BẢN TÍN LÝ- CỦA HỘI THÁNH GIA ĐÌNH THẾ GIỚI KIỀN BÁI
(Trích HIẾN CHƯƠNG HỘI THÁNH )
Điều 33 Kinh Thánh:
Kinh Thánh gồm 66 sách: 39 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời được viết bởi những người được sự soi dẫn thiên thượng và ghi lại những điều mà chính Đức Chúa Trời khải thị chính mình cho nhân loại. Kinh Thánh là một kho tàng hoàn mỹ của sự giáo huấn thiêng liêng. Kinh Thánh do Đức Chúa Trời làm tác giả; có sự cứu chuộc làm chủ đích và là lẽ thật, là chân lý không pha trộn sai lầm. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, hiệp nhất và trọn vẹn. Kinh Thánh mặc khải những nguyên tắc mà Đức Chúa Trời xét xử chúng ta, vì thế từ nay cho đến ngày tận thế Kinh Thánh là trung tâm thật của sự hiệp nhất Cơ Đốc Giáo, có uy quyền tối cao, tiêu chuẩn tuyệt đối để xét xử mọi tín điều, hạnh kiểm và ý kiến của con người hay cũng như bất kỳ tôn giáo nào của loài người. Mực thước để giải thích Kinh Thánh là Đức Chúa Giê-su Christ.
Điều 34 Đức Chúa Trờ i:
Chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Sống và Chân Thật. Ngài là Đấng có nhân tánh và thiêng liêng. Là Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Bảo Tồn và là Đấng Cầm Quyền vũ trụ. Ngài Thánh Khiết Trọn Vẹn và Hoàn Hảo mọi bề. Chúng ta mắc nợ Ngài về tình yêu, lòng tôn thờ, kính trọng và sự vâng lời tuyệt đối. Đức Chúa Trời vĩnh cửu bày tỏ chính Ngài cho chúng ta qua Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, với những thuộc tính cá nhân riêng biệt nhưng đồng đời đời, đồng đẳng, đồng quyền, đồng nhất về thể yếu, duy nhất vô phân.
A- ĐỨC CHÚA CHA
Đức Chúa Cha (Đức Cha) là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng Cai Quản cả hoàn vũ, tạo vật, ngay cả dòng lịch sử loài người theo mục đích của ân phúc Ngài. Ngài là Đấng đầy quyền năng, đầy lòng yêu thương và khôn ngoan. Đức Chúa Trời là Cha trong lẽ thật của những ai trở nên con cái của Ngài bởi tin đến Đức Chúa Giê-su Christ. Ngài không tây vị ai, đối đãi cách công bằng và công nghĩa đối với tất cả mọi người theo cách như một người cha.
B- ĐỨC CHÚA CON
Đức Chúa Giê-su Christ là Con Độc Sanh Đời Đời của Đức Chúa Trời (Đức Con/ Đức Chúa Con) và Ngài cũng là Đức Chúa Trời trong lẽ đạo Ba Ngôi, là Chúa chúng ta. Trong sự nhập thể của Đức Chúa Giê-su Christ, Ngài được thai dựng bởi Đức Thánh Linh và sinh ra bởi nữ đồng trinh Ma-ri. Đức Chúa Giê-su đã bày tỏ và thi hành cách hoàn hảo trọn vẹn ý định của Đức Chúa Trời. Ngài mang bản tánh Đức Chúa Trời (Thần Tánh) trọn vẹn và Ngài cũng mang bản tánh con người (Nhân Tánh) trọn vẹn. Ngài đồng hóa mình với nhân loại nhưng không phạm tội. Ngài đã làm trọn luật pháp thiên thượng bởi sự vâng phục Đức Chúa Trời thậm chí cho đến chết trên cây thập tự. Ngài đã cung ứng cho toàn nhân loại sự cứu rỗi trọn vẹn khỏi tội lỗi. Ngài đã chịu chết trên thập giá, chịu chôn, Ngài xuống âm phủ đến ngày thứ ba Ngài từ kẻ chết sống lại. Ngài thăng thiên và hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha. Ngài là Đấng Trung Bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người. Và nhờ Ngài mà loài người được phục hòa cùng Đức Chúa Trời. Từ đó, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang và quyền năng để xét đoán kẻ sống, kẻ chết và làm trọn sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Ngài hiện đang sống trong lòng mỗi người tin. Ngài đang sống và luôn luôn hiện diện.
C- ĐỨC THÁNH LINH
Đức Thánh Linh là Thần Đức Chúa Trời và Ngài cũng là Đức Chúa Trời trong lẽ đạo Ba Ngôi. Ngài đã soi dẫn và cảm thúc cho các Thánh ngày xưa (40 trước giả) để viết Kinh Thánh. Qua sự soi sáng của Ngài đã giúp nhân loại hiểu biết chân lý. Ngài tán dương Đấng Christ. Ngài cáo giác tội lỗi về sự công bình và sự phán xét. Ngài kêu gọi người ta đến với Chúa Cứu Thế. Ngài tái tạo (hay tái sinh), vun xới phẩm chất Cơ Đốc, dạy dỗ, nhắc nhở, an ủi những người tin thờ Chúa và ban cho họ quyền năng, ân tứ thuộc linh để nhờ đó hiểu biết chân lý là lẽ thật Kinh Thánh, phục vụ Đức Chúa Trời qua Hội Thánh. Đức Thánh Linh ấn chứng những người tin thờ Chúa cho đến ngày cứu chuộc sau cùng. Sự hiện diện của Ngài trong lòng tín hữu là sự bảo đảm của Đức Chúa Trời để đem những người tin vào trong sự đầy trọn của hình ảnh Đấng Christ. Ngài soi sáng, đồng công, ủy thác cho tín hữu và Hội Thánh trong sự thờ phượng, truyền giảng và phục vụ.
Điều 35 Loài người:
Loài người được Đức Chúa Trời dựng nên theo ảnh tượng Ngài, là tuyệt đỉnh vinh quang trong sự sáng tạo của Ngài. Trong buổi sáng thế, loài người thật tốt đẹp, vô tội và được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho quyền tự do lựa chọn. Vì sự tự do lựa chọn, loài người đã chọn sự phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời và mang tội lỗi vào nhân thế. Qua sự cám dỗ của quỷ sa tăng loài người đã chọn vi phạm mạng lệnh của Đức Chúa Trời, đánh mất sự tốt đẹp vô tội ban đầu; bởi thế hậu tự của họ thừa kế một bản chất xu hướng phạm tội và một môi trường nghiêng về tội lỗi. Ngay cả khi họ muốn đạt đến khả năng cho những hành động luân lý thì họ lại phạm tội và phải ở dưới sự định tội. Chỉ duy bởi ân phúc của Đức Chúa Trời mới có thể đem loài người vào trong sự tương giao thánh với Ngài và giúp nhân loại hoàn thành mục đích sáng tạo của Đức Chúa Trời. Sự thiêng liêng của cá tính con người được điển hình trong việc Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo ảnh tượng Ngài và chính vì lẽ đó Đấng Christ đã đến thế gian và chết thế cho nhân loại; thế nên, mỗi người đều sở hữu sự cao quý; xứng đáng để được kính trọng và thương yêu.
Điều 36 Sự cứu rỗi:
Sự cứu rỗi liên quan đến sự cứu chuộc cuộc đời toàn diện và được ban cách miễn phí cho những ai tiếp nhận Đức Chúa Giê-su Christ làm Chúa và Cứu Chúa, là Đấng đã lấy huyết mình tạo nên sự cứu chuộc đời đời chi những ai tin thờ Ngài. Trong ý nghĩa rộng, Sự Cứu Rỗi bao gồm Sự Tái Sinh (hay sự Tái Tạo), Sự Nên Thánh và Sự Vinh Hiển.
A- Sự Tái Sinh hay Tái Tạo là công tác do ân phúc của Đức Chúa Trời nhờ đó những ai tin thờ Chúa trở nên những tân tạo vật trong Đức Chúa Giê-su Christ. Đây là sự thay đổi trong nội tâm do Đức Thánh Linh đem đến bởi sự cáo trách về tội lỗi, nhờ đó tội nhân đáp ứng lại bằng cách ăn năn tội, đến với Đức Chúa Trời và đặt niềm tin vào Đức Chúa Giê-su Christ.
Sự ăn năn và đức tin là hai kinh nghiệm không thể tách rời được trong ân phúc của Đức Chúa Trời. Ăn năn là dứt khoát với tội lỗi để đến với Đức Chúa Trời. Đức tin là tiếp nhận Đức Chúa Giê-su Christ và phó thác trọn vẹn cá nhân cho Ngài làm Chúa và Cứu Chúa. Sự xưng nghĩa là ân phúc Đức Chúa Trời và sự tha bổng dựa trên nguyên tắc công bình của Ngài cho tội nhân biết ăn năn và tin vào Đấng Christ. Sự xưng nghĩa đem người tin vào mối tương giao thánh với Đức Chúa Trời trong sự bình an và trong sự đẹp lòng Ngài.
B- Sự Nên Thánh là một đời sống từng trải bắt đầu bằng sự tái sinh, nhờ đó tin nhân được biệt riêng cho mục đích của Đức Chúa Trời, và nhờ sự hiện diện cũng như quyền năng của Đức Thánh Linh là Đấng ngự trong mình, người ấy tiến đến chỗ hoàn hảo trong lãnh vực luân lý và thuộc linh. Việc tăng trưởng trong ân phúc cần được tiếp nối liên tục suốt cuộc đời của một người đã được tái sinh.
C- Sự Vinh Hiển là tuyệt đỉnh của sự cứu rỗi, là phước hạnh và trạng thái cuối cùng của những người được cứu.
Điều 37 Ân phúc của Đức Chúa Trời:
Sự lựa chọn là một mục đích quảng đại của đại Đức Chúa Trời, theo đó Ngài tái tạo xưng nghĩa và làm vinh hiển tội nhân. Điều này thích hợp với ý chí tự do của loài người và thâu tóm mọi phương tiện để đạt đến sự cứu cánh. Đó là sự biểu dương rực rỡ lòng nhân đức tối thượng của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan vô hạn, thánh khiết và không thay đổi. Sự tuyển chọn loại bỏ đi sự khoe khoang, cổ xúy lòng khiêm nhường.
Tất cả những tín nhân chân thật sẽ bền lòng cho đến cuối cùng. Những ai đã được Đức Chúa Trời chấp nhận trong Đấng Christ và được nên thánh bởi Đức Thánh Linh sẽ không bao giờ mất phần ân phúc, nhưng sẽ được gìn giữ cho đến cuối cùng. Tín nhân đôi khi phạm tội vì sự cám dỗ hay sơ sót, bởi đó họ làm buồn Đức Thánh Linh, tổn thương ân phúc và sự an ủi, là duyên cớ khiến Đấng Christ bị chê trách, và chính họ nhất thời bị đoán xét. Tuy nhiên nhờ đức tin họ lại được khôi phục, được quyền năng của Đức Chúa Trời gìn giữ cho đến kỳ cứu rỗi.
Điều 38 Hội Thán h:
Hội Thánh Tân Ước của Đức Chúa Giê-su Christ là một đoàn thể những tín nhân là những người tin nhận Đức Chúa Giê-su Christ làm Chúa, Cứu Chúa của mình hội hiệp cùng nhau bởi giao ước của đức tin và sự giao thông của Tin Lành. Họ tuân theo Mạng Lệnh Thánh của Đấng Christ, quyết tâm theo sự dạy dỗ của Ngài, sử dụng những ân tứ, quyền hạn và đặc ân được ban cho họ qua Lời Ngài và tìm cách phát triển Tin Lành cho đến cùng trái đất.
Hội Thánh là một đoàn thể tự trị, điều hành theo thể thức dân chủ dưới sự chủ trị của Đức Chúa Giê-su Christ. Trong Hội Thánh mọi hội viên đều có trách nhiệm ngang hàng nhau.
Kinh Thánh Tân Ước cũng nói rằng: Hội Thánh là Thân Thể của Đấng Christ bao gồm những người được cứu thuộc mọi thời đại.
Điều 39 Lễ Báp Tem và Lễ Tiệc Thánh và :
Lễ Báp Tem là sự dìm mình một người tin trong nước, nhân Danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Đây là một hành động vâng lời tượng trưng cho đức tin của tín nhân trong sự đóng đinh, sự chôn và sự sống lại của Cứu Chúa Giê-su, tượng trưng cho tín nhân trong việc chết đối với tội lỗi, chôn cuộc đời cũ và sống lại để bước đi trong cuộc đời mới với Đấng Cứu Thế Giê-su. Đây cũng là một lời chứng cho đức tin chân thật của tín nhân tin thờ Chúa và trong sự sống lại sau cùng của kẻ chết. Là một Thánh Lễ, Lễ Báp Têm là một điều kiện tiên quyết xưng nhận mình thuộc về Chúa, thuộc về Hội Thánh và để được dự Lễ Tiệc Thánh.
Lễ Tiệc Thánh là một hành động tiêu biểu cho sự vâng lời bởi đó các hội viên của Hội Thánh qua việc dùng bánh và nước nho, tưởng nhớ đến sự thương khó, sự chết của Đấng Christ và mong đợi sự tái lâm của Ngài.
Điều 40 Ngày Chúa Nhật:
Ngày thứ nhất trong tuần lễ là ngày của Chúa. Ngày này được người Cơ Đốc thiết lập để làm những nghi lễ thường xuyên. Đây là dịp kỉ niệm sự sống lại của Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và phải được dùng để thờ phượng và tĩnh dưỡng tâm linh cả nơi riêng tư và công cộng. Là dịp để tránh các thú vui trần thế, nghỉ ngơi công việc trong sáu (06) ngày lao động, ngoại trừ công việc vì nhu cầu nhân đạo.
Điều 41 Thiên Quốc:
Vương Quốc Trời bao gồm quyền tể trị tổng quát của Đức Chúa Trời trên vũ trụ và đặc biệt là vương quyền của Ngài trên những người ước mong nhận Ngài làm Vua của họ. Nói riêng, Nước Trời là lĩnh vực của sự cứu chuộc mà loài người bước vào bằng sự tin cậy đơn sơ như con trẻ quyết tâm tin cậy vào Đức Chúa Giê-su Christ. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta cầu nguyện và chứng đạo để Nước Trời mau đến và ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trên đất. Tuyệt điểm của Vương Quốc Trời để dành cho sự tái lâm của Đức Chúa Giê-xu Christ và sự chung kết cõi đời.
Điều 42 Những việc cuối cùng:
Trong đường lối riêng của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đem thế giới này đến chỗ tận chung. Theo lời Ngài đã hứa, Đức Chúa Giê-su Christ sẽ đích thân trở lại và hiện ra trong quyền năng vinh hiển trên đất, những người chết sẽ sống lại, và Đấng Christ sẽ xét đoán mọi người trong sự công bình. Những người không công bình (không tin thờ Chúa) sẽ bị đưa xuống Hỏa Ngục nơi đó chịu hình phạt đời đời. Người công bình (thành thật tin thờ Chúa) trong thân thể phục sinh và sẽ nhận được phần thưởng của họ và sẽ ở vĩnh viễn trong Thiên Đàng phước hạnh của Chúa.
Điều 43 Truyền Giảng và Truyền Giáo:
Đây là nhiệm vụ và đặc quyền của mỗi người theo Đấng Christ và của mỗi Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su trong nỗ lực khiến muôn dân trở nên Môn đồ Chúa. Đây là Đại Mạng Lệnh của Đấng Christ khi Ngài thăng thiên. Là một con dân Chúa biết vâng lời thì luôn luôn bền chí tìm kiếm những người hư mất để đem họ về với Đấng Christ, cách cá nhân và với tất cả những phương pháp khác phù hợp ở Tin Lành của Đấng Christ.
Điều 44 Giáo dục Cơ Đốc:
- Công tác giáo dục trong Vương Quốc Đấng Christ ngang bằng với công tác truyền giáo và việc tương tế chung, vì thế đáng nhận sự hậu thuẫn rời rộng từ Hội Thánh cũng như các công tác kia. Cần có một hệ thống đầy đủ các trường lớp, khóa bồi linh Kinh Thánh để hoàn thành chương trình thuộc linh cho Con dân Đấng Christ.
- Nền Cơ Đốc Giáo Dục nên cần có sự quân bình giữa tự do giáo huấn và trách nhiệm giáo huấn. Tự do trong bất cứ tương quan trật tự nào của loài người đều luôn có sự giới hạn và không bao giờ tuyệt đối. Sự tự do của một nhà mô phạm trong một trường Tin Lành (Cơ Đốc), Đại học Tin Lành hay Đại Chủng Viện được giới hạn bởi sự siêu việt của Đức Chúa Giê-su Christ, bởi quyền uy của Kinh Thánh và bởi mục đích chuyên biệt mà bởi đó có Cơ Đốc Giáo Dục tồn tại.
Điều 45 Quản gia:
Đức Chúa Trời là nguồn của mọi phước hạnh cả thuộc linh lẫn thân thể; tất cả những gì chúng ta có đều do Ngài. Vì thế chúng ta phải có bổn phận phục vụ Ngài bằng thì giờ, tài năng và những tài vật của mình. Chúng ta nên nhận biết rằng tất cả những thứ chúng ta có là sự ủy thác, sự chúc phước của Đức Chúa Trời để họ sử dụng cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và giúp đỡ người khác. Theo Kinh Thánh, người Cơ Đốc nên dâng hiến các phương tiện của họ cách vui lòng, thường xuyên, có hệ thống, tương xứng, và rời rộng cho công tác truyền giáo Đấng Cứu Chuộc cho nhân gian.
Điều 46 Hợp tác:
Liên hiệp, hợp tác với nhau là mục đích vĩ đại của Nước Đức Chúa Trời. Những tổ chức như thế không có quyền hạn gì trên nhau và cũng không có quyền gì trên các Hội Thánh. Đây là chi thể tự nguyện và cố vấn được chỉ định để rút tỉa, phối hợp và huy động năng lực của dân sự Chúa trong cung cách hiệu quả nhất. Hội viên của những Hội Thánh Tân Ước nên hợp tác với nhau để tiến hành các mục vụ truyền giáo, giáo dục và từ thiện nhằm mở mang Vương Quốc Đấng Christ. Sự hợp nhất Cơ Đốc trong Tân Ước mang ý nghĩa là sự hợp nhất và tình nguyện hợp tác cho một công việc chung bởi nhiều nhóm khác nhau của con dân Chúa. Khi hợp tác phải không vi phạm đến lương tâm và nguy hại đến lòng trung thành với Đấng Christ và Lời của Ngài như đã được bày tỏ trong Tân Ước.
Điều 47 Người Cơ Đốc và trật tự xã hội:
Mỗi người Cơ Đốc nhân đều phải có trách nhiệm tìm cách đặt ý chỉ của Đấng Christ lên tối thượng trong đời sống và trong xã hội loài người. Những phương tiện, phương pháp sử dụng để cải tiến xã hội và thiết lập công bình giữa loài người chỉ có thể trở nên hữu ích bền lâu và chân thật khi những điều ấy bắt nguồn từ đời sống đã được đổi mới bởi ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ. Người Cơ Đốc theo tinh thần Đấng Christ nên chống lại mọi hình thức tham lam, ích kỉ, thói xấu. Người Cơ Đốc nên thực hiện công tác tiếp trợ cho cô nhi, kẻ thiếu thốn, người già lão, người không thể tự giúp mình và những người ốm đau. Cơ Đốc Nhân nên sẵn sàng làm việc tất cả với những người có thiện ý trong bất cứ nguyên nhân tốt nào, luôn luôn cẩn thận hành động trong tình yêu thương nhưng không trái với sự trung thành của mình đối với Đấng Christ và chân lý của Ngài.
Điều 48 Hòa bình và chiến tranh:
- Bổn phận của người Cơ Đốc là tìm kiếm sự hòa bình với tất cả mọi người dựa trên những nguyên tắc công bình. Theo tinh thần và sự dạy dỗ của Đấng Christ họ phải làm hết sức mình để kết thúc chiến tranh.
- Liều thuốc thật chữa trị tinh thần hiếu chiến là Tin Lành của Chúa chúng ta. Nhu cầu cấp thiết của thế giới là chấp nhận sự dạy dỗ của Ngài trong tất cả mọi lĩnh vực của loài người và mọi quốc gia, cùng áp dụng thực tiễn luật yêu thương của Ngài.
Ê-sai 2:4, Mathiơ 5:9; 38-48; 6:33; 26:52, Lu-ca 22:36;38, Rô-ma 12:18-19; 13:1-7; 14:19, Hê-bơ-rơ12:14, Gia-cơ 4:1-2
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..