Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.
Hội Thánh Kiền Bái » » Ba-na-ba Con Trai Của Sự Yên Ủi

Ba-na-ba Con Trai Của Sự Yên Ủi

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A







Con Trai Của Sự Yên Ủi


CON TRAI CỦA SỰ YÊN ỦI
BA-NA-BA
Công vụ 4:36
NHÂN VẬT TRONG QUÁ KHỨ
Một trong những cách tốt nhất để chúng ta, những con dân Chúa, cải thiện cuộc sống của mình là nhìn vào các nhân vật trong quá khứ.

1. Nếu muốn học kinh nghiệm để sống khôn ngoan và chống chọi với đời, người ta thường tìm hiểu các nhân vật trong bộ Đông Châu Liệt Quốc.

2. Nếu muốn trở thành một người theo ý muốn của Chúa không gì bằng tìm hiểu các nhân vật trong Kinh Thánh. Mỗi nhân vật đều có những mẫu mực khác nhau. Ví dụ, mỗi khi Kinh Thánh viết về An-rê, chúng ta thấy An-rê luôn luôn xuất hiện với một người mới để giới thiệu với Chúa Jesus” Đó là một cái gương chứng đạo thật tốt để chúng ta noi theo.

Hôm nay, tôi muốn nói đến một nhân vật. Tôi cầu xin Chúa cho Hội Thánh của chúng ta sẽ có nhiều người giống như nhân vật này. Nếu chúng ta có đức tính giống với nhân vật này, Hội Thánh chúng ta sẽ ấm áp hơn, gần gủi hơn và dĩ nhiên sẽ phát triển hơn. Nhân vật này có một đức tính thật quan trọng có thể thay đổi bộ mặt của Hội Thánh và thay đổi cộng đồng Tin Lành của chúng ta tại vùng Thủ đô này.
NHÂN VẬT MANG TÊN BA-NA-BA
Tôi muốn giới thiệu cùng quý anh chị nhân vật đó nằm trong Công vụ 4:36: “ Vậy có Giô-sép mà các sứ đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là con trai của sự yên ủi, về họ Lê-vi, quê hương tại Chíp-rơ .”
Ba-na-ba là tên riêng, biệt hiệu mà các sứ đồ đặt cho Giô-sép có nghĩa là con trai của sự Yên ủi,  Thông thường tên riêng hay biệt hiệu mà các bạn học hay đồng đội đặt cho thường thường phản ảnh rất chính xác con người có tên đó.
BIỆT HIỆU
Tôi có mấy người bạn không thích biệt hiệu mà các bạn khác gán cho mình và sanh ra gây gỗ đánh lộn vì cái biệt hiệu. Thí dụ có anh bạn đánh bài luôn luôn thua thì các bạn gán cho cái biệt hiệu là “ Thầy cúng” . Có anh vì bị bịnh trái rạ hồi nhỏ bị bạn bè gọi là “Cường rỗ” vì mặt bị thẹo trái rạ như cái rổ.  Có anh trên mặt có vết sẹo vì bị tai nạn nên liền bị gán cho biệt hiệu là “ Hồ sẹo”.
Trong Tân ước, nhiều biệt hiệu được gán cho các nhân vật đặc biệt. Nó luôn luôn phản ảnh trung thật bản chất của nhân vật đó.  Ở đây, Giô-sép được gán cho biệt hiệu là “ Ba-na-ba “ có nghĩa là “ Con của sự yên ủi”.
Chữ yên ủi này cũng là danh từ mà Chúa Jesus dùng trong Giăng 14:16 khi Chúa Jesus gọi Đức Thánh Linh là Thần Yên ủi.
CON NGƯỜI BA-NA-BA
Theo dõi sách Công Vụ, chúng ta thấy Giô-sép tức là Ba-na-ba là:
Người luôn luôn tìm cách khuyến khích, an ủi người khác bất cứ lúc nào và bất cứ ai mà ông chung sống hay quen biết.
Ông nâng đỡ tinh thần người khác.
Ông làm lòng người đang lo âu lắng đọng, bình yên.
Ông mang sự vui mừng và an ủi cho người đang gặp khó khăn, thất vọng.
Ông là một nhân vật đặc biệt.
Nếu chúng ta đang thất bại, đang nản chí, đang mất hết nghị lực, đang ê chề, Ba-na-ba là người mà chúng ta cần vì ông sẽ giúp chúng ta trở lại chỗ đứng của mình và biết rằng sự thất bại này, ê chề này không phải là sự cuối cùng và chúng ta không phải sống mãi trong hoàn cảnh do lỗi lầm của chúng ta gây ra.
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT VỀ BA-NA-BA
Chúng ta dành chút thì giờ để tìm hiểu con người Ba-na-ba.
1. Bắt đầu từ chương 8 của sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Sau khi Ê-tiên bị ném đá chết, “Hội thánh tại Jerusalem gặp cơn bắt bớ dữ dội. trừ ra các sứ đồ, còn hết thảy tín đồ đều phải chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri” (8:1).
-  Sau-lơ, sau này đổi tên là Phao-lô (CV 13:9), được Lu-ca mô tả là một hung thần  “ tàn hại Hội thánh: sấn vào các nhà, dùng sức mạnh bắt đờn ông đờn bà mà bỏ tù.” (8:3).
2. Chương 9 - “Bấy giờ, Sau-lơ chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi, đến cùng thầy cả thượng phẩm, xin người những bức thơ để gởi cho các nhà hội thánh Đa-mách, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo bất kỳ đờn ông đờn bà, thì trói giải về thành Giê-ru-sa-lem.” (CV 9:1-2) để trừng trị, bỏ tù và có thể giết chết. Sau-lơ được giấy phép này và lên đường đến Đa-mách ( Damacus thủ đô Syria ngày nay).
“  Nhưng Sau-lơ đang đi đường gần đến thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người.  Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta?” (CV 9:3-4). Sau-lơ khóc và hỏi : Lạy Chúa, Chúa là ai? Tiếng nói trả lời: “ Ta là Jesus ” và chúng ta biết sau đó Sau-lơ tin nhận Chúa và được làm Báp têm ngay tại Đa-mách sau ba ngày chẳng thấy, chẳng ăn và cũng chẳng uống ( CV 9:9).
Điều mà một người mới tin nhận Chúa thích làm là nói cho người khác biết sự mầu nhiệm của Jesus và vui mừng vì đã được Chúa Jesus cứu. Sau-lơ cũng thích được làm như vậy.  Ông chia sẻ đức tin của mình “Người liền giảng dạy trong các nhà hội rằng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời.” (CV 9:20).
3. Vài hôm sau, ông trở về Jerusalem và muốn hòa hợp với cộng đồng Cơ đốc tại đây. Tuy nhiên các Cơ đốc nhân tại đây biết lý lịch của Sau-lơ và lo sợ ông gia nhập để tàn hại cộng đồng này. Họ biết ông đi Đa-mách để bắt các Cơ đốc nhân và ông được cấp giấy chứng nhận quyền hạn bắt bớ này của chính quyền. Họ không muốn Sau-lơ hiện diện trong cộng đồng của họ. Họ nghĩ rằng Sau-lơ giả vờ gia nhập làm gián điệp, nắm danh sách tín đồ để bắt trọn nhóm này.
4. Sau-lơ lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì không thể giải thích được, không thể tạo niềm tin trong một sớm một chiều. Chính lúc đó, Ba-na-ba xuất hiện, bước ra giới thiệu Sau-lơ trước mọi người trong Cộng đồng Cơ đốc, rồi “đưa đến các sứ đồ và thuật lại cho biết thể nào dọc đường Chúa đã hiện ra và phán cùng người, lại thể nào người đã giảng dạy cách bạo dạn về danh Đức Chúa Jêsus tại thành Đa-mách.” ( CV 9:27).
Chúng ta sẽ thắc mắc nếu không có Ba-na-ba, liệu Sau-lơ có thành một Phao lô vô cùng hữu hiệu cho công tác truyền giáo đạo Chúa không ? Điều chắc chắn là nếu không có Ba-na-ba đứng ra bảo đảm, giới thiệu thì Phao-lô sẽ gặp rất nhiều trở ngại khó khăn để được Cộng đồng Cơ đốc tại Jerusalem chấp nhận và do đó sẽ có ảnh hưởng đến đức tin còn quá mới của Phao lô.
Ba-na-ba là người gỡ cái rắc rối đầu tiên cho Phao-lô để ông dễ dàng bước đi theo con đường Chúa gọi ông đi bằng cách giới thiệu, chứng nhận, bảo đảm cho Phao-lô tại Jerusalem.
BA-NA-BA LÀ AI ?
Ba-na-ba thuộc chi phái Lê-vi nhưng không ở tại Jerusalem để làm thấy tế lễ mà di cư đến đảo Chip-rơ. Khi ông trở lại Jerusalem thì tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình và Ba-na-ba là  một trong những người đầu tiên “có một đám ruộng, bán đi, đem tiền đặt nơi chơn các sứ đồ.” ( CV 4:36b). Ba-na-ba bày tỏ tình yêu qua tấm lòng hào hiệp, rộng rãi đối với các anh em nghèo thiếu và sẵn sàng dâng hiến của cải để giúp đỡ công việc của Hội Thánh đầu tiên.
Ba-na-ba không phải là một trong 12 sứ đồ của Chúa Jesus nhưng có uy tín nên được gọi là sứ đồ cũng như Phao-lô. ( CV 14).
Ba-na-ba là người tin tưởng nơi điều tốt của người khác. Thế giới gồm 2 hạng người: hạng người nghĩ tốt về người khác và hạng người nghĩ xấu về người khác. Và điều kỳ lạ là chúng ta thấy người khác qua bản tánh của chúng ta. Chúng ta biến họ thành người tốt hay người xấu tùy theo chúng ta thuộc về hạng người nào trong hai loại người nói trên. Nếu chúng ta cứ nằng nặc nhìn người đó bằng cặp mắt nghi ngờ thì cuối cùng chúng ta sẽ thấy người đó làm những việc đáng nghi ngờ. Phao-lô đã từng nói: “ Tình yêu chẳng nghi ngờ sự dữ”
Ba-na-ba không cố chấp quá khứ của người khác. Chúng ta thường ghép một lỗi lầm của người nào đó trong quá khứ một cách vĩnh viễn trong khi đó thì Đức Chúa Trời không ghi nhớ tội lỗi trong quá khứ của chúng ta. Trong khi mọi người xa lánh Phao-lô thì Ba-na-ba bắt tay Phao-lô, ân cần giới thiệu và bảo đảm cho Phao-lô.
CHUYỆN THỨ HAI: TẠI AN-TI-ỐT
1. Trong Công vụ đoạn 11, Chúa bắt đầu một việc bất thường. Trong thời kỳ mới đầu tiên, phong trào Cơ đốc chỉ giới hạn cho người Do Thái. Và họ tưởng rằng sự cứu rỗi mà Chúa Jesus hứa ban cho chỉ dành cho người Do Thái mà thôi. Nhưng rồi họ nghe có tin lạ xảy ra ở thành An-ti-ốt. Đức Thánh Linh cảm động người ngoại quốc và rất nhiều người Hy-lạp và người Sy-ria tin nhận Chúa Jesus. Các lãnh đạo Cơ đốc ở Jerusalem rất ngạc nhiên và sai Ba-na-ba đến An-ti-ốt để điều tra.
2. Ba-na-ba là một con người phóng khoáng, mở rộng nên thấy ngay những ơn phước của Đức Chúa Trời đổ lên trên những con dân Ngài tại An-ti-ốt nên ông rất vui mừng và khuyên răn, an ủi họ cứ vững lòng theo Chúa. Lu-ca mô tả Ba-na-ba là “người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin” ( CV 11:24).
3. Một lần nữa, chúng ta thấy Ba-na-ba hết sức mừng rỡ khi thấy nhiều người ngoại quốc tin nhận Chúa. Ông không thuộc hạng người có tâm trí khắt khe, bị trói buộc bởi quy luật, giáo điều. Ba-na-ba vui vẽ xuất hiện với những người vừa mới tin Chúa khuyến khích, an ủi vững tâm theo Chúa. Ông cũng cố đức tin cho những người còn non nớt.
4. Rồi từ An-ti-ốt, ông đi đến Tạt-sơ, gần An-ti-ốt để tìm Phao-lô đang lánh nạn tại Tạc-sơ  là quê của Phao-lô và mang Phao-lô trở lại An-ti-ốt để củng cố và phát triển Hội Thánh Chúa tại đây trong một năm dài. Danh từ Cơ đốc nhân được người ta đặt từ Hội Thánh này.
5. Một lần nữa, chúng ta thấy con người tốt dạ và khôn ngoan của Ba-na-ba. Ông biết Hội Thánh An-ti-ốt cần phải có một người phụ trách chăm sóc. Người đó phải có quá trình đào tạo học thức, phải là người Do Thái biết rõ các truyền thống của Do Thái mà đồng thời có thể tiếp xúc với người nước ngoài đúng cách. Người đó phải can đảm vì An-ti-ốt không phải là nơi dễ dàng cho một lãnh đạo Cơ đốc giáo. Người đó phải có khả năng kiến thức để biện luận, đối phó với những tấn công của người Do Thái và người ngoại quốc. Nên biết An-ti-ốt chiếm một vị thế quan trọng thời bấy giờ. An-ti-ốt là thành phố quan trọng thứ ba trên thế giới sau La-mã và Alexandira. Đây là một thành phố tráng lệ , có tầm vóc quốc tế, nổi tiếng về xa hoa và vô đạo. Ông biết Phao-lô có tài, có khả năng và có tấm lòng hầu việc Chúa nên ông không bỏ qua dịp tốt để Phao-lô có môi trường sử dụng sở trường của mình.
6. Cũng tại Hội Thánh An-ti-ốt, Ba-na-ba gầy dựng tinh thần yêu thương các Hội Thánh ở Jerusalem nhân khi có tin về sự đói kém trong xứ Do Thái. Ông Ba-na-ba tổ chức thu nhận tiền cứu trợ và gởi về nước để giúp đỡ Hội thánh nhà. Ba-na-ba bày tỏ tấm lòng an ủi, giúp đỡ những người anh em khác qua sự kêu gọi tình tương trợ lẫn nhau.
CHUYỆN THỨ BA VỀ CHUYẾN TRUYỀN GIÁO THỨ NHẤT
1. Chương 13 của sách Công Vụ mô tả chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất của Phao-lô và Ba-na-ba khởi hành từ An-ti-ốt. Chuyến truyền giáo này kéo dài khoảng ba năm và kết quả tốt đẹp.
2. Trong chuyến đi này, lần nữa chúng ta thấy đức tính tốt khác của Ba-na-ba. Trong CV 13:2. Lu-ca viết : “Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi.”
Từ trước cho đến bây giờ, thứ tự tên vẫn luôn luôn là “Ba-na-ba và Sau-lơ”. Chính Ba-na-ba là lãnh đạo cuộc hành trình này, Nhưng đến câu 13:4 chúng ta thấy Lu-ca đảo ngược thứ tự “Sau-lơ và Ba-na-ba”. Như vậy Phao-lô là lãnh đạo phái đoàn và điều đẹp ở Ba-na-ba là chúng ta không nghe thấy một lời than phiền, trách móc, dùng giằng từ Ba-na-ba. Ông sẵn sàng đứng lui đàng sau miễn sao công việc của Đức Chúa Trời được hoàn tất.
CÂU CHUYỆN THỨ TƯ : CHUYẾN ĐI THỨ HAI
Một thảm kịch xảy ra trong đời Ba-na-ba được Lu-ca ghi chép trong chương 15:36- 40.
“ Sau ít lâu, Phao-lô nói với Ba-na-ba rằng: Chúng ta hãy trở lại thăm hết thảy anh em trong các thành mà chúng ta trước đã giảng đạo Chúa, xem thử ra thể nào.37  Ba-na-ba muốn đem theo Giăng cũng gọi là Mác.38  Nhưng Phao-lô không có ý đem Mác đi với, vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với.39  Nhơn đó có sự cãi lẫy nhau dữ dội, đến nỗi hai người phân rẽ nhau, và Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ.40  Còn Phao-lô sau khi đã chọn Si-la, và nhờ anh em giao phó mình cho ân điển Chúa, thì khởi đi.”
1. Phao-lô quyết định lên đường nhưng việc chuẩn bị chuyến đi thư hai này gây một đổ vở thảm hại. Ba-na-ba muốn mang Mác theo, nhưng Phao-lô không đồng ý cho anh chàng đã đào ngũ trong chuyến đi lần đầu tại Bam-phi-ly tham gia vào chuyến đi này.  Bất đồng xảy ra giữa hai người trầm trọng đến nỗi họ chia rẽ nhau và chẳng bao giờ còn làm việc chung với nhau nữa.
2. Tôi không muốn có nhận xét  Phao-lô hay Ba-na-ba đã hành động đúng trong câu chuyện này. Nhưng chắc chắn Mác là người may mắn vì có một người bạn như Ba-na-ba.
3. Mác và Ba-na-ba là hai anh em chú bác. Ba-na-ba biết Mác đã thất bại trong chuyến đi thứ nhất. Mác đã phạm lỗi lầm đã bỏ cuộc nhưng Ba-na-ba tin tưởng Mác sẽ sửa đổi và sẽ cố gắng nếu cho Mác một cơ hội. Và Ba-na-ba vì tấm lòng tốt, luôn luôn tạo cơ hội , tạo điều kiện để người khác phục vụ Chúa đã xin Phao-lô cho Mác đi theo. Nhưng Phao lô từ chối.
Như Fosdick đã nói: “ Chẳng ai nhất thiết phải cứ như thế mãi”. Nhờ ân phúc của Đức Chúa Trời, con người từng là đào ngũ, bỏ cuộc nếu được sự trợ giúp, tin tưởng, khích lệ, cho cơ hội để làm lại, người đó đã trở thành tác giả của sách Phúc âm thứ hai trong Tân Ước và là người mà Phao-lô cần có bên cạnh trong những ngày cuối trước khi qua đời .
Trong lá thư gởi cho Ti-mô-thê, Phao lô căn dặn: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm.” ( I I Timôthê 4:11).
4. Ba-na-ba, một lần nữa, đã chứng tỏ là con của sự yên ủi. Ba-na-ba đã giúp Mác phục hồi sự tự trọng và quyết định làm điều tốt. Có một người tin cậy mình để khích lệ mình là một may mắn trong đời. Ba-na-ba tin cậy Mác và cuối cùng Mác chứng minh cho sự tin cậy đó là đúng.
HỘI THÁNH NGÀY NAY CẦN BA-NA-BA
Hội thánh chúng ta cần những cá nhân như Ba-na-ba. Có BỐN hạng người cần Ba-na-ba.
Những người đang đau khổ. Có lẽ chưa bao giờ con người đau khổ như thời buổi chúng ta đang sống. Nhìn quanh ta, có quá nhiều nguyên nhân gây ra sự đau buồn. Chiến tranh gây đau buồn chết chóc cho cả hai bên. Khủng bố khiến thế giới sống trong phập phòng, lo sợ. Ung thư ,bịnh lạ gây hoang mang mọi người, kinh tế khủng hoảng, nợ nần chồng chất hai vai, thất nghiệp lên cao, giá cả thực phẩm xăng nhớt nhảy dọt rồi kèm theo thiên tai, động đất, bão tố xảy ra thường xuyên hơn trước. Tổng số người sống trong đau khổ càng gia tăng. Hội thánh chắc chắn sẽ có người bị ảnh hưởng và do đó chúng ta cần có Ba-na-ba.
2.   Những người cô đơn. Chúng ta sống trong một thế giới đầy những người cô đơn. Hơn 20 triệu người Hoa kỳ sống đơn chiếc một mình. Chúng ta cần phân biệt sống một mình và sống lẻ loi.
Có thể vẫn thấy lẻ loi dù đang sống chung giữa cả trăm người.
Có thể vẫn có cảm giác lẻ loi dù đang đứng trong một bửa tiệc trăm người ồn ào tiếng nhạc.
Họ cần sự an ủi, khuyến khích, khuyên giải của Ba-na-ba. Biết bao nhiêu người sau giờ làm việc muốn trở về với mái ấm gia đình mà họ chưa bao giờ có.
CÂU CHUYỆN CƠ  REBECCA THOMPSON.
Cô Rebecca Thompson hai lần nhảy từ chiếc cầu Fremont Canyon để tự tử.  Cả hai lần cô đều chết.  Lần đầu, cô chết vì tim cô tan vỡ. Lần thứ hai, cô chết vì xương cổ và đầu cô vỡ tung ra.
Khi cô còn là một thiếu nữ 18 tuổi xuân, cô và cô em gái 11 tuổi bị bọn lưu manh bắt cóc gần tiệm bán tạp hóa ở tỉnh nhỏ Casper, tiểu bang Wyoming. Chúng nó chở hai cô gái đi 40 dặm về hướng Tây Nam đến chiếc cầu Fremont này. Ðây là một cây cầu chỉ có một lane, sườn sắt cũ kỹ cao 112 feet bắc ngang qua con sông Platte.
Bọn lưu manh đánh đập cô Rebecca và luân phiên hãm hiếp cô. Cô đã van xin bọn chúng đừng đụng đến người em cô. Và sau cùng cả hai cô gái đều bị bọn chúng xô xuống hẻm núi dưới vực đáy sông. Cô em gái chết vì đầu đụng vào đá bể tan. Rebecca chạm vào bụi cây mọc nhô ra trong một mỏm đá và té rơi xuống nước.
Cô gãy xương chân và hông và cô cố gắng bơi vào bờ. Ðể bảo vệ tấm thân khỏi cơn lạnh, cô rán bò vào hóc núi và chờ đợi bình minh đến.
Nhưng bình minh không bao giờ đến trong cuộc đời của cô dù rằng khi mặt trời mọc, người ta đã tìm thấy cô và cứu cô. Bác sĩ đã trị lành các vết thương trên thân thể cô và Tòa án đã phạt giam những kẻ đã phạm tội cùng cô. Cô tiếp tục sống nhưng không bao giờ có ngày mai vui tươi.  Bình minh không đến và mặt trời không ló dạng trong cuộc đời của cô nữa.
Cái đen tối kinh hoàng của đêm đó luôn luôn ám ảnh đời cô.  Cô không bao giờ dám bén mảng đến vùng núi rừng. Vậy mà hồi tháng 9 năm 2000, sau 19 năm qua, cô trở lại chiếc cầu định mạng mang tên Fremont đó.
Cô không nghe lời khuyên của người bạn trai của cô, cô lái xe 70 miles một giờ để đến con sông Platte. Với đứa con hai tuổi và người bạn trai bên cạnh, cô ngồi trên cầu Fremont và khóc tức tưởi. Qua nước mắt, cô kể lại câu chuyện 19 năm về trước đã xảy ra tại đây cho người bạn trai của mình nghe. Người bạn trai không muốn đứa bé hai tuổi chứng kiến cảnh mẹ mình khóc thảm thương, anh vội mang nó ra xe. Và khi chàng ta nghe tiếng la, thì quá trễ, thân thể cô Rebecca đã chạm đá dưới vực sâu của con sông chảy ngang dưới cầu Fremont.
Ðó là kỳ Rebecca chết lần thứ hai và là lần cuối cùng. Mặt trời không bao giờ mọc trong cuộc đời đầy bóng đêm của cô Rebecca. Tại sao ? cái gì đã che lấp mặt trời trong thế giới riêng của cô ?
Sợ hãi ? Có lẽ. Cô đã tố cáo và nhân chứng chống lại bọn bất lương, cô đã can đảm chỉ tay thẳng vào kẻ phạm tội tại tòa án. Một trong kẻ giết người đã hăm dọa cô khi nó chỉ vào cô và đưa bàn tay ra dấu sẽ cắt cổ cô. Ngày cô Rebecca chết là ngày mà hai đứa lưu manh được tòa cho ân xá.
Giận ?  Giận ủy ban Ân xá đã tha thứ kẻ sát nhân ? Giận chính mình vì đã trải qua bảy  ngàn đêm sống trong ác mộng hãi hùng ? Giận Chúa tại sao tạo ra con sông khắc nghiệt này, tạo ra bóng đêm kinh hoàng và không mang ánh bình minh đến cho loài người ?
Mặc cảm phạm tội?  Có vài người hỏi cô tại sao em cô chết mà cô còn sống làm cho cô bị dày vò khó chịu.  Mặc dầu nụ cười của cô vẫn còn đẹp nhưng cô vẫn biết người ta thấy khó chịu về những vết sẹo vẫn còn trên gương mặt của cô. Một mặc cảm của một cô gái cho mình xấu xí.
Xấu hổ ? những người cô quen và cả ngàn người trong tỉnh nhỏ này đều biết thảm kịch của cô. Nó đã từng được các báo loan tin ngay trang đầu với tít thật to.  Cô bị hảm hiếp.  Cô bị đánh đập.  Cô xấu hổ và cô không thể nào quên được câu chuyện đau thương đã xảy ra trong đời mình.
Từ trên cây cầu Fremont, cô nhìn hẻm núi như thấy nó cũng xấu hổ, như dung túng đồng lõa với bọn lưu manh. Các mỏm đá dưới kia cũng đồng phạm tội. Vách rêu phong phủ kín dưới kia cũng mang dấu vết của sự chết em cô và loang máu của cô. Những tiếng gầm của sông, của gió cũng không bao giờ chấm dứt cũng như tiếng nức nở từ đáy lòng của cô. Cô hình như không thể nào bỏ qua câu chuyện này được. Thảm kịch của quá khứ càng cố gắng quên, nó càng như hiện ra trước mắt. Nó đã mang cô Rebecca trở lại cây cầu định mạng.
Nếu đó là lỗi của mình, hậu quả có thể khác. Nếu đó là lỗi của mình, mình có thể xin lỗi và làm nhiều cách để đền bồi. Nếu mình bị rơi xuống vực thẳm vì sơ ý, bất cẩn, mình có thể an lòng chấp nhận hậu quả. An lòng trả giá. Nhưng khi mình là một nạn nhân, tại sao hậu quả lại trầm trọng hơn ? Cơ Rebecca Thompson cần một người như Ba-na-ba để an ủi, khuyên giải, khuyến khích và can đảm sống.
3. Những người sống trong nghi ngờ. Có nhiều người sống không tin ai. Lúc nào cũng nghi ngờ người khác. Vì sự nghi ngờ đó, họ sẽ không có bạn thân và rơi vào tình trạng cô đơn. Ở gia đình thì nghi ngờ vợ hay chồng, nghi ngờ con cái. Trong sở làm thì nghi ngờ đồng nghiệp nói xấu mình, nghi ngờ vị chỉ huy kỳ thị, hảm hại mình. Còn với bạn bè thì nghi ngờ bạn bè lợi dụng mình. Những người này khó mà trở nên một tín đồ của bất cứ tôn giáo nào vì dưới nhãn quan của họ, tôn giáo lợi dụng họ, lường gạt người khác.
Riêng về Cơ đốc nhân, có một số Cơ đốc nhân đang nghi ngờ đức tin của mình, nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Họ không bỏ Chúa nhưng họ không còn niềm tin như lúc ban đầu. Họ có cảm giác như lời Kinh Thánh không còn thực tế, bị khoa học biến thành lạc hậu, lỗi thời. Họ nghi ngờ tình yêu của Đức Chúa Trời, rồi tiến đến nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.
Họ cần một Ba-na-ba để đưa họ trở lại cùng Chúa, lấy lại niềm tin và sống bình an, tin cậy người khác.
4. Những kẻ đang sống trong tội lỗi. Một số Cơ đốc nhân không còn đến Hội Thánh để thờ phượng Chúa vì họ đã phạm tội. Họ tưởng rằng Hội Thánh là nơi của những người không có tội. Một nơi hội họp của các thánh đồ. Thật ra, Hội thánh là Bịnh viện của những người phạm tội. Chúng ta cần có một Ba-na-ba nói với những người này như vậy.
CÂU CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ TÀ DÂM
1. Hôm thứ năm, ông Lê Ngọc Báu chia sẻ câu chuyện người đàn bà tà dâm. Đây là một câu chuyện mà tôi rất thích đọc như buổi sáng được vợ cho uống một tách cà phê thật ngon. Nhất là lúc khi Chúa cất đầu lên hỏi :” Ai trong các ngươi là vô tội hãy ném người đàn bà này trước”
2. Người già nhìn người trẻ. Người trẻ nhường cho người già. Rồi họ nhìn lại con người của mình, nghe báo động của con tim, của lương tâm còn biết xót xa. Rồi cuối cùng họ ném cục đá xuống đất, lẳng lặng bỏ đi.
3. Người đàn bà im lặng chờ chết.  Bà nghe tiếng đá rơi nhưng không rơi trên tấm thân nhơ nhớp mà rơi trên đất.  Bà chờ tiếng chân cửa Tử Thần đến đón bà nhưng bà nghe  tiếng chân người buộc tội bà bước đi xa dần dần .
4. Còn lại chỉ có Jesus và người đàn bà phạm tội.
Còn lại quan tòa và tội nhân. Dù thẩm đoàn đã bỏ đi, Bồi thẩm đoàn cũng không còn, công tố viên cũng tan hàng.
5. Trong Kinh Thánh, sách Giăng 8: 1-11, chúng ta thấy hình ảnh của một người đàn bà:
- Thất bại vì bị bắt quả tang bởi. Người đời cho rằng một người phạm tội mà không bị bắt thường tự cho là mình thành công.
- Xấu hổ vì hành vi phạm tội bị đưa ra trước công chúng, bởi vì có người cho rằng một hành vi xấu xa mà không bị đưa ra công chúng thì không xấu xa.
- Bị lợi dụng bởi những người có thẩm quyền trong mục đích khác. Nếu tội lỗi của mình bị người khác lợi dụng thì coi như mình là nạn nhân chớ không phải là tội nhân.
6. Nhưng cảm tạ Chúa, kết quả của người đàn bà đó không thảm thương như cô Rebecca dù nội dung của nó thật thảm thương, thật xấu hổ, thật sợ hãi gấp trăm lần. Quý vị có biết tại sao không?  Bởi vì trong thảm kịch đó, có sự hiện diện của Chúa, có ân điển trong tình thương.
Và vì vậy chúng ta cần có một Ba-na-ba để nói lên kinh nghiệm này cho những ai đang vấp phạm. Ông sẽ an ủi, khuyên giải họ vì tình thương bao la của Đức Chúa Trời.
Thưa quý Hội Thánh
MUỐN LÀM MỘT BA-NA-BA
Muốn làm một Ba-na-ba thật tình không khó khăn vì ai cũng có thể làm được. Hãy bắt đầu bằng sự hiện diện trong buổi Cầu nguyện mỗi tối thứ Năm. Tại đây chúng ta nỗ lực hiệp sức cầu thay cho bạn mình, xin Chúa an ủi, cất đi những khó khăn, bịnh tật . . .bởi vì tôi biết không ai có thì giờ để đến từng cá nhân để an ủi, khuyên giải, khuyến khích nên chỉ còn phương cách tốt nhất là cầu xin Chúa làm công việc mà đáng ra chúng ta phải làm.
Quý vị còn nhớ câu chuyện ông già Jim mà tôi có dịp kể cho Hội Thánh nghe cách nay độ 8 năm không?
CÂU CHUYỆN ÔNG GIA TÊN JIM
Vị Mục sư đi ngang qua nhà thờ của ông vào buổi ban trưa. Ông thấy cửa nhà thờ mở , một người đàn ông đang ngồi cuối đầu ở hàng ghế đầu bên cánh trái. Bước lại gần, ông châu mày vì ông thấy người đàn ông đó ăn mặc lôi thôi, râu ria không cạo, chiếc áo ấm đã rách và phai màu. Người đàn ông quỳ gối một lát rồi đứng dậy bước ra ngoài.
Những ngày sau đó, cứ buổi trưa, ông ta đến nhà thờ quỳ gối một lúc với gói đồ ăn trưa. Sự thắc mắc và nghi ngờ của vị Mục sư gia tăng. Vị Mục sư nghĩ đến một vụ trộm cắp có thể xảy ra nên ông quyến định chận hỏi cho ra lẽ.
Ông làm gì ở đây?
Ông già cho biết ông làm việc ngoài phố. Ông chỉ có nửa giờ ăn trưa. Giờ ăn trưa cũng là giờ cầu nguyện. Ông nói thêm: “ Tôi chỉ đến đây một lúc thôi, như Mục sư thấy, vì chỗ làm của tôi khá xa. Tôi đến đây để tôi nói với Đức Chúa Trời rằng: “Lạy Chúa, con đến đây chỉ để nói với Chúa một điều là con đang hạnh phúc vô cùng từ ngày con tìm được mối thông công với Chúa và từ khi Chúa cất hết tội lỗi của con. Con không biết phải cầu nguyện như thế nào nhưng con nghĩ đến Chúa mỗi ngày, Thưa Chúa, con là Jim đây.”
Vị Mục sư vô cùng hối hận vì sự thiếu suy nghĩ của mình và ông noí vài lời xin lỗi ông Jim và mời ông tiếp tục đến đây cầu nguyện. Ông Jim nhìn đồng hồ và như đã trễ giờ, Jim cươì và nói; Cám ơn rồi vội vả bước đi.
Vị Mục sư quỳ gối xuống - trước đây ông chưa bao giờ có hành động như vậy - Lời của ông Jim làm Mục sư tỉnh ngộ. Và qua sự tỉnh ngộ đó ông thấy Chúa Jesus trong sự ấm áp của tình yêu. Ông sung sướng và nước mắt tuôn trào. Tự nhiên ông lập lại lời cầu nguyện của ông Lim. “ Lạy Chúa, Lạy Chúa, con đến đây chỉ để nói với Chúa một điều là con đang hạnh phúc vô cùng từ ngày con tìm được mối thông công với Chúa và từ khi Chúa cất hết tội lỗi của con. Con không biết phải cầu nguyện như thế nào nhưng con nghĩ đến Chúa mỗi ngày, Thưa Chúa, con là Jim đây”.
Rồi một buổi trưa, vị Mục sư không thấy ông Jim đến cầu nguyện nữa. Và nhiều ngày sau đó vẫn vắng bóng ông Jim. Mục sư đến Công ty tìm thăm thì biết ông Jim đã vào bịnh viện.
Nhân viên bịnh viện lo lắng cho ông nhưng ngược lại ông đã làm cho họ một cảm xúc hết sức dịu dàng. Một tuần lễ ở bịnh viện, ông đã làm cho họ thay đổi nhiều. Ông luôn luôn tươi cười, hỏi thăm, an ủi khuyến khích tất cả mọi người khiến cho không khí vui tươi tràn khắp khu vực ông đang nằm. Cô y tá trưởng không hiểu làm sao ông có thể vui mừng khi mà suốt tuần lễ trong bịnh viện, ông không thân nhân, bạn bè đến thăm, không ai gởi cho ông một đoá hoa hay một tấm thiệp chúc lành.  Khi cô ý ta bày tỏ sự quan tâm đó với Mục sư khi đến thăm thì ông già Jim mỉm cười và nói:
“ Cô y tá lầm rồi, cô không biết đâu, mỗi ngày vào lúc giờ trưa, người bạn của tôi đều đến thăm tôi, Ông ấy nắm tay tôi và ân cần nói rằng: “ Ta đến đây chỉ để nói với Jim một điều là ta rất sung sướng từ ngày Jim tìm đến ta và thông công với ta. Ta luôn luôn thích nghe lời cầu nguyện của Jim và ta nghĩ đến Jim mỗi ngày. Ta là Jesus của Jim đây”.
Thưa Hội Thánh

Hãy làm một Ba-na-ba vì Hội thánh và cá nhân tôi cần ông, cần một người an ủi, khích lệ, khi cần sẵn sàng đứng đầu gánh vác lãnh đạo công tác, khi không cần sẵn sàng lui một bước, lúc nào cũng tạo cơ hội để người khác hầu việc Chúa, giúp họ biết ăn năn tội lỗi của mình hầu quay lại phục vụ Chúa đắc lực hơn. Các Hội thánh trong vùng này cũng cần ông ta, người Việt nam vùng này cần ông tay. Vậy hãy bắt đầu từ buổi hiệp nguyện chiều mỗi thứ Năm. Quý bạn nghĩ sao?





Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »