Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.

Mở Hội Thánh Mới

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A






TÓM TẮT SGK 
MỞ HỘI THÁNH MỚI
Sách giáo khoa tại đây
*****************
KHUÔN MẪU HỘI THÁNH

HỘI THÁNH TRONG THỜI TÂN ƯỚC 
   Mở HT mới là một trách nhiệm diệu kỳ. HT được phát thảo trong tâm trí của Đức Chúa Trời, được Chúa Giê-xu bắt đầu và được Đức Thánh Linh trực tiếp chỉ đạo. HT trong Tân ước được thiết lập bởi các sứ đồ, các tiên tri và Chúa Giê-xu là đá góc nhà (Êphe 2: 20) khiến chúng trở thành khuôn mẫu, nguyên tắc căn bản cho chính tôi khi đi ra mở HT mới. Khi được đọc, được học công việc khởi lập HT thời Tân ước thì đi mở HT mới cần theo 6 nguyên tắc cơ bản như sau:
- Trước hết là thiết lập được một nhóm tín hữu nhận trách nhiệm trong việc rao giảng Phúc Âm cho cộng đồng khởi đầu là những người gần gũi mình. Họ không chỉ rao giảng mà đời sống của họ cũng làm chứng về Phúc âm nữa. Đời sống của họ thể hiện đức tin, học và làm theo lời Chúa, chia sẻ vật chất cụ thể cho những ai có nhu cầu cho cộng đồng mình đang chứng đạo,.vvv….
- Thứ hai, Phúc âm được rao giảng cho những người chưa được cứu ngay tại chỗ họ ở. Nguyên tắc này mô tả họ phải mang Phúc Âm đến tận nơi người chưa được cứu đang ở chứ không phải cứ ngồi mà chờ tội nhân đến với mình.
- Thứ ba, HT nhận diện và sai phái những người được Đức Chúa Trời kêu gọi mang Phúc Âm đến những vùng đất khác. Đây là những người được Chúa kêu gọi ra đi rao giảng Phúc Âm cho những vùng đất mới.
- Thứ tư, sự truyền giảng trong thời Tân ước nhắm trực tiếp vào những người lớn. Chiến lược là khi người lớn trong gia đình tin Chúa, họ cũng có thể đem con cái mình, gia đình mình đến với Chúa Giê-xu nữa, đặc biệt là người chủ gia đình. Bằng cách này toàn thể gia đình tin Chúa.
- Thư năm, những tân tín hữu được kết hợp vào sự sống của thân thể HT địa phương tức là họ có được mối quan hệ giữa các tín hữu với nhau và có mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời nữa.
- Thứ sáu, Trong HT địa phương phải rao giảng về sự cứu chuộc qua đức tin nơi Chúa Giê-xu chứ không phải là hệ thống tín ngưỡng tôn giáo vvv,…
Hãy chú ý rằng, chúng ta rao giảng một Phúc Âm cho khắp thế giới, sự cứu chuộc phải được rao giảng chứ không phải là những phong tục hoặc lễ nghi. Và cách thờ phượng Chúa được thể hiện tuỳ thuộc vào mỗi nền văn hoá.
Mục đích của Hội Thánh
     Trong phần này, chúng ta thấy được chức năng chủ yếu của HT. Mục đích này được thấy trong đại mạng lệnh mà Chúa Giê-xu đã truyền dạy cho các môn đồ trước khi Ngài thăng thiên trong Ma-thi-ơ 28: 19- 20 đó là: (1) Hãy đi …. tạo môn đồ và (2) dạy họ vâng giữ mọi điều Chúa dạy. Nói ngắn gọn về hai chức năng chủ yếu của HT là Truyền giảng và dạy dỗ. Bởi hai chức năng này mà HT được đặt để trong thế gian này.
Tầm quan trọng của Hội Thánh
    Hội Thánh mới được thành lập là nơi cung cấp sự huấn luyện và tạo ra nơi chốn để tân tín hữu tụ họp để thờ phượng Chúa, học Kinh Thánh và giữ sự tương giao với nhau. Và khi Hội Thánh cung cấp đủ sự huấn luyện cho các môn đồ thì sẽ chuẩn bị cho công tác chức năng của HT là truyền giảng và dạy dỗ.

CÔNG TÁC PHỤC VỤ CỦA HỘI THÁNH
Mục đích công tác phục vụ của Hội Thánh nhằm hoàn tất hai chức năng chủ yếu của Hội Thánh đó là truyền giảng dạy dỗ.
Và chính Đức Thánh Linh là Đấng ban những ân tứ phục vụ cho HT để HT hoàn tất sứ mạng Đức Chúa Trời đã giao phó.
Căn cứ vào nơi chốn phục vụ của HT chúng ta có thể xếp loại các ân tứ thành 3 nhóm như sau: Thứ nhất là Những ân tứ được sử dụng chủ yếu trong thân thể HT; Thứ hai là những ân tứ được sự dụng chủ yếu ngoài HT; Thứ ba là những ân tứ phục vụ được sử dụng cả bên trong và bên ngoài HT.
Mục đích của những ân tứ
     Theo KT Ê-phê-sô 4: 11- 12 cho thấy Đức Chúa Trời ban cho HT những ân tứ phục vụ với 2 mục đích như sau: (1) Sửa soạn dân sự Đức Chúa Trời cho công tác phục vụ, và (2) trang bị làm cho thân thể của Đấng Christ lớn lên.  Và cả hai mục đích trên giúp HT hoàn tất đại mạng lệnh của Chúa trong Ma-thi-ơ 28: 19.
NGƯỜI GIEO TRỒNG HỘI THÁNH
Người mở HT mới được gọi như là người gieo trồng HT, người đó phải có phẩm chất làm gương tốt như là một người tôi tớ (Phi-líp 2: 4- 7), một tôi tớ trung tín trong nhà Chúa.
Những phẩm chất khác nữa là: (1) Được tái sinh, đầy dẫy Đức Thánh Linh; (2) Có đời sống cầu nguyện; (3) có tấm lòng thương xót cho những linh hồn hư mất; (4) có tấm lòng yêu thương người khác; (5) là tấm gương của một Cơ Đốc Nhân trưởng thành.
Ba phẩm chất của sứ điệp của người gieo trồng HT
- Sứ điệp phải đặt trên nền tảng KI
- Đấng Christ phải là trọng tâm sứ điệp
- Và sứ điệp cũng đáp ứng nhu cầu của HT
QUYỀN NĂNG CỦA HỘI THÁNH

     Chúng ta phải nhận biết rằng, chính Đức Thánh Linh ban quyền năng cho những người gieo trồng HT. Thứ hai là nhận biết chính Thánh Linh ban sự sống và sự tăng trưởng cho HT.  Đây là sự kết hợp hài hoà giữa tự phục vụ và quyền năng của Đức Thánh Linh như được chép trong Mác 16:20 là “Các môn đồ đi ra giảng khắp mọi nơi và Chúa cùng làm việc với họ, xác minh lời nói của họ bằng những dấu kỳ phép lạ cặp theo” (BDY).

HỘI THÁNH VÀ SỨ MẠNG CỦA MÌNH
      Trong bài học này, nhận biết sứ mạng của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh.
ĐỊNH NGHĨA CHỮ SỨ MẠNG
            Sứ mạng của HT là thực hiện mục đích cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho toàn thể mọi dân tộc, đó là điều Đức Chúa Trời mong muốn (Ê-phê-sô 3: 10-11), đó là thực hiện Đại mạng lệnh mà Chúa Giê-xu đã chỉ thị rõ trước khi thăng thiên trong Ma-thi-ơ 28: 19. Có thể nói đơn giản và ngắn gọn hơn là sứ mạng của Hội Thánh là mang Phúc Âm đến mọi nơi. Sứ mạng này dành cho mọi HT ở mọi nền văn hoá, mọi giai cấp xã hội và kinh tế.
     Để thực hiện sứ mạng này HT phải là “cộng tác viên” của Đức Thánh Linh (công vụ 1: 8). Và quyền năng của Đức Thánh Linh phải luôn hiện hữu trong HT trước khi HT thực hiện công tác truyền giảng Phúc âm.
SỨ MẠNG BẤT ĐẦU
Hội Thánh tăng trưởng
            HT tăng trưởng không phải là HT có số người mới tin vào điều mới lạ mà là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời đáp ứng được các nhu cầu của con người.
Thẩm quyền của Kinh Thánh
            Các sứ đồ ra đi thực hiện đại mạng lệnh đã công bố lời Kinh Thánh rằng Chúa Giê-xu đã chết, đã sống lại và sự sống đời đời trong quyền năng Đức Thánh Linh xức dầu đã dẫn đưa nhiều người ăn năn tin nhận Chúa Giê-xu (Công vụ 2: 37, 10: 43).
Quyền năng siêu nhiên
            Qua phép lạ về sự chữa lành bệnh trong quyền năng Đấng Christ và nhiều đời sống được thay đổi đã đáp ứng được nhu cầu của dân chúng và kết quả nhiều người quay trở lại tin Chúa.
HỘI THÁNH LAN RỘNG
Qua sự gia tăng công tác lãnh đạo
            Theo Công vụ đoạn 8 cho thấy HT bị phân tán nhưng không bị huỷ diệt. Bất cứ nơi nào tín hữu đến thì nơi đó có sự chứng đạo và HT mới được thành lập, đó là sự lãnh đạo tuỳ theo sự cung ứng của Thánh Linh (Rôma 12:5-8; ICôrinhtô 12:7-11).
Do sự giải quyết vân đề cách mềm dẻo
            Khi số người trong HT được tăng thêm, hay HT mới được thành lập thì luôn luôn có nan đề xảy ra, từ lãnh đạo, chấp sự, đến tín hữu. Chúng ta hãy nhờ cậy Đức Thánh Linh giúp chúng ta biết cách giải quyết các nan đề một cách mềm dẻo nhưng vẫn giữ được chân lý Phúc âm là sự cứu chuộc duy chỉ Giê-su Christ.
SỨ MẠNG TIẾP TỤC
Tổ chức phát triển
            Dựa theo KT nghiên cứu, Tác giả SGK (viết tắt TGSGK) đưa cho chúng ta biết được vài nguyên tắc tổ chức của HT để hoàn tất sứ mạng:
1. Cấu trúc tổ chức được thành lập đễ đáp ứng nhu cầu  dựa theo KT Công vụ 6: 4
2. Hội Thánh địa phương được thành lập trong những trung tâm dân cư đông đúc dựa theo con đường truyền giáo của Phao-lô như Công vụ 11 : 19- 20. Và cứ thế Hội Thánh bắt đầu lan rộng và thành lập những Hội Thánh khác ở những vùng lân cận.
3. Tài chánh của Hội Thánh là một phần của sự thờ phượng (Công vụ 2:44-45, II Côrinhtô 8:2-3).
HỘI THÁNH BỊ ĐE DỌA
Những vấn đề về tổ chức hành chánh
            TGSGK nhận định về điều này như sau: Trong việc giải quyết nan đề này, chúng ta thấy được một số nguyên tắc hành chánh rõ ràng: 1) Trách nhiệm lãnh đạo phải ủy quyền và những cấp bậc quyền hành phải được thành lập; 2) Những thiểu số có nền văn hóa khác phải có những đại diện trong vai trò lãnh đạo của Hội Thánh; 3) Những người lãnh đạo phải được những người họ dẫn dắt chấp nhận.
Những chia rẽ về cá tính
            Theo gương sứ đồ Phao-lô trong I Côrinhtô 1:12-13, 3: 1-5, TGSGK nhận định: Như Phao-lô khiển trách sự chia rẽ bè phái và người lãnh đạo cơ đốc chân chính chỉ hướng dẫn người ta đến với Christ, chứ không bao giờ đến chính mình.
Những lỗi lầm về giáo lý và những thói quen xấu
            Chìa khoá để thắng sự dạy dỗ về giáo lý sai lầm là hãy học tập dạy dỗ từ lời của Đức Chúa Trời và chân lý về thân vị Đấng Christ. Hãy khuyên bảo sửa lại những thói quen xấu và thiết lập cho tín hữu một tiêu chuẩn sống của Cơ Đốc vì thân thể là đền thờ của Thánh Linh…
Vô luân
           
            Đó là hành động phạm tội về tình dục. Hội Thánh phải ghét tội lỗi đó, nhưng cũng phải yêu thương tội nhân. Tội lỗi đó phải bị xử lý, nhưng phải có những cố gắng đặc biệt để nâng đỡ và phục hồi một anh em ăn năn theo Galati 6:1.
Những giáo sư giả
            Nói đơn giản giáo sư giả là những người dạy một ít chân lý kèm theo sự dạy dỗ dối trá của họ nhằm lường gạt nhiều người. Họ được ví như là “những con chó sói hung ác” không tiếc bày chiên (Công vụ 20:29). Hỡi người lãnh đạo hãy nhờ cậy Thánh Linh cách khôn ngoan để giữ bầy chiên của mình mà Chúa đã giao cho trước những con sói đó tấn công.
HỘI THÁNH TỰ QUẢN TRỊ
Khi thành lập được HT mới, người gieo trồng cần giúp cho HT đó đạt được 3 mục đích tự quản, tự phát triển và tự cung cấp. Tầm quan trọng của sự tự quản là:
- Khiến HT mới được tồn tại lâu dài dù có trải qua nhiều sự khó khăn
- Giúp HT đạt đến được sự trưởng thành mục đích hoàn thành sứ mạng truyền giảng Phúc âm trong Ma-thi-ơ 28: 18-20.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA SỰ TỰ QUẢN
1. Những Tiêu Chuẩn
Trước tiên Người gieo trồng HT cần nhấn mạnh cho tân tín hữu hiểu được rằng đức tin Cơ Đốc Nhân phải đặt trên nền tảng KT.  Và tiêu chuẩn trong KT là tiêu chuẩn về đức tin cũng như những hành vi đạo đức, cách sống  của người tin Chúa, là căn cước để xem xét, điều chỉnh mọi sự dạy dỗ cũng như cách sống cho Cơ Đốc.
2. Tổ chức Hội Thánh
Mặc dù trong sách Công vụ không nói đến việc tổ chức của HT, nhưng trong thư tín của Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê và Tít, ông đều nhấn mạnh đến tổ chức đặc biệt là những phẩm chất và trách nhiệm của những chức vụ trong HT. Và sức mạnh của HT là sức mạnh của mỗi thành viên trong HT.
3. Những Người Lãnh Đạo Trong Hội Thánh
Đây là việc rất cần thiết cho HT tự quản. Người mở HT mới cần nhờ cậy ơn Chúa để nhận biết, nhạy bén với tín hữu nào có ơn trong khả năng lãnh đạo HT trong tương lai.
HT mới sau khi đã ổn định phải có mục sư, sau đó có các ban/ uỷ ban và những phẩm chất của những lãnh đạo được căn cứ trên nền tảng KT I Timôthê 3:1-13 và trong Tít 1:5-9. Mục đích là gây dựng và phát triển HT, mở rộng vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất này.
NHỮNG TRÁCH NHIỆM CỦA SỰ TỰ QUẢN
1. Trách nhiệm qua cuộc họp bàn công tác 
Để thực hiện những nhiệm vụ sự tự quản của Hội Thánh  thì cần phải có các buổi họp để họp bàn công tác trong HT. Những công việc của HT theo hàng tuần, hàng tháng hay hàng quý, hàng năm được căn cứ trong các buổi họp nhờ ơn Chúa của ban chấp hành HT và buổi họp Hội đồng của HT đó.
Đối với HT mới trước hết qua các buổi họp HT mới cần được đưa ra những điều lệ và hiến chương của HT lấy nền tảng KT làm trọng tâm,  để giúp HT mới chấp nhận và thực hiện, cần đi từng bước. Tiếp đến là đăng ký hoạt động của HT đối với chính quyền theo từng đặc thù của địa phương HT mới thành đó.
2. Trách nhiệm của sự răn dạy
Trách nhiệm của sự răn dạy là nói đến chức vụ hay công tác xử lý những trường hợp một hội viên bị phạm lỗi trong HT. Điều này phải căn cứ trên nền tảng vững chắc của KT để đưa ra những quyết định đúng sai về những lỗi lầm của hội viên đó… như lấy gương sửa phạt của Chúa Giê-su đối với Phi-e-rơ làm mẫu. Và hãy nhớ rằng mục đích của sự răn dạy đó là là sự phục hồi anh em, được lại anh chị em trong HT chứ không phải là chia rẽ phân cách, hay là “bị mất.”
3. Lớn mạnh trong sự trưởng thành thuộc linh
Hội Thánh trưởng thành thuộc linh chỉ khi những hội viên được trưởng thành. Đạt được điều này, HT cần có những kế hoạch, chương trình ngắn hạn hay dài hạn để huấn luyện đào tạo lời Chúa và giúp đỡ tín hữu được tăng trưởng trong mọi mặt đời sống trên nền tảng lời Đức Chúa Trời ngõ hầu Hội Thánh đạt được mức độ trưởng thành là mỗi thành viên được phước, mà mỗi thành viên cũng được phước đều có cơ hội phát triển về mặt thuộc linh.
Như vậy “mục đích của người gieo trồng Hội Thánh không những làm cho Hội Thánh tự quản trị để tự lo cho chính mình nhưng còn thiết lập một tập thể Cơ dốc nhân trưởng thành để gánh vác trách nhiệm thực hiện mục đích của Hội Thánh trong sự truyền giảng và xây dựng thân thể Đấng Christ.”- TGSGK

Khi một HT mới được thành lập biết cách tự quản thì trách nhiệm của HT ấy không dừng lại tại chỗ này. Là một chi thể trong thân thể của Đấng Christ HT cần học biết nhiệm vụ của mình là cũng phải đi gieo trồng những HT khác.
Mục tiêu 1: Những đặc tính của Hội Thánh tự phát triển.
Trong bài 1 chúng ta nhận biết HT phải thực hành hai chức năng căn bản đó là truyền giảng và dạy dỗ trong Ma-thi-ơ 28: 19-20 “Hãy đi... tạo môn đệ... dạy cho họ vâng giữ mọi điều ta đã truyền cho các con”. Và trong Ê-phê-sô 4: 12 cho thấy chính Chúa Giê-xu là Đấng ban những ân tứ để HT hoàn tất sứ mạng Chúa giao.
Giống như một cây con phải lớn lên để tự sinh sản ra, thì một Hội Thánh địa phương cũng phải có sự sống. Những bằng cớ nào chứng tỏ một Hội Thánh sống về phần thuộc linh và vì vậy có thể tự sinh sản được?
- Thứ nhất, HT đầy dẫy tình yêu thương và biết quan tâm đến những người xung quanh.
- Thứ hai, HT biết cầu xin Thánh Linh dẫn dắt để tìm kiếm chinh phục người hư mất về cho Chúa.
- Thứ ba, HT có huấn luyện đào tạo học kinh thánh cho tân tín hữu hay môn đồ, cũng như về cá nhân chứng đạo.
Mục tiêu 2: Chọn lựa những phương pháp truyền giảng thích hợp
Có 4 phương pháp khác nhau được những người gieo trồng Hội Thánh mang lại hiệu quả cao ở khắp nơi trên thế giới.
* Thứ nhất: Truyền giảng trong nhóm nhỏ và Hội Thánh tư gia
Phương pháp truyền giảng này còn được gọi là phát triển “tổ hạt nhân tư gia”.  HT tư gia được thấy ngay trong những ngày đầu tiên của HT thời công vụ, lúc đó không có giáo đường, họ thường gặp gỡ nhau tương giao với nhau tại nhà của tín hữu (Công vụ 5: 42). Chính tình yêu thương quan tâm với nhau giúp đỡ nhau trong các nhóm nhỏ đã thu hút nhiều người tin Chúa đến với Đẩng Christ.
* Thứ hai: Công tác cá nhân
Công tác cá nhân còn được gọi là cá nhân chứng đạo là công việc của một cá nhân rao giảng Phúc Âm cho một cá nhân khác. Họ nói về những gì Chúa đã làm cho họ, thay đổi họ như thế nào. Với lời làm chứng mạnh mẽ đó họ đã và đang làm theo mạng lệnh của Chúa Giê-xu trong Công vụ 1: 8 là“các con sẽ làm những chứng nhân của ta”.
Và sau khi đã có những người đáp ứng và tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu thì chứng đạo viên đó tập hợp những người đó lại với nhau để hình thành nhóm tân tín hữu của một HT địa phương mới.
* Thứ ba: Những chiến dịch truyền giảng
Để thực hiện phương pháp HT có những chiến dịch truyền giảng về Chúa Giê-xu tại nhà thờ, hay hội trường, sân vận động,vvv. Qua những cuộc truyền giảng công cộng đó nhiều người được nghe về Chúa (hàng trăm, hàng nghìn người ….) cùng một lúc như Rô-ma 10: 14 đã chép:  “các con sẽ làm những chứng nhân của ta.”
* Thứ tư: Gieo trồng Hội Thánh theo cách mẹ sinh con
Phương pháp này được tác giả SGK ví như sự phát triển của giống dâu tây. Đó là một loại cây phát triển bằng những thân cây bò mọc mọi hướng trên đất. Phần thân cây đó bò đến đâu thì nó đâm rễ xuông tại một chỗ cách xa cây mẹ và phát triển thành cây con. Dần dần thân bò khô đi và cây con mới đó tự phát triển bởi sức sống từ rễ mới của nó. Tiến trình này cứ liên tục cây mẹ sinh cây con làm cho cây dâu phát triển lan rộng nhanh chóng trên một vùng đất rộng mênh mông.
Tức là HT mới được thành lập và phát triển qua những tín hữu trong HT sống xa nơi địa điểm HT đang thờ phượng Chúa.
Dù có 4 phương pháp truyền giảng nhưng điều quan trọng trước nhất phải là được sự xức dầu và sự hướng dẫn của Thánh Linh.  Điều này có nghĩa là phải tìm kiếm Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện, và rồi lập kế hoạch và chuẩn bị sẵn cho bất cứ cách nào chúng ta có thể theo sự dẫn dắt của Thánh Linh cách hiệu quả nhất.  Đức Thánh Linh luôn xức dầu cho những ai khao khát phục vụ Chúa, vâng theo ý Ngài và Ngài sẽ ban đức tin cho người nghe để người ấy tin.
Mục tiêu 3: Bốn bước có thể giúp để bắt đầu một Hội Thánh mới
Tất cả mọi tín hữu đều có phần trong sự làm chứng và chinh phục ngươi khác cho Đấng Christ. Họ không nhất thiết phải là những tín hữu trưởng thành và đầy kinh nghiệm trong sự giảng dạy lời Chúa. Họ đều có thể góp phần trong những bước đầu tiên mở mang HT mới. Dưới đây là 4 bước có thể giúp cho mỗi cá nhân trong việc gieo trồng HT mới:
* Bước 1: Cầu nguyện
Bởi người gieo trồng HT không phải bởi năng lực của mình mà là đang chiến đấu với quyền lực của thế giới tối tăm và chông lại các lực lượng của tà linh” (Êphêsô 6:12).  Nếu bằng sức riêng con người không thể chông cự trong trận chiến này. Phải cầu nguyện trong đức tin và không bao giờ sợ hãi. Chúng ta rao giảng Phúc Âm do mệnh lệnh của Đấng Christ và bằng quyền năng của Ngài (Mathiơ 28:19-20; I Tim 4:1- 2; Công vụ 1: 8).
* Bước 2: Học tập nghiên cứu về dần tình ở địa phương
Một khi đã thấy rõ ý muốn của Đức Chúa Trời kêu gọi thì người gieo trồng HT đến một nhóm người nào hoặc nơi nào thì cần nghiên cứu kỹ càng về người đó, nhóm người đó trong địa phương đó như thế nào. Tiếp đến người gieo trồng cần tìm hiểu phong tục xã hội, luật lệ (nếu có) … như thế nào trong việc chinh phục người hư mất cho Chúa.
* Bước 3: Quyết định những nhu cầu thuộc linh
Nhận biết nhu cầu thuộc linh của người mà mình muốn chứng đạo ngõ hầu chính Đấng Christ là Đấng đáp ứng những nhu cầu thuộc linh của họ, và là Cứu Chúa của họ.
* Bước 4: Điều chỉnh lại những kế hoạch nếu cần
Bước này là bước nhạy bén để thấy những vấn đề cần thay đổi trong những kế hoạch để công việc mở HT mới được diễn ra trong sự tốt đẹp của Chúa.
 Mục tiêu 4: Những hoạt động mang lợi ích trong việc đạt được những mục đích của Kỉnh Thánh cho Hội Thánh địa phương mới.
* Thứ 1 là Tạo môn đệ: HT không chỉ giảng Phúc Âm mà còn  mang người nghe đến tin nhận Chúa và nhìn nhận Ngài là Cứu Chúa của họ, “tạo họ thành môn đồ” cho Chúa.
* Thứ 2 là Tập trung những tín hữu lại với nhau: Người gieo trồng HT đầy kinh nghiệm và kết quả là biết tập trung những tân tín hữu thành một nhóm Cơ Đốc  tại một địa điểm cụ thể, một thời gian cụ thể. Nơi đó các tân tín hữu cần sự tương giao thuộc linh và huấn luyện (Mathiơ 28:20; Hêbơrơ 10:25).
* Thứ 3 là Ảnh hưởng lẫn nhau trong cộng đồng: Tức là HT mới đó cần có hay giữ được mối quan hệ với cộng đồng xã hội hay những người chưa được cứu trong cộng đồng của họ ngõ hầu để có một kết quả tốt trong việc chứng đạo (Mathiơ 5:13-17, Giăng 17:11, 15, 18).
* Thứ 4 là Tổ chức tín hữu: Tức là nhóm tân tín hữu được tổ chức thành một HT tự quản có thể hoàn thành cách hiệu quả mục đích và những công tác của HT. HT địa phương là công cụ Đức Chúa Trời chọn lựa để gây dựng tín hữu (Êphêsô 4:12, II Tim 3:16), dạy họ giáo lý, biết cách ban cho, và cách phục vụ Đức Chúa Trời trong sự tương giao của thân thể Đấng Christ.
* Thứ 5 là Dạy về sự mở mang Hội Thánh: Khi những tân tín hữu thấy được mục đích của những người gieo trồng Hội Thánh là tạo môn đệ trong cộng đồng của họ, thì họ cũng có thể góp phần vào công việc và vui mừng khi đem những người khác đến với Đấng Christ. Những tân tín hữu cần được huấn luyện và mời tham gia vào những tổ khác nhau của những người gieo trồng HT.
Mục tiêu 5: Hội Thánh địa phương nhận được nhiều lợi ích từ nguyên tắc tự phát triển.
* Sự chăm sóc của mẫu hội
Tức là HT địa phương nhận được sự quan tâm của HT mẹ qua sự cầu nguyện cầu thay, tài trợ hoặc trực tiếp giúp đỡ trong một số công việc…
*  Xây dựng Hội Thánh toàn cầu
Mỗi Hội Thánh địa phương là những viên gạch của tòa nhà vĩ đại thường được gọi là HT phổ thông hay H T toàn cầu. Mỗi HT địa phương là một bộ phận của thần thể Đấng Christ, chia sẻ cùng một loại đức tin “quí giá” (II Phierơ 1:1) và được kết hợp trong mối tương giao để hưởng phước và tăng cường sức mạnh. Chính Đức Thánh Linh ban quyền năng và hướng dẫn HT hoàn tất sứ mạng của Đấng Christ là tạo môn đệ và gây dựng họ trong đức tin. Khi vâng theo mạng lệnh này, HT đi ra gieo HT mới và cứ tiếp tục sinh sôi nẩy nở lan tràn cả thế giới này.
 I. HỘI THÁNH TỰ CẤP DƯỠNG
* Những nguyên tắc của sự tự cấp dưỡng
Mục tiêu 1: Nhận diện những nguyên tắc về tài chính của Hội Thánh thời Tân ước biểu thị trong những sự dạy dỗ của Phao lô.
Mở Hội Thánh [viết tắt là HT] mới, đôi khi bị “cám dỗ”  về suy nghĩ rằng đừng nói về tiền bạc, vì khi nói về tiền bạc trong sự dâng hiến thì sẽ không còn ai đến HT nữa. Nhưng thực ra khi soi điều đó vào  chức vụ mở HT của sứ đồ Phao-lô thì lại khác. Sứ đồ không hề tránh né khi nói về tiền bạc mà ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng đời sống thuộc linh của tín hữu biết dâng hiến tiền bạc cho công việc của Nước Chúa . Và có ba nguyên tắc mà sứ đồ Phao-lô đã đưa ra trong thư tín của mình:
- Thứ nhất, dâng hiến tiền bạc giúp đỡ (hoặc chi lương) “nuôi” người rao giảng Phúc Âm (Ga-la-ti 6: 6, I Côrinhtô 9:7-12). Mà điều này trong sự giảng dạy của Chúa Giê-xu cũng nhắc đến là người phục vụ có quyền tiếp nhận sự cấp dưỡng (Mathiơ 10:10; Luca 10:7).
- Thứ hai, dâng hiến giúp HT tự lo được các công việc của HT như cấp lương cho những người dạy đạo (Ga-la-ti 6: 6), giúp đỡ người nghèo và góa bụa trong Hội Thánh họ (I Timôthê 5:3- 10) hoặc tương trợ cho những anh chị em khó khăn khác và mọi công việc khác của HT địa phương cần đến như hôn nhân, sinh để, ốm đau, qua đời, quà tặng cho tân gia, quỹ truyền giáo, quỹ từ thiện vvv…..
- Thứ ba là chính HT địa phương đó phải quản lý ngân quỹ của HT mình. Tức là HT địa phương bầu chọn những người trưởng thành thuộc linh để làm công tác thủ quỹ của HT.
* Ích lợi thực tế của sự tự cấp dưỡng
Mục tiêu 2: Nhận diện những lý do vì sao Hội Thánh tự cấp dưỡng là vấn đề thực tế.
Chính vì chưa hiểu rõ ích lợi của việc HT tự cấp dưỡng nên người mở HT chưa có sự dạn dĩ để rao giảng lẽ thật về sự dâng hiến. Trong phần này, chúng ta cần nhận biết được lý do vì sao Hội Thánh tự cấp dưỡng hay ích lợi thực tế cho HT của sự tự cấp dưỡng là:
- Thứ nhất là phát triển tinh thần trách nhiệm của mỗi tín hữu trong HT. Bởi khi dâng hiến là lúc mỗi tín hữu có trách nhiệm giúp đỡ chăm sóc lẫn nhau cũng như công việc mở mang Nước Trời vậy.
- Thứ hai là khi biết dâng hiến là lúc đời sống thuộc linh được lớn lên. Vì sự dâng hiến không chỉ bày tỏ sự tạ ơn Đức Chúa Trời của một tín hữu mà còn góp phần phục vụ Chúa, mang lại phước hạnh và tăng trưởng đức tin cho người đó nữa (II Côrinhtô 9:7-13). Nếu tín hữu nào không biết dâng hiến thì họ sẽ đánh mất phần phước hạnh đó.
Giống như một em bé sơ sinh còn bồng trên tay cần sự chăm sóc đặc biệt, nhưng khi đã lớn lên rồi thì phải tập cho nó biết trách nhiệm lo lắng cho mình. Rất tai hại trong việc cứ để trẻ con ở trong tình trạng làm trẻ con phải lệ thuộc vào người khác mãi. Cũng vậy mỗi  HT mới cần phải sớm có cơ hội trưởng thành trong đức tin và bước theo kế hoạch cấp dưỡng và trưởng thành của Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh.
II. SỰ CẦN THIẾT CỦA VỆC DẠY DỖ VỀ SỰ TỰ CẤP DƯỠNG
* Dạy về sự dâng hiến có hệ thông
Mục tiêu 3: Giải thích bốn nguyên tắc dâng hiến của Hội Thánh
Một điều sai lầm tiếp theo nữa khi mục sư rao giảng về dâng hiến tiền bạc đó là sợ tín hữu sẽ bất mãn hoặc nghĩ rằng mục sư tham tiền. Đây là lỗi lầm lớn. Nên là mục sư cần học hỏi lời Đức Chúa Trời  để có hiểu biết hơn về những khía cạnh, trách nhiệm dâng hiến tiền bạc và phải sẵn sàng nhờ cậy Đức Thánh Linh để có sự khôn ngoan để rao giảng dạy dỗ cho tín hữu về sự dâng hiến mà Chúa muốn. Và dưới đây là 4 nguyên tắc về sự dâng hiến mà mục sư cần rao giảng tại HT:
- Thứ nhất là dâng hiến phải vui lòng (II Côrinhtô 9:7: 7 Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng.) xem thêm II Côrinhtô 8:2
- Thứ hai là Đức Chúa Trời hứa ban phước cho người dâng hiến ( Malachi 3:10 10 Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!) Xem thêm Luca 6:38 II Côrinhtô 9:6.
- Thứ ba, dâng hiến là một biểu hiện của tình yêu: (II Côrinhtô 8:7 Vậy thì, như anh em đều trổi hơn về mọi việc, tức là về đức tin, về lời giảng, về sự vâng lời, về mọi sự sốt sắng, về tình yêu chúng tôi, thì cũng hãy chú ý làm cho trổi hơn về việc nhân đức nầy.  )
- Thứ tư, dâng hiến là đang tích luỹ của cải trên thiên đàng “Hãy giúp đỡ kẻ nghèo... hãy sắm cho mình... của báu không hư hại tại thiên đàng” (Luca 12:33).
Qua 4 nguyên tắc trên, mục sư không chỉ rao giảng bằng cách dạy dỗ trước HT mà còn phải làm gương, hãy làm trước đó là phương pháp tốt nhất.
* Dạy về cách quản lý
Mục tiêu 4: Viết ra dàn ý về phương cách quản lý ngân quĩ của Hội Thánh.
HT cần phải có người thủ quỹ tức là người quản lý tài chính của HT, người đó phải chịu trách nhiệm trước tiên với Đức Chúa Trời về việc sử dụng tài chính và tiếp đến là phải chịu trách nhiệm với HT về những điều sử dụng đó.
Trong Lu-ca 16: 1-2 cho thấy người thủ quỹ không quản lý tốt những tài sản mà Chúa đã giao cho mà còn làm lợi ra nữa đó là điều Đức Chúa Trời mong muốn.
Để đạt được điều đó dưới đây là kế hoạch gợi ý cho thủ quỷ để quản lý tốt tài chính của HT:
- Thứ nhất, Thủ quỹ của HT cần phải có ít nhất 2 người.
- Thứ hai, phải có sổ sách hay phiếu thu chi cách chi tiết về tài chính của HT.
- Thứ ba, trong phiếu thu hoặc chi đều có chữ ký tên của người kiểm tiền.
- Thứ tư, Một ủy ban phụ trách về tài chánh ít nhất là ba thành viên sẽ chịu trách nhiệm trong việc phân phôi ngần quĩ. Ngoài ra, mục sư hoặc người gieo trồng Hội Thánh phải là thành viên và làm chủ tọa các cuộc họp của ủy ban này.
- Thứ năm, cần phải giữ cẩn thận mọi sổ sách thu chi của HT.
- Thứ sáu, phải giữ cẩn thận toàn bộ tài chính của HT
- Thứ bảy, những khoản tiền dâng đặc biệt cho những nhu cầu đặc biệt thì phải được dùng đúng chi nhu cầu đã được kêu gọi trong HT, không được dùng cho nhu cầu khác.
- Thứ tám, Thủ quỹ phải có báo cáo hàng năm về tài chính thu chi.
 Dựa vào từng hoàn cảnh HT ở địa phương mà thủ quỹ cần chia những khoản chi hàng tháng như:  (1) Tiền cấp dưỡng cho mục sư, (2) Tiền thuê phòng nhóm. (3)Tiền điện, nước, (4)Tiền chi cho cơ sở vật chất và (5) Tiền chi cho tài liệu giáo dục của HT.vvvv
III. QUYỀN NĂNG CỦA SỰ TỰ CẤP DƯỠNG
Mục tiêu 5: Mô tả những ích lợi cho sự trưởng thành của một Hội Thánh tự cấp dưỡng.
Một HT biết tự cấp dưỡng là HT luôn có khuynh hướng tiến lên và phát triển nhanh hơn so với HT lệ thuộc bởi 3 lý do sau:
- Thứ nhất, bởi sự tự cấp dướng khiến đức tin từ mục sư đến tín hữu trong HT đều được khích lệ và tăng trưởng. (Giacơ 2:26 “Nếu không có hành động thì đức tin sẽ chết” xem thêm Rôma 12:3; I Phierơ 1:1).
- Thứ hai, bởi sự tự cấp dưỡng giúp HT có ảnh hưởng tích cực cách mạnh mẽ với cộng đồng những người chưa tin Chúa. Vì HT tự cấp dưỡng thì đánh tan suy nghĩ “đạo ngoại quốc” của những người chưa tin Chúa.
- Thứ ba, khi HT biết tự cấp dưỡng thì HT đó sẽ trưởng thành mộ cách không hạn chế bởi HT đã biết cách tự túc mà không bị phụ thuộc, không bị hạn chế vào ngân quỹ của một tổ chức hay bất kỳ một cá nhân nào.

Đến đây, chúng ta đã nhận biết được về tầm quan trọng của sự tự cấp dưỡng của HT, nguyện xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta là những người mở HT mới được ơn để chia sẻ và hướng dẫn HT mới đi trong kế hoạch mà Đức Chúa Trời đã hoạch định cho HT ngay thời kỳ HT ban đầu trong sách Công vụ.
 PHẦN 6: HỘI THÁNH HUẤN LUYỆN NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Chúng ta đã có nhiều cách tổ chức HT và phát triển một HT tự quản tự dưỡng, nhưng tại sao HT vẫn không được tăng trưởng nhanh. Một lý do nữa đó là HT có huấn luyện người lãnh đạo tương lai không và huấn luyện như thế nào? Trong bài này, cho chúng ta thấy được những nguyên tắc chỉ đạo trong việc chọn lựa và huấn luyện những người lãnh đạo trong HT địa phương.
TẠI SAO PHẢI CÓ NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO?
Mục tiêu 1: Chọn những lời diễn đạt đưa ra các lý do tại sao cần những người lãnh đạo trong Hội Thánh.
Những lý do thuộc linh
- Lý do trước tiên đó là người mở HT chuyển sang vùng đất mới, hay nơi khác để mở HT mới nên công việc HT cần tiếp tục lớn lên và phát triển. Do vậy cần những lãnh đạo thuộc linh tương lai cho HT đó.
- Đó là gương mẫu mà Chúa Giê-xu đã làm. Ngài đã chọn và huấn luyện số ít người (12 người) để tiếp tục công việc của Ngài rộng hơn trên đất và kết quả họ đã làm “đảo lộn cả thế giới” (Công vụ 17: 6).
- Thứ ba là sứ đồ Phao-lô cũng đi trong nguyên tắc này và đã viết thư cho Ti-mô-thê noi theo nguyên tắc đó: “ 2 Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” II Tim 2:2
Những lý do thực tế
- Sự tốt nhất cho HT địa phương là người lãnh đạo xuất thân từ HT địa phương đó bởi vì đó người lãnh đạo hiểu được cả về thuộc linh lẫn thực tế của đời sống tín hữu trong HT ngõ hầu dễ đáp ứng và có phương pháp tốt cho những nan đề trong HT.
- Người lãnh đạo tại HT địa phương hiểu được cộng đồng chung quanh và biết rõ được những phương pháp tốt để giúp HT đứng vững và tăng trưởng phát triển từ thuộc linh đến thuộc thể.
Thật phước hạnh thay khi những HT có mục sư nhận được khải tượng về điều này và có những phương pháp huấn luyện lãnh đạo tương lai cho HT địa phương.
 NHỮNG PHẦM CHẤT CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO LÀ GÌ?
Mục tiêu 2: Nhìn nhận những phẩm chất phải có nơi một người quản nhiệm (lãnh đạo) Hội Thánh.
Những (gồm 16)  tiêu chuẩn của KT về một người quản nhiệm (lãnh đạo) HT cần phải có như sau:
- Về tư cách đạo đức thì người đó “phải không chỗ trách được”, gương mẫu.
- Người ấy phải là chồng của một vợ.
- Người ấy phải tiết độ và tự chế, biết hài hòa trong bất cứ hoạt động nào. Người ấy luôn luôn giữ mức quân hình và điều độ trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
- Người ấy có thể tự kiểm soát chính mình. Không nhạy giận, không để điều quá chi phối mình cũng không nô lệ điều gì.
- Người ấy được tôn trọng. Cuộc sống người ấy có nề nếp, có uy tín và được nhiều người kính nể.
- Người ấy ân cần tiếp khách, biết chia sẻ vật chất cho người khác, cũng như sông cho tha nhân.
- Người ấy có khả năng dạy dỗ, có thể nói cho người khác về Tin Mừng và khuyên bảo họ sống cuộc sống Cơ đốc.
- Người ấy không nghiện rượu.
- Người ấy xử sự nhã nhặn, không gầy lộn.
- Người ấy không ham tiền (không yêu tiền bạc).
- Người ấy biết cai trị nhà riêng mình. Con cái biết vầng lời, thuận phục cha mẹ, nêu gương tốt.
- Người ấy không phải là người mới qui đạo.
- Người ấy được những người ngoài Hội Thánh làm chứng tốt cho.
- Người ấy không có những hành động thô bạo.
- Người ấy phải yêu chuộng những điều tốt đẹp.
 - Người ấy phải dùng giáo lý thuần chánh để khuyên dạy những kẻ khác và bác bẻ lại những ai chống nghịch giáo lý đó.
Và trong HT Tân ước, Phao-lô cho chúng ta thấy một sự kiện rõ ràng rằng HT luôn luôn phải có một tập thể lãnh đạo (hay Ban lãnh đạo hay dùng ngày nay), không có một cá nhân độc quyền lãnh đạo HT cả, điều này được thể hiện bằng cụm từ “những trưởng lão” trong I Tim 5: 17.
 NHẬN DIỆN NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĐƯỢC CÔNG NHẬN
Mục tiêu 3: Nhận diện những đặc tính của một người lãnh đạo được công nhận để người ấy có thể mang lại lợi ích khi trở thành người lãnh đạo Hội Thánh.
Có hai trường hợp mà sứ đồ Phao-lô nhận đình rõ ràng họ là những người lãnh đạo tương lai đầy tiềm năng.
Thứ nhất là vị tù trưởng của đảo Mantơ, quan tổng đốc Phêlít, Phếttu, vua Ạcrípba, và ngay cả những người nhà của hoàng đế Lamã (Công vụ 24-26, 28; Philip 4:22). Họ là những người lãnh đạo dân chúng công nhận và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân chúng nên sứ đồ Phao-lô dùng mọi cơ hội để làm chứng cho họ vì nếu họ tin nhận Chúa họ có thể (tôi dùng chữ có thế vì không phải ai cũng được) là những người lãnh đạo tương lai của HT dễ đem cho cả khu vực tin Chúa hơn.
Thứ hai là nhân vật Tít khi Phao-lô từ giã Tít, Phao-lô viết thư bảo Tít hãy Tít hãy “đề cử những trưởng lão” trong mỗi Hội Thánh. Đó là những tín hữu trưởng thành có những phẩm chất đạo đức cao (Tít 1:5-9). Phao lô dặn bảo Tít rằng có những người như thế “trong mỗi thị xã” (c. 5).
Như vậy người gieo trồng HT phải cẩn thận nhạy bén Đức Thánh Linh để nhận biết được những người lãnh đạo tiềm năng cho HT dù họ lớn tuổi hay ít tuổi nhưng họ phải là người được cộng đồng tôn trọng và trưởng thành về đời sống thuộc linh cũng như phẩm hạnh.
CHUẨN BỊ NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO NHƯ THẾ NÀO?
Mục tiêu 4: Liệt kê ba nguyên tắc của cách giải quyết thời Tân ước về việc huấn luyện những người lãnh đạo trong Hội Thánh.
Khi đọc KT Tân ước cho chúng ta gương mẫu để giải quyết điều này:
Sửa soạn về phương diện thuộc linh
- Thứ nhất là điều Chúa Giê-xu đã làm cho môn đồ của Ngài là: Chúa Giê-xu để họ ăn cùng Ngài, nghe Ngài giảng và làm với Ngài. Đây là phương pháp thường được gọi là “vừa học vừa làm”.
- Thứ hai, sứ đồ Phao-lô cũng làm điều như Chúa Giê-xu đã làm nổi bật trong Công vụ 19: 10 chép rằng trong thời gian hai năm đó “tất cả những người Do thái và Hylạp sống trong tỉnh Asi được nghe Lời Chúa” (Công vụ 19:10). Công việc này không phải là nhỏ. Rõ ràng là bản thân Phao lô không thể đi khắp mọi nơi. Mà có cả các môn đồ của ông đã huấn luyện cùng làm việc với Phao-lô nữa.
Cần có nhiều nhân sự phục vụ
Chúa Giê-xu không chỉ sai 12 môn đệ đi ra giảng đạo, Ngài còn sai thêm 70 môn đồ khác (Lu-ca 10: 1) nữa cũng đi giảng đạo. Và trong HT Công Vụ khi HT bị bắt bớ tản lạc thì các tín hữu bị phân tán, họ đi đến đâu giảng tin lành đến đó (Cv 8: 4). Nguyên tắc này cho thấy không chỉ những mục sư, thầy truyền đạo mới giảng đạo mà càng có nhiều nhân sự nòng cốt HT thì HT càng được mở rộng nhiều hơn.
Dùng gương mẫu để huấn luyện những người lãnh đạo
Mục tiêu 5: Chọn những lời diễn đạt mô tả những chân lý rút ra từ gương mẫu cá nhân.
- Tấm lòng sốt sắng phục vụ: Người lãnh đạo HT tương lai trước hết phải là người có tấm lòng phục vụ noi tấm gương vĩ đại của Chúa Giê-xu- Đấng Chăn Chiên Lớn là: “Thái độ của anh em phải giống như thái độ của Chúa Jêsus, Ngài vốn là hình ảnh của Đức Chúa Trời nhưng đã làm cho mình trở nên trống không, lấy hình của một tôi tớ... Ngài hạ mình xuống vầng phục cho đến chết” (Philip 2:5-8).
- Là gương mẫu trong sự trung tín và đức tin: Nếu thiếu sự trung tín thì bạn không thể hầu việc Chúa được bởi Chúa đã nói:  “ai trung tín trong việc nhỏ hơn hết, cũng sẽ trung tín trong việc lớn” (Luca 16:10). Và về đức tin thì KT khẳng định rõ ràng: “Không có đức tin thì không thể nào làm Đức Chúa Trời vui lòng”. (Hê-bơ-rơ 11:6)
Không chỉ giữ sự trung tín và đức tin trong hoàn cảnh thuận lời, mà người lãnh đạo tiềm năng còn nhờ cậy Chúa giữ được sự  vẹn lành đức tin và sự trung tín đó trong cả nghịch cảnh khó khăn nữa.
Lớp huấn luyện cao hơn
Mục tiêu 6: Chọn những lời diễn đạt mô tả mục đích và những phương pháp huấn luyện những người lãnh đạo Hội Thánh.
Lớp huấn luyện cao hơn có nghĩa là sự huấn luyện lãnh đạo không chỉ dừng lại tại việc lãnh đạo HT địa phương mà còn cao hơn nữa là cho một sứ mạng thế giới nữa.
Và muốn mở mang nhiều HT mới và phát triển công việc của HT, mục sư phải có khải tượng nhận diện và động viên những người Chúa kêu gọi dâng trọn thì giờ phục vụ Ngài. (Cv 6: 1-4).
Và qua các khoá huấn luyện từ liên hệ phải từ trường KT địa phương hãy tấn tới chịu huấn luyện đến các năm thần học cao hơn để nhờ cậy Chúa để đáp ứng sự kêu gọi của Chúa cho mục đích vĩ đại hơn.
Qua bài này, tôi ước ao trước tiên mình hãy là tấm gương tốt về đời sống hầu việc Ngài, chịu sự huấn luyện đào tạo của Lời Ngài và tấn tới hơn nữa. Không dừng tại đó tôi ước ao, HT Việt Nam biết được tầm nhìn và tiềm năng của những nhà lãnh đạo HT tương lai ngõ hầu nhờ cậy Chúa Thánh Linh để trang bị cho họ để đáp ứng cho mùa gặt linh hồn tại Việt Nam và thế giới là “mùa gặt thì thật trúng nhưng thợ gặt lại quá ít” (Lu-ca 10:2). Người lãnh đạo khôn ngoan sẽ giúp đỡ những người có tiềm năng lãnh đạo phát triển khả năng của họ rồi sai phái họ đến những nơi mới trong cánh đồng lúa chín. Amen.
BÀI 7.NHỮNG HỘI THÁNH MINH HỌA KỸ THUẬT GIEO TRỒNG
Mội một địa phương khác nhau thì có những hoàn cảnh ảnh hưởng đến việc mở Hội Thánh khác nhau. Người mở Hội Thánh hãy nhờ cậy Chúa để cố gắng tìm ra những nguyên tắc để phát triển trong mỗi hoàn cảnh đó.
1. Trong khu vực nông thôn
Đế phát triển được HT trong khu vực nông thôn, mục sư quản nhiệm HT đó hãy dạy cho tín hữu về những giáo lý căn bản cho đức tin, các chương trình học Kinh Thánh căn bản và cũng hướng dẫn họ dạy cho những người khác như thế nào rồi sai họ đi truyền giáo và mở những điểm nhóm tại những nơi họ đến (thường có khoảng cách từ 10-15 km so với   HT “mẹ”). Qua đó, HT mới được mở ra, số người tin Chúa được nhiều nên. Rồi cứ tiếp tục họ lại làm những việc như mục sư trước đã làm cho mình, họ lại huấn luyện rồi sai phái nhân sự trong HT mới ra đi để truyền giáo và mở HT và HT sai phái nhân sự đi lại trở thành HT “mẹ”.
2. Trong vùng thành thị
Hội Thánh trong vùng thành thị thường có được những điều kiện để xây dựng nhà thờ hay thánh đường. HT huấn luyện những người khác mục đích để đảm nhiệm những công tác của HT hay là các tổ trưởng của những đơn  vị nhóm tế bào gồm khoảng từ 10 đến 15 gia đình. Cứ như vậy HT được phát triển, có nhóm tế bào tư gia được thêm nhiều hơn.
Đặc tính nổi bật của Hội Thánh là sự nhấn mạnh về sự cầu nguyện, cầu nguyện là điều trên hết trong đời sông tín hữu của Hội Thánh, từ những cá nhân trong các đơn vị tổ tê bào tư gia cho đến các mục sư và những vị lãnh đạo nòng cốt. Kiêng ăn và cầu nguyện cho dân sự Chúa và những nhu cầu của họ là việc làm thường xuyên trong mọi công tác phục vụ của Hội Thánh.
3. Trong khu vực bị hạn chế
Khu vực bị hạn chế là những khu vực thường bị chống đối mạnh mẽ, bị ngược đãi đối với tín hữu. Để phát mở HT tại khu vực này, người mở HT hãy khôn khéo trong việc tiếp cận cũng như chứng đạo. Người mở HT hãy bắt đầu với những mối quan hệ trong khu vực đó rồi dần dà làm chứng về Chúa cho họ. Và cứ như vậy sau một thời gian nhóm tân tín hữu được thành lập. Và trong buổi nhóm, để cho tân tín hữu hướng dẫn thảo luận, cầu nguyện và các sinh hoạt khác. Cứ như vậy, tín hữu tại khu vực đó tiếp tục phát triển HT trong sự hướng dẫn ban đầu của người mở HT. Rồi khi HT tự túc, tự trị và tự phát triển thì ngưởi mở HT lại đi đến khu vực khác để mở HT.
4. Bằng một phương pháp mới
Đây là phương pháp mở HT theo chương trình huấn luyện của viện thánh kinh hàm thụ quốc tế. Để phát triển HT theo cách này, thì người mở HT phải hội tụ được những nguyên tắc mà viện thống nhất như sau:
1. Người đó phải được Thánh Linh thúc giục và hướng dẫn
2. Người đó phải được viện thánh kinh hàm thụ quốc tế tín nhiệm
3. Người đó phải đi đến những khu vực chưa có ai rao giảng Phúc Âm
4. Người đó phải kết hợp chặt chẽ với HT quốc gia.
BÀI 8. KẾ HOẠCH LÀM BỘI TĂNG HỘI THÁNH
1. Xác định vấn đề
Có rất nhiều nguyên nhân khiến HT không được tăng trưởng, nhưng thông thường có những nguyên nhân chính khiến HT không tăng trưởng sau đây:
* HT không biết tự quản.
Tức là người lãnh đạo HT, hay người mở HT khiêm hết phần việc và trách nhiệm trong HT mà không biết chia sẻ cho người khác.
* HT không biết tự túc
Là HT chỉ biết dựa vào sự giúp đỡ, trợ cấp từ bên ngoài tức là nếu có sự giúp đỡ thì HT mới làm việc mới truyền giáo, nếu không có thì ngừng truyền giáo.  Như vậy HT đó đã đánh mất tiềm năng phục vụ tự túc từ bên trong HT.
* HT không tự phát triển
Là một HT luôn nghĩ rằng công việc chứng đao, truyền giảng hay mở HT là công việc của Mục sư hay thầy truyền đạo chứ không phải là phần việc của tín hữu cần phải làm. Mục sư cần phải để cho tân tín hữu học tập và phát triển trong mức độ tăng trưởng của họ.
2. Nhìn nhận nhu cầu thuộc linh
Nếu Hội Thánh địa phương không tăng trưởng và bội tăng, thì Hội Thánh ấy không hoàn thành sứ mạng của mình. Do vậy Hội Thánh cần phải hiệp lại để cầu nguyện, để Thánh Linh quấy động lòng dân sự Chúa để họ được phục hồi thuộc linh. Năm đặc tính của sự phục hưng thuộc linh là:
1.Dân sự Chúa cảm thấy có nhu cầu phải thay đổi:
Họ ý thức rằng họ đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Họ ý thức rằng mình phải ăn năn tội để phục vụ Ngài. Họ khao khát nhận lãnh phước hạnh lđn hơn từ Đức Chúa Trời.
2.Họ tìm cách học tập và vâng theo Lời Đức Chúa Trời Dân sự Chúa lắng nghe Lời Đức Chúa Trời và bắt đầu hiểu mình phải làm gì để vầng lời Chúa.
3.Dân sự Chúa ăn năn về tội bất trung của mình. Họ thực sự hôi tiếc về qúa khứ thất bại của mình và hứa nguyện hết lòng phục vụ Chúa trong tương lai.
4.Dân sự Chúa hy sinh để làm công việc Đức Chúa Trời Họ hy sinh thì giờ và tiền bạc trong sự vầng lời phục vụ Chúa.
5.Dân sự Chúa hiệp một trong tinh thần, trong sự thờ phượng và trong sự phục vụ.

2. Lập kế hạch thay đổi
Mỗi Hội Thánh có những nhu cầu khác nhau và những nan đề khác nhau nhưng vẫn có những nguyên tắc căn bản hướng dẫn HT đi vào kế hoạch của Thánh Linh dành cho Hội Thánh của mình.
* Lập một kế hoạch cầu nguyện:
Cầu nguyện là chìa khoá để đem lại sự thay đổi thuộc linh có chất lượng trong Hội Thánh. Cầu nguyện là trút đổ chính mình và những khao khát của mình ra trước trước mặt Chúa, và đặt Đức Chúa Giê-xu là đầu HT và Thánh Linh là Đấng kiện toàn, dẫn dắt HT.
*  Lập những chỉ tiêu:
Mục sư quản nhiệm HT phải kèm theo sự cầu nguyện là việc lập chỉ tiêu là bước quan trong kế tiếp, cầu nguyện đặc biệt đòi hỏi những chỉ tiêu đặc biệt. Chỉ tiêu đó có thể là: trong vòng hai tháng tới sẽ truyền giáo tại đâu, mở HT mới tại đâu,  hay 6 tuần nữa sẽ huấn luyện tân tín hữu trong giáo lý báp tem cho bao nhiêu người? vvvv
* Chia sẻ khải tượng với những người lãnh đạo nòng cốt: Bởi những người nòng cốt HT là những người góp phần thay đổi hay phát triển HT. Bạn hãy chia sẻ cùng với họ, biết chỉ tiêu hay kế hoạch để họ cùng với bạn trong sự cầu nguyện và thậm chí cũng nghe những ý kiến của họ trong sự dẫn dắt của Thánh Linh.
*  Thực hiện đầy đủ sự thay đổi
Sự thay đổi và sự phục hồi thuộc linh phải được đa số tín hữu trong Hội Thánh đồng ý về nhu cầu cần thực hiện. Đây là cách duy nhất để Hội Thánh có thể tiến tới trong sự hiệp một trong đó Đấng Christ là đầu và Hội Thánh là thần thể của Ngài. Nan đề trong nhiều Hội Thánh không tăng trưởng là Cơ Đốc Nhân không hiểu Kinh Thánh dạy gì về Hội Thánh.
Và một trong những mục đích của HT là Truyền giảng cho những người chưa được cứu.
3. Truyền giảng cho những người chưa được cứu
Để thực hiện được mục đích này, HT cần thực hiện những nguyên tắc sau:
1. Mỗi tín hữu trong HT phải có trách nhiệm chứng đạo cho cộng đồng của mình ((Công vụ 1:8). Mục sư Quản nhiệm HT hãy dạy cho tín hữu trong HT biết được mục đích này của Chúa cho họ.
2. Những tín hữu cần phải truyền giảng cho những người chưa được cứu tại nơi họ ở “trong thế gian”.
3. Mục tiêu đầu tiên của sự truyền giảng trong cộng đồng xã hội là làm sao chinh phục được những người lớn và rồi toàn thể gia đình. Khi người lớn được chinh phục thì sẽ có sự tăng trưởng vững vàng với nền tảng chắc chắn (Công vụ 10, 16:31, 33; 16:14-15; I Côr 1:16).
4. Tân tín hữu phải được gắn chặt vào tập thể Hội Thánh ngay. Tân tín hữu cần thấy ngay vị trí của mình trong gia đình tín hữu (Giăng 13:35; Công vụ 2:42; 9:31). Và họ cần được gầy dựng, điều này sẽ được đề cập trong mục đích kế tiếp của Hội Thánh (Êphêsô 4:12).
4. Gây dựng tín hữu
Để gây dựng tín hữu trong HT, mục sư quản nhiệm cần có những chương trình huấn luyện lời Chúa cho tín hữu:
1. Hướng dẫn cho họ bằng những giáo lý KT căn bản của Lời Chúa
2. Và hướng dẫn tín hữu trong HT kinh nghiệm lớn dần hơn trong lời Chúa bởi Lời Đức Chúa Trời là điều kiện tiên quyết để lớn lên về mặt thuộc linh của mỗi người tin Chúa.
3. Trang bị cho tín hữu để phục vụ.
5. Tin rằng một Hội Thánh bội tăng có thể xảy ra
Đây là điều chúng ta tin cậy nơi Chúa khi chúng ta đến với Chúa trong sự cầu nguyện. Và hãy nhớ rằng Hội Thánh thuộc về Đấng Christ; vì thế có những lời hứa trong Kinh Thánh để chúng ta có thể công bố cho mình và cho Hội Thánh.
1.Ngài hứa ở cùng chúng ta luôn khi chúng ta rao giảng Phúc Âm (Mathiơ 28:20).
2.Ngài hứa xây dựng Hội Thánh của Ngài (Mathiơ 16:18).
3.Ngài hứa hiện diện tại những nơi tín hữu nhóm lại (Mathiơ 18:20).
4.Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện (Mathiơ 21:22, Mác 11:24).
5.Cầu nguyện có quyền năng và hiệu quả (Giacơ 5:16).
6.Ngài yêu thương và chăm sóc Hội Thánh (Êphêsô 2:21-22; 5:25, 29).
7.Đức Thánh Linh sẽ hương dẫn và dạy dỗ (Giăng 14:26).

Tôi mượn lời TGSGK để kết luận về phần này là: “Hễ bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào có những Hội Thánh lớn được thành lập và nhiều tín hữu đi ra gieo trồng Hội Thánh mới, thì đều có sự nhấn mạnh về sự cầu nguyện cá nhân và tập thể.”







    <<< Mục lục   



Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »