Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.

Lịch Sử Cơ Đốc Giáo Việt Nam

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A







Lời Nói Đầu


Cơ Đốc Giáo là tôn giáo của những người tin theo Chúa Jêsus Christ, những người này còn được gọi là Cơ Đốc Nhân (Christians hoặc Chrétiens). Lịch sử Cơ Đốc Giáo được hoài thai từ khởi thủy của loài người khi Thượng Đế hứa ban một Đấng Cứu Thế (Đức Chúa Jêsus) xuống trần trong chương trình cứu chuộc của Ngài cho cả nhân loại. Hội thánh đầu tiên được thành lập sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiêng và Ngài truyền lệnh cho các môn đồ "Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người." Từ đó trở đi, Hội thánh càng ngày càng phát triển ngay cả những lúc bị đàn áp và bắt bớ.
Giáo Hội Công Giáo La-mã thường được coi như tổ chức đầu tiên của Cơ Đốc Giáo sau các cơ cấu Hội Thánh đầu tiên. Kế đến các giáo hội khác được thành lập tách ra từ Công Giáo như Chính Thống Giáo, Anh Quốc Giáo, Tin Lành (Protestant). Tin Lành gồm nhiều hệ phái từ Lutheran đến Báp Tít (Baptist), Cơ Đốc Phục Lâm (Seventh Day Adventists), Giám lý (Methodist), Ngũ tuần (Pentecostal)... Đặc điểm chung của Cơ Đốc Giáo là việc công nhận Kinh Thánh như là nền tảng căn bản. Các giáo phái thêm hay bớt những sách của Kinh Thánh, có thể không được coi như Cơ Đốc Giáo chánh thống.
Phần lịch sử của Cơ Đốc Giáo ở Việt Nam sau đây gồm lịch sử Giáo hội Công Giáo La-mã, lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian & Missionary Alliance), lịch sử Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật (Seventh Day Adventists), lịch sử Hội Thánh Báp Tít Việt Nam và lịch sử Giáo Hội Mennonite. Nhiều giáo hội khác không được đề cập đến vì chúng tôi không có tài liệu đầy đủ.
Sau năm 1975, Cơ Đốc Giáo ở Việt Nam càng phát triển mạnh. Nhiều giáo hội khác đến Việt Nam cũng như có sự phát triển ở các cộng đồng người Việt Nam hải ngoại.
I. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo La Mã tại Việt Nam
II. Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
III. Lịch sử Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam
IV. Lịch sử Giáo Hội Báp Tít Việt Nam
V. Lịch sử Giáo Hội Mennonite tại Việt Nam

Chương 1: Lịch sử Đạo Công Giáo La-mã Tại Việt Nam


Không ai biết rõ đạo Công Giáo (còn được gọi là đạo Gia-tô, đạo Thiên Chúa) đã đến Việt Nam như thế nào. Theo truyền thuyết thì vào thế kỷ thứ hai, thứ ba... nhiều người Tây phương đến viếng Việt Nam trong đó có các thương gia, các linh mục Thiên Chúa Giáo. Những hoạt động của các nhà truyền giáo này không được ghi chép và không có bằng chứng nào cho biết là đã có người theo đạo lúc ấy mãi cho đến thế kỷ thứ 16.
Theo lịch sử chánh thức của triều đình Việt Nam (Khâm Định Việt Sử) thì từ năm Nguyên-hòa nguyên niên đời vua Trang-tông nhà Lê (1533) có chiếu chỉ cấm đạo Công Giáo ở Việt Nam. Chiếu chỉ này đã đề cập đến một người Tây phương tên I-Hi-Khu đã rao giảng đạo Thiên Chúa ở huyện Giao Thủy và Nam Chân tỉnh Nam Sơn (nay là Nam Định).
Đây là một giai đoạn xáo trộn về chính trị với sự phân tranh lãnh thổ: Nhà Mạc ở miền bắc và Nhà Lê ở miền nam (1527-1592); đất nước được thống nhất trên danh nghĩa dưới Triều Lê nhưng trên thực tế đã chia ra làm Đường Ngoài (miền bắc) thuộc chúa Trịnh và Đường Trong (miền nam) thuộc chúa Nguyễn (1592-1788).
Sử liệu không nói rõ là I-Hi-Khu đã bị trục xuất ngay lúc đó hay vẫn còn ở lại và tiếp tục chức vụ truyền giáo. Vào năm 1583, một phái đoàn gồm 8 linh mục dưới sự hướng dẫn của Cha Diego d'Oropesa đã đến viếng Việt Nam theo lời mời của vua Mạc Mậu Hợp. Phái đoàn đã đi từ Manila đến Quảng Yên và dùng đường thủy để đến thủ đô Thăng Long (Hà Nội). Dọc đường, tàu của họ đã bị một trận cuồng phong làm lạc hướng. Linh mục Bartholomeo Ruiz, một thành viên của phái đoàn trên trở lại Việt Nam năm sau và được quốc vương tiếp đón nồng hậu. Ông được nhà vua cho phép ở lại để truyền giáo.
Cha Ruiz và một số các linh mục Công Giáo, đa số là người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã đến Việt Nam trong thời gian này. Họ đã hoạt động tích cực và đem những nhân vật cao cấp của chính quyền trong đó có Công chúa Regent Mai Hoa trở lại đạo. Dầu vậy, ảnh hưởng của họ không được sâu rộng lắm trong quần chúng Việt Nam. Nguyễn Hữu Trọng, trong luận án tiến sĩ của ông dưới tựa đề "Nguồn gốc của hàng giáo phẩm Việt Nam" (Les Origines Du Clergé Vietnamien), đã viết như sau: "Nếu chúng ta xem xét những thành quả của việc truyền giáo trong giai đoạn tiên khởi này, chúng ta phải nhìn nhận rằng nó đã thành tựu một cách khiêm nhường. Có vài người chịu phép rửa tội (báp-têm), chưa đủ để tạo dựng một cộng đồng Cơ Đốc có thể gây dựng một Hội thánh tương lai".
Mãi cho đến năm 1624, khi một giáo sĩ người Pháp, một học giả tài ba lỗi lạc là Cha Đắc Lộ hay Alexandre de Rhodes đến Việt Nam, việc truyền giáo mới chuyển qua một khúc quanh quan trọng. Ông hoạt động cả miền bắc lẫn miền nam (Đường Ngoài và Đường Trong) trong 22 năm. Ông thành thạo ngôn ngữ, lịch sử và địa lý Việt Nam, nhất là đã hoàn tất việc chuyển đổi chữ viết Việt ngữ bằng cách dùng mẫu tự La-tinh. Với vài thay đổi và tu chỉnh sau này, Việt ngữ do ông soạn thảo đã thay thế chữ nho để trở thành quốc ngữ vào cuối thập niên 1910.
Linh mục Đắc Lộ trở về Ba-lê vào năm 1649. Ông thành lập Hội Thừa Sai (Societé des Missions Etrangères) để khuyến khích các nhà truyền giáo người Pháp đến vùng Viễn Đông. Vì thế, các giáo sĩ người Pháp càng ngày càng gia tăng và đã trở thành một thành phần nòng cốt của các giáo sĩ Công Giáo ở Việt Nam. Theo Đào Duy Anh, tác giả của quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, vào năm 1680, khoảng 30 năm sau khi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại được thành lập, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho rằng có đến 600.000 giáo dân ở miền nam (Đường Trong) và 200.000 ở miền bắc (Đường Ngoài). Các con số này không được xác nhận và dường như hơi cao hơn trên thực tế, vì sau hơn một thế kỷ, con số giáo dân trong toàn quốc sau nhiều lần tăng gia và phát triển đã không vượt quá 320.000 (theo Linh mục Phan Phát Huồn, một sử gia Công Giáo).
Hoạt động truyền giáo của Công Giáo vào cuối thế kỷ thứ 17 đến thời đại vua Gia Long năm 1802 thường gặp khó khăn. Sự thăng trầm này thường bắt đầu và chấm dứt với việc lên ngôi hay băng hà của các vị vua có thiện cảm hay ác cảm với tôn giáo nầy. Trong nhiều trường hợp, việc này tùy thuộc vào sự thay đổi quan điểm của các vị vua hoài nghi. Điển hình là trong đời chúa Trịnh Tráng, các linh mục Bồ Đào Nha được phép theo ông trong chuyến chinh phục miền nam để giảng đạo. Họ được phép mở các nhà thờ ở Hà Nội và các thành phố miền bắc khác. Nhưng khi ông biết rằng những đặc ân ông dành cho các giáo sĩ Bồ ĐàoNha đã không mang lại lợi lộc trong việc trao đổi kinh tế với nước này, Trịnh Tráng quyết định trục xuất các nhà truyền giáo. Ở miền nam, Cha Đắc Lộ là giáo sĩ đầu tiên tiếp kiến chúa Công Thương Vương, được người chấp nhận lễ vật và được phép kiều ngụ trong xứ. Tuy vậy chúa Công Thương Vương đã ra lệnh hành quyết 3 Thánh tử đạo là An-rê, Inhaxo, và Vinh Sơn cùng nhiều giáo dân khác (1644-1645).
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, ba anh em Nhà Tây Sơn (1788-1802), đã thống nhất sơn hà, dẹp bỏ chế độ cai trị của các Lãnh chúa ở miền bắc lẫn miền nam và chấm dứt chế độ nhà Lê. Mặc dù các vị vua nhà Tây Sơn không chống đối đạo Công Giáo, đa số các nhà truyền giáo đã phải rời bỏ Việt Nam vì chiến tranh. Trong thời gian này, hoạt động của các nhà thờ Công Giáo không được ghi chép đầy đủ. Học giả Trần Trọng Kim đã viết trong quyển Việt Nam Sử Lược rằng "trong thời Tây Sơn, vì đất nước bất yên, triều đình chú tâm vào việc chiến tranh và Công Giáo không bị cấm".
Chánh sách dễ dãi với Công Giáo này đã dần dần thay đổi trong những năm cuối. Lúc đầu quân lính Tây Sơn không có thiện cảm với các tôn giáo, họ không giúp đỡ các chùa, đền hay nhà thờ và Công Giáo cũng được coi như các đạo khác. Khi Giám mục Bá Đa Lộc thành Adran công khai ủng hộ Hoàng tử Nguyễn Ánh, đối thủ chánh của nhà Tây Sơn, chính quyền trong nam dưới thời Nguyễn Lữ, em của Hoàng Đế Quang Trung, bắt đầu bắt bớ Công Giáo: nhà thờ bị tàn phá, các giáo chức người Việt phải lẩn trốn trong rừng.
Trong 9 năm dưới thời Tây Sơn, số giáo dân giảm đi từ 100.000 xuống còn 60.000 ở miền nam. Tuy nhiên, nhiều bằng cớ cho biết sự sút giảm này là do ảnh hưởng tàn phá của chiến tranh đã làm cho dân số giảm xuống hơn là sự đàn áp của chánh quyền Tây Sơn.
Ở miền bắc và miền trung, Công Giáo được chấp nhận, không bị nhà Tây Sơn để ý trong lúc đầu cho đến khi Giám mục Labartette ở Thuận Hóa (Huế) nhận được mật thư của Hoàng tử Nguyễn Ánh sau khi ông đã chinh phục được miền nam. Vì lý do này mà 31 tín đồ Công Giáo bị giết trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Triệu, nhiều người khác phải lẩn trốn. Phản ứng khắc nghiệt của nhà Tây Sơn không phải là do sự chống đối ngoại kiều hay đạo Công Giáo mà do sự ủng hộ của Giám mục Bá Đa Lộc và các hàng giáo phẩm đối với Nguyễn Ánh. Linh mục Phan Phát Huồn, tác giả của Việt Nam Giáo Sử, là quyển lịch sử đầy đủ nhất của đạo Công Giáo ở Việt Nam đã đồng ý với quan điểm rằng "nếu Giám mục Bá Đa Lộc không giúp đỡ Nguyễn Ánh chinh phục đất nước, triều đình Tây Sơn sẽ không sát hại tín đồ Công Giáo".
Cuối cùng, Nguyễn Ánh đã thành công trong việc diệt trừ được nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy danh hiệu là Gia Long. Trong thời gian 18 năm đời vua Gia Long, Công Giáo được yên ổn và phát triển dù rằng nhà vua không theo đạo. Ông cũng không ban đặc ân nào cho Giáo hội. Ông thường biểu lộ lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo nhất là Giám mục Bá Đa Lộc, người đã hết lòng giúp đỡ nhà vua (dù rằng sau này Giám mục Bá Đa Lộc bị mất chức) cho đến khi ông qua đời. Trong đời vua Gia Long, Giáo Hội Công Giáo có 320.000 giáo dân, 119 Linh mục Việt Nam, 15 nhà truyền giáo ngoại quốc và 3 Giám mục. Điều đáng chú ý là 80 % các Linh mục và Giáo chức Việt Nam đều ở miền Bắc.
Sau khi vua Gia Long băng hà, Giáo hội Công Giáo chỉ được một thời gian yên ổn ngắn ngủi, từ năm 1820-1833, sau đó đã trải qua một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (1833-1883). Vua Minh Mạng đã ra chiếu chỉ cấm đạo Công Giáo trong toàn lãnh thổ vào ngày 6 tháng giêng năm 1833. Lịnh cấm chỉ này được các vua Thiệu Trị và Tự Đức theo đuổi: các nhà truyền giáo vào lãnh thổ bất hợp pháp để rao giảng đạo sẽ bị xử tử; các linh mục Việt Nam không bỏ đạo sẽ bị khắc chữ vào mặt và lưu đày; giáo dân bị cấm không được theo đạo, tuy nhiên họ không bị ám hại. Rất nhiều giáo sĩ ngoại quốc, nhiều giáo chức Việt Nam bị giết vì chính quyền địa phương tố cáo họ là những người nằm vùng, chính quyền trung ương càng tình nghi họ nhiều hơn, lại thêm các nhóm chống đối (chống Pháp) địa phương cũng nghi kỵ họ. Mãi đến khi hòa ước năm 1862 và 1874 ra đời, Việt Nam bị áp lực phải thâu hồi các lệnh cấm trên. Một sử gia Việt Nam, ông Phan Thanh Khôi đã viết: "Các vị vua Việt Nam đã chống đối Công Giáo không phải vì họ có chủ trương thái quá nhưng vì họ muốn bảo vệ sự thuần nhất của dân tộc về chính trị cũng như về đạo đức. Họ cho rằng người Công Giáo không thờ cúng ông bà là một đe dọa cho sự thuần nhất của quốc gia".
Có ít nhất 3 lý do khiến các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức có chánh sách khắt khe với Công Giáo.
1. Nguyên nhân thứ nhất là chính trị, có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất. Vua Minh Mạng, không phải là trưởng nam của vua Gia Long (Hoàng tử Cảnh là người kế vị đã mất tại Gia Định sau chuyến thăm viếng Ba-lê với Giám mục Bá Đa Lộc) và sự chọn ông để nối nghiệp đã bị một vài triều thần và các nhân vật có thiện cảm với Công Giáo chống đối. Cho đến ngày nay, nhiều người Công Giáo vẫn cho là sự chọn lựa này không hợp pháp, và chỉ có con của Hoàng tử Cảnh mới có quyền kế vị vua Gia Long. Sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng tỏ sự bất mãn đối với những người đã chống đối ông. Vì vậy, việc cấm chỉ đạo Công Giáo đã không làm ai ngạc nhiên.
2. Nguyên nhân thứ nhì là chủ trương của nhà vua muốn theo đạo truyền thống dân tộc như Khổng giáo, đạo thờ ông bà và như vậy ông chống đối các đạo ngoại lai mà ông cho là "tà giáo".
3. Lý do thứ ba cũng là lý do chính trị: vì chính sách bành trướng của các đế quốc thời đó nhất là nước Anh đã đô hộ Ấn độ và Miến điện trước đó mấy chục năm, và nước Pháp muốn bành trướng sự hiện diện ở Á Châu sau khi bị mất Ấn Độ vào tay Anh quốc. Các nhà truyền giáo bị coi là gián điệp và tín đồ Công Giáo bị coi như những người nằm vùng, họ không ngần ngại phản bội đất nước cho sự tự do tín ngưỡng.
Trong hòa ước 1862, Hoàng đế Việt Nam bị bắt buộc phải thừa nhận sự đô hộ của nước Pháp ở miền nam như được nêu lên ở điều thứ nhất: "Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I-pha-nho được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo đạo".
Sự tự do tín ngưỡng này không được dành cho dân miền trung và miền bắc. Họ vẫn còn bị cấm bởi chính quyền. Các nhóm ái quốc điển hình là nhóm Văn Thân đã tuyên bố rằng "Tín đồ Công Giáo đã bán nước cho thực dân Pháp. Một khi những kẻ nằm vùng này bị loại trừ, người Pháp sẽ không còn hậu thuẩn nữa ắt sẽ bị tiêu diệt". Nỗ lực của họ không ngưng cho tới năm 1884 khi hòa ước Patenotre đặt Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp, và sự tự do tín ngưỡng cho đạo Công Giáo được bảo đảm dưới hòa ước Giáp Tuất (1874) được tái xác nhận và thực thi. Giáo hội Công Giáo không bao giờ mất "sự tự do giảng đạo" và tiếp tục bành trướng trong thời gian Pháp thuộc. Vào năm 1932, Việt Nam có 13 giáo phận và tất cả đều do các giám mục ngoại quốc đảm nhiệm. Giám mục đầu tiên của Việt Nam là đức cha Nguyễn Bá Tòng được nhậm thánh chức vào năm 1933. Đây là một biến cố lịch sử cho hàng giáo phẩm Việt Nam vì trong gần bốn thế kỷ, những nhà truyền giáo Âu châu không cố gắng đào tạo những người lãnh đạo cũng như những linh mục trong nước theo tinh thần của các thánh đồ vào thế kỷ thứ nhất.
Một biến cố khác, 27 năm sau, vào năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đề cử 3 Tổng Giám mục giáo khu (archbishoprics) và các hàng giáo phẩm đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Đó là giáo khu Hà Nội với 8 giáo phận (diocese) do Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê, giáo khu Huế với 3 giáo phận (dioceses) do Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, giáo khu Sài-gòn với 5 giáo phận do Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình lảnh đạo. Trong số 16 Giám mục được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm cho các giáo phận trên, có 14 Giám mục Việt Nam.
Trên thực tế, Công Giáo là tôn giáo có tổ chức, hệ thống nhất ở Việt Nam ngày nay. Với 1.454.842 giáo dân ở miền nam và 833.468 giáo dân ở miền bắc, Công Giáo là một cộng đồng lớn nhất và mạnh mẽ nhất trong xã hội Việt Nam. Ngoài công việc truyền giảng và huấn luyện các giới lãnh đạo trong nước, Giáo hội Công Giáo với 24 giáo phận (orders) có được một hệ thống rộng lớn và hữu hiệu chuyên lo về vấn đề giáo dục và xã hội. Điều này đã làm cho hằng ngàn người trở lại đạo mỗi năm và đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới trí thức. (Trích dịch từ luận án tiến sĩ của Mục sư Lê Hoàng Phu, 1972).
Đạo Thiên Chúa dưới mắt sử gia Trần Trọng Kim
(Trích Việt Nam Sử Lược 1)
Nguyên khi xưa toàn xứ Âu-la-ba (Âu Châu) không có nhất định một tông giáo nào cả. Mỗi dân tộc thờ một vị thần riêng của mình. Thường hay lấy cái lực hoạt động của tạo hóa mà tưởng tượng ra các vị thần, rồi làm đền, làm đài, để thờ cúng. Như dân tộc Hi-lạp (Grec) và dân tộc La-mã (Romain) thờ thần Giu-bi-te (Jupiter), thần A-bô-lông (Apollon) và các vị thần khác vậy. Duy có dân tộc Do-thái (Juifs) ở đất Tiểu Á-tế-á, nay là đất Palestine đã được độc lập, chỉ thờ một vị thần gọi là Jéhovah ở thành Gia-lỗ-tán-lĩnh (Jerusalem). Dân ấy tin rằng thần Jéhovah sinh hóa vạn vật và người; cho nên người chỉ phải thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến đời dân La-mã đã kiêm tính được cả đất Tiểu Á-tế-á, đất bắc A-phi-lị-gia (Phi Châu) và đất tây nam Âu-la-ba, dân Do-thái cũng thuộc La-mã, mà đạo Do-thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia-tô ra đời, nhân đạo Do-thái mà lập ra đạo mới2 dạy người lấy sự yêu mến và tôn kính Thiên Chúa làm gốc, lấy bụng từ bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt. Từ đó về sau các môn đồ đem đạo ấy đi truyền bá các nơi. Ông Saint Pierre thì sáng lập giáo đường ở kinh thành La-mã, ông Saint Paul thì đi truyền đạo ở khắp trong nước.
Lúc đầu đạo Thiên Chúa bị nhiều phen vua La-mã nghiêm cấm, dùng cực hình mà giết các giáo sĩ và những người theo đạo mới, nhưng dầu nguy nan thế nào mặc lòng, các môn đồ cứ một niềm đi truyền đạo khắp bốn phương. Mãi đến đầu đệ tứ thế kỷ (313) vua La-mã là Constantin mới cho giảng đạo Thiên chúa ở mọi nơi trong nước. Từ bấy giờ trở đi đạo Thiên Chúa một ngày một thịnh, lập giáo hoàng để thống nhất việc giáo, đặt giám mục để coi việc giáo ở các nơi, lại sai giáo sĩ đi truyền đạo khắp trong thiên hạ: hễ ở đâu có người là có giáo sĩ đến dạy đạo. Bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà toàn Âu đều theo đạo Thiên chúa cả.
Ở bên Á đông ta thi từ đời nhà Đường (618-907) sử chép có Cảnh giáo3 tức là một phái Gia-tô giáo đã sang Tàu, nhưng vì bấy giờ đạo Phật đang thịnh, cho nên đạo Cảnh giáo mất dần đi. Mãi đến đời nhà Nguyên, nhà Minh mới thật có giáo sĩ sang giảng đạo Gia-tô ở nước Tàu.
Ở nước Nam ta từ khi đã có người Âu-la-ba sang buôn bán, thì tất là có giáo sĩ sang dạy đạo. Cứ theo sách Khâm Định Việt Sử, thì năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Trang tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức là Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy.
Sách Nam sử của Trương vĩnh Ký chép rằng năm bính thân (1596) đời ông Nguyễn Hoàng có người giáo sĩ Tây-ban-nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây-ban-nha cùng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi.
Đến năm ất mão (1615) đời chúa Sãi, giáo sĩ là P. Busomi lại đến giảng đạo, rồi đến năm giáp tí (1624) có giáo sĩ tên là Jean Rhodes, người Pháp-lan-tây, đến giảng đạo ở Phú xuân và lập ra các giáo đường. Năm bính dần (1626) đời vua Lê Thần-tông, giáo sĩ Baldinoti vào giảng đạo ở ngoài Bắc, bị chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi. Được ít lâu ông Jean Rhodes (Alexandre de Rhodes) ở trong Nam ra Bắc vào yết kiến chúa Trịnh và đem dâng cái đồng hồ quả lắc, chúa Trịnh cho ông Jean Rhodes được giảng đạo tại kinh đô.
Từ đó về sau các giáo sĩ cứ dần dần vào nước dạy đạo, mà người mình càng ngày càng theo đạo cũng nhiều. Nhưng vì nước ta tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tả đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không theo chỉ dụ ấy.
Cứ theo trong sử thì năm tân vị (1631) ở trong Nam, chúa Thượng là Nguyễn-phúc Lan cấm không cho người Tây vào giảng đạo ở trong nước.
Năm quí mão (1663) ở ngoài Bắc, chúa Trịnh là Trịnh Tạc bắt đuổi các giáo sĩ và cấm không cho người mình theo đạo Gia-tô.
Năm giáp thìn (1644) chúa Hiền ở miền Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Đà Nẵng.
Năm bính tí (1696) đời vua Lê Hi-tông, Trịnh Căn bắt đốt phá cả những sách đạo và nhà đạo ở các nơi và đuổi những người giảng đạo ra ngoài nước.
Năm nhâm thìn (1712) đời vua Lê Dụ-tông, Trịnh Cương bắt những người theo đạo Gia-tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ "học Hoa-lan đạo" (Hoa-lan tức là Hòa-lan (Hollande). Người Hòa-lan sang buôn bán ở ngoài Bắc trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa-lan. Vả lúc bấy giờ người Việt Nam ta không phân biệt được những nước nào, hễ thấy người Tây thì thường cứ gọi là Hòa-lan).
Năm giáp tuất (1754) đời Cảnh-hưng, Trịnh Doanh lại nghiêm cấm một cách rất ngặt, không cho người ta đi theo đạo, và lại giết cả các đạo trưởng và đạo đồ.
Từ đó về sau việc cấm đạo ngày một nghiêm, mà người đi giảng đạo cũng không lấy luật nước làm sợ, cứ cố sức dụ cho được nhiều người theo đạo. Rồi dần dần người trong nước phân ra bên lương bên giáo, ghen ghét nhau hơn người cừu địch. Vua quan thì thấy dùng phép thường không cấm được, mới dùng đến cực hình để mà trừng trị, giết hại bao nhiêu người vô tội.
Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta mà chỉ có việc buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến, vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn cấm; nhưng bởi vì khi đã quan hệ với việc sùng tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế lực mà đè nén nhau. Cũng vì thế cho nên nước ta không chịu suy xét lẽ phải trái cho kỹ càng, làm lắm sự tàn ác để đến nỗi mất cả sự hòa hiếu với các nước Tây dương và gây nên cái mối biến loạn cho nước nhà vậy.
1.Sự cấm đạo đời vua Minh Mạng
Từ khi vua Thánh-tổ (Minh Mạng) lên ngôi, ngài đã có ý không cho người ngoại quốc vào giảng đạo ở trong nước. Đến năm ất dậu (1825), khi chiếc tàu Thétis vào cửa Đà-nẵng, có một người giáo sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, vua Thánh-tổ nhân dịp ấy mới có dụ cấm đạo, và truyền cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa bể. Trong dụ nói rằng: "Đạo phương Tây là tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo".
Ngài lại sai tìm bao nhiêu những giáo sĩ ở trong nước đem cả về Huế để dịch những sách Tây ra chữ Việt Nam, chủ ý là không phải vì việc dịch sách, nhưng là để cho khỏi đi giảng đạo ở chỗ hương thôn.
Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh-tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo lại càng nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào mặc lòng, trong nước vẫn có người đi giảng đạo, nhà vua lấy điều đó làm trái phép, lại có ra dụ lần nữa truyền cho dân bên giáo phải bỏ đạo,và ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo sĩ phải xử giảo, và ở các nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo.
Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc, chổ nào cũng có giặc giã nổi lên, nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càng cấm nghiệt: từ năm giáp ngọ (1834) cho đến năm mậu tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và đạo đồ bị giết, nhất là từ khi bắt được cố Du (P. Marchand) ở Gia-định rồi, sự giết đạo lại dữ hơn trước nữa.
Nhà vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn điều ra để khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy quyền để giết hại bao nhiêu, thì dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của người ta không sao ngăn cấm được. Vả lại đạo Thiên chúa cũng là một đạo tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân ái, việc gì mà làm khổ dân sự như thế? Các giáo sĩ bây giờ cứ một niềm liều sống chết đi truyền giáo cho được, có người phải đào hầm mà ở dưới đất hằng mấy tháng để dạy đạo. Những người có chí bền chặt như vậy, thì hình phạt cũng vô ích mà thôi. Năm mậu tuất (1838), vua Thánh-tổ thấy cấm thế nào cũng không được những người đi giảng đạo trong nước, ngài bèn sai sứ sang Pháp để điều đình với chính phủ Pháp về việc ấy. Song khi sứ thần Việt Nam ta sang đến nơi, thì hội Ngoại quốc truyền đạo xin Pháp hoàng là vua Louis Philippe đừng tiếp - theo sách Histoire de la Cochinchine Francaise của ông Cultru -. Sứ thần ta phải trở về không; khi về đến Huế thì vua Thánh-tổ đã mất rồi.
2.Việc giao thiệp với nước Pháp đời vua Thiệu Trị
Từ khi vua Hiến-tổ (Thiệu Trị) lên trị vì, thì sự cấm đạo hơi nguôi đi được một ít. Nhưng mà triều đình vẫn ghét đạo, mà những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn giam cả ở Huế. Có người đưa tin ấy cho trung tá nước Pháp tên là Favin Lévêque coi tàu Héroine. Ông Favin Lévêque đem tàu vào Đà-nẵng xin cho năm người giáo sĩ được tha.
Qua năm ất tị (1845) là năm Thiệu Trị thứ năm có một giám mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Bây giờ có người quản tàu Mỹ-lợi-kiên ở Đà Nẵng xin mãi không được, mới báo tin cho hải quân thiếu tướng nước Pháp là Cécile biết. Thiếu tướng sai quân đem chiếc tàu Alcmène vào Đà Nẵng lĩnh giám mục ra.
Năm đinh vị (1847) quan nước Pháp được tin rằng ở Huế không còn giáo sĩ phải giam nữa, mới sai đại tá De Lapierre và trung tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Đà Nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo đạo mới.
Lúc hai bên còn đang thương nghị về việc ấy, thì quan nước Pháp thấy thuyền của ta ra đóng gần tàu của Pháp, và ở trên bờ lại thấy có quân ta sắp sửa đồn lũy, mới nghi có sự phản trắc gì chăng, bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy, rồi nhổ neo kéo buồm ra bể.
Vua Hiến-tổ thấy sự trạng như thế, tức giận vô cùng, lại có dụ ra cấm người ngoại quốc vào giảng đạo, và trị tội những người trong nước đi theo đạo.
Việc tàu nước Pháp vào bắn ở Đà Nẵng xong được mấy tháng, thì vua Hiến-tổ phải bệnh mất. Bấy giờ là tháng chín năm đinh vị (1847), năm Thiệu Trị thứ bảy. Ngài làm vua được bảy năm, thọ 37 tuổi, miếu hiệu là Hiến-tổ Chương-hoàng-đế.
3.Việc cấm đạo đời vua Tự Đức
Việc cấm đạo thì từ năm mậu thân (1848) là năm Tự Đức nguyên niên, vua Dực-tông mới lên ngôi, đã có dụ cấm đạo. Lần ấy trong dụ nói rằng những người ngoại quốc vào giảng đạo, thì phải tội chết, những người đạo trưởng ở trong nước mà không chịu bỏ đạo, thì phải khắc chữ vào mặt, rồi phải đày đi ở chỗ nước độc. Còn những ngu dân thì các quan phải ngăn cấm, đừng để cho đi theo đạo mà bỏ sự thờ cúng cha ông, chứ đừng có giết hại v. v...
Đến năm tân hợi (1851) là năm Tự Đức thứ tư, lại có dụ ra cấm đạo. Lần này, cấm nghiệt hơn lần trước, và có mấy người giáo sĩ ngoại quốc phải giết.
Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I-pha-nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.
4.Hoà ước năm Nhâm Tuất (1862)
Đến hôm 9 tháng 5 thì thiếu tướng Bonard và sứ thần nước Nam ta là ông Phan thanh Giản và ông Lâm duy Tiếp ký tờ hòa ước. Tờ hòa ước ấy có 12 khoản, khoản đầu tiên có liên quan đến tôn giáo:
1. Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I-pha-nho được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo đạo.
5.Hòa ước năm Giáp Tuất (1874)
Ngày 27 tháng giêng năm giáp-tuất (1874), là năm Tự-đức thứ 27, hải quân thiếu tướng Dupré và ông Lê Tuấn, ông Nguyễn văn Tường ký tờ hòa ước cả thảy 22 khoản, khoản IX lập lại việc giảng đạo.
Khoản IX. Vua nước Nam phải để cho giáo sĩ được tự do đi giảng đạo, và để cho dân trong nước được tự do theo đạo.

Chương 2: Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

I.Giai đoạn tiên khởi:
Tiến sĩ W. M. Turnbull, Phó Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã nói rằng: Bất cứ nơi nào mà việc truyền giáo bị khóa chặt, nghĩa là một nơi chưa được nghe rao giảng Tin Lành của Đấng Christ, thì sẽ thấy giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đến đóng trại trước ngạch cửa để chờ đợi, hễ có cơ hội là bước vào, câu nói đó rất đúng với trường hợp nước Việt Nam. Tại Đông Dương thuộc Pháp, Việt Nam là mục tiêu đầu tiên của Tiến sĩ A. B. Simpson ngay từ khi ông mới sáng lập Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp năm 1897. Các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp ở miền nam Trung Hoa luôn luôn hướng tầm mắt vào Việt Nam.
Năm 1887, Tiến sĩ A. B. Simpson đã viết trong tờ tạp chí "Word and World" như sau: Miền Bán đảo Đông Nam Á đã bị quên lãng từ lâu. Quốc gia Việt Nam cần được soi sáng Tin Lành của Đấng Christ. Tại sao những người phục vụ Cứu Chúa không đặt Việt Nam ngang hàng với Tây Tạng, thiết lập chiến trường thuộc linh mới, hầu tranh thủ nhiều linh hồn tội nhân về với Ngài.
Mùa hè năm 1893, Tiến sĩ David Leclaccheuz, cộng sự viên của Tiến sĩ Simpson đến thăm Sàigòn. Khi trở về, ông đã tường trình và cho biết cánh cửa tại Việt Nam cũng như toàn xứ Đông Dương thuộc Pháp đã mở cho việc giảng Tin Lành. Qua năm sau, Tiến sĩ Simpson cho biết rằng Sudan, Tây Tạng và Việt Nam là ba địa hạt truyền giáo quan trọng chưa được khai thác để qui sự vinh hiển về cho Cứu Chúa.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1897 mới chỉ có một giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp được phép bước chân vào Đông Dương thuộc Pháp để thăm viếng và chỉ vỏn vẹn thăm viếng mà thôi, không được truyền giáo. Đó là Giáo sĩ C. H. Reeves, từ Long Châu vượt biên giới Hoa Việt vào miền Bắc rồi đến Lạng Sơn. Khi trở về, ông đã phúc trình với Giáo Hội: "Tôi được các sĩ quan và binh sĩ Pháp tiếp đãi rất lịch sự. Họ ở đây rất đông, nơi nào có độ một trăm người dân thì có một đồn lính. Trong suốt thời gian ở miền Bắc, tôi được các binh sĩ Việt Nam và Pháp hộ tống".
Năm 1889, Giáo sĩ R. A. Jaffray tuy là tân Giáo sĩ ở miền nam Trung Hoa, nhưng lại đóng một vai trò rất đắc lực trong việc mở mang rao giảng Tin Lành tại Đông Dương. Giáo sĩ Jaffray cũng vượt biên giới Hoa Việt theo cách của Giáo sĩ Reeves, đi đường thủy theo sông Hồng Hà xuống tận thủ đô Hà Nội. Nhưng ông cũng chưa đặt được điểm tựa nào cho công việc truyền giáo. Năm 1901, ông về nghỉ hạn ở Mỹ, ông tìm gặp ông bà Lylvan Dayan người Gia Nã Đại thuộc Pháp, với hi vọng đề cử ông bà này sang Việt Nam, vì người nói tiếng Pháp vào xứ thuộc Pháp dễ dàng hơn người nói tiếng Anh. Sau đó Hội Truyền giáo sai phái ông bà Dayan qua Việt Nam. Năm 1902, họ vào hải cảng Hải Phòng với kế hoạch nhằm mở một trụ sở giảng Tin Lành tại Bắc kỳ, nhưng vì tình thế chưa thuận tiện, năm sau họ phải trở lại Trung Hoa.
Vào năm 1905, tỉnh Long Châu, thuộc địa hạt Hoa Nam, được dùng làm trung tâm truyền giáo. Họ hi vọng trạm này có thể dùng làm bàn đạp để đưa Tin Lành vượt biên giới Hoa Việt vào miền bắc Việt Nam. Nhưng về sau Hội Truyền Giáo nhận thấy cách nầy chỉ có thể giảng Tin Lành cho những người di cư sang lập nghiệp ở Trung Hoa, chứ không giảng trực tiếp cho dân tộc Việt Nam được. Vả lại người Pháp cũng không thích để Hội Truyền Giáo đi vào cửa sau bằng cách ấy, nên họ đã cho phép giáo sĩ vào một trong các hải cảng lớn ở Việt Nam.
Đến mùa xuân năm 1911, các Giáo sĩ R. A. Jaffay, Paul M. Hosler và G. Lloyd Huglers đến hải cảng Tourane, ở Trung phần Việt Nam. Họ mua được một cơ sở ở góc đường Khải Định, số 66 và đường Nguyễn Hoàng, số 67 để làm trụ sở truyền giáo, đó là trụ sở đầu tiên của hội. Sau khi hoàn tất công tác, họ trở lại Trung Hoa. Giáo sĩ Jaffray không được phép làm giáo sĩ thường xuyên tại Việt Nam, Giáo sĩ Huglers được gọi về Nữu-ước để lảnh nhiệm vụ cao trọng hơn nên chỉ còn Giáo sĩ Hosler trở lại Đông Dương một mình. Ông khởi sự học tiếng Việt và đồng thời bắt đầu giảng Tin Lành. (Trích quyển Bốn mươi sáu năm chức vụ, hồi ký của Mục sư Lê Văn Thái).
II.Sự thành hình của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:
Công việc gần như bị ngưng lại khi người Pháp trục xuất 5 trong số 9 giáo sĩ vào cuối năm 1915. Qua năm 1916, Giáo sĩ R. A. Jaffray, đại diện Hội Truyền Giáo vùng nam Trung Hoa và Đông Dương được quan Tổng Đốc Toàn Quyền hứa cho truyền giáo ở Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và ở miền Nam. Với số giáo sĩ khoảng 12 người, Hội Truyền Giáo đã mở các chi nhánh ở Hà Nội (1916) và Hải Phòng (1918) ở miền Bắc; Sài Gòn (1918), Sa Đéc (1922), Châu Đốc (1922), Cần Thơ (1922), Vỉnh Long (1926) và Biên Hòa (1926) ở miền Nam; Phnom Penh (1923) và Battambang (1923) ở Căm-bô-chia.
Sau 16 năm hoạt động, kết quả đầu tiên gặt hái được vào tháng 3 năm 1927: 74 Hội thánh với 4.236 tín đồ rải rác từ miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam và Cam-bô-chia đã kết hợp với nhau thành Hội Tin Lành Đông Pháp (Evangelical Church of French Indochina). Vào năm 1936, khi nội quy của Hội thánh được tu chính lần đầu tiên, danh hiệu được thay đổi là Hội Tin Lành Việt Nam Đông Pháp. Sau đệ nhị thế chiến, danh từ Đông Pháp được bỏ đi. Vào năm 1950, theo quyết nghị của Hội Đồng Tổng Liên, danh xưng được đổi lại là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Cũng nên chú ý rằng ngay từ đầu, các tín hữu Việt Nam với tinh thần tự lập rất cao, thay vì dùng tên chung là Hội Phúc Âm Liên Hiệp như các quốc gia khác, đã dùng danh xưng là Hội Thánh Tin Lành (Evangelical Church).


Hội đồng lần thứ 4 nhóm tại Tourane năm 1927



Ban Chấp hành Truyền giáo Việt Mỹ năm 1927
Bắt đầu từ năm 1924, mỗi năm đều có Hội đồng tại Tourane để khuyến khích, giúp đỡ sự tăng trưởng thuộc linh của các tín đồ và tôi tớ Chúa người Việt Nam. Năm 1927, Hội đồng cũng nhóm họp ở Tourane từ ngày 5 đến ngày 13 tháng 3 với lớp mãn khoá đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane (Đà Nẵng). Hội đồng này đã quyết định kết hợp các Hội thánh ở miền Bắc, Trung, Nam và Cam-bô-chia như trên. Có 50 đại biểu, trong đó có 4 chấp sự, đại diện cho 7 Hội thánh tự trị tự lập và 60 Hội thánh chi nhánh. Các đại biểu bàn luận việc soạn thảo nội qui, nâng cao cương vị của Giáo hội, tìm cách để chính quyền thừa nhận. Cùng với 70 người tham dự cả nam lẫn nữ, các đại biểu đã dâng một số tiền tổng cộng là 148 đồng 80 xu cho các chi phí của Hội đồng. Hội đồng cũng quyết định kêu gọi các Hội thánh địa phương dâng hiến 5.000 đồng để xây cất cư xá cho các sinh viên và các cơ sở khác của Trường Kinh Thánh Tourane. Ban chấp hành lâm thời, nhiệm kỳ một năm, gồm Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Hội trưởng; Mục sư Trần Dỉnh, Phó Hội trưởng, Mục sư Dương Nhữ Tiếp, Thơ ký; Ông Trần Thành Long, Thủ quỷ; và Mục sư Lê Văn Long, hội viên. Hội đồng cũng đề cử một ban để hoạt động chung với Ban truyền giáo của Giáo hội C&MA, ban truyền giáo này gồm có các Giáo sĩ J. D. Olsen, E. F. Irwin, W. C. Cadman, D. I. Jeffrey và I. R. Stebbins (thân phụ của Giáo sĩ Thomas Stebbins, Tôn Thất Bình).
Năm 1928, Hội đồng tái nhóm, chấp thuận một nội qui đầu tiên của Giáo hội với 37 chương và 156 phần. Trong đó Hội dồng chấp thuận nguyên tắc bốn giáo lý (doctrines) biểu hiệu bởi bốn dấu hiệu: Thập tự giá, Chim bồ câu, Bình nước và Mão triều thiên vẫn còn dùng cho đến ngày nay.
III.Sự bắt bớ đạo Tin Lành:
Điều quan ngại nhất của Ban Chấp Hành là việc giao tiếp của Hội Tin Lành Đông Pháp thời ấy với Triều Đình Việt Nam và chính quyền người Pháp. Nhiều cản trở trong hoạt động của các giáo sĩ Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (C&MA) và sự cấm chỉ giảng đạo trong thập niên 1920 của Triều Đình Việt Nam đã được vua Bảo Đại tiếp tục theo đuổi. Vào ngày 26 tháng giêng năm 1928, Hội Đồng Cơ Mật của nhà vua đã ra chỉ dụ cho các quan địa phương như sau:
"Theo phần thứ 13 của hòa ước năm 1884, chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới có quyền giảng đạo ở Việt Nam mà thôi. Các giám mục, linh mục, giáo chức thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã là những người duy nhất được giảng dạy. Chúng tôi được biết gần đây có một tôn giáo mới4, cũng như đạo Cao Đài ở miền Nam. Khi những tôn giáo này bành trướng thêm lên, sẽ có nhiều người lợi dụng, tạo các khó khăn trong đất nước và nhiều người có thể bị lường gạt như trường hợp của Võ Trụ và Trần Cao Vân trong năm qua5. Những người này lợi dụng danh nghĩa tôn giáo nhưng sự thật họ chỉ xúi giục dân chúng nổi dậy. Biết bao dân lành đã chịu khổ vì họ! Vì vậy từ nay tôn giáo mới và đạo Cao Đài phải bị cấm truyền giảng tại địa phương hay lưu động ở Việt Nam. Nếu ai bất tuân chỉ dụ này, phải trừng phạt người ấy theo như luật định.
Quan Khâm sứ đã đồng ý về vấn đề này. Hội Đồng Cơ Mật truyền chỉ dụ để quý vị rỏ và thi hành.
Huế, ngày thứ tư, tháng thứ nhất, năm thứ ba của Hoàng đế Bảo Đại. Ấn tín của Hội Đồng Cơ 
Mật."

Ông Bà Giáo sĩ Wm. C. Cadman, hình chụp vào năm 1929 trong Hội đồng các Giáo sĩ C&MA
Sau đó hai tháng, vào tháng ba năm 1928, quan toàn quyền miền bắc gởi cho Giáo sĩ Cadman thông tư như sau: "Tôi được biết Hội Truyền Bá Phúc Âm Liên Hiệp bổ nhiệm ông trong chức vụ truyền giáo ở nhiều thị trấn miền Bắc và nhất là ở Nam Định. Trái với tinh thần hòa ước năm 1874 và năm 1884 giữa chánh phủ Pháp và Hoàng Đế nước Việt Nam, tôi có nhiệm vụ khuyên ông nên sớm chấm dứt sự giảng đạo của ông."
Tuy nhiên những mục sư ở các thành phố miền Bắc không gặp trở ngại vì Hội Đồng Cơ Mật đã nhượng quyền ở miền Bắc trong nhiều năm và hoạt động truyền giáo Tin Lành ở đây lúc này không được mạnh mẽ lắm. Kế hoạch bắt giữ Mục sư Lê Văn Thái ở Hà Nội khi ông đến làng Gia Thượng, tỉnh Bắc Ninh đã thất bại vì ông Lý trưởng được chỉ thị này là một người mới tin Chúa cho nên ông chỉ cho lính ngăn chận buổi nhóm và trục xuất Mục sư Thái khỏi làng. Dầu vậy Mục sư vẫn trở lại những tuần sau để truyền giảng. Việc chánh quyền địa phương miễn cưỡng ra lệnh cấm dân chúng tham dự chỉ làm cho nhiều người tò mò đến càng đông hơn. Vào một ngày Chúa nhật nọ, khi các tín đồ đang nhóm thờ phượng thì một viên chức người Pháp dẫn quân lính và các dân làng võ trang bao vây giáo đường. Sau khi giảng dạy xong, Mục sư Thái và Giáo sĩ Cadman ra chào vị sĩ quan người Pháp, có lẽ ông này đổi ý nên nói rằng ông muốn chắc chắn rằng chỉ có tín đồ tham dự buổi thờ phượng mà thôi và ông ra lệnh cho các dân làng không phải là tín đồ kể cả các người võ trang giải tán.
Ở miền Trung, không những chỉ dụ trên được gởi đến các viên chức địa phương, mà còn được công bố và dán ở các nơi công cộng, chợ búa, các nhà thờ, giảng đường. Ở Nha Trang chẳng hạn, viên Tổng đốc đã ra một chiếu chỉ tương tợ như trên. Mục sư Phan Đình Liệu, đã bị bắt tại Quảng Nam vào năm 1925, lại bị bắt lần thứ hai bởi vị chỉ huy quân sự người Pháp và giải đến quan Toàn quyền. Ông này thả Mục sư Liệu ra và cho ông trở về Nha Trang. Ông bảo đảm với Mục sư Liệu rằng "người Pháp sẽ không bắt bớ đạo Tin Lành". Tuy nhiên Mục sư Liệu đã bị vào tù lần nữa vào mùa hè năm 1928 vì đã cãi lịnh không chịu gỡ bảng hiệu Hội Tin Lành Việt Nam trước giảng đường ở Nha Trang. Khi ông ra Phan Rang để giảng, ông bị bắt giải đến Quan Toàn Quyền và được khuyên nên vô trong Nam để có thể giảng đạo tự do hơn. Trong buổi hiệp nguyện ở Nha Trang Thành (tỉnh Khánh Hòa), Mục sư Liệu lại bị bắt lần thứ tư, sáu tín đồ cũng bị đánh đập và lưu giữ. Họ được thả ra sau khi Mục sư Liệu chấp nhận tất cả trách nhiệm của buổi nhóm. Sau khi giam giữ ông 2 tuần mà không xét xử, quan địa phương ra lệnh trục xuất ông ra Quảng Nam. Sau khi ở Quảng Nam một thời gian ngắn, Mục sư Liệu đi Mỹ Tho để dự Hội Đồng Tổng Liên. Ông không dự được vì khi đến Nha Trang, ông bị bắt vì đã rao giảng Tin Lành, ông bị kết án 6 tháng tù khổ sai. Mục sư Liệu dùng thời gian này để dịch các tài liệu Cơ đốc từ tiếng Tàu và ông đã giúp được 2 người lính và 12 tội nhân trở về cùng Chúa. Ông vào Nam để đi đây đi đó giảng Tin Lành cho đến năm 1935, ông trở lại miền Trung khi việc cấm chỉ này không còn nữa.
Ở Quảng Ngãi, hai nhà truyền giáo trẻ tuổi là Mục sư Ông Văn Huyên và Đặng Ngọc Cầu đã bị bắt ở đảo Lý Sơn giải về quê ở Quảng Nam. Các người này bị kết án 3 tháng tù khổ sai vì đã cãi lệnh Triều đình. Họ được phóng thích sau khi đã đóng nộp tiền phạt. Khi các nhà truyền giáo và các giáo sĩ lưu động bị bắt giam, tín đồ "bị hăm dọa và được lệnh đốt Kinh Thánh". Giáo sĩ Travis ở miền nam Trung phần tường trình rằng nhiều người giấu Kinh Thánh, nhiều người khác yếu đuối hơn đã đốt quyển sách này, một số khác nữa viện lẽ ấy bỏ quyển sách mà họ đã tình cờ mua". Ở miền trung Trung phần, chính quyền vào nhà dân chúng tịch thâu Kinh Thánh, bắt tín đồ phải ký giấy bỏ đạo. Cùng với quý vị mục sư, số tín đồ bị bắt không phải là ít. Ở Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam, dầu rằng những người theo đạo bị bắt bớ rất nhiều, ông Lý trưởng đã theo đạo và đã tường trình tốt đẹp về Tin Lành mỗi khi ông được triệu hỏi bởi các quan trên, vì thế đã giúp cho các con cái tôi tớ Chúa tránh nhiều sự bắt bớ.
Chỉ dụ của Hội Đồng Cơ Mật của nhà vua ngày 26 tháng giêng năm 1928 đã gây nhiều khó khăn cho cộng đồng Tin Lành ở Việt Nam và đã tạo tiếng vang ở Pháp. Mục sư Calas của Hội thánh Tin Lành Pháp ở Hà Nội và là đại diện của Hội Kinh Thánh Đông Nam Á đã mạnh dạn phản kháng với chính quyền rằng ông không được thông báo kịp thời về những việc bắt bớ tín đồ, việc cản trở truyền giáo và những sự việc đáng tiếc khác vì không có sự liên lạc giửa các nhà thờ nhỏ ở các địa phương hẻo lánh với ông. Trên thực tế, hầu như không có hợp tác gì giữa hai nhóm Tin Lành người Việt Nam và người Pháp.
Khi Mục sư Lê Văn Thái đến đề lao Khánh Hòa thăm Mục sư Phan Đình Liệu và tặng Mục sư Liệu chiếc lò dầu lửa (rề-sô), bà Giáo sĩ Cadman đứng bên kia đường chụp được tấm hình. Sau đó, bà viết bài tường thuật gởi cho một nghị sĩ ở Quốc hội Pháp và cho đăng hình lên các báo ở ngoại quốc kèm theo tấm hình làm bằng cớ rằng Tin Lành bị bắt bớ, mục sư bị tù đày tại Việt Nam... Nhân dịp Pierre Pasquier, Quan Thống đốc Toàn quyền Pháp mới nhậm chức vào tháng giêng 1929, các vị lãnh đạo Tin Lành Pháp cũng đã lưu ý ông về vấn đề này. Cùng lúc đó, Hiệp Hội Tin Lành Pháp đã tạo áp lực với Quốc Hội đòi hỏi sự tự do tín ngưỡng ở vùng Đông nam Á trong lúc nước Pháp đang có khuynh hướng chính trị không muốn chính quyền can thiệp vào tôn giáo. Mãi đến tháng 12 năm 1929, quan nhiếp chánh của Hoàng đế và Khâm sứ Jabouille đã cùng ký một sắc lệnh rằng:
· Các mục sư Tin Lành Pháp không bị hạn chế trong việc thờ phượng và truyền giảng Tin Lành6.
· Một giấy phép sơ khởi sẽ được cấp cho các hội truyền giáo ngoại quốc thuộc mọi tín ngưỡng, và các hàng giáo phẩm ngoại quốc thuộc mọi tín ngưỡng.
· Đơn xin phép sẽ do các đương sự đệ nạp cho Tòa Khâm Sứ và được xét tại cuộc họp của Viện Cơ Mật để đệ trình lên Hoàng Thượng duyệt xét, hay quan Phụ Chánh duyệt xét, nếu Hoàng Thượng còn vị thành niên. Quyết định sẽ được trao cho Tòa Khâm Sứ ban hành.
Trên thực tế, sắc lệnh này cho phép các nhà truyền giáo và người phụ tá địa phương hoạt động ở khu vực mình mà thôi nếu họ được cấp giấy phép. Giấy phép này không phải là dễ xin, nhất là khi đổi đến nơi khác. Một thí dụ điển hình là khi một truyền đạo đến Quảng Ngãi, ông được cấp giấy phép giảng dạy ở đó. Tuy nhiên sau gần một năm, ông phải về trường học tiếp, người thay thế ông là một Mục sư thực thụ đã được tấn phong không được phép giảng dạy, viện lý lẽ là có hoạt động chính trị trong vùng. Ông chỉ được cho phép nhóm họp khi có giáo sĩ ngoại quốc đến mà thôi. Vì không có giáo sĩ ở Quảng Ngãi, giáo sĩ ở Tourane đã phải phụ trách nhiều Hội thánh chung quanh, ông không thể nào di chuyển 120 cây số để đến Quảng Ngãi mỗi Chúa Nhật được. Khi không có Giáo sĩ hiện diện, cảnh sát được phái đến ở trước nhà thờ để được chắc chắn rằng không có sinh hoạt thờ phượng ở đó. Tình trạng được thay đổi khi có một nhân viên ngoại giao cao cấp của Pháp qua đời, gia đình muốn được an táng theo nghi lễ Tin Lành vì ông là người có đạo nhưng không có mục sư trong vùng nên quan Tổng đốc phải đề nghị cho phép một mục sư đến lo việc Hội thánh. Từ đó về sau, chính quyền Việt Pháp địa phương mới dễ dãi cho.
Vào năm 1943, khi Mục sư Nguyễn Xuân Diệm ở Thăng Bình tỉnh Quảng Nam được sự chấp thuận của quan Tổng đốc, được Quan Tổng Đốc Toàn quyền phê chuẩn thuận, lại phải qua sự điều tra của Bộ Nghi Lễ rồi mới được sự chấp thuận của Hoàng Đế. Sau đó các quan địa phương được lần lượt thông báo xuống từ Thủ Tướng, đến thượng thư Bộ Nghi lễ, đến quan Tổng Đốc, rồi mới tới các quận trưởng quận Thăng Bình và Tam Kỳ với chỉ thị phải bí mật theo dõi mục sư và rút giấy phép lại nếu ông mục sư vi phạm các điều luật. Vào năm 1944, Mục sư Diệm xin phép mở nhà thờ chi nhánh ở Tiên Quả và Thượng Thanh quận Tam Kỳ, lần này viên Khâm sứ miền Trung thay mặt chính phủ ký giấy chấp thuận, chuyển xuống Tổng đốc Quảng Nam và Quảng Ngãi để tường với chỉ thị bí mật theo dõi và báo cáo các vi phạm luật lệ. Hệ thống quan liêu để xin giấy phép này được tiếp tục áp dụng cho đến Cách mạng tháng tám năm 1945.
Trên lãnh vực quốc gia, Ban chấp hành Hội Tin Lành Việt Nam đã cố gắng đòi hỏi để được sự chấp nhận của chính phủ như là một giáo hội ngang hàng với Công Giáo nhưng đã thất bại ít nhất 3 lần. Năm 1942, để tỏ thái độ thiện cảm với Hội Thánh Việt Nam sau khi miền nam bị Nhật chiếm, Quan Toàn quyền Jean Decoux gởi một bức thơ cho Muc sư Hội trưởng Lê Đình Tươi nhìn nhận thành phần Ban Quản Trị Tài Sản Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Hội Tin Lành Việt Nam chưa từng được chính quyền Việt hay Pháp thừa nhận như đã thừa nhận Giáo Hội Công Giáo từ năm 1884, tuy vậy những sự bắt bớ đạo Tin Lành không chi so sánh với sự bắt bớ của Công Giáo dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Những sự thử thách này đã khiến cho cả đạo Công Giáo lẫn Tin Lành thêm vững đức tin, khiến nhiều người biết đến và giúp cho sự bành trướng của tôn giáo thêm mạnh mẽ.
IV.Các khó khăn khác và sự tự trị, tự lập:
Rút tỉa kinh nghiệm ở các nước khác, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã cố gây dựng Hội Thánh Việt Nam để có thể đạt đến tình trạng tự trị tự lập càng sớm càng tốt. Đa số tín đồ Việt Nam là những người bình dân, một số nhỏ là công chức. Năm 1928, chỉ có 10 trong số 80 Hội thánh tự trị tự lập, số này tăng lên gấp đôi vào năm 1930 và gấp bốn lần vào năm 1932. Vào Thế Chiến Thứ Hai, 75% hội thánh đạt đến tự trị tự lập, các mục sư của các hội thánh còn lại được tín đồ trợ cấp rất ít, phải cần sự giúp đở của Hội Truyền Giáo. Vào năm 1942 khi mật vụ của Nhật bắt giam các giáo sĩ ở Mỹ Tho, tất cả các Hội thánh đều tự túc với chương trình tương trợ giữa các hội thánh địa phương và các Địa hạt trong giai đoạn nầy.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, tình hình tài chánh suy giảm, các viên chức Hội Truyền Giáo cho biết là Hội không có khả năng giúp đỡ các hội thánh đang thiếu hụt được, họ khuyên quý mục sư hãy nhờ cậy Chúa trong đức tin, nếu họ muốn, họ có thể đóng cửa nhà thờ và trở về nghề cũ. Tuy nhiên đại diện của Hội Truyền Giáo miền Nam tường trình rằng không một hội thánh nào phải đóng cửa vì có một ngân quỷ trong đó các hội thánh tự lập đã giúp các hội thánh khác đang gặp khó khăn.
Ở miền Bắc, vào năm 1942, có khoảng một ngàn tín đồ đã chịu phép báp-têm, 28 mục sư và truyền đạo với 27 nhà thờ và 30 chi nhánh. Trong đó chỉ có 4 nhà thờ tự lập. Giáo hội đã phải đóng cửa 11 nhà thờ và có thể phải đóng cửa trên 80 % các nơi nhóm họp vì có nhiều người tị nạn từ miền nam Trung quốc khiến ngân quỷ giáo hội bị thiếu hụt. Vào tháng hai năm 1942, Mục sư Lê Văn Thái, Chủ nhiệm Bắc hạt, được mời tham dự kỳ Hội đồng Địa hạt miền Nam tại Cần Thơ thay thế cho Mục sư Hội trưởng Lê Đình Tươi bị bệnh. Ông đã từ chối lời mời vì tình trạng khẩn trương ở đây. Nhưng trong giấc chiêm bao, ông được khải thị về sự yêu thương và tương trợ của các con cái Chúa, ông liền nhận lời. Vào Nam, ông được các tín hữu, tôi tớ Chúa giúp đỡ từ chiếc áo choàng, đôi bông tai, đến đôi giày, đồng hồ, viết máy và tiền mặt... y như điều ông thấy trước trong giấc chiêm bao. Trên đường về Bắc, ông có ghé dự Hội đồng Địa hạt miền Trung và Trường Kinh Thánh Tourane (Đà Nẵng). Nơi nào ông đến, ông cũng được mọi người hết lòng chia xẻ và giúp đỡ. Khi trở về Hà Nội, Mục sư Thái mang bốn va-ly chứa đầy tặng vật. Hội Thánh Hà Nội liền phát động chiến dịch mua lại các tặng vật để gởi trả cho người dâng. Việc nầy đã được tín hữu ở đây và các vùng phụ cận hưởng ứng nhiệt liệt. Các tín hữu tranh nhau mua những món đồ tầm thường với giá rất cao, mong sao hành động của mình xứng với lòng hy sinh tốt đẹp của các tín hữu miền Trung và Nam. Nhờ việc bán đấu giá lạ lùng nầy mà Bắc hạt có đủ tiền để trang trải những nhu cầu cấp bách lúc đó. Vì thế những tín đồ miền Trung và Nam đã dâng hiến đều được các kỷ vật gởi trả lại cho mình. Một Giáo sĩ đã viết lại sự tương trợ của các con cái Chúa trong thời gian này như sau: “Dầu rằng các tín đồ rất nghèo và rất muốn lưu giữ các kỷ vật của mình, vì thế những sự dâng hiến và giúp đỡ này rất đáng phâm phục. Giống như những tín đồ ở Ma-xê-đoan, họ đã tự ý quyên tiền theo sức mình, hoặc cũng quá sức nữa...” (IICo 8:3)

Mục sư Lê Văn Thái
Ở miền Trung, Hội thánh đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ chiến tranh: có một số nhà thờ phải đóng cửa và nhiều mục sư phải trở lại nghề cũ để lo sinh kế cho gia đình. Nhiều mục sư kiên trì trong chức vụ phải mắc nợ lâu dài và gia đình lâm vào cảnh đói kém.
Trong cuộc thế chiến thứ hai này, các giáo sĩ được lệnh di tản về nước hay qua Phi-luật-tân. Tuy nhiên trong số 74 vị ở vùng Đông Nam Á, có 68 người liều mình ở lại, họ được tòa đại sứ Thụy sĩ giúp đỡ. Nhiều giáo sĩ lợi dụng thời gian bị bắt để soạn các bộ sách rất có giá trị cho chúng ta như quyển Kinh Thánh Tự Điển của Giáo sĩ Cadman, quyển Thần Đạo Học và những sách khác được Giáo sĩ Olsen nhuận chánh. Sau khi lật đổ chính quyền Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật bắt đầu đối xử tàn tệ với các nhà truyền giáo. Giáo sĩ Franklin Grobb là người duy nhất đã qua đời trong lúc bị giam giữ vì họ không cho phép vợ ông mang ông đến bệnh viện phía bên kia đường đối diện trại giam để trị chứng viêm ruột dư và màn bụng cấp tính. Sau khi người Nhật đầu hàng, tất cả các Giáo sĩ đều được trở về nước ngoại trừ ông bà E. F. Irwin, ông bà W. C. Cadman và ông D. I. Jeffrey. Đến tháng 11 năm 1945, chỉ có gia đình Giáo sĩ Cadman ở lại. Sau khi bà về với Chúa vào tháng 4 năm 1946, Giáo sĩ Cadman là giáo sĩ độc nhất tại Việt Nam trong 10 tháng. Ông nói: "Các anh em trong Chúa ở đây đang gặp hiểm nguy, chúng ta không thể bỏ họ đơn cô, chúng tôi quyết định ở lại với họ".
Trong thời gian nạn đói năm 1944-45, có gần 2 triệu đồng bào, đa số ở miền Bắc, phải chết vì không có thực phẩm. Tuy nhiên, không có một tín đồ nào bị chết đói mặc dầu họ rất nghèo và hết lòng cung ứng cho mục sư của họ. Mục sư Thái cho biết trong thời gian này sự dâng hiến (cộng chung với sự giúp đỡ của các anh em miền Trung và miền Nam) cho Địa hạt miền Bắc đã tăng lên gấp 4 lần.
Vì chủ trương không tham gia chính trị của Giáo Hội, nhiều tín đồ đã bị bắt bớ vì sự nghi kỵ của hai bên nhất là trong thời gian chiến tranh. Vào năm 1948, số giáo sĩ ở miền Bắc tăng lên đến 5 người, số nhà giảng, buổi thờ phượng và số người chịu phép báp-têm đều gia tăng. Các hội thánh miền Trung gần trận tuyến phải đóng cửa, mục sư và tín đồ di tản. Các hội thánh còn lại vẫn trung tín hoạt động. Số tín đồ được gia tăng như ở Đà Nẵng, có 67 người gia nhập Hội thánh trong năm 1950. Ở trong Nam, có gần 30 nhà thờ bị đóng cửa, nhiều nơi bị san bằng hay bị chiếm đóng. Nhiều mục sư vì thế phải bị thiếu thốn, nợ nần có khi phải tìm việc khác mưu sinh.

V.Giai đoạn phục hồi và tăng trưởng:
Sau trận chiến ở Điện Biên Phủ và việc ký hiệp định Genève, Việt Nam bị chia ra làm hai miền. Hiến pháp năm 1960 của miền Bắc khẳng định những nhân quyền căn bản của nhân dân như trong hiến pháp năm 1946: "Nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được quyền tự do tín ngưỡng; mọi người đều có quyền theo đạo hoặc không theo đạo". Hiến pháp của miền Nam thừa nhận mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, hành đạo và theo đạo miễn là sự tự do này không đi ngược lại với luân thường đạo đức.
Giáo hội miền Bắc được đổi tên là "Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Bắc" gồm vài ngàn tín đồ với hai chục hội thánh, 13 mục sư và truyền đạo. Giáo hội miền Nam vẩn giữ danh hiệu Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vì trên 90 phần trăm tín hữu ở trong Nam. Vào năm 1962, Địa hạt miền Trung được chia ra làm Bắc Trung phần trụ sở ở Đà Nẵng và Nam Trung phần trụ sở ở Nha Trang. Đến năm 1969 Địa hạt miền Nam được chia ra làm Đông Nam phần với văn phòng ở Sài Gòn và Tây Nam phần ở Vĩnh Long. Năm 1960, Địa hạt Thượng du được thành lập để cung ứng nhu cầu đặc biệt cho đồng bào thiểu số.
Trong kỳ Hội Đồng Tổng Liên năm 1955, mặc dù có một nhóm người tố cáo muốn lật đổ Mục sư Hội trưởng Lê Văn Thái, Hội Đồng cũng đã quyết định những việc quan trọng sau đây:
a) Hội Đồng chấp thuận liên hợp với những tổ chức truyền giáo đồng chung niềm tin để đẩy mạnh việc truyền giảng trong nước. Cơ quan đầu tiên được tiếp xúc là Hội Cứu Thế Quân (the Salvation Army), sau đó là những cơ quan truyền giáo như: The Navigator (1955), The Overseas Crusades (1956), Hội dịch Kinh Thánh Wycliffe (1957), Cơ Đốc Truyền Giáo Hội hay The Worldwide Evangelization Crusade (1957), Hội Truyền Giáo Mennonite (1957), Giáo Hội Báp-Tít Nam Phương (1959), Hội Ái Hữu Sinh Viên Cơ Đốc (1959), Giáo Hội Đấng Christ (1960), The Scripture Union (1962) và các cơ quan nhỏ khác.
b) Lần đầu tiên Hội Đồng cứu xét việc bổ nhậm phụ nữ để giảng dạy7.
c) Gởi sinh viên ra hải ngoại để được huấn luyện về thần học hay các ngành chuyên môn khác.
d) Hội Đồng cũng quyết định đẩy mạnh công tác xã hội đã được đề ra từ năm 1932. Với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, Giáo Hội cũng đã trợ cấp cho nhiều hội thánh xây cất lại. Theo thống kê năm 1971, tổng cộng Giáo Hội có 6 cô nhi viện và một nhà dành cho quả phụ.
e) Thành lập Đoàn Tuyên úy với Mục sư Tuyên úy Đoàn Mười là vị sĩ quan đầu tiên.
f) Thành lập trường học cho đồng bào thiểu số và sau này các Hội thánh lớn như Khánh hội, Sài gòn cùng mở các trường trung học, trường Ánh Sáng là trường thành công nhất ở Đà Nẵng dùng cơ sở củ của Trường Kinh Thánh. Sau đó có trường dạy nghề Tuyên Đức8.
Vào năm 1957, Hội Đồng cũng quyết định mở một bệnh viện Tin Lành ở Sàigòn. Dự án này không thực hiện được. Tuy vậy Mục sư Phạm Xuân Tín, với sự giúp đỡ của Hội Mennonite, đã mở một Chẩn Y Viện Tin Lành ở Nha Trang vào ngày 9 tháng 7 năm 1961. Sau đó một Trại dưỡng bệnh và một Trường đào tạo y tá được thêm vào. Vào năm 1965, Bệnh viện Tin Lành Pleiku được mở ra với sự tài trợ của Hội Mennonite. Cũng nên biết rằng Trại cùi Tin Lành Ban-mê-thuột đã được thiết lập vào năm 1951, Chẩn Y Viện Đà Lạt đã hoạt động trước đó cũng được bành trướng vào năm 1954.
Khi Giáo sĩ Cadman về với Chúa vào ngày 7 tháng 12 năm 1948, ông dâng tất cả di sản của ông cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Mục sư Lê Văn Thái phải vận động chính phủ giảm miễn thuế trên món tiền này để xây cất Cô nhi viện Hòn Chồng, trên mảnh đất 18 mẫu với sự trợ giúp của Hội Bảo Trợ Nhi Đồng Quốc Tế. Cơ sở này được khánh thành vào ngày 4 tháng 9 năm 1953 với các cô nhi con mục sư, truyền đạo (27 em) và con tín hữu (11 em). Sau đó ông bắt đầu mỡ trường trung tiểu học Bết-lê-hem và trường dạy nghề cũng trong khuôn viên của Cô nhi viện. Cũng nên biết là Giáo sĩ Cadman là một trong những nhà truyền giáo tiên phong ở Việt Nam, ông bà có một người con gái độc nhất qua đời lúc 12 tuổi được an táng ở nghĩa trang thành phố Hà Nội, bà về với Chúa và được an táng ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi Saigòn, còn ông thì được Tổng Liên Hội an táng ở nghĩa trang thành phố Đà Lạt, phía dưới mộ bia của ông có đề "Người Trung Tín Cho Đến Chết"
Sau 19 năm phục vụ Giáo hội dưới chức vụ Hội trưởng, qua thời Nhật chiếm đóng, Giáo sĩ bị giam cầm và sự tranh đấu dành độc lập tôn giáo đối với chính quyền miền Bắc và miền Nam nhất là những năm đầu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Mục sư Lê Văn Thái từ nhiệm vào năm 1960, mặc dù có nhiều đại biểu yêu cầu ông ở lại. Mục sư Ông Văn Huyên cũng xin từ chức sau 30 năm làm Thư ký Giáo hội. Hội Đồng bầu Mục sư Đoàn Văn Miêng vào chức vụ Hội trưởng với sự phụ tá của Mục sư Phạm Xuân Tín.
Để thích ứng cho thời bình với khải thị bành trướng tầm hoạt động, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam gia tăng các chương trình huấn luyện để đào tạo mục sư cũng như các người hầu việc khác:
1. Trường Kinh Thánh Đà Nẵng: Hội thánh Đà Nẵng mở lớp học Kinh Thánh tại tư thất các giáo sĩ mỗi ngày vào giờ nghỉ trưa bắt đầu từ năm 1919. Vào năm 1921, Trường Kinh Thánh Đà Nẵng được thành lập và nơi nầy đã trở thành trung tâm đẩy mạnh việc truyền giáo đến mọi nẻo đường trong xứ cũng như một phần lảnh thổ Cam-bô-chia và Lào. Số sinh viên bị giảm xuống thấp nhất vào niên khóa 1953-1954 với 18 người vì có lệnh động viên. Sau đó nhiều năm, số sinh viên dần dần gia tăng trở lại.
2. Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang: Được khánh thành vào tháng 9 năm 1960, trong năm đầu tiên có 85 sinh viên nội trú với 55 truyền đạo. Năm 1961-1962, có đến 110 sinh viên và 55 truyền đạo.
3. Trường Kinh Thánh Đà-lạt và Ban-mê-thuột: Được thành lập để lo cho việc truyền giáo cho đồng bào thiểu số. Vào giữa thập niên 1950, trường Kinh Thánh Pleiku được mở cho người Jarai, nhưng vì ít người tham dự cho nên các sinh viên được chuyển xuống Ban-mê-thuột để học và nơi này được dùng để huấn luyện cho các Chấp sự Hội thánh.
4. Thánh Kinh Tiểu Học Đường: Thánh Kinh Tiểu Học Đường (short term bible schools) đã có từ trước nhưng mãi đến năm 1958 mới được thông dụng và tổ chức đều đặn.
Vào năm 1955, Việt Nam có 3 trường Kinh Thánh, con số này tăng lên 6 trường vào năm 1958 , đến năm 1964, có tất cả 9 trường với tổng số sinh viên cao nhất là 214 vào năm 1962.
Năm 1951, Đài Viễn Đông tại Ma-ni-la bắt đầu chương trình phát thanh Tin Lành bằng Việt ngữ, sau đó chính phủ Việt Nam cũng cho phép phát thanh Tin Lành trên các đài địa phương.
Chương trình chứng đạo cá nhân cũng được đẩy mạnh, năm 1955, các chứng đạo viên đã tiếp xúc được trên 93.000 người, có gần 5.000 người cầu nguyện tin Chúa trên toàn quốc. Việc chứng đạo trong các trung tâm cải huấn Phan Rang, Phan Thiết, Chí Hòa, các tỉnh miền Nam và đảo Côn Sơn cũng đã mang nhiều tội nhân trở lại cùng Chúa.
Năm 1959, Giáo sĩ Sutherland thành lập Trung Tâm Thanh Niên Cơ Đốc tại Sài-gòn, sau đó các trung tâm ở Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Biên Hòa, Cần Thơ cũng được mở ra. Thanh niên làm việc chung với các giáo sĩ, mục sư, rao giảng Tin Lành qua việc dạy Anh ngữ, chiếu phim tôn giáo, hội họp, làm chứng... Nhiều mục sư đã dùng thuyền để rao giảng dọc theo sông Cửu Long và các hệ thống sông ngòi miền Nam.
Khi chính phủ khởi xướng các Chương Trình Dinh Điền, nhiều gia đình tín đồ bị định cư cũng lợi dụng cơ hội nầy để làm chứng đạo cho các người định cư khác. Hội thánh cũng tổ chức các buổi truyền giảng tại các trung tâm tị nạn. Nhà in Tin Lành trong lúc nầy cũng nổ lực in các văn phẩm Cơ đốc, truyền đạo đơn, các báo định kỳ như Thánh Kinh Báo (Thánh Kinh Nguyệt San), Đuốc Thiêng và Hừng Đông (Rạng Đông) đã mang đến cho tín đồ mọi nơi thức ăn tinh thần nuôi dưởng đời sống thuộc linh.
Số người cầu nguyện tin Chúa từ năm 1911 đến 1927 là 11.699 người, từ năm 1928 đến năm 1941 có 41.402 người, từ năm 1942 đến năm 1953 có 49.753 người, từ năm 1954 đến năm 1965 có 117.349 người, và từ năm 1966 đến năm 1970 có 69.385 người.
So với các quốc gia khác ở vùng Đông Nam Á, việc truyền giáo được bắt đầu vào năm 1813 ở Miến Điện, năm 1898 tại Phi Luật Tân, năm 1828 tại Thái Lan. Nam Dương và Mã Lai là hai quốc gia được biết đến Tin Lành từ thế kỷ thứ 17: Vào năm 1965, Việt Nam có 1.000.000 tín đồ Công giáo, 120.000 tín đồ Tin Lành (gồm tất cả các hệ phái), trong khi đó ở Cam-bô-chia có 734 tín đồ, Lào có 5.000 người, Thái Lan có 44.000 người, Mã Lai có 104.000 người, Nam Dương có 6.800.000 người, Phi Luật Tân có 1.243.000 người, và Miến Điện có 600.000 người.

VI. Kết luận

Sau nhiều năm vận động, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã được cho phép mỡ một văn phòng ở Tourane để lo cho việc giảng đạo cho các nước thuộc địa Pháp vùng Đông Nam Á vào năm 1911. Để thỏa mãn nhu cầu học hỏi Kinh Thánh của những người khao khát lời Chúa, Trường Kinh Thánh Tourane được thành lập vào năm 1921. Giáo hội cũng đã bầu ban chấp hành đầu tiên của Tổng Liên Hội và lễ mãn khóa đầu tiên của trường Kinh Thánh Đà Nẵng vào năm 1927. Năm sau, nội quy đầu tiên được chấp thuận làm căn bản cho các Hội thánh địa phương đến cấp trung ương. Các Hội thánh địa phương cố gắng hoạt động để tăng trưởng và trở thành độc lập trong ba bước: tự lập, tự trị và tự bành trướng. Trong khoản thời gian yên ổn tương đối từ năm 1927-1941, Giáo hội đã đạt được sự phát triển nhanh chóng mọi mặt, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được tăng trưởng và càng được tự trị với Hội Truyền Giáo. Giáo hội cũng gởi giáo sĩ lên miền thượng du giảng đạo song song với các giáo sĩ C&MA.
Vào năm 1938, Mục sư Tiến sĩ Tống Thượng Tiết đến viếng Việt Nam và đã gây sự phục hưng trong nước, việc chứng đạo cá nhân được đẩy mạnh cho đến Thế Chiến Thứ Hai. Sự bành trướng của Giáo hội mạnh nhất ở miền Nam. Ở miền Trung dưới quyền của triều đình Việt Nam, hội thánh phát triển trung bình, nhiều tín đồ bị khó khăn và bắt bớ, ngoại trừ vùng tỉnh Quảng Nam đã phát triển mạnh mẽ, cung ứng nhiều mục sư cho toàn quốc. Ở miền Bắc, vì truyền thống gia đình và xã hội, với cùng một số nhân viên và ngân khoản, kết quả ở đây khiêm nhượng nhất.
Trong lúc thế giới được hưởng hòa bình sau khi Nhật và Đức đầu hàng, Việt Nam lại sa vào chiến tranh dành độc lập và sau đó là nội chiến tàn khốc. Nhiều mục sư và hàng trăm tín đồ bị giết, nhiều nhà thờ bị thiêu hủy và hàng ngàn tín đồ khác bị giam cầm. Sự tổn thất do chiến tranh gây ra đã làm nền tảng của giáo hội bị rung chuyển. Dưới sự lãnh đạo khéo léo của Mục sư Hội trưởng Lê Văn Thái, Giáo Hội đã dần dần phục hồi. Số tín đồ dần dần gia tăng bằng số trước Thế Chiến vào năm 1952. Hiệp định Genève năm 1954 trên nguyên tắc chấm dứt chiến tranh nhưng trên thực tế đã đưa đất nước đến những khủng hoảng chính trị, quân sự và kinh tế cho đến ngày nay.

Chương 3: Lịch Sử Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam (1929-1989)


Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Địa Hạt Việt Nam thuộc Liên Hiệp Hội Cơ Đốc Phục Lâm Đông Nam Á, Tổng Hội Viễn Đông của Toàn Cầu Tổng Hội Cơ Đốc Phục Lâm (General Conference of Seventh Day Adventists).
Với lòng kính yêu Chúa và thương xót tội nhơn nhiệt tình, Liên Hiệp Hội Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Nam Hoa, nay là Liên Hiệp Hội Mã Lai, tức Liên Hiệp Hội Đông Nam Á ngày nay, từ năm 1915 đến năm 1927 đã liên tục cử các Thư Báo Truyền Đạo (nhân viên truyền bá giáo lý bằng cách bán, tặng sách đạo). Dương Thượng Thiên người Đài Loan, Tan Kia Ou người Trung Hoa, Giáo sĩ R. N. Milne người Mỹ đã đến các vùng Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Lạng Sơn, Sàigòn, Chợ Lớn... để truyền bá Tin Lành Cứu Rỗi. Trong thời gian ấy có một số người ở Sàigòn, Chợ Lớn, chú ý nghe và chấp nhận giáo lý Cơ Đốc Phục Lâm song mãi đến năm 1927, Liên Hiệp Hội Mã Lai (Liên Hiệp Hội Đông Nam Á ngày nay) mới cử hai Giáo sĩ R. H. Wentland và Fred Lloyd Pickett đến truyền giáo, học tiếng Việt và chánh thức mở Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm đầu tiên tại Sàigòn vào đầu tháng 12 năm 1929. Và cũng từ đó lịch sử Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Địa Hạt Việt Nam lại gắn liền với lịch sử của đất nước, qua các cuộc thế thăng trầm suốt 60 năm qua. Lịch sử Hội Thánh có thể được chia làm sáu giai đoạn:
I.Thời kỳ phôi thai (1929-1937):
Trong thời kỳ này, các giáo sĩ nước ngoài cùng các tín đồ đầu tiên của Cơ Đốc Phục Lâm Thành Phố Sàigòn như Julien, Jean Fabre và Trần Ngọc Tế, Lê Văn Được, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Nhâm, Sính Văn Cham đã hết lòng lo lắng việc mở mang công việc Chúa.
Sau khi được Thống Đốc Nam Kỳ ký giấy phép cho giảng đạo và phát hành sách chứng đạo tháng 4 năm 1932, các vị Tín Đồ đầu tiên này đã quyên tiền để in sách chứng đạo, tổ chức chiến dịch giảng đạo công cộng và cá nhân.
Kết quả các Hội thánh miền Tây như Cần Thơ, Long Xuyên, Ô Môn; miền Trung như Đà Nẵng, Đại Lộc (QN-ĐN), được thành lập.
Hội thánh ngày một tăng trưởng về số lượng cũng như về đời sống thuộc linh để chuẩn bị cho thời kỳ phát triển đang mở ra cho Giáo Hội.
II.Thời kỳ phát triển (1937-1941):
Để đáp ứng nhu cầu truyền giáo và tự trị địa phương, Liên Hiệp Hội Mã Lai, tức Liên Hiệp Hội Đông Nam Á ngày nay, trong một Hội Đồng Địa Hạt đầu tiên của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm tại Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1937, đã bầu Giáo sĩ F. L. Pickett làm Hội Trưởng, cùng một số giáo sĩ và tín hữu Việt Nam là nhân viên của Giáo Hội, trụ sở đầu tiên tại Đà Nẵng. Vừa thi hành chức vụ trọn năm, thì Giáo sĩ Hội Trưởng Pickett sau một cơn bạo bệnh đã ngủ yên trong Chúa ngày 1 tháng 4 năm 1938, xác được cất trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Sàigòn, nay dời về nghĩa trang Gò Dưa Thủ Đức. Giáo sĩ R. H. Howlett Thư Ký Giáo Hội, lên giữ chức quyền Hội trưởng. Thời kỳ nầy tất cả các Hội thánh ở ba miền Trung, Nam, Bắc đều phát triển mạnh trên các lãnh vực:
Xây cất nhà thờ Vàm Nhon, Đà Nẵng, Đức Mỹ, Đại Lộc (QN-ĐN), Hà Nội, Di Linh;
Mở mang trường học như Vàm Nhon, Long Xuyên, Chợ Lớn, Đà Nẵng (Trường tiểu học Long Xuyên là một trong hai trường được ghi nhận trong quyển niên giám Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm thế giới SDA Yearbook 1939),
Phát triển về y tế ở Cần Thơ, trường Sa Bát và trạm y tế Hội thánh Di Linh, Hà Nội.
Năm 1939, Giáo Hội cũng thành lập ấn quán Thời Triệu để in sách giáo dục và truyền đơn chứng đạo, giai đoạn nầy nhà in còn trong thời kỳ phôi thai, chỉ chú trọng đến việc đúc chữ, làm hộp chữ, đào tạo ấn công như sắp chữ chạy máy in.
Quan trọng nhất trong thời kỳ nầy là đã thành lập được một trường Thánh Kinh Thần Học tại Gia Định, trường thu nhận sinh viên từ ba miền, có 19 khóa sinh tốt nghiệp truyền đạo và được bổ nhiệm vào các chức vụ: Chủ tọa Hội thánh, cán bộ ngành giáo dục, cán bộ ngành in và Thư báo Truyền đạo. Vào cuối thời kỳ nầy, tình hình chính trị đột biến trên toàn bán đảo Đông Dương, Nhựt vào chiếm đóng Sàigòn, vì thế giáo sĩ nước ngoài phải rời Việt Nam, và lịch sử Giáo Hội, cũng như lịch sử Việt Nam, bước vào giai đoạn khó khăn của hiểm họa chiến tranh thế giới lần thứ hai.
III.Thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai (1942-1946):
Đây là thời kỳ khó khăn của Giáo Hội trong nước cũng như Giáo Hội Thế Giới. Vì sự chiếm đóng Việt Nam cũng như Mã Lai và Singapore (là nơi có trụ sở Liên Hiệp Hội Cơ Đốc) của quân đội Nhật Bản, nên các trục lộ giao thông bị cắt đứt, nhiều Chi Hội địa phương mất liên lạc với Hội Sở Trung Ương đặc biệt là các Hội thánh miền Bắc, miền Trung, cao nguyên trung phần, một số nhà thờ bị tàn phá, các mục sư truyền đạo phải tự lo sinh kế. Nhiều Hội thánh mất người chăn, các Hội thánh Lôi Cầu, Hà Nội, Đà Nẵng, Đức Mỹ và Di Linh cũng rơi vào tình trạng đó. Bi đát hơn nữa là hai Hội thánh Mặc Cần Dưng và Long Xuyên bị giải tán.
Trong thời kỳ nầy thành phần lảnh đạo Giáo Hội có sự thay đổi. Mặc dầu Giáo sĩ Robert Bentz (người Pháp) được bầu làm Hội Trưởng, việc điều hành công việc nhà Chúa trong Giáo Hội là do ông Trần Ngọc Tế với chức vụ Giáo Vụ Việt Nam đảm nhiệm.
Sự hoạt động của Giáo Hội hạn chế trong vòng Sàigòn, Chợ Lớn. Hội thánh Chợ Lớn được thành lập, dần dần lan ra miền Trung, Hội thánh Đức Mỹ (QN-ĐN) được tái nhóm họp và Thánh đường được kiến thiết. Rồi đến miền Bắc, Hội thánh Lôi Cầu, Hà Nội được tái nhóm và xây dựng nhà thờ.
Giáo Hội đặt trọng tâm vào việc huấn luyện cán bộ truyền giáo, trường Kinh Thánh tái hoạt động, và việc xuất bản sách báo cho Thư Báo Truyền Đạo. Tổ chức y tế của Giáo Hội trong thời kỳ nầy (Bảo Sanh viện Kiện Khương) cùng với Hội thánh Hoa Kiều Chợ Lớn đã đóng một vai trò quan trọng trong sự cung cấp tài chánh cho Giáo Hội.
IV.Thời kỳ chiến tranh giành độc lập (1946-1954):
Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Pháp, Giáo Hội chú trọng đến việc củng cố tổ chức nội bộ và tạo mãi một số bất động sản để làm trụ sở.
Tại Sàigòn, Giáo Hội mua biệt thự hai tầng ở ngã tư Phú Nhuận (góc đường Phan Đăng Lưu - Phan Đình Phùng bây giờ) làm tư thất Hội Trưởng và văn phòng Trung Ương Giáo Hội, cơ sở nầy sử dụng đến ngày hôm nay.
Ngoài ra Giáo Hội còn khởi công xây cất nhà thờ Phú Nhuận làm nhà thờ chính tiện việc nhóm lại của con cái Chúa trong vùng. Thời Triệu Ấn Quán cũng được xây cất để thích hợp cho việc in các ấn phẩm cần đến trong chương trình Thư Báo Truyền Đạo. Giáo Hội còn mua đất làm nhà thờ cho các nơi như Đà Lạt, Bàn Cờ, Hội thánh người thiểu số ở Đà Lạt, Hội thánh Đa Kao, Bàn Cờ, Sàigòn, thời gian nầy nhà thờ Đà Nẵng cũng được trùng tu một cách khang trang.
Những công tác giáo dục, Thánh Kinh hàm thụ, chương trình phát thanh Tiếng Nói Hy Vọng, được xúc tiến trong thời kỳ nầy.
V.Giai đoạn đất nước phân qua (1954-1975):
Sau khi đất nước phân qua, Hội thánh hai miền bị cô lập với nhau không thể liên lạc được. Cơ quan Trung Ương đặt tại Giáo Hội miền Nam nên miền Bắc không thể giao tiếp. Liên Hiệp Hội Đông Nam Á chính thức đặt tên cho Giáo Hội miền Nam là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật Việt Nam. Thời gian nầy Giáo Hội có thể truyền giáo trên toàn lãnh thổ miền Nam.
Giáo Hội lo trùng tu các nhà thờ, trường học, cơ quan y tế, từ thiện đã bị đổ nát trong chiến tranh như những nhà thờ Đức Mỹ (Đại Lộc QN - ĐN), Trung Đạo (QN- ĐN), nhà thờ và trường học Vàm Nhon, kiến thiết các cơ sở:
1. Nhà thờ và trường học Cần Thơ, Thủ Đức
2. Nhà thờ Biên Hòa
3. Trường học Đà Lạt, Đà Nẵng (và tư thất hiệu trưởng), Phú Hòa, Hòa Duân
4. Nhà thờ và trường học Tiêng Liêng, Đam-rông, Rơ Chai, Darahoa, Đa-me, Kambuotte, Tam Kỳ, Sơn Chà, Trung Đạo (QN - ĐN),
5. Nhà thờ Quảng Ngải, Hoa Cường, Phú Hòa và tư thất mục sư
6. Trung tâm huấn luyện Cơ Đốc gồm có: Trường Thần Đạo Cơ Đốc, trường tiểu học Cơ Đốc, cơ sở nội trú, tư thất giáo chức, tư thất giám thị, trường điều dưỡng.
7. Bệnh viện Cơ Đốc và cư ốc cho nhân viên y tế (Sàigòn)
8. Tu sửa và trang bị máy móc tối tân cho nhà in Thời Triệu.
Phát thanh trong giai đoạn nầy là một phương tiện truyền bá niềm tin phúc âm duy nhất cho đồng bào miền Bắc, và góp phần xây dựng đời sống đức tin cho tín đồ miền Nam. Chương trình Tiếng Nói Hy Vọng phần Việt Ngữ phát thanh mỗi tuần một lần trên bốn đài Đà Lạt, Sàigòn, Nha Trang và Huế. Đầu thập niên 1960, mười đài trên toàn quốc phát thanh chương trình Tiếng Nói Hy Vọng hằng tuần, đây là chương trình được thính giả mến chuộng nhất trong các chương trình phát thanh tôn giáo.
Trường Sa Bát nhánh được tận dụng như một phương tiện truyền giáo hữu hiệu với sự tham gia tích cực của nhân viên các ngành và hàng giáo hữu. Riêng ở Sàigòn và vùng ngoại ô, có lúc có 20 trường Sa Bát nhánh được điều hành cùng một lúc. Một trường Sa Bát nhánh độc đáo nhất, khổng lồ nhất thế giới là trường Sa Bát nhánh tại làng cô nhi Phật Giáo Long Thành (Đồng Nai), học viên là 1.000 trẻ mồ côi với tăng nhi trong làng.
Chương trình nuôi cô nhi trong nhà cũng được phát động từ đầu năm 1970 do tổ chức từ thiện tư nhân tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm Úc Châu tài trợ. Đây là chương trình bảo trợ những cô nhi còn cha hoặc mẹ, hoặc ông bà chú bác, hoặc thân nhân ruột thịt bằng lòng nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại nhà, tiền nuôi dưỡng được giao cho thân nhân để để cấp dưỡng cô nhi. Các em thường được khuyến khích đi học ở các trường của Giáo Hội trong địa phương và được cấp thêm học bổng để sung vào tiền trợ cấp hằng tháng. Trẻ cô nhi và người nuôi dưỡng thường được mời tham gia trường Sa Bát nhánh gần nhà. Mục sư, truyền đạo chủ tọa các Hội thánh thường được mời làm đại diện chương trình tại địa phương. Có khoảng 400 cô nhi được bảo trợ trong chương trình nầy.
Các đoàn bố đạo trung ương và địa phương hoạt động rất tích cực, không hề nghỉ ngơi. Họ đi xe, đi bộ, đi ghe trên các sông rạch vào thành phố, các làng mạc nông thôn, các vùng cao nguyên hẻo lánh để truyền bá phúc âm, gây dựng Hội thánh. Đoàn Thư Báo Truyền Đạo được các nhà hảo tâm nước ngoài giúp năm chiếc thuyền để len lỏi trên các sông rạch chằng chịt miền Hậu Giang để phân phát sách báo chứng đạo do nhà in Thời Triệu xuất bản. Lực lượng Thư Báo Truyền Đạo nầy được đánh giá là lực lượng Thư Báo hùng hậu nhất trong Liên Hiệp Hội Đông Nam Á, vì tổng số nhân viên lên đến 104 người, hoạt động liên tục không hề mệt mỏi trên khắp nọi nơi.
Trường Thánh Kinh ngày một lớn mạnh, số lượng chiêu sinh mỗi năm một tăng, trong suốt thời kỳ nầy trường liên tục mở khóa dạy. Nhiều Mục sinh tốt nghiệp, được cử về chủ tọa các Hội thánh, giữ các bộ phận chuyên môn ở văn phòng địa hạt, ngành giáo dục, ngành y tế và phần lớn là sung vào Đoàn Thư Báo Truyền Đạo của Giáo Hội. Ngoài Thánh Kinh Thần Học Viện, Giáo Hội còn mở trường trung tiểu học ở những nơi có các Hội thánh hoạt động để hổ trợ chương trình truyền giáo cho các Hội thánh ấy. Ngoài hai trường trung học Cơ Đốc Sàigòn và chi nhánh Đại Học Đường Đông Nam Á, toàn thể Hội thánh trong Giáo Hội có 18 trường trung tiểu học được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép hoạt động như sau: Trường Chợ Lớn, Vàm Nhon, Đà Nẵng Cần Thơ, Tam Kỳ, Phú Hòa, Đà Lạt, Vĩng Bình, Sơn Chà (QN-ĐN), Thủ Đức (78/8 xã Phước bình), Đại Lộc (Hòa Duân-QNĐN), Rơ Chai, Darahoa, Đa-me, Đam-rông, Pang Tang, Tiêng Liêng, Kamboutte.
Giai đoạn nầy kéo dài hai thập niên, dài nhất trong các thời kỳ lịch sử của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam và cũng là giai đoạn cực thịnh của Giáo Hội nhờ những điều kiện tương đối thuận lợi trong việc đi lại và rao giảng.
Khi đất nước phân đôi vào năm 1954, miền Nam chỉ có 4 Hội thánh là Phú Nhuận, Chợ Lớn, Đà Lạt và Đà Nẵng. Đến năm 1975, Giáo Hội miền Nam đã có 43 Hội thánh nhóm họp để thờ phượng Đức Chúa Trời: Đà Nẵng, Đại Lộc Đức Mỹ, Trung Đạo Đại Lộc, Quảng Huế Đại Lộc, Hòa Duân Đại Lộc, Phú Hoà, Sơn Chà, Hòa Cường, Hòa Khánh, Tam Kỳ thuộc tỉnh QN-ĐN. Quảng Ngải, Qui Nhơn, Nha Trang (1973), Đà Lạt, Ea-Yong B Đarlac, Đang Cang Đarlac, Ea-Kar Đarlac, Biên Hòa, Chợ Đệm, Cần Thơ, Vàm Nhon, Lạc Thiện Đắc Lắc, Pang Tang Đắc Lắc, Đam-rông Lâm Đồng, Krông Bach, Darohoa Lâm Đồng, Tiêng Liêng Lâm Đồng, Krong Lanh, Đa-me Lâm Đồng, Rơ Chai Lâm Đồng, Kamboutte Lâm Đồng, Kadeun, Bobla, Sré Bor. Phú Nhuận, Cách Mạng Đất Mới, Chợ Lớn, Thủ Đức, Sa Đéc, Vĩnh Bình, Gò Công, Tu Tra Đơn Dương, Long Thành (30-8-1991).
VI.Giai đoạn thống nhất đất nước (1975-1991):
Năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn sụp đổ, đất nước được thống nhất. Một số mục sư trong hàng ngũ lãnh đạo đã cùng làn sóng người di tản khỏi Việt Nam để lại nhiều khó khăn cho Hội thánh và Giáo Hội. Để đáp ứng nhu cầu mới, ngày 25-4-1975, Ban Quản Trị Giáo Hội Việt Nam tổ chức Đại Hội Đại Biểu Giáo Dân toàn miền Nam để bầu bổ sung vào các chức viên của Ban Trị Sự, để làm việc cho đến đầu năm 1976.
Đại Hội Đồng Đại Biểu chính thức theo quy định củ Giáo Hội được triệu tập tổ chức ngày 10-1-1976, tại nhà thờ Phú Nhuận. Trong Hội Đồng nầy nhiều biểu quyết đã được thông qua trong đó có những điểm chính như sau:
1. Bổ nhiệm mục sư về chủ tọa các Hội thánh đang thiếu người chăn
2. Liên hệ với chính quyền địa phương có nhà thờ hiện chính quyền, các cơ quan, đoàn thể đang sử dụng vào công việc sớm bàn giao lại Hội thánh để có nơi con cái Chúa nhóm họp
3. Xin chính quyền và vận động ngân quỹ để trùng tu các nhà thờ bị tàn phá vừa qua trong cả nước
4. Gởi văn thư xin chính quyền cho phép Giáo Hội hoạt động tôn giáo trên toàn quốc
5. Hội thánh nào chưa bổ dụng được chủ tọa thì trưởng lảo và Ban Trị Sự Hội thánh đó tạm thời điều hành công việc nhóm họp và dạy lẽ đạo
6. Bầu Ban Trị Sự mới.
Từ 1976 đến 1991, Giáo Hội hoạt động trong phạm vi miền Nam, chưa có thể ra thăm chính thức các Hội thánh miền Bắc để có thể có một Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm thống nhất.
Các Hội thánh hoạt động riêng lẻ, chưa có thể tổ chức Hội Đồng hay họp bàn từng khu vực. Có nhiều Hội thánh vẫn sinh hoạt với một chương trình đầy đủ với Ban trường Sa Bát, Ban Chứng Đạo, Ban Từ thiện, Gia đình trẻ. Trong lúc ấy nhiều Hội thánh vì nhà thờ chưa có (dự định xây cất chưa được thực hiện thì giải phóng), hoặc hư hỏng chưa được trùng tu, hoặc các cơ quan chính quyền địa phương mượn làm kho, nhà trẻ, văn phòng hợp tác xã chưa trả lại nên phải nhóm ở các nhà riêng tín hữu. Chương trình nhóm họp gồm hát Thánh Ca Tôn Vinh Chúa, học lời Chúa qua sự làm chứng của các trưởng lão hay chức viên của Ban Trị Sự.
Giáo Hội hy vọng một ngày gần đây được chính quyền cho phép các nhà thờ được xây cất, trùng tu để Giáo Hữu có nơi nhóm lại Thờ Phượng Đức Chúa Trời cho thỏa lòng ước mong như Hội thánh Sa Đéc đã được chính quyền cho phép sinh hoạt lại ngày 31-1-1989, Hội thánh Cần Thơ, Vàm Nhon được mở cửa 1989, và một địa điểm mới nhất là Hội thánh Long Thành (xã Phước Thái) Đồng Nai, được giấy phép Ban Tôn Giáo Đồng Nai ngày 30-8-1991 cho nhóm lại.
Nguồn Tài liệu Hội Thánh

Chương 4: Sơ Lược Lịch sử Truyền Giáo Của Giáo Hội Báp Tít Nam Phương Tại Miền Nam Việt Nam Từ Năm 1959 Đến Năm 1975

Các giáo sĩ Báp-tít Nam Phương đến Việt Nam truyền giáo từ năm 1959 đến năm 1975. Gia đình giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam học ngôn ngữ, tập quán, phong tục để có thể truyền giáo cho người Việt Nam là gia đình ông bà giáo sĩ Herman Hayes. Kế đến là các ông bà giáo sĩ William Roberson, Samuel Longbottom, Lewis Myers, Samuel James, Robert Davis, Ron Merrell, Earl Beengs, Peyton Moore, Robert Compher, Walter Routh, Jim Gayle, James Kellum, Joe Turman, David Wigger, Gene Tunnell, Ken Goad. Ông bà Jim Humphries đến Việt Nam hầu việc Chúa trong tư cách tuyên úy. Ngoài ra, còn có nhiều thanh niên, thiếu nữ độc thân đến để hổ trợ cho công tác truyền giáo với nhiệm kỳ hai năm trong đó có David Lincohnhocker, George Pickle, Mary Kay Johnson, Rosalie Beck, Karen Russey Gross.
Các giáo sĩ cùng với gia đình đến Việt Nam truyền giáo để chu toàn mạnh lịnh của Chúa trong Mat 28:18-20 Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.
Những hội thánh được thành lập bao gồm Hội Thánh Ân Điển, Hội Thánh Bình An tại Sài Gòn, Hội Thánh Đức Tin, Chi Hội Hàng Xanh tại Gia Định, Hội Thánh Phú Thọ Hòa, Hội Thánh Bình Tiên tại Chợ Lớn. Tại Miền Trung, ngay tại Đà Nẵng có Hội Thánh Hy Vọng với nơi nhóm lại thật khang trang và cách tổ chức rất qui củ. Công việc Chúa tại nơi này phần lớn do Ông Bà Giáo Sĩ Lewis Myers gầy dựng với các tín hữu đầy lòng sốt sắng, nhiệt thành. Tại Quảng Ngãi có nhiều nhóm tín hữu nhóm lại dưới sự hướng dẫn và huấn luyện của Ông Bà Giáo Sĩ Walter Routh. Tại Huế Ông Bà Giáo Sĩ Robert Davis thành lập được một hội thánh ngay tại thành nội với sự nhóm lại rất trang nghiêm. Qui Nhơn là nơi Ông Bà Giáo Sĩ Robert Compher hầu việc Chúa. Hội Thánh nơi này có nơi nhóm lại rất tốt do Ông Bà Giáo Sĩ Robert Compher cùng các tuyên úy và các tín hữu Việt Nam góp công xây cất. Hội Thánh tại Nha Trang do Mục Su Nguyễn Xuân Cảnh đảm nhiệm với sự hỗ trợ của các giáo sĩ. Chi Hội ở Phước Hải là địa điểm truyền giáo khá gần Nha Trang. Ông Bà Giáo Sĩ Jim Gayles đến hầu việc Chúa tại Cam Ranh. Tại đây có Giáo Sư Nguyễn Xuân Hà nguyên là Thanh Tra Trung học Cam Ranh và là người lãnh đạo đầy khả năng. Dưới sự hướng dẫn của ông và sự hỗ trợ của các giáo sĩ và các tuyên úy, một Cô Nhi Viện được thành lập. Vào cuối Tháng Tư năm 1975, các em cô nhi tại Cô Nhi Viện này được đưa vào Miền Nam và sau đó được đưa sang Hoa Kỳ. Tại Đà Lạt có Hội Thánh Đức Tin được thành lập với một số gia đình tín hữu. Đây là nơi các giáo sĩ được đưa đến để học Việt Ngữ trước khi đảm nhận nhiệm sở. Tại Cần Thơ Ông Bà Giáo Sĩ Herman Hayes là người đã gầy dựng và tiếp tục truyền giáo cho đến khi phải rời khỏi Việt Nam. Vào năm 1969 có một chương trình truyền giảng được phát động từ những nơi được kể đến trên đây. Số người tin Chúa qua chương trình truyền giảng này tuy ít như chính chương trình này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác truyền giáo của Giáo Hội Báp Tít Nam Phương.
Trụ sở của Cơ Quan Truyền Giáo tọa lạc tại 111 Chi Lăng, Phú Nhuận. Trong 5 năm đầu thập niên 1970, trụ sở này là văn phòng trung ương của Hội Truyền Giáo. Phần trong cùng của cơ sở được dùng làm nơi cư ngụ cho hai gia đình giáo sĩ. Phần trước là Phòng Sách gắn liền với Cơ Quan Tu Thư Và Ấn Loát do Giáo Sĩ William Roberson làm Giám Đốc. Cùng làm việc với ông có Ông Lê Văn Hòa đặc trách về tu thư và Ông Trịnh Ngọc Thanh đặc trách về ấn loát cùng các nhân viên khác.
Công tác xã hội do Tiến Sĩ Gene V. Tunnell hướng dẫn. Công tác y tế do Bà Giáo Sĩ Rachel James đảm trách. Từ những xe y tế lưu động nhiều bệnh nhân được chẩn bệnh và phát thuốc miễn phí. Chương trình Học Kinh Thánh Hàm Thụ Và Phát Thanh do Giáo Sĩ Peyton Moore chuẩn bị với sự cọng tác của Mục Sư Đỗ Văn Dũng.
Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam được thành lập ở Thủ Đức và sau đó được dời về 33-B Nguyễn Văn Trương, Gia Định. Người đã gầy dựng, chăm sóc và mang hết tâm tình, năng lực phục vụ trong tư cách Viện Trưởng từ thuở ban đầu cho đến khi Viện Thần Học phải đóng cửa làTiến Sĩ Samuel James. Giáo ban của Viện Thần Học gồm các giáo sĩ trong nước cũng như ngoài nước. Tiến Sĩ Leo Crisman là người đã tận tụy gầy dựng một thư viện trên 3,000 cuốn sách rất giá trị. Những người đã hoàn tất học trình cử nhân thần học của Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam là các mục sư Lê Quốc Chánh, Đỗ Vĩnh Thành, Trương Văn Hy, Đào Văn Chinh, Đỗ Văn Dũng và Dư Kiện Sanh. Song song với việc đào tạo người hầu việc Chúa trong học trình cử nhân thần học, Viện Thần Học còn có chương trình huấn luyện nữ giáo viên. Chương trình huấn luyện này do Cô Olive Allen và các bà giáo sĩ đảm trách. Từ đầu năm 1974 đến tháng 4 năm 1975 Viện Thần Học còn phát triển chương trình huấn luyện cho các lãnh đạo được những hội thánh quanh vùng cử đến tham dự. Trong khoảng đầu năm 1975 Mục Sư Đào Văn Chinh là người đảm nhận chức vụ Xử Lý Thường Vụ Viện Trưởng Viện Thần Học Báp Tít Việt Nam cho đến khi cơ sở của viện phải trao cho tân chánh quyền.
Mục sư Đào Văn Chinh

Chương 5: Lịch Sử Hội Truyền Giáo Tin Lành Mennonite tại Việt Nam

Hội Truyền Giáo Tin Lành Mennonite tại Việt Nam bắt đầu hoạt động vào năm 1957 khi ông bà Giáo sĩ James và Arlene Stauffer đến Sàigòn dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Mennonite tại Lancaster, Pennylvania. Ông bà làm việc dưới Đoàn Truyền Giáo và Xã Hội Mennonite Đông Phương (Eastern Mennonite Board of Missions and Charities). Sau nhiều năm hoạt động, đến năm 1961, có nhiều tín đồ được làm phép báp-têm. Một Trung Tâm Sinh Viên của Hội Mennonite được tạo mãi ở đối diện với Bệnh Viện Bình Dân, Sàigòn. Trung Tâm nầy được dùng cho tín đồ họp mặt, thông công. Tại đây cũng có một phòng đọc sách, thư viện và các lớp dạy anh ngữ đã được tổ chức để giúp đỡ các sinh viên học sinh.
Sau đó, các hoạt động truyền giáo được mở rộng ra đến Gia Định (1964), Cần Thơ (1970), và hai trung tâm khác ở Sàigòn được thành lập. Hội Thánh đầu tiên được thành lập là Hội Thánh Gia Định, nay là quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Hội Thánh Gia Định, qua các hoạt động y tế, xã hội, giáo dục đã giúp đỡ dân chúng trong vùng một cách đắc lực. Sau Tết Mậu Thân, Hội Truyền Giáo đã giúp đỡ hằng trăm gia đình sửa chửa, xây lại nhà cửa. Vào tháng 3 năm 1969, Mục sư Trần Xuân Quang được phong chức, ngôi nhà thờ mới được xây dựng và dâng hiến vào năm 1973, trong đó có Trường Tiểu Học Rạng Đông. Nhiều tín đồ hoạt động mạnh trong việc truyền giáo và xã hội giúp đỡ đồng bào địa phương.
Vào năm 1964, chính phủ thừa nhận Hội Truyền Giáo Tin Lành Mennonite. Đến năm 1973, các Hội Thánh họp với nhau và thành lập Giáo Hội Tin Lành, hệ phái Mê-nô-nít. Giáo Hội Tin Lành Mê-nô-nít được tự trị, không lệ thuộc vào Hội Truyền Giáo lúc đó.
Sau khi đất nước thống nhất, tài sản của Hội Thánh và Hội Truyền Giáo bị chính quyền trưng dụng. Một số tín đồ rời Việt Nam, nhiều người khác trở về quê, những người còn lại đến nhóm các Hội Thánh Tin Lành Việt Nam hoặc Báp Tít ở Thành Phố Hồ Chí Minh.
Ngày nay, có nhiều nhóm tín hữu Mennonite trong nhiều nơi ở Việt Nam. Nhiều tín hữu được giao phó các chức vụ lãnh đạo hội thánh ở Philadelphia, Sacramento và Honolulu.
Hội Truyền Giáo Mennonite thật ra đã bắt đầu hoạt động xã hội từ năm 1954 khi Ủy Ban Trung Ương Mennonite (Mennonite Central Committee hay MCC) đến miền Nam để giúp đỡ người tị nạn. Đây là cơ quan cứu trợ và phát triển của tất cả các Hội thánh Mennonite ở Canada và Hoa Kỳ. Sau đó MCC chú tâm vào công tác y tế và nông nghiệp trên vùng cao nguyên. Các chuyên viên của MCC như y tá, bác sĩ, kỷ sư nông nghiệp... cộng tác chặt chẽ với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam làm việc tại Bệnh Viện Cùi Ban Mê Thuộc (từ năm 1955) và Bệnh Viện Tin Lành Hòn Chồng Nha Trang (từ năm 1960).
Vào năm 1966, MCC thành lập Tổ Chức Xã Hội Tin Lành (Vietnam Christian Service hay VNCS) với sự cộng tác của Church World Service và Lutheran World Relief. Các nhân viên từ Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Mỹ, Gia Nã Đại cùng làm việc với nhau để giúp đỡ xã hội, y tế, giáo dục và nông nghiệp ở các nơi như Pleiku, Quãng Ngải, Tam Kỳ. Di Linh, Huế và Sàigòn.
Các nhân viên Mennonite tình nguyện đến giúp Việt Nam nhằm mục đích hòa bình, ở Việt Nam hay Mỹ. MCC luôn cố gắng giúp nạn nhân chiến tranh ở miền Nam lẫn miền Bắc, từ năm 1966, Hội thỉnh thoảng gởi đồ cứu trợ cho miền Bắc. Sau chiến tranh, MCC tiếp tục tìm cách giúp đỡ dân chúng Việt Nam và đã mở một văn phòng tại Hà Nội vào năm 1990.
Giáo sĩ Luke S. Martin

1. Các từ in nghiên, trong dấu ngoặc được chúng tôi thêm vào cho dể hiểu.
2. Đạo của ông Gia-tô lập ra cho nên ta thường gọi là đạo Gia-tô; lại vì đạo ấy chỉ thờ Thiên Chúa mà thôi, cho nên lại gọi là đạo Thiên Chúa. Có phái gọi là đạo Cơ-đốc bởi chữ Christ là bậc cứu thế.
3. Cảnh giáo là một phái đạo Gia-tô của người chủ giáo tên là Nestorius lập ra từ đệ ngũ thế kỷ ở Đông La-mã, rồi truyền sang nước Ba-tư (Perse) và nước Tàu.
4. Đạo Tin Lành.
5. Âm mưu lật đổ chính quyền và đuổi người Pháp của cựu hoàng Duy Tân và Trần Cao Vân đã bị thất bại, những người này trốn vào một ngôi chùa. Họ bị cho là có liên hệ với một phong trào tôn giáo thịnh hành lúc đó.
6. Các mục sư Tin Lành Pháp không bị khó khăn hay hạn chế trong việc truyền giảng hay thờ phượng từ trước đến nay.
7. Nhưng 2 năm sau Hội Đồng cho rằng việc này không thực tiển và chỉ cho phép quý bà quý cô hoạt động như đại biểu Hội Đồng cũng như giữ các chức vụ y tế giáo dục khác.
8. Cũng nên biết Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp không chủ trương tham gia vào công tác giáo dục ở những nơi đã có sẳn trường học địa phương.






Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »