Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.
Hội Thánh Kiền Bái » » Sống trong những ngày sau rốt- 2

Sống trong những ngày sau rốt- 2

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A






LÀM ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI (ITe 2:1-16)
Một phần giá trị vẫn còn tồn tại của hai chương 2 và 3 của Thư ITê-sa-lô-ni-ca, là cái nhìn xuyên suốt, chúng ban cho chúng ta vào tấm lòng của Phao-lô. Trong hai chương này, có lẽ là hơn hết bất cứ chỗ nào khác trong các thư tín của ông, ông đã phơi bày tâm trí, bộc lộ tình cảm, và vạch trần linh hồn mình.
Nhằm phá hoại uy quyền và Phúc âm của Phao-lô, những kẻ chỉ trich ông tại Tê-sa-lô-ni-ca đã quyết định bêu xấu để mọi người bất tín nhiệm ông bằng một chiến dịch bôi nhọ ông hết sức quỉ quyệt. Chắc Phao-lô đã rất đau lòng vì cuộc tấn công đối với cá nhân ông đó. Cho nên ông đã quyết định đáp lại những lời mà người ta đã tố cáo ông, không phải vì tức giận hay muốn khoe khoang, mà vì cớ chân lý của Phúc âm và tương lai của Hội thánh.
Mở đầu
Bạn đang cảm thấy đặc biệt thương yêu trìu mến và quan tâm đến phần thuộc linh của những ai?
Nghiên cứu
Xin đọc ITe 2:1-6. Nhờ nghiên cứu lời tự biện hộ của Phao-lô, chúng ta có thể tái tạo những lời gièm pha chống lại ông: “Sở dĩ ông ta làm việc ấy là để lợi dụng về tình dục, tiền bạc, uy tín hay thế lực. Cho nên, khi bị chống đối, ông ta tự thấy mình lâm nguy và đã chạy trốn. Ông ta có quan tâm gì đến các môn đệ là người Tê-sa-lô-ni-ca của mình đâu; ông ta đã bỏ hẳn các bạn rồi!”
1. Các động cơ tích cực thúc đẩy Phao-lô khoe mình khi truyền giảng, có thể là gì?
2. Khi đem Phúc âm đến cho người Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô đã không có làm gì?
3. Phao-lô phủ nhận mọi động cơ thúc đẩy xấu trong công tác truyền đạo của ông. Đâu là một vài động cơ thúc đẩy xấu có thể có trong chức vụ của một Cơ-đốc nhân?
4.Chúng ta được tự do như thế nào, khi làm việc không nhằm mục đích được đẹp lòng người ta, nhưng để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời?
Tóm tắt: Phao-lô khẳng định rằng Đức Chúa Trời đã phó thác Phúc âm cho ông, như ông chủ nhà phó thác tài sản của mình cho người quản lý vậy. Phao-lô nhấn mạnh rằng bức thông điệp của ông là chân lý, các động cơ thúc đẩy ông đều trong sạch và các phương pháp của ông đều công khai và không chỗ chê trách. Về cả ba phương diện này, lương tâm ông hoàn toàn trong sạch. Đức Chúa Trời đã thử nghiệm Phao-lô và nhận thấy ông thích hợp. Kết quả của cuộc thử nghiệm đó, là Đức Chúa Trời đã phó thác Phúc âm cho ông, khiến ông làm người quản lý nó. Đức Chúa Trời là người mà Phao-lô đang cố tìm cách làm đẹp lòng. Và Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục thử nghiệm tấm lòng của Phao-lô. Các nhà quản lý Phúc âm chịu trách nhiệm trước nhất không phải là với Hội thánh hay các cấp lãnh đạo Hội thánh, mà với chính Đức Chúa Trời. Chịu trách nhiệm khai trình với Đức Chúa Trời là được giải thoát khỏi những lời chê bai chỉ trích cay nghiệt của loài người.
5. Đọc ITe 2:6-12. Phao-lô ví sánh thái độ của ông giữa người Tê-sa-lô-ni-ca, với thái độ của ả một ông cha lẫn của một bà mẹ. Mỗi vai trò đòi hỏi sự tự hi sinh và lòng không vị kỷ như thế nào?
6. Những đặc điểm nào trong việc một người mẹ chăm sóc con cái cũng phù hợp với công tác chăm sóc phục vụ Hội thánh?
7. Các Cơ-đốc nhân khác đã chia sẻ với bạn chẳng những là Phúc âm, mà cả chính đời sống của họ nữa như thế nào?
8. Những đặc điểm nào trong việc một người cha chăm sóc con cái mình, cũng phù hợp với công tác chăm sóc phục vụ Hội thánh?
9. Phương pháp của người làm cha mẹ có thể đem áp dụng sai vào chức vụ chăm sóc Hội thánh như thế nào?
Tóm tắt: Đã không lợi dụng người Tê-sa-lô-ni-ca, buộc họ phục vụ mình, Phao-lô còn tự hiến thân để phục vụ họ. Thật là đạp đẽ, khi một người cục mịch đầy nam tính như Phao-lô lại áp dụng cho mình cách ví von với một bà mẹ dịu dàng chăm nom săn sóc cho con cái mình. Khi áp dụng cách ví von với một người cha cho mình, dường như ông đã đặc biệt suy nghĩ về vai trò giáo dục của những người cha, chẳng những phải luôn luôn nêu gương tốt, mà còn phải khích lệ, an ủi và khuyên răn con cái mình nữa. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ, là trong việc chăm sóc người Tê-sa-lô-ni-ca với tư cách một mục sư, Phao-lô đã có thể khoe rằng mình đã kết hợp được cả hai vai trò của người cha lẫn người mẹ.
10. Đọc ITe 2:13-16. Tại sao Phao-lô lại rất đẹp lòng đối với thái độ của người Tê-sa-lô-ni-ca dành cho bản tính của Phúc âm?
11. Phao-lô kể ra chi tiết nỗi khổ của người Tê-sa-lô-ni-ca khi bị bắt bớ bách hại. Lời lẽ của ông đã có thể an ủi Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca như thế nào?
12. Chúng ta có thể dung hoà những lời nói nặng của Phao-lô đối với những người Do-thái vô tín, với lời khoe khoang của ông về thái độ thương yêu trìu mến của một người mẹ, người cha như thế nào?
Tóm tắt: Phao-lô đã trung tín gìn giữ bảo vệ Phúc âm như một người quản lý, như một người mẹ, ông đã âu yếm, dịu dàng chăm lo săn sóc cho những người ông đã dẫn dắt để ăn năn quy đạo; như một người cha, ông chăm chỉ giáo dục họ; và như một người tiền hô (rao loa), ông đã mạnh dạn rao truền Lời (Đạo) Chúa. Căn cứ vào bốn hình ảnh ví von này, chúng ta có thể phân biệt hai trách nhiệm chủ yếu của chức vụ làm mục sư ngày nay. Trước hết là đối với Lời Đức Chúa Trời (như cả người quản lý phải gìn giữ bảo vệ, lẫn người tiền hô phải rao truyền Lời ấy ra) và thứ hai là đối với những người thuộc về Đức Chúa Trời (như người cha người mẹ, phải yêu mến, nuôi dưỡng và dạy dỗ họ).
Ứng dụng
Hãy suy nghĩ một lần nữa về số người mà bạn đang đặc biệt quan tâm đến sự tăng trưởng thuộc linh của họ. Bạn cần chứng minh sự quan tâm chăm sóc của mình như như thế nào?
Dù bạn là một tín đồ thường hay một mục sư, gương tốt của Phao-lô về công tác chăm sóc người Tê-sa-lô-ni-ca như một mục sư gợi lên cho bạn những sáng kiến thực tế nào để chăm sóc cho các Cơ-đốc nhân còn non trẻ hơn (trong đức tin)?
Cầu nguyện
Hãy cầu nguyện cho những người mới tin hay vẫn chưa trưởng thành trong Chúa Cứu Thế. Xin Chúa chỉ cho bạn phương pháp có thể giúp bạn hướng dẫn cho họ.
Cả tạ Chúa về những người đã thật lòng quan tâm đến sự tăng trưởng thuộc linh của bạn.
TẬN HIẾN ĐẾN HAI LẦN (ITe 2:17-3:13)
Mọi chức vụ chân chính của Cơ-đốc nhân đều bắt đầu bằng niềm tin quyết rằng chúng ta đã được kêu gọi để nắm giữ Lời Đức Chúa Trời như những người bảo vệ, truyền bá Lời ấy, như Phao-lô nhấn mạnh trong ITe 2. Chúng ta không thể hài lòng với “những tiếng đồn đại về Đức Chúa Trời” để thay thế cho “tin mừng (lành) của Đức Chúa Trời”. Chúng ta là những người đã đươc giao cho trọng trách của người quản lý, của người làm sứ giả (sứ đồ) cho Đạo Chúa, là Lời của Đức Chúa Trời, vốn tác động mạnh mẽ, đầy quyền năng trong những ai tin. Nhiệm vụ của chúng ta là phải gìn giữ học hỏi nghiên cứu, giải nghĩa, áp dụng và vâng theo Lời ấy.
Thứ hai, là việc chúng ta phải tận hiến cho những người thuộc về Đức Chúa Trời. Trong ITe 2:17-3:13, Phao-lô đưa ra một thí dụ minh hoạ thật cảm động về tình yêu của ông dành cho người Tê-sa-lô-ni-ca. Ông đã phải hết sức miễn cưỡng từ biệt họ, và thật sự là đã bị rứt khỏi họ trái với ý muốn của ông. Ông từng tìm đủ cách để trở lại thăm viếng họ, nhưng mọi nỗ lực của ông đều bất thành. Cuối cùng ông đã sia Ti-mô-thê đi, bỏ mặc ông lại một mình tại A-then, để có thể thu thập tin tức về Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca. Báo cáo tốt của Ti-mô-thê đã khiến cho lòng vị sứ đồ tràn ngập niềm vui, đưa ông tới chỗ người lại để viết bức thư này.
Mở đầu
Khi nghĩ về một lúc nào đó, bạn đã phải xa lìa một bạn thân hay một người thận trọng gia đình là Cơ-đốc nhân, và chẳng được nghe một tin tức nào về hiện trạng của người ấy. Bạn đã cảm thấy như thế nào?
Nghiên cứu
Đọc ITe 2:17-3:5. Khi Phao-lô viết “chúng tôi đã xa cách (bị rứt khỏi) anh em”, ông dùng một động từ Hi-văn chỉ xuất hiện trong Tân ước kinh lần duy nhất là trong câu này mà thôi. Orphanos bình thường có nghĩa là một cô nhi, một trẻ mồ côi không cha không mẹ. Từ ngữ này nói chung cũng hàm ý bối rối vì tang tóc. Điểm nhấn mạnh là trên sự ly biệt không tự nhiên, cả bị bắt buộc lẫn đầy đau đớn. Đồng thời, Phao-lô chắc chắn còn cảm thấy rằng sự chia ly này chỉ là tạm thời, và ông quả quyết với họ rằng đó chỉ là xa mặt, chứ không cách lòng, không xa nhau trong tâm tư ý tưởng.
1. Những từ ngữ thiết tha nào cho thấy tình cảm và Phao-lô đối với Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca?
2. Có thể Phao-lô đã nghĩ gì để khỏi thất vọng khi nhận thấy con đường quay trở lại Tê-sa-lô-ni-ca của ông đã bị ngăn chận?
Tại sao Phao-lô lại đổ cho Sa-tan cái tội ngăn trở không cho ông được gặp lại người Tê-sa-lô-ni-ca, trong khi lại bảo các trở ngại khác là do Đức Chúa Trời (c.18)? Một cách trả lời có thể là vì Đức Chúa Trời đã cho Phao-lô sự biện biệt thuộc linh để phân biệt giữa những việc xảy ra do sự sắp xếp thần hựu với những việc do ma quỉ. Cũng có thể sở dĩ như thế chỉ là nhờ những điều ông thấy về sau, khi các biến cố tiếp theo đó đã xảy ra.
3. Phao-lô hi vọng nhận được gì từ Tê-sa-lô-ni-ca (một cách gián tiếp, từ bản báo cáo của Ti-mô-thê)?
4. Phao-lô đã cố tìm cách chuẩn bị cho người Tê-sa-lô-ni-ca để họ sẵn sàng đương đầu với thử thách. Lời lẽ của ông đã có thể thêm sức cho chính ông như thế nào, khi chờ nghe tin tức từ Tê-sa-lô-ni-ca?
5. Bạn giải thích như thế nào câu nói của Phao-lô rằng người Tê-sa-lô-ni-ca sẽ là niềm hi vọng, niềm vui và là mão miện của ông khi Chúa Giê-xu trở lại?
6. Theo ý nghĩa mà Phao-lô đã dùng các từ ngữ ấy thì ai (hay nhưng ai) là niềm hi vọng, niềm vui và mão miện) của riêng bạn?
Tóm tắt: Những nỗ lực đi lặp lại của Phao-lô nhằm thăm lại Tê-sa-lô-ni-ca đều khiến ông thất vọng vì thiếu tin tức của Hội thánh tại đó. Thời gian trì hoãn cứ kéo dài, cho đến khi phải làm một việc gì đó để cất đi sự căng thẳng. Cho nên, vì chính Phao-lô không thể đến đó được, nên ông đã quyết định sai Ti-mô-thê đi đến đó thay mình. Tâm hồn nhạy cảm của Phao-lô có phần chùn lại trước viễn cảnh ấy, nhưng ông thà chịu cô đơn ít lâu, còn hơn là kéo dài thời gian trì hoãn đối với người Tê-sa-lô-ni-ca.
7. Đọc ITe 3:6-13. Phao-lô từng chịu khổ nhiều khi thiết lập Hội thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Thế nhưng bức thư của ông lại tràn đầy những lời tri ân. Thật ra, ông đã nhận được gì khi phục vụ cho dân chúng tại đó?
8. Khi Phao-lô viết rằng Ti-mô-thê vừa thuật cho chúng tôi “tin tốt” về anh em, thì từ ngữ mà ông dùng trong nguyên văn là “Phúc âm”. Đây là lần duy nhất từ ngữ này được dùng trong Tân ước kinh khi nó không đặc biệt đề cập việc truyền giảng Phúc âm. Tại sao tin tức về đức tin và tình yêu của người Tê-sa-lô-ni-ca lại thúc giục Phao-lô viết một câu khẳng định mạnh mẽ như thế?
9. Phao-lô đã cầu nguyện như thế nào cho người Tê-sa-lô-ni-ca, và lời cầu nguyện của ông cho thấy ông muốn gì cho họ?
10. Hãy suy nghĩ về những người đang phục vụ cho bạn, dù đó là nghề nghiệp của họ, hay đó chỉ là các tín đồ thường hoặc chỉ là bạn bè của bạn mà thôi. Có thể họ đang nhận được gì nhờ công tác phục vụ của họ (ngoài tiền lương vì nghề nghiệp của họ)?
11. Bạn đã được phước hạnh gì nhờ phục vụ người khác?
Tóm tắt: Phao-lô phơi bày tấm lòng yêu thương của ông cho người Tê-sa-lô-ni-ca. Tại sao ông lại dùng những lời lẽ quá đáng như thế? Đó là cách nói của những bậc cha mẹ bị cách biệt với con cái mình, đang mong nhớ chúng kinh khủng và vô cùng lo âu khi chẳng được tin tức gì mới mẻ về chúng cả. Tình yêu của người làm mục sư là tình yêu của bậc làm cha mẹ dành cho con cái; đó là một đức tính.
Ứng dụng
Hiến thân sâu sắc để phục vụ tha nhân có thể gây đau lòng khi phải xa lìa nhau hay gặp thất vọng. Nói chung về cả khúc sách này, bạn tìm thấy gì trong lời lẽ của Phao-lô, có thể khích lệ bạn chấp nhận nguy cơ có thể gặp đau khổ, vì như thế là xứng đáng?
Bạn có thể đem phước hạnh trở lại cho những người đã đem phước hạnh đến cho bạn khi họ phục vụ bạn như thế nào?
Cầu nguyện
Tại ơn Đức Chúa Trời về những người đã trung tín trong chức vụ phục vụ cho bạn, và xin Ngài ban phước cho họ.
SỐNG ĐẠO (ITe 4:1-12)
Một trong những nhược điểm quan trọng nhất của Cơ-đốc giáo đương đại, là chúng ta tương đối chểnh mảng phương diện đạo đức học của đạo, cả trong việc dạy dỗ lẫn thực hành. Chúng ta được mọi người biết với tư cách những người truyền đạo chứ không phải là những người sống đạo. Trong cộng đồng, chúng ta không luôn luôn được mọi người chú ý như đáng lẽ phải có vì chúng ta biết tôn trọng điều thánh khiết và phẩm chất của sinh mạng con người, vì chúng ta biết hi sinh cho công bằng xã hội, vì bản thân chúng ta ngay thật và trung thực trong việc làm ăn kinh doanh, vì nếp sống đơn sơ và hài lòng với địa vị của mình tương phản với thói tham lam của cái xã hội tiêu thụ, hay vì các gia đình ổn định của chúng ta, trong đó sự không chung thuỷ và ly dị là điều không thấy có trong thực tế.
Phao-lô nêu ra một hình ảnh tương phản rõ rệt với nếp sống chểnh mảng về phương diện đạo đức, đưa ra phần chỉ giáo thật chi tiết về cách ăn ở theo luân lý đạo đức Cơ-đốc giáo cả cho những người mới ăn năn quy đạo nữa. Trong phần này của bức thư của ông, ông khuyến giục người Tê-sa-lô-ni-ca hãy sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, biết tự chủ và yêu thương lẫn nhau.
Mở đầu
Trong lãnh vực nào, đức tin của bạn đã làm thay đổi cách có ý nghĩa nếp sống đạo đức của bạn?
Nghiên cứu
Giữa hai chương 3 và 4 của Thư ITê-sa-lô-ni-ca, có một sự thay đổi đột ngột về đề mục. Phao-lô đang nhìn lui trở về lần ông đến thăm họ trước đây với các biến cố xảy ra tiếp theo đó. Rồi ông nhìn vào hiện tại và tương lai của Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca để bàn về một số các vấn đề thực tiễn về cách ăn ở cư xử của Cơ-đốc nhân. Tuy nhiên, việc ông chuyển từ một đề tài này sang một đề tài khác như thế không có nghĩa là đã chẳng có mối liên hệ nào giữa phần đầu và phần thứ hai trong bức thư của ông. Lời cầu nguyện của ông ở cuối chương 3 xin Chúa khiến họ tăng trưởng trong tình yêu và sự thánh khiết dọn đường cho lời truyền dạy của ông về cả ai vấn đề ấy trong chương 4.
1. Đọc ITe 4:1-2. Giai đoạn của mấy câu này như thế nào?
2. Đâu là một số nhiều các lý do khiến một Cơ-đốc nhân muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời?
3. Tại sao làm đẹp lòng Đức Chúa Trời là một nền tảng chắc chắn cho đạo đức học Cơ-đốc giáo?
4. Đâu là một vài nền tảng không được vững chắc như thế mà có lẽ các Cơ-đốc nhân cũng muốn xây dựng trên đó nền đạo đức học của họ?
Tóm tắt: “Làm đẹp lòng Đức Chúa Trời” là ý niệm căn bản, một nguyên tắc chỉ đạo cho cách ăn ở cư xử của Cơ-đốc nhân. Nó là gốc rễ sâu xa của thân phận người làm môn đệ của Chúa và thách thức sự thật của việc chúng ta tôn xưng Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể rêu rao rằng mình nhận biết và yêu mến Đức Chúa Trời, nếu chúng ta không cố tìm cách sống đẹp lòng Ngài? Đồng thời, nó cũng là một nguyên tắc uyển chuyển. Nó sẽ cứu chúng ta khỏi các luật lệ cứng nhắc của chủ nghĩa Pha-ri-si (đạo đức giả) trong Cơ-đốc giáo, cố tìm cách giản lược hoá đạo đức học vào một bảng liệt kê những việc phải làm và không nên làm.
Đọc ITe 4:3-8. Phao-lô đang ở tại Cô-rinh-tô để viết thư này cho người Tê-sa-lô-ni-ca. Cả hai thành phố này đều nổi tiếng là vô luân vô đạo. Có thể chúng vốn chẳng tồi tệ hơn các thành phố khác của thế giới Hi-lạp vào thời ấy, nơi mà mọi người đều chấp nhận rằng một người đàn ông không thể hoặc không nên tự hạn chế mình với chỉ một người vợ để làm người bạn tình duy nhất mà thôi. Xuyên suốt lịch sử, các nhà giải kinh đã chia thành hai phe trong việc giải nghĩa câu 4. Nếu dịch theo đúng nghĩa đen thì câu ấy là “mỗi người trong anh em phải học tập để có được chiếc bình riêng thánh khiết và tôn trọng”. nếu có nhiều khó khăn khi muốn dịch câu này, hoặc là “tự kiểm soát thân thể mình”, hoặc là “cưới cho riêng mình một người vợ”, thì có nhiều căn cứ để chấp nhận rằng câu này có nghĩa là cưới một người vợ, và rằng ở đây Phao-lô muốn khẳng định việc kết hôn giữa hai phái nam nữ.
5. Đâu là mối liên hệ giữa vấn đề một Cơ-đốc nhân được thánh hoá hay nên thánh (c.3) với sinh hoạt tình dục của người ấy?
6.Lúc nào thì bạn chú ý nhiều nhất đến sự tương phản giữa các chuẩn mực về tình dục giữa các Cơ-đốc nhân với các chuẩn mực về tình dục của thế gian?
7. Trong các vấn đề liên quan đến tình dục, đâu là những cách thức mà một Cơ-đốc nhân có thể “làm hại” hay “lợi dụng” một tín hữu khác (c.6)?
8. Động cơ thúc đẩy một Cơ-đốc nhân sống theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong vấn đề tình dục là gì?
Tóm tắt: Phao-lô trình bày hai nguyên tắc cơ bản và thực tiễn để hướng dẫn các độc giả của ông trong sinh hoạt tình dục: 1. tình dục có bối cảnh mà Đức Chúa Trời dành cho nó: hôn nhân giữa hai người khác phái với nhau; 2. tình dục có kiến thức mà Đức Chúa Trời định cho nó; sự thánh khiết và tôn trọng lẫn nhau. Nếu người ngoại đạo sở dĩ làm theo cách của họ vì họ không biết Đức Chúa Trời, thì các Cơ-đốc nhân phải có hành động khác hẳn họ vì chúng ta biết Đức Chúa Trời, vì Ngài là một Đức Chúa Trời thánh khiết, vì Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta, và vì chúng ta muốn sống đẹp lòng Ngài. Đọc ITe 4:9-12.
Căn cứ vào nhiều câu tham khảo khác nữa trong I&II Tê-sa-lô-ni-ca, rõ ràng là có một nhóm người Tê-sa-lô-ni-ca đã từ bỏ công việc làm của họ vì tưởng rằng ngày Chúa tái lâm đã gần kề. họ cần được khuyên răn để trở lại với công ăn việc làm của họ.
9. Các Cơ-đốc nhân phải làm thế nào để học tập yêu thương lẫn nhau?
10. Theo hai câu 11,12 các Cơ-đốc nhân phải có “cao vọng” gì?
11. Chúng ta phải tránh các nguy cơ thuộc linh nào khi sống yên lặng, để tâm lo cho các công việc riêng của mình?
12. Tại sao tự lao động để mưu sinh lại là một dấu hiệu của tình yêu nơi một Cơ-đốc nhân?
13. Trong khi muốn được người không tin Chúa kính trọng, chúng ta có thể tránh vi phạm các nguyên tắc của mình như thế nào?
Tóm tắt: Luân lý đạo đức Cơ-đốc giáo không phải trước hết là luật lệ quy tắc, mà là các mối liên hệ giữa người và người với nhau. Một mặt, càng biết rõ và yêu mến Đức Chúa Trời bao nhiêu, chúng ta sẽ càng muốn làm đẹp lòng Ngài nhiều bất nhiêu. Nhờ Lời và Thánh Linh Ngài, chúng ta phải phát triển sự nhạy cảm đối với Đức Chúa Trời cho đến khi dù gặp bất kỳ nan đề nào, chúng ta cũng cảm thấy an toàn và tập thành thói quen để tự vấn: “Điều này có đẹp lòng Đức Chúa trời không?” Mặt khác, yêu mến tha nhân dẫn tới chỗ chúng ta phục vụ họ. Hễ chúng ta muốn người khác làm gì cho mình, hãy làm điều ấy cho họ. Có một từng trải tuyệt vời giải phóng cho chúng ta, là ý muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời sẽ thắng hơn ước muốn tự làm đẹp lòng mình, và khi tình yêu tha nhân chiếm lấy chỗ của tánh ái kỷ.
Ứng dụng
Hãy suy nghĩ về các cách thức theo đó bạn sẽ được tăng trưởng càng hơn trong tình yêu thương đối với các Cơ-đốc nhân bạn, thế nào để bạn sẽ “càng yêu thương họ ngày càng nhiều hơn”. Hãy nghĩ cách để mở rộng thêm hai vòng tròn khác nhau này:
1. Cách lãnh vực phục vụ và thi hành chức vụ nói chung
2. Những người cụ thể mà bạn tiếp nhận hay quan tâm chăm sóc cho.
Làm thế nào để sinh hoạt hằng ngày của bạn khiến được người ngoại đạo kính trọng bạn?
Cầu nguyện
Cầu xin Đức Chúa Trời giúp bạn tăng trưởng trong cách ăn ở cư xử cho phù hợp với các niềm tin của bạn, để người khác có thê nhìn thấy là bạn yêu mến Đức Chúa Trời và mọi người chung quanh bạn.
HI VỌNG TRƯỚC CÁI CHẾT (ITe 4:13-18)
Cho dù đức tin của bạn vào Chúa Cứu Thế có vững vàng tới đâu, việc bị mất đi một người bà con hay người bạn thân thiết cũng gây ra một chấn động (cú sốc) tình cảm thật sâu xa. Mất đi một người yêu dấu, là bị mất đi một phần của chính mình. Cần phải có những điều chỉnh căn bản, đau lòng, có thể suốt nhiều tháng.
Tang chế cũng là những cơ hội để thắc mắc đặt vấn đề về những người đã chết Điều gì đã xảy đến cho họ? Họ có được an lành, tốt đẹp không? Chúng ta sẽ còn được gặp lại họ nữa hay không? Những thắc mắc như thế một phần vốn do sự tò mò tự nhiên, một phần vì mối quan tâm của Cơ-đốc nhân đến người khác, và một phần là vì cái chết của họ nhắc nhở chúng ta về chính cái chết của chúng ta, và phá hoại ngầm sự an ninh của chúng ta. trong phần này của ITê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô khích lệ người Tê-sa-lô-ni-ca đang âu lo cho các bạn thân của họ là các Cơ-đốc nhân đã qua đời.
Mở đầu
Đâu là cái cảm xúc hay ý nghĩ nảy sinh trong bạn khi bạn suy nghĩ về các Cơ-đốc nhân mà bạn yêu thương, nhưng nay đã qua đời rồi?
Nghiên cứu
Đọc ITe 4:13-18. Phao-lô đã dạy cho người Tê-sa-lô-ni-ca rằng Chúa Giê-xu sắp tái lâm để đưa người thuộc về Ngài về nhà với Ngài. Đã chẳng có chứng cứ hiển nhiên nào cho thấy là Phao-lô khiến người Tê-sa-lô-ni-ca tin rằng Chúa Cứu Thế sẽ trở lại lúc họ hãy còn sống. Nhưng dường như họ đã trông mong Ngài tái lâm quá sớm, đến nỗi một số người đã từ bỏ công ăn việc làm của họ, trong khi nhiều người khác hoàn toàn chưa sẵn sàng khi thấy các bà con thân thuộc của họ qua đời trước khi Chúa Cứu thế tái lâm. Dù là trực tiếp hay qua trung gian của Ti-mô-thê, người Tê-sa-lô-ni-ca muốn hỏi Phao-lô: Một Cơ-đốc nhân đã qua đời có bị mất các phước hạnh trong việc Chúa Cứu Thế tái lâm hay không? Thậm chí họ có bị diệt vong hay không?
1. Ở đây đề cập các lý do gì để các Cơ-đốc nhân có thể hi vọng?
2. Phao-lô không muốn cho người Tê-sa-lô-ni-ca không biết về số phận của những người đã qua đời rồi. Đâu là các nguy cơ thuộc linh do chẳng biết gì cả về đời sống sau khi người ta đã chết?
3. Một người được chúng ta yêu mến qua đời, tự nhiên gây buồn rầu. Phao-lô không bảo với các Cơ-đốc nhân rằng đừng nên buồn rầu chi cả; thế thì, ông đã nói gì với chúng ta về vấn đề buồn rầu cho các Cơ-đốc nhân đã qua đời?
4. Hôm nay, gần hai ngàn năm sau ngày Chúa Cứu Thế thăng thiên, cúng ta đã biết chắc rằng nhiều Cơ-đốc nhân từng sống rồi chết đi giữa lần giáng lâm thứ nhất của Chúa Cứu Thế, với lúc Ngài sẽ tái lâm. Tại sao người Tê-sa-lô-ni-ca lại bối rối vì một số người trong Hội thánh đã qua đời, mà Chúa Cứu Thế thì chưa tái lâm?
5. Có nhiều chi tiết về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế mà Thánh Kinh không nói cho chúng ta biết. Ỏ đây trình bày cho chúng ta những chi tiết nào?
6. Cơ-đốc nhân hi vọng như thế nào về đời sau?
7. Phao-lô nói về những người đã chết là họ đang “ngủ”. Cũng có nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh nói về sự chết như một “giấc ngủ” vậy. Từ ngữ Hi văn, gốc của danh từ “nghĩa trang, nghĩa địa” theo nghĩa đen là một chỗ ngủ. Đâu là các lý do để tình trạng chết có thể được đề cập như là “ngủ”?
8. Bạn so sánh niềm hi vọng của Cơ-đốc nhân với các quan điểm bình dân về cuộc đời sau cái chết như thế nào?
9. Hi vọng của Cơ-đốc nhân chúng ta ảnh hưởng đến nỗi sợ chết tự nhiên của chúng ta như thế nào?
10. Phao-lô nói vẫn còn hi vọng lớn lao cho những người hãy còn sống lúc Chúa Cứu Thế tái lâm. Hi vọng đó là gì?
11. Nhiều nhóm Cơ-đốc nhân đã có nhiều quan điểm khác nhau về những ngày sau rốt và những gì sẽ xảy ra khi Chúa Cứu Thế trở lại. Thậm chí Hội thánh còn bị chia rẽ vì các vấn đề liên quan đến những ngày sau rốt. Thay vì cãi lẽ với nhau, lời hứa về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế có thể là một nguồn để các Cơ-đốc nhân đoàn kết, hợp nhất với nhau như thế nào (c.18)?
Tóm tắt: Nếu Đức Chúa Trời không bỏ mặc cho Cơ-đốc nhân chết luôn nữa. Trái lại, Ngài sẽ khiến họ sống lại như đã khiến Chúa Giê-xu sống lại vậy. Rồi Ngài sẽ đem họ đến cùng Ngài, để khi Ngài đến thì họ cũng sẽ cùng đến với Ngài nữa. Điều Phao-lô khẳng định là cả các Cơ-đốc nhân đã chết rồi lẫn các Cơ-đốc nhân còn sống khi Chúa đến, đều sẽ không bị bỏ lại, bị loại trừ hay bị bất cứ điều bất lợi nào. Một khi cùng được cất lên để gặp Chúa, chúng ta sẽ được ở với Chúa mãi mãi. Cuộc gặp gỡ chỉ trong khoảnh khắc này sẽ dẫn tới mối thông công đời đời.
Ứng dụng
Theo như bạn biết thì ai là người cần có niềm hi vọng đã được nói ra ở đây? Bạn có thể làm một công cụ của Đức Chúa Trời để nói cho người ấy biết về niềm hi vọng đó như thế nào?
Có lẽ bạn đang đau buồn vì cái chết của một Cơ-đốc nhân mới đây, hoặc đã khá lâu rồi. Khúc sách này khích lệ bạn và ảnh hưởng đến các ý nghĩ và cảm thức của bạn như thế nào?
Cầu nguyện
Tạ ơn Chúa về niềm tin chắc chắn vào sự tái lâm của Ngài và về ân tứ là niềm hi vọng của Ngài.
TRÔNG CHỜ CHÚA CỨU THẾ (ITe 5:1-11)
Có hai lý do khiến người ta bị bất ngờ khi một tên trộm vào nhà. Một là vì tên trộm ấy đến thình lình ban đêm, và hai là người chủ nhà đang ngủ mê. Về lý do thứ nhất thì chúng ta chẳng có thể làm gì được cả, nhưng về lý do thứ hai thì có.
Người Tê-sa-lô-ni-ca tưởng rằng họ có thể dễ dàng chuẩn bị sẵn sàng để tiếp rước Chúa Cứu Thế tái lâm để thực hiện việc phán xét nếu họ biết được khi nào thì Ngài đến. Chắc chắn rằng suy nghĩ như thế thì thật là ngây thơ, nhưng là điều có thể hiểu được. Phao-lô trả lời rằng giải pháp cho vấn đề ấy không phải là ở chỗ được biết ngày giờ. Việc Chúa tái lâm nhất định sẽ phải xảy ra thật bất ngờ. Giải pháp không phải là biết khi nào Ngài đến, nhưng là phải tỉnh thức và đề cao cảnh giác.
Mở đầu
Việc trông đợi Chúa Cứu Thế tái lâm chiếm vị trí nào trong đời sống và từng trải làm Cơ-đốc nhân của bạn? (Đó là một điều mà bạn thường suy nghĩ đến, hay rất ít khi nghĩ đến? Bạn có suy nghĩ là nó sẽ xảy ra như thế nào? Rồi mọi việc sẽ như thế nào hay không?)
Nghiên cứu
Phao-lô dạy rõ ràng rằng phải đi tìm giải pháp cho các vấn đề của Hội thánh trong Phúc âm. Để củng cố cho tấm lòng đang nao sờn của người Tê-sa-lô-ni-ca, ông khơi dậy niềm hi vọng là Cơ-đốc của họ bằng cách khai triển nền thần học làm nền tảng cho nó. Niềm hi vọng ấy là niềm tin quyết trông chờ sự tái lâm của Chúa Cứu Thế, và nền thần học ấy là cái chân lý rằng Chúa Cứu Thế sắp tái lâm cũng chínhh là Chúa Cứu Thế từng chịu chết rồi sống lại, là Đấng mà họ đặt lòng tin của mình vào.
1. Đọc ITe 5:1-3. Trong mấy câu này, Phao-lô muốn nói lên mối bận tâm gì?
2. Kể từ ngày Chúa Giê-xu thăng thiên, người ta vẫn cố tìm cách tiên đoán xem đến khi nào thì Ngài sẽ trở lại. Có gì hấp dẫn trong việc chỉ ra ngày giờ Chúa tái lâm?
3. Ngày Chúa đến giống như việc kẻ trộm đến ban đêm như thế nào?
4. Ngày Chúa đến giống như cơn quặn thắt báo hiệu một phụ nữ mang thai sắp sinh con như thế nào?
5. Một số người cố tìm cách tiên đoán chính xác thì giờ Chúa Cứu Thế tái lâm, trong khi nhiều người khác lại chế nhạo cái ý kiến cho rằng ngày ấy đã rất gần gồi. Câu nói của Phao-lô khẳng định rằng Chúa Cứu Thế sẽ trở lại thình lình cho thấy cả hai ý kiến trên đều sai lầm như thế nào?
Tóm tắt: Đặt hai cách ví von của Phao-lô lại với nhau, chung ta có thể nói rằng sự tái lâm của Chúa Cứu Thế sẽ là: 1. thình lình và bất ngờ (như kẻ trộm ban đêm vậy), và 2. thình lình và không tránh được (như cơn quặn thắt chấm dứt thai kỳ vậy). Trong trường hợp thứ nhất, sẽ chẳng có dấu hiệu gì báo trước, còn trong trường hợp sau thì sẽ chẳng có một lối thoát nào cả. Nhưng đúng như Phao-lô đã từng nói với người Tê-sa-lô-ni-ca lúc ông còn ở với họ, sẽ chẳng có ai biết được ngày giờ chính xác cả.
Đọc ITe 5:4-11. Thánh Kinh chia lịch sử thành hai thời đại. Theo viễn cảnh của Cựu ước kinh, chúng được gọi là “thời đại này” (vốn xấu xa gian ác), và “thời hầu đến” (sẽ là thời đại của Đấng Mê-si-a). Thánh Kinh cũng dạy rằng Chúa Cứu thế Giê-xu chính là Đấng Mê-si-a đã được mọi người trông đợi từ lâu, do đó, thời đại mới đã bắt đầu lúc Ngài đến thế gian. Đồng thời, thời đại cũ vẫn chưa chấm dứt. Cho nên, trong khi chờ đại, hai thời đại ấy đang nằm chồng lên nhau. người không tin Chúa thuộc về thời đại cũ và vẫn còn sống trong bóng tối. Nhưng những người thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu thì đã được chuyển sang thời đại mới, đưa vào trong ánh sáng rồi. Chỉ khi nào Chúa Cứu Thế đến trong vinh quang thì thời hiện đại mới sẽ phủ trùm trên kỳ sau rốt. Cuối cùng, thời đại cũ sẽ tan biến mất đi, và thời đại mới được đưa vào.
6. Hãy mô tả các thái độ và cách ăn ở cư xử của những người vẫn còn sống trong bóng tối thuộc linh.?
7. Thái độ và cách ăn ở cư xử của những người sống trong ánh sáng tương phản với thái độ và cách ăn ở cư xử của những kẻ thuộc về bóng tối như thế nào?
8. Đâu là một số cạm bẫy thuộc linh mà các Cơ-đốc nhân phải đề cao cảnh giác?
9. Phao-lô đề cập đức tin và tình yêu là áo giáp và niềm hi vọng về sự cứu rỗi là một mão trụ. Tại sao các Cơ-đốc nhân cần đến các vật này trong bộ binh giáp?
10. Phao-lô diễn tả niềm tin quyết của ông rằng người Tê-sa-lô-ni-ca sẽ sẵn sàng khi Chúa Cứu Thế tái lâm như thế nào?
11. Một lần nữa, Phao-lô tái trấn an người Tê-sa-lô-ni-ca về số người đã chết như thế nào?
12. Tại sao chúng ta cần khích lệ lẫn nhau trong khi chờ đợi Chúa Cứu Thế tái lâm?
Tóm tắt: Chúng ta có sẵn sàng cho sự tái lâm của Chúa Cứu Thế hay không lệ thuộc vào việc chúng ta đang sống trong thời đại nào, và vào việc chúng ta vẫn còn sống trong bóng tối hay đã thuộc về ánh sáng rồi. Chỉ khi nào chúng ta đang sống trong ánh sáng, thì chúng ta mới không bị bất ngờ. Nếu chúng ta thuộc về ban ngày (ngày mới đã lố dạng đồng thời với sự giáng lâm của Chúa Cứu Thế) thì cách ăn ở cư xử của chúng ta phải là cách ăn ở cư xử vào ban ngày. Chúng ta chớ ngủ mê hay thậm chí sống mà cứ ngáp dài ngáp vắn, hay sống với những bộ quần áo ngủ. Chúng ta phải tỉnh thức và luôn luôn đề cao cảnh giác. Vì chỉ có như thế, chúng ta mới sẵn sàng khi Chúa Cứu Thế đến, và chúng ta sẽ không bị bất ngờ.
Lý do cuối cùng để chúng ta phải mạnh dạn thay vì ngã lòng khi đón đầu sự tái lâm của Chúa Cứu Thế, ấy là không phải vì chúng ta là ai (con cái của ban ngày và của ánh sáng) nhưng là vì Đức Chúa Trời là ai, như thập tự giá đã cho thấy (Ngài là Đấng ban sự cứu rỗi và sự sống). Sự kiện Chúa Cứu Thế sắp tái lâm có thể tạo ra lo âu thay vì lòng tin quyết. Sở dĩ chúng ta tin quyết là nhờ biết rằng Chúa Cứu Thế sắp đến với chúng ta cũng chính là Chúa Cứu Thế đã từng chịu chết thay cho chúng ta và đã sống lại.
Ứng dụng
Sống như thế nào thì có nghĩa là bạn vẫn đang còn ngáp dài ngáp vắn, chứ chưa phải là hoàn toàn sống trong ánh sáng đầy đủ của Chúa Cứu Thế Giê-xu?
Bạn có thể khích lệ một người nào đó hôm nay như thế nào bằng niềm hi vọng về Chúa Cứu Thế tái lâm?
Cầu nguyện
Tạ ơn Đưc Chúa Trời vì Ngài đã giải thoát bạn khỏi cơn thịnh nộ của Ngài và ban cho bạn sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế.
CỘNG ĐỒNG CƠ-ĐỐC GIÁO (ITe 5:12-18)
Sứ đồ Phao-lô tha thiết mong ước các lý tưởng cao cho Hội thánh của Chúa Cứu Thế. Trong ITê-sa-lô-ni-ca, ông mô tả nó như một cộng đồng của những người được Đức Chúa Trời yêu mến và tuyển chọn, hấp thu sự sông từ nơi Ngài rồi biểu hiện sự sống của Đức Chúa Trời đó bằng các ân tứ căn bản của đức tin, tình yêu và hi vọng của Cơ-đốc nhân. Một cộng đồng như thế có thể được gọi rất đúng là một “Hội thánh Tin lành (Phúc âm)”, cả vì nó đã được Phúc âm khai sinh, lẫ vì nó vẫn cứ tiếp tục được Phúc âm tác tạo, hình thành.
Có một bức tranh về Phúc âm trong Tân ước kinh tả vẽ nó như gia đình của Đức Chúa Trời, trong đó các thành viên thừa nhận và đối xử với nhau như anh chị em vậy. Đây dường như là ý niệm then chốt của nửa phần sau của ITe 5, vì Phao-lô đã năm lần dùng từ ngữ “các anh em (hàm ý “các hị em” nữa, nghĩa là “các anh em chị em” nói chung). Ở đây, Phao-lô lấy ra từng phương diện một trong ba phương diện thiết yếu của sinh hoạt trong chi hội địa phương: việc lãnh đạo, sự thông công và sự thờ phượng công cộng.
Mở đầu
Bạn đã được “gia đình” Cơ-đốc giáo cua mình giúp đỡ và khích lệ như thế nào?
Nghiên cứu
Đọc ITe 5:12-13. Hội thánh của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dao động bất ổn định giữa hai đối cực cũng không đúng với lời truyền dạy của Thánh Kinh như nhau liên quan đến vai trò của quý vị mục sư. Theo một quan điểm thì cấp lãnh đạo nắm mọi độc quyền của công tác mục vụ và được đặt trên một bệ thờ, nhận được tôn kính quá đáng của phần được gọi là giới tín đồ thường. Ở đối cực kia là một hành động quá đánglấy thân thể của Chúa Cứu Thế làm mẫu mực pháp lý cho Hội thánh để đẩy ó đến với lập trường thái quá, cho rằng bất cứ một phác hoạ hay hình thức lãnh đạo nào cũng là dư thừa, rườm rà cả. Theo Tân ước kinh thì Đấng Chăn Chiên Trưởng uỷ thác cho những người chăn chiên cấp dưới hay “mục sư” cái đặc quyền để giám sát, quản lý bầy chiên mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.
1. Theo khúc sách này, trách nhiệm của các lãnh tụ Hội thánh đối với những người được mình lãnh đạo là gì?
2. Còn trách nhiệm của những người được họ lãnh đạo là gì?
3. Lời chỉ giáo của Phao-lô không cho phép cả các mục sư lẫn tín đồ thường “làm chúa làm chủ” lẫn nhau như thế nào?
4. Tại sao lắm khi quý vị mục sư và các tín đồ thường nhận thấy khó sông hoà thuận với nhau?
Tóm tắt: Đặc điểm chủ yếu của các lãnh tụ (cấp lãnh đạo) Cơ-đốc giáo là khiêm hạ chứ không phảilà cậy quyền, ôn tồn tử tế chứ không phải là cậy quyền cậy thế. Tuy nhiên, quyên lãnh đạo với tư cách một tôi tớ đích thực cũng có một yếu tố của uy quyền trong đó. Hội chúng địa phương không nên khinh dể quý vị mục sư dường như họ là những người có hể bị thay thế, cũng không nên nịnh hót luồn cúi họ dường như họ là những giáo hoàng hay ông hoàng, mà đúng hơn là phải tôn trọng họ bằng thái độ tán thưởng pha lẫn tình thương yêu trìu mến.
Đọc ITe 5:14-15. Ở phần trước của bức thư trong 4:3-18, Phao-lô đã bàn về công tác hằng gnày. Vấn đề tang tóc buồn rầu và kiềm chế tự chủ về mặt tình dục. Có lẽ đó là ba đề mục đã nảy sinh trong tâm trí ông lúc ông viết bức thư này nhằm mục đích “răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ (ở dưng, ăn không ngồi rồi), yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối”. Sự hiện hữu của quý vị mục sư không hề miễn trừ cho các thành viên của Hội thánh các trách nhiệm phải chăm sóc lẫn cho nhau, kể cả các vấn đề về “con cái” này trong gia đình là Hội thánh.
5. Phao-lô khuyến khích các thái độ nào giữa các tín hữu với nhau?
6. Tại sao những kẻ ăn ở bậy bạ (ở dưng), rụt rè e lệ và yếu đuối cần được những người khác trong Hội thánh đặc biệt tỏ ra kiên nhẫn?
7. Hạng người (hay các vấn đề về con người) nào thường khiến bạn nóng nảy, mất kiên nhẫn?
8. Phao-lô có thể viết: “Chớ lấy ác trả ác”. Nhưng thay vào đó, ông lại viết: “Hãy giữ, đừngcó ai lấy ác báo ác cho kẻ khác” (Nên nhớ rằng ông đang viết thư cho các thàh viên trong Hội thánh nói chung chứ không phải chỉ viết riêng cho quý vị mục sư mà thôi). Lệnh truyền này của ông hàm ý gì?
9. Khi điều ác được “báo đáp” bằng thái độ ôn tồn tử tế chứ không phải là bằng điều ác hơn, thì những ấn đề nào đã được loại trừ?
Tóm tắt: Phao-lô đặt trên toàn thể hội chúng cái trách nhiệm phải chăm sóc lẫn nhau như anh em chị em một, phải nâng đỡ nhau thật phải lẽ, phải khích lệ và răn bảo nhau khi gặp các vấn đề liênquan đến con cái trong Hội thánh, và phải bảo đảm rằng mọi người đều tuân theo những lời truyền dạy của Chúa Giê-xu, bồi dưỡng đức kiên nhẫn, từ chối ăn miếng trả miếng để theo đuổi thái độ tử tế, ôn tồn.
Đọc ITe 5:16-28. Khi mới đọc, có thể ta không nghĩ rằng đoạn này lại liên quan đến bảnt ính và cách hướng dẫn, điều hành việc thờ phượng công cộng. Nhưng có nhiều dấu chỉ rõ ràng cho thấy điều này đang được Phao-lô nghĩ đến. Tất cả các động từ đều theo số nhiều, khiến dường như chúng mô tả các bổn phận tập thể và công khai, chứ không phải là các nghĩa vụ cá nhân hay riêng tây của Cơ-đốc nhân.
Phần đông các Hội thánh có thể dành nhiều thì giờ và quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị cho buổi nhóm lại thờ phượng của họ. Thật là sai lầm nếu tưởng rằng quyền tự do và phần hình thức thì loại trừ lẫn nhau, hay Đức Thánh Linh là bạn thân của quyền tự do đến độ Ngài là kẻ thù của phần hình thức.
10. Khúc sách này khẳng định các thái độ nào?
11. Niềm vui trong Chúa, cầu nguyện và cảm tạ phù hợp với buổi nhóm lại thờ phượng công cộng như thế nào?
12. Bạn dùng các chuẩn mực nào để thử xem chẳng hay một bài giảng hay một sứ giả có phải từ Đức Thánh Linh đến hay không?
13. Phao-lô bộc lộ niềm tin quyết vào đức thành tín của Đức Chúa Trời như thế nào?
14. Sau khi đưa ra những lời phát biểu đầy uy quyền, Phao-lô yêu cầu người Tê-sa-lô-ni-ca cầu nguyện cho ông. Lời yêu cầu đó của Phao-lô nói gì với bạn về tinh thần của ông?
Tóm tắt: Ý chỉ của Đức Chúa Trời, như đã được biểu hiện và nhìn thấy nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, là hễ khi nào có nhiều người thuộc về Ngài nhóm nhau lại để thờ phượng, dù họ cảm nghĩ gì hay hoàn cảnh có như thế nào, thì họ đều phải có sự vui mừng trong Ngài, cầu nguyện với Ngài và dâng lên lời tạ ơn Ngài vì lòng nhân từ thương xót của Ngài. Khi có một bài giảng được cho là từ Đức Chúa Trời đến, chúng ta không nên chối bỏ hay tiếp nhận ngay, mà phải lắng nghe cân nhắc và sàng lọc thật kỹ xem nó dạy gì. trong tất cả mọi việc ấy, việc bộc lộ một đời sống đầy tình yêu thương như anh em chị em trong chi hội địa phương chỉ có thể có được nhờ công việc đầy ân điển của Đức Chúa Trời mà thôi.
Ứng dụng
Ai là người trong chi hội của bạn đang cần được bạn nâng đỡ, kiên nhẫn chịu đựng bằng sự thông công trong Chúa?
Dùng khúc Kinh điển này tạo cảm hứng, bạn có thể cầu nguyện cho ông mục sư của bạn và các cấp lãnh đạo khác của Hội thánh như thế nào?
Cầu nguyện
Cả tạ Đức Chúa Trời vì đức thành tín của Ngài đối với bạn. Tự mình dấn thân tin cậy Ngài sẽ giữ cho bạn an toàn và lành mạnh thuộc linh một lần nữa. Hãycầu nguyện cho ông mục sư của bạn.
ĐỨC TIN NĂNG ĐỘNG (IITe 1)
Chúng ta vốn có khuynh hướng chỉ nói về đức tin bằng những từ ngữ tĩnh tại (im lìm bất động) dường như một điều gì đó mà chúng ta có hoặc không có. Chúng ta nói chẳng hạn: “Tôi mong mình có đức tin” cũng giống như : “Ước chi tôi có nước da như bạn” dường như đó chỉ là một vật dụng, một tiện nghi mà thôi. Nhưng đức tin là một mối liên hệ vì lòng tin cậy Đức Chúa Trời, và cũng như mọi mối liên hệ khác, nó là một vật sống động, năng động, luôn luôn phát triển tăng trưởng. Nó cũng tương tự như tình yêu vậy. Chúng ta vẫn nói hầu như một cách tuyệt vọng rằng mình có yêu một người nào đó hay không, và rằng mình chẳng có thể làm gì được trong việc đó cả. Nhưng tình yêu, cũng giống như đức tin, vốn là một mối liên hệ sống động, mà chúng ta có thể có biện pháp nuôi dưỡng để nó lớn lên.
Trong IITê-sa-lô-ni-ca, chúng ta thấy lời cầu nguyện của Phao-lô trước đó, xin tình yêu thương của họ đối với nhau cùng đối với mọi người càng “đầy” thêm (ITe 3:12) và khải tượng của ông rằng họ sẽ càng yêu thương lẫn nhau cứ “thêm mãi” (ITe 4:10) đã ứng nghiệm. Đức tin của họ cũng đang tăng trưởng.
Mở đầu
Đâu là lúc bạn từng chiến đấu với cái cảm thưc rằng đức tin của bạn rất “thiếu sót”?
Nghiên cứu
1. Đọc IITe 1:1-4. Căn cứ vào mấy câu này bạn biết được gì về mối liên hệ giữa Phao-lô với người Tê-sa-lô-ni-ca?
2. Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời về việc người tê-sa-lô-ni-ca ngày càng có được nhiều đức tin và tình yêu hơn. Bạn đang tạ ơn Chúa vì cớ đức tin và tình yêu thương của những ai?
3. Điều gì ban cho Phao-lô cái quyền “khoe mình” về người tê-sa-lô-ni-ca?
4. Bắt bớ bách hại và thử thách nhiều khi làm tăng thêm sự kiên trì nhẫn nhục và đức tin, nhưng không phải luôn luôn là như thế. Điều gì tạo ra chỗ khác nhau đó?
Tóm tắt: Chúng ta phải có thái độ như thế nào đối với các Cơ-đốc nhân thực hiện tốt một vài phương diện của công tác làm mônđệ Chúa của họ? Có một phương pháp để khen ngỡi người ta mà khônglàm hư hỏng họ. Phao-lô không những chỉ tạ ơn Đức Chúa Trời vì cớ người Tê-sa-lô-ni-ca, mà ông còn bảo với họ rằng chính ông cũng đang làm như thế nữa. Phương pháp này khẳng định giá trị của các công việc họ làm mà không hề nịnh hót họ, nên khích lệ được họ mà không khiến họ lên mặt tự cao.
5. Đọc IITe 1:5-10 “Chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời” gồm có những gì?
Cần phải có khả năng biện biệt thuộc linh để nhìn thấy chứng cứ về sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời trong hoàn cảnh bất công. Thói quen của chúng ta là chỉ nhìn thấy lớp trên mặt của phần dáng vẻ hình thức bên ngoài, do đó đưa ra những lời bình luận nông cạn. Chúng ta thấy sự quỉ quyệt tàn bạo, thế lực và thói kiêu căng của những kẻ bắt bớ bách hại. Chúng ta thấy nỗi khổ của những người thuộc về Đưc Chúa Trời. Nói khác đi, điều chúng ta thấy là sự bất công – thấy kẻ ác thịnh vượng còn người lành lại chịu khổ. Chúng ta vẫn bất mãn than phiền: “Tại sao Đức Chúa Trời lại làm nư thế?
6. Chừng nào thì Đức Chúa Trời sẽ chứng minh đức công bằng của Ngài, và sẽ chứng minh nó như thế nào?
7. Hãy dùng ngũ quan của bạn mô tả cảnh tượng lúc Chúa Giê-xu từ trời hiện đến.
8. Cảnh tượng mà Phao-lô mô tả thật đầy phẫn nộ và khủng khiếp. Điều gì khiến nó thành ra một cảnh tượng đầy hi vọng cho các Cơ-đốc nhân?
Tóm tắt: Vì Đức Chúa Trời để cho người Tê-sa-lô-ni-ca gặp khổ nạn, họ có thể biết rằng Ngài đang chuẩn bị để họ sẽ được hiển vinh. Sự đau khổ của họ tự nó là chứng cứ của đức công bằng của Đức Chúa Trời, vì đó là vế thứ nhất của phương trình bảo đảm rằng phần thứ hai (sự vinh hiển) sẽ theo sau. Sự tái lâm của Chúa Cứu Thế sẽ không phải chỉ là một màn trình diễn sơ sài bên lề chỉ có tính cách địa phương; nó sẽ là một biến cố kinh thiên động địa.
9. Đọc IITe 2:11-12. Điều tâm trí Phao-lô đang suy nghĩ và giục giã (cảm thức) ông cầu nguyện là gì?
10. Chúng ta chẳng bao giờ xứng đáng với Chúa Cứu Thế Giê-xu cả. Bạn hoà giải như thế nào sự kiện Phao-lô cầu nguyện xin Đức Chúa Trời sẽ “khiến (kể) anh em xứng đáng” với sự gọi của Ngài?
11. Hãy suy xét những điều Phao-lô cầu xin cho người Tê-sa-lô-ni-ca. Mỗi điều như thế giúp họ chịu đựng bắt bớ bách hại và chờ đợi sự tái lâm của Chúa Cứu Thế như thế nào?
Lời cầu nguyện:
Nó tạo ra sự kiên trì chịu đựng như thế nào:
12. Chú ý chủ đích tối hậu mà Phao-lô nêu ra khiến ông cầu nguyện cho người Tê-sa-lô-ni-ca (c.12). Nó có nghĩa gì?
Nó giúp định nghĩa chủ đích của đời sống bạn như thế nào?
Tóm tắt: Khi nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, người thuộc về Ngài sống xứng đáng với sự kêu gọi của Ngài, và khi họ quyết định làm việc để tạo ra các kết quả là điều lành và đức tin, thì qua họ, Chúa Giê-xu sẽ được nhìn thấy và đề cao, và nhờ hợp nhất với Ngài mà mọi người nhìn thấy hình tượng của Đức Chúa Trời qua nhân tính của họ.
Ứng dụng
Bạn chịu ảnh hưởng như thế nào trước viễn ảnh Chúa Cứu Thế sẽ tái lâm để thực hiện việc phán xét?
Điều gì sẽ giúp được - hay không giúp được – cho bạn cảm thấy mình đang sẵn sàng?
Cầu nguyện
Tạ ơn Đức Chúa Trời vì đức tin và tình yêu của các tín hữu khác mà đời sống của họ đã ảnh hưởng đến bạn. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì bạn sẽ được giải cứu khi Chúa Cứu Thế đến để thực hiện việc phán xét. Nếu ý nghĩ về sự tái lâm của Ngài được bạn tán thành, hãy cầu xin Ngài trấn an bạn về sự cứu rỗi của bạn.
ĐỨNG VỮNG (IITe 2)
Cơ-đốc giáo bị tấn công về mặt trí thức cũng dữ dội như mặt thộc thể. Điều chắc chắn là cả hai loại thách thức đó đều có lợi, như việc tinh luyện các kim khí quý báu bằng lửa vậy. Nhưng cả hai cũng đều có thể gây đau đớn và trở ngại. Các giáo sư giả cũng như những kẻ bắt bớ bách hại đang quyấy rối cảnh an bình của Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, nên Phao-lô đề cập họ trong chương 2.
Mở đầu
1. Bạn đáp ứng thế nào khi thấy các Cơ-đốc nhân bị các tà giáo gây bối rối bất an?
2. Phao-lô phản bác tà giáo dạy rằng ngày của Chúa đã đến rồi như thế nào?
3. Việc gì phải xảy ra trước Ngày Chúa đến?
4. Tuy Phao-lô không gọi con người được nêu tên trong câu 3 là “antichrist” (kẻ địch lại Chúa Cứu Thế) nhưng rõ ràng đó chính là nó. Liên hệ đến lý lịch của “con người nghịch cùng luật pháp” ở đây, chúng ta phải cảm thấy xấu hổ. Sử ký Hội thánh chép đầy những nỗ lực tìm thấy trong vănbản này một lời đề cập một nhân vật hay biến cố đương đại nào đó. Căn cứ vào câu 3, chúng ta biết được gì về con người ấy?
Khi phản bác tà giáo dạy rằng Ngày của Chúa đã đến rồi, chủ điểm của Phao-lô là nhằm vào tình trạng phản loạn, bội nghịch đến trước ngày Chúa Cứu Thế tái lâm. Ông không phủ nhận rằng Ngày Chúa trở lại sẽ là thình lình và bất ngờ đối với những người không có chuẩn bị. Nhưng như đã lý luận trong bức thư thứ nhất, nó sẽ không là bất ngờ đối với các tín hữu.
Phao-lô đã bảo với người Tê-sa-lô-ni-ca tất cả mọi điều đó rồi và càng nhiều hơn nữa về con người nghịch cùng luật pháp. Để bảo đảm khỏi bị lừa gạt và phương thuốc chống lại tà giáo là phải bám chặt vào lời giáo huấn nguyên thuỷ của vị sứ đồ. Người Tê-sa-lô-ni-ca chẳng bao giờ nên tưởng tượng rằng Phao-lô đã đổi ý hay chấp nhận những ý kiến không phù hợp với những gì ông đã truyền dạy cho họ cả khi có người bảo rằng chính ông đã dạy như thế. Trung thành với lời truyền dạy của các sứ đồ nay đã vĩnh viện được đưa vào Tân ước kinh, bộ sách ấy vẫn là chuẩn mực để thử nghiệm cân lý và cái thuẫn để chống trả mọi sai lầm.
5.Đọc IITe 2:4-12. Điều gì là đặc biệt đáng ghê tởm liên quan đến cách ăn ở cư xử của con người nghịchc ùng luật pháp sắp đến?
6. Phao-lô không nêu rõ lý lịch của điều gì hay ai là người cầm giữ kẻ nghịch cùng luật pháp lại. Ta có thể nói chắc chắn điều gì liên quan đến cái thế lực không được nêu tên nhưng có khả năng cầm giữ kia (rằng đó là một áp lực hay một con người)?
7. Có gì xảy ra khi ảnh hưởng cầmgiữ lại đó bị cất đi?
8. Kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ dùng phương pháp gì để lừa dối thiên hạ?
9. Tại sao một số người vốn đã rất sẵn sàng (chín mười) để bị lừa dối (cc.9-12)
10. Chúa Giê-xu sẽ đối phó với kẻ nghịch cùng luật pháp như thế nào?
Tóm tắt: Theo Phao-lô, cuộc nổi loạn cuối cùng sẽ công khai xảy ra và được nhìn thấy bằng mắt thường vào giai đoạn ấy của lịch sử. Nó sẽ được nhìn thấy nơi sự sụp đổ của luật pháp nơi việc bất công lan tràn và chính đạo bị ngăn trở trên toàn thế giới. Antichrist đến sẽ là việc cố ý và bắt chước vụng về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế. Nhưng sau một giai đoạn ngắn ngủi còn được khoan dung, có cảnh hỗn loạn về chính trị, xã hội và luân lý đạo đức, Chúa Giê-xu sẽ đến để lật đổ Antichrist.
Trong đoạn tiếp theo đó, Phao-lô chuyển từ việc cảnh cáo về hoạt động của Sa-tan sang việc cảm tạ công việc của Đức Chúa Trời, từ lịch sử và tình trạng hỗn loạn của nó sang cõi đời đời và cảnh an bình. Đọc IITe 2:13-17.
11. Đọc IITe 2:13-17. Nguồn gốc của lòng biết ơn của Phao-lô đối với người Tê-sa-lô-ni-ca là gì?
12. Phao-lô tin quyết điều gì?
13. Điều gì sẽ đến ổn định cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca?
Tóm tắt: Mặc dù có hoạn nạn trong hiện tại và tương lai, Phao-lô không thấy sợ hãi và áp dụng và các biện pháp tỏ ra ông sợ hãi. Trái lại, ông bày tỏ lòng cảm tạ Đức Chúa Trời, tin chắc rằng, nhờ ý định vững chắc của tình yêu của Đức Chúa Trời đối với người Tê-sa-lô-ni-ca, họ sẽ được bình an, ổn định; chỉ nhờ sự vững vàng của Đức Chúa Trời mà cả họ – lẫn chúng ta nữa – đều sẽ vững vàng.
Ứng dụng
Về những phương diện nào, bạn đã thấy có hỗn loạn chính trị, xã hội và luân lý đạo đức chung quanh mình?
Trong những lãnh vực nào, bạn cần đứng vững giữa cơn hỗn loạn ấy?
Cầu nguyện
Ca tụng Chúa Giê-xu vì cuối cùng, Ngài sẽ chiến thắng cuộc nổi loạn đầy tội lỗi.
LỜI BÌNH AN (IITe 3)
Trong giai đoạn giao thời giữa hai lần đến (giáng lâm và tái lâm) của Chúa Cứu Thế, lúc Ngài vắng bóng trên thế gian này, Đức Chúa Trời đã không bỏ mặc người thuộc về Ngài mà chẳng có ánh sáng hay la bàn nào hướng dẫn họ cả. Trái lại, Ngài đã ban cả hai điều đó cho chúng ta trong Kinh điển. Như Phao-lô kết luận thư tín thứ hai cho người Tê-sa-lô-ni-ca của ông, ông nhìn thấy giai đoạn hiện tại trước ngày Chúa Cứu Thế tái lâm này như kỷ nguyên của Lời Ngài. Thứ nhất, Hội thánh phải truyền bá Lời Chúa cho cả thế gian. Thứ hai, chính Hội thánh phải vâng theo Lời Đức Chúa Trời, sống đúng theo lời truyền dạy của các sứ đồ.
Mở đầu
Đâu là một vài dấu hiệu cho thấy thế gian đang cần đến Chúa Cứu Thế?
Nghiên cứu
Đọc IITe 3:1-5 Mấy chữ “Vả lại, hỡi anh em (sau hết – theo bản Anh văn)“ cho thấy Phao-lô sắp bàn đến đề mục cuối cùng của ông, nhưng trước khi làm việc ấy, ông bắt đầu kêu gọi các độc giả cứ cầu nguyện luôn cho ông và đoàn truyền giáo của ông. Đây là dấu hiệu về lòng khiêm hạ của Phao-lô, vì ở phần cuối bức thư thứ nhất ông đã yêu cầu họ cầu nguyện cho ông, và giờ đây, ông lại nhắc lại việc ấy.
1. Đâu là các ối bận tâm của Phao-lô, khiến ông yêu cầu người Tê-sa-lô-ni-ca cầu nguyện cho ông (cc.1-2)?
2. Hội thánh hiện nay cũng cần làm những điều y như Phao-lô đã yêu cầu người Tê-sa-lô-ni-ca cầu nguyện cho đó như thế nào?
3. Giữa các nhu cầu cấp bách, Phao-lô tin quyết điều gì (cc.3-5)?
4. Tại sao muốn tiếp tục tin quyết vào Phúc âm đòi hỏi người ta phải có cả tình yêu của Đức Chúa Trời lẫn đức kiên trì nhẫn nhục của Chúa Cứu Thế?
Tóm tắt: Phao-lô giục lòng các độc giả của ông hãy cầu nguyện để Phúc âm được truyền bá đi khắp nơi và được tiếp đến. Nhưng Phúc âm có được nhiều bạn thân đón nhận là một việc, còn các nhà truyền giáo được cứu khỏi các kẻ thù chống đối nó lại là một việc khác, cho nên Phao-lô cũng xin mọi người hãy cầu nguyện để ông được giải thoát. Trong khi chờ đợi, đằng sau việc Phao-lô truyền giảng và người Tê-sa-lô-ni-ca cầu nguyện, còn có chính Chúa Giê-xu nữa. Đức Chúa Trời sẽ chẳng để cho cả Lời Ngài lẫn Hội thánh Ngài bị thất bại đâu.
Một số đông các nhà giải kinh nhận xét rằng lý do khiến một số người trong Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca ở dưng là niềm tin của họ vào sự tái al6m gần kề của Chúa Cứu Thế. Trong bức thư thứ nhất của ông, Phao-lô đã bảo họ nên trở về với công việc, nhưng rõ ràng là những lời chỉ dạy của ông đã không được lưu ý.
5. Đọc IITe 3:6-15. Bạn mô tả giọng điệu của mấy câu này như thế nào?
6. Phao-lô đã không trực tiếp ngỏ lời với những kẻ ở dưng, có lẽ ngoại trừ trong câu 12. Thay vào đó, ôngđã tiếp cận vấn đề ăn không ngồi rồi của họ như thế nào?
7. Các mệnh lệnh rõ ràng là cứng rắn của Phao-lô có thể được biện minh như thế nào?
9. Tương phản với đám người ở dưng tại Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô và các bạn đồng hành của ông đã nêu gương gì khi họ còn ở tại đó?
Phao-lô đưa ra năm chỉ dẫn thực tiễn về khi nào, tại sao, và phải thực thi sự sửa trị trong Hội thánh như thế nào. 1. Sự cần thiết phải sửa trị không dành cho trường hợp xúc phạm nhỏ nhặt, mà dành cho kẻ công khai, cố ý và không vâng lời nhiều lần. 2. Bản tính của sự sửa phạt là ngưng giao tiếp thân mật, tuy kẻ vi phạm vẫn còn được xem như một anh chị em Cơ-đốc nhân. 3. Cả Hội thánh phải có trách nhiệm thi hành sự sửa phạt. 4. Tinh thần thực thi sự sửa phạt phải là tình bạn, chứ không phải là đố kỵ, thù địch. 5. Mục đích của sự sửa phạt không phải là làm nhục, nhưng nhằm đưa kẻ vi phạm đến chỗ ăn năn để được nhận trở lại.
10. Bạn nghĩ thế nào đối với ý kiến về sửa phạt như đã được định nghĩa trên đây?
Đọc IITe 3:16-18. Sự chia rẽ nghiêm trọng giữa những người chịu khó lao động và những kẻ ăn không ngồi rồi đang đe doạ gây tan rã cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca. Quả thật rằng biện pháp sửa trị đã có thể phải áp dụng. Nhưng Phao-lô tha thiết mong rằng các thành viên xúc phạm Hội thánh sẽ ăn năn mà chẳng cần đến việc xửa phạt. Cho nên ông công bố một lời chúc phước gồm ba phương diện của Chúa Cứu Thế đối với Hội thánh dưới hình thức nửa là một lời cầu nguyện, nửa là một mong ước.
11. Chúa Giê-xu là “Chúa bình an” theo ý nghĩa nào?
12. Có gì đặc biệt đầy nhân hậu trong sự mong ước của Phao-lô rằng Chúa sẽ ở cùng “anh em hết thảy”?
13. Rút tỉa từ tất cả những gì bạn đã học hỏi được, Hội thánh tại tê-sa-lô-ni-ca đang đặc biệt cần đến ân tứ gì nhất?
Tóm tắt: Ta chẳng cần chi phải đọc ba câu cuối cùng của bức thư này rồi mới thiết tha mong ước cho Hội thánh đương đại điều mà Phao-lô đã mong ước co Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, tức là sự bình an, sự hiện diện và ân điển của Chúa. Điều đó có thể có được hay không? Vâng, nó chỉ có thể có nếu chúng ta cùng chia sẻ với viễn cảnh của Phao-lô về vai trò hàng đầu của Lời Đức Chúa Trời trong sinh hoạt của Hội thánh. Nếu chúng ta tận hiến cho Chúa và Lời Ngài, thì có thể khiêm hạ trông mong được hưởng sự bình an, sự hiện diện và thời đại của chúng ta.
Ứng dụng
Hãy suy nghĩ về một người nào đó mà bạn biết đang có xu hướng muốn ăn không ngồi rồi, dù là vì Chúa có thể tái lâm rất sớm hay vì một lý do nào khác. Bạn có thể giúp người ấy có thêm ý chí muốn bắt tay làm việc như thế nào?
Bạn có xu hướng muốn ăn không ngồi rồi về phương diện nào không? Lời lẽ của Phao-lô cảm thúc bạn để muốn thay đổi như thế nào?
Cầu nguyện
Cầu xin sự bình an, sự hiện diện và ân điển của Chúa cho Hội thánh hoặc nhóm người đang thông công trong Hội thánh của bạn.
Hướng dẫn cho các hướng dẫn viên

--Hết--







Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »