, lưỡi rìu, tiên tri Ê-li-sê, khúc gỗ. Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu qua từng đối tượng.
Chàng thanh niên. Chàng thanh niên nầy là một người tốt, có lòng lo công việc chung, hiệp với anh em lo mở mang trường ốc. Chàng ta nghèo quá không có rìu phải đi mượn của người khác, khi có rìu lòng mừng khấp khởi. Có lẽ vì rìu mới mượn của bạn nên chàng không xem xét cẩn thận trước khi dùng. Không ngờ lưỡi rìu bị lỏng, chàng ta ráng sức chặt thật mạnh đến nổi sút cán rơi xuống nước. Nhưng chàng thanh niên nầy không phải là kẻ biếng nhác, nên rìu mất chàng ta không thể ngồi nghỉ để chờ đến giờ trở về lo ăn uống. Trái lại, chàng ta hốt hoảng, la lên. Khi được rìu thì bắt tay làm việc cách hăng hái hơn. Ðiểm quan trọng là lần nầy chàng sẽ cẩn thận xem xét lưỡi rìu, nêm lại cho chắc chắn để việc làm được bảo đảm hơn, công tác sẽ hoàn tất mà chàng ta cũng có rìu để trả lại cho bạn mình!
Theo các nhà giải kinh, trong câu chuyện nầy Chúa đã thi hành một phép lạ cá nhân cho chàng thanh niên. Cái rìu trong tay chàng thanh niên ví như sự xức dầu và quyền phép của Ðức Thánh Linh. Quyền phép ấy rất sắc bén bởi năng lực từ nơi Ðức Chúa Trời. Chàng ta không có rìu phải mượn của người ta. Chúng ta ngày nay cũng giống như chàng thanh niên ấy, chúng ta không có một khả năng, một ân tứ nào cả, mọi khả năng ân tứ mà chúng ta có là chúng ta "mượn" từ Ðức Chúa Trời. Nên nếu chúng ta có những quyền năng hay ân tứ thuộc linh nào thì phải cẩn thận giữ gìn để không bị mất. Có người được Chúa xức dầu và ban cho ân tứ giảng Tin lành cách đầy quyền năng. Có kẻ được ân tứ ngợi khen Chúa với một dọng ca du dương truyền cảm, người khác có khả năng viết lách bài vở khuyến kích người ta trên đường tin kính Chúa. Kẻ khác nữa có ơn chứng đạo, dắt đem nhiều người về với Chúa. Ðó là những cán rìu được tra vào lưỡi rìu thật bén, thật chắc chắn là những người được Ðức Thánh Linh hiệp tác với. Nhưng người được ơn nầy không nên khinh kẻ được ơn kia. Người được ơn chữa bịnh thì không thể chê kẻ có đức tin là không có Thánh Linh, hoặc người được ơn làm phép lạ cũng không có quyền khinh dể những kẻ có lời nói khôn ngoan v. v... Ðó là "các sự ban cho khác nhau" các "chức vụ khác nhau", các việc làm khác nhau, nhưng "chỉ có một Ðức Thánh Linh, một Ðức Chúa Trời, là đấng làm mọi việc trong mọi người". Song nếu một ngày nào đó chúng ta không cẩn thận để cho sự kiêu ngạo chen vào làm cho lưỡi rìu bị lõng, cuối cùng nó rớt ra khỏi cán, nhìn lại mình chỉ là một khúc gỗ vô dụng không có giá trị gì cả!
Ngày nay những cán rìu bị mất lưỡi nằm chồng chất trong hội thánh của Ðức Chúa Trời không phải là ít!!!
Lưỡi rìu. Như chúng ta biết sở dĩ lưỡi rìu sút ra khỏi cán là vì bị lỏng. Ðời sống chúng ta nếu ỷ lại vào khả năng mình, kiêu căng tự mãn, tự đắc tức là đã bị lỏng lơi, lưỡi rìu sớm muộn gì cũng bị rớt mất! Ân tứ Chúa ban cho chúng ta không phải là sự khuấy động, nhưng là sự bảo vệ vững chắc khỏi mọi sự lung lạc của đời hầu duy trì quyền năng của Thánh Linh suốt đời sống chúng ta.
Caruso là một danh ca nước Ý, ông ta có một giọng ca truyền cảm. Ông ta cho biết bí quyết để có một giọng ca luôn tuyệt diệu là phải cẩn thận gìn giữ, từ thức ăn, thức uống, giấc ngủ, sự tiếp xúc với bạn bè, kiêng cử những gì có hại cho sức khỏe, khiến giọng ca luôn luôn phong phú. Người ta nói rằng Caruso không ăn gì trước khi hát từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ, vì nếu ăn vào ông ta hát không hay.
Ðời sống chúng ta là một cái cán rìu, một khúc gỗ tầm thường không có giá trị gì. Ðược Chúa ban cho ân tứ, khả năng thì nên thận trọng giữ gìn, đừng làm buồn Thánh Linh, chúng ta phải hiệp tác với Thánh Linh. Phao-lô khuyên chúng ta nên "bước đi trong Thánh Linh" nghĩa là chúng ta phải lồng mình vào trong Thánh Linh như cái cán rìu tra vào "trong" cái lỗ rìu cách chặt chẽ. Nhờ Ngài chúng ta được sống, được quyền phép mà nên mạnh mẽ trong lòng.
Tiên tri Ê-li-sê. Tiên tri Ê-li-sê sẵn sàng giúp đỡ chàng thanh niên mất rìu. Ðức Chúa Trời cũng sẵn sàng giúp đỡ kẻ mất Thánh Linh để họ lại nhận được Ngài với điều kiện là người ấy phải chỉ đúng chỗ bị mất, phải đến tận nơi ấy nhận lại. Khi Ê-li-sê làm phép lạ khiến lưỡi rìu nổi lên rồi, chính ông không lấy lưỡi rìu trao cho chàng thanh niên. Ông chỉ truyền lịnh:" Hãy lấy nó đi" và người ấy đã "giơ tay ra và lấy nó". Một người muốn nhận lại quyền phép Ðức Thánh Linh tất nhiên phải có đức tin, bàn tay đức tin phải đưa ra tiếp rước Ngài, phải hạ mình xuống để nhận lại Ngài.
John Bunyan, tác giả quyển "Thiên Lộ Lịch Trình" (The Pilgrim's Progress) mô tả lúc Cơ-đốc đồ ngủ quên nơi chòi bị mất quyển Chứng Cớ (chỉ về Ðức Thánh Linh) mà vẫn không hề hay biết. Người đi một đỗi quá xa mới hay rằng mình đã mất quyển Chứng Cớ. Người hết sức buồn bực lo âu, tìm kiếm suốt cả đường đi. Cuối cùng người nhớ lại rằng mình đã ngủ một giấc ngon lành nơi chòi, đến khi tỉnh dậy thấy trời gần tối, lật đật cất bước lên đường nên không hay rằng quyển Chứng Cớ đã rớt mất tại nơi mình đã ngủ. Người liền trở lại nơi chòi mà gặp ngay quyển Chứng Cớ dưới đất. Người vui mừng quá đỗi đưa tay ra nhặt lấy quyển Chứng Cớ, cất kỹ vào mình, không dám sơ hở sợ rơi mất nữa. Ðó chỉ về tín đồ bị mất Thánh Linh và được lại.
Mất Thánh Linh mà biết buồn khổ, đau đớn cố tâm tìm kiếm Ngài chắc chắn sẽ tìm lại được. Nhưng nguy khốn thay cho ai là người mất Thánh Linh mà không hề biết, vẫn tự đắc cho mình là kẻ tài nghệ hơn người rồi sinh tâm ngạo mạn, ăn nói trịch thượng lại mong cho mọi người phải thán phục. Nếu không được như vậy thì bực tức, khó chịu, oán trách chê bai người khác là mù quáng không biết tài năng của mình để mà suy tôn ngưỡng mộ! Thật ra nào phải người ta không biết rõ, người ta biết rõ lắm. Người ta biết rằng người ấy chỉ là cái cán rìu bằng thứ gỗ đẹp, gỗ quý nhưng không có "lưỡi rìu". Người ấy cố tạo cho mình một địa vị trong Hội Thánh bằng những thủ đoạn riêng tư. Rốt cuộc người ấy chỉ "lấy bụng mình làm chúa mình" ai nói động đến một chút là quát tháo ầm ỹ, phiền muộn, giận hờn, gây rối cho hội thánh. Ðáng lý ra người ấy phải kêu la khóc lóc, xưng tội mình, xưng ra tội kiêu ngạo, tội khinh dễ kẻ khác, tội tự thị tự mãn để được Ðức Chúa Trời thương xót tỏ phép lạ cách cá nhân như chàng thanh niên trong chuyện nầy hầu cho người ấy nhận lại quyền phép Ðức Thánh Linh như trước thì thật là phước!
Khúc gỗ. Phép lạ Ê-li-sê làm tại sông Giô-đanh cho kẻ mất rìu được lại là "khúc gỗ".
Tiên tri không làm gì khác hơn là chặt một khúc gỗ quăng xuống chỗ lưỡi rìu rớt, tức thì lưỡi rìu bằng sắt nổi lên. Sắt chìm, gỗ nổi là lẽ tự nhiên, nhưng ở đây khi tiên tri quăng khúc gỗ xuống thì sắt lại nổi lên. Ðó là phép lạ. Khúc gỗ của Ðấng Christ trên cây gỗ mới có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi, khiến ta được tái sanh, được quyền phép Thánh Linh để hầu việc Chúa bởi quyền năng và ân tứ Ngài ban cho. Ðó không phải là một việc dễ, bèn là một phép lạ do chính Ðức Chúa Trời.
Chúng ta không quên câu chuyện lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, khi họ ra khỏi Ai cập vào đồng vắng. Họ đến một chỗ có nước nhưng nước lại đắng không uống được. Chúa truyền cho Môi-se chặt một khúc gỗ quăng xuống nước, nước liền hóa ngọt khiến dân sự uống được. Ðây cũng là hình bóng về quyền năng Thập Tự Giá. Thập tự giá của Ðấng Christ khiến lòng đau buồn trở nên vui vẻ, lòng cay đắng được ngọt ngào. Ðó là một phép lạ, phép lạ do Ðức Chúa Trời thực hiện. Môi-se cũng như Ê-li-sê, thừa hành mạng lịnh từ Ðức Chúa Trời, tức thì phép lạ xảy ra! Trở về trang đầu
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..