Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.
Hội Thánh Kiền Bái » , , » Bài Viết Bản Dịch Kinh Thánh Tiếng Việt 1926

Bài Viết Bản Dịch Kinh Thánh Tiếng Việt 1926

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A






BÀI VIẾT BẢN DỊCH KINH THÁNH TIẾNG VIỆT 1926

Hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều bản dịch KT rất tốt gần gũi với người đọc về văn phong, ngữ nghĩa. Tuy nhiên chưa có một bản dịch việt ngữ nào có thể thay thế được bản dịch 1926 trong lòng các tín hữu Việt Nam trong 100 năm qua. Vì vậy tôi chọn bản dịch 1926 để thảo luận cùng lớp.


Đôi nét về dịch giả Phan Khôi[1]:



Phan Khôi, hiệu Chương Dân, Tú Sơn (Tout Seul), bút danh Thông Reo, Tân Việt, Khải Minh Tử, sinh ngày 06 –10 -1887(nhằm ngày 20. 8. năm Đinh Hợi) tại làng Bảo An, Huyện Diên Phước, Tỉnh Quảng Nam (nay là làng Bảo An, Xã Điện Quang, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam.) Cha là Phó bảng Phan Trân, từng là Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hoà), mẹ là bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hoàng Diệu. Cụ Phan Trân có hai người con, một trai là Phan Khôi và một gái là Phan Thị Diệm, sinh năm 1890. 

Phan Khôi là học trò của chí sĩ Trần Quý Cáp, của thầy Phan Thành Tài, thầy Lê Hiên. Ngay từ nhỏ, Phan Khôi đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi và hay … lý sự.
Năm 1906, lúc vừa 19 tuổi, thi Hương tại Huế và đậu Tú tài Hán học, nên thường được gọi là Tú Khôi.

Phan Khôi là một người xuất sắc về nhiều lĩnh vực của học thuật. “Từ một nhà hoạt động duy tân, nhà báo, nhà thơ, nhà lý luận… Ở bộ môn nào ông cũng tỏ ra rất sắc sảo độc đáo mà có lẽ một vị Tiến sĩ cũng khó bắt kịp tài năng, bút pháp và lý luận của ông.”[2]. 

Giáo sư Thanh Lãng có một nhận định về tài lý luận trong cách viết báo của PK khá xác đáng như sau: “Lý luận rất rắn mà không đài các, đả kích đến nơi mà không kiêu căng, cho nên thường người bị đả kích không thể giận ông. Mà ông cũng chẳng để cho họ có thì giờ  mà giận. Cái hồn nhiên của ông làm cho cả thù địch của ông nếu không ghét ông thì cũng nể ông.” [3]

Nhận xét về văn nghiệp của PK, nhà thơ Lưu Trọng Lư nói rằng PK “quả là người viết quốc ngữ đúng đắn hơn hết, yêu chữ quốc ngữ với tất cả sự từng trải của một người đã sống khắp ba kỳ, quen thuộc với những lối phát âm, với những thổ ngữ …” [4]

Còn giáo sư Hoàng Tuệ thì viết rằng: “Phan Khôi là nhà văn hoá rất quý trọng tiếng Việt, quyết tâm bảo vệ ngôn ngữ dân tộc.” [5]. Nhà thơ Nguyễn Vỹ thì nhận xét về PK là “một trong các nhân vật nổi tiếng nhất trên văn đàn Việt Nam với ngọn bút sắc sảo có một không hai… Chính ông là người đã mở ra một chân trời mới cho văn chương Việt Nam nói chung và Thơ mới nói riêng.”[6]


Giáo hội Tin Lành đầu tiên:

     

Theo sử liệu thì vào năm 1533, có một người Tây phương được phép rao giảng đạo Thiên Chúa ở tỉnh Nam Sơn (Nam Ðịnh). Sau đó nhiều Giáo sĩ Công Giáo Âu châu đã đến Việt Nam để truyền giáo. Mãi cho đến năm 1624, có một giáo sĩ người Pháp, một học giả tài ba lỗi lạc, là Cha Ðắc Lộ hay Alexandre de Rhodes đến Việt Nam. Ông hoạt động cả miền bắc lẫn miền nam trong 22 năm. Ông thành thạo ngôn ngữ, lịch sử, địa lý Việt Nam, và đã hoàn tất việc chuyển đổi chữ nôm ra tiếng Việt dùng mẫu tự La-tinh. Với vài thay đổi và tu chỉnh sau này, ngôn ngữ do ông soạn thảo đã trở thành quốc ngữ vào cuối thập niên 1910. Trong giai đoạn phôi thai của loại chữ viết mới, các Linh Mục đã bắt đầu viết các sách từ vựng Việt Nam La-tinh... Vào năm 1872, Giáo Hội Công Giáo phát hành những phần Kinh Thánh rời rạc đầu tiên bằng Việt Ngữ. Các bản nầy được dành riêng cho hàng giáo phẩm sử dụng mà thôi.

Khi đạo Tin Lành đến Việt Nam vào năm 1911, một số sách Phúc Âm đã được dịch ra tiếng Việt với mục đích chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Vào năm 1916, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (C&MA) bắt đầu cho phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh  sang tiếng Việt. Công trình này kéo dài gần 10 năm và đến năm 1926, các tín hữu Tin Lành Việt Nam đã có bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng ngôn ngữ của mình do Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (United Bible Societies) xuất bản. Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có nhà văn Phan Khôi, ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman, Giáo Sĩ John D. Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một số thành viên khác trong đó có: cụ Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao Đẳng Đông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính là cụ Phan Khôi.


Một số nguyên tắc dịch của Phan Khôi:



Trong việc dịch, Phan Khôi kiên trì một nguyên tắc: "Bất kỳ dịch sách gì, tôi đều muốn dịch cho đúng nguyên văn nguyên ý. Hễ sai với nguyên văn nguyên ý là tôi sẽ đứng một bên nhắc chừng cho".[7]

Theo chính lời Phan Khôi mà Lại Nguyên Ân sưu tập được thì ông dịch trọn bộ Tân ước và một phần ba Cựu ước: “Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền hai ông bà mục sư W.Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, – vì bà biết đến 13 thứ tiếng – để chọn lấy nghĩa nào đúng nhất. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộTân ước và một phần ba Cựu ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành.”[8]

Thêm vào đó, Mục sư Đặng Ngọc Báu, sau khi công nhận Phan Khôi là  dịch giả&hiệu đính chính, đã cho người viết thêm chi tiết về bà Grace Cadman, vợ Mục sư Cadman, người đã đảm trách phần hoàn thành việc phiên dịch Kinh Thánh (đúng như Phan Khôi có lần thuật lại): “[B]ản dịch của Ông Bà Mục sư William Cadman (mà tôi tin là hầu hết do Nhà Văn Phan Khôi dịch và hiệu đính khi xưa).  Tôi được biết Bà Cadman giỏi tiếng Greek hơn mọi người trong Ban Phiên Dịch lúc bấy giờ.”[9]


Một số lời nhận định về bản dịch Kinh Thánh của Phan Khôi năm 1926:


Thời Gian Dịch Kinh Thánh

Phan Khôi đã dịch phần lớn Kinh Thánh trong 5 năm: “Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịchKinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy làm ngại chút nào. Trong bài nầy, nếu có chỗ nào bổ ích cho việc biên tập của ông thì có lẽ là một đoạn cuối cùng đó.”[10]

Tiến sĩ  Nguyễn Thanh Xuân viết: “Từ năm 1919, sau khi dịch bảy sách trong Tân ước, vợ chồng W. C. Cadman được sự giúp đỡ của văn sĩ Phan Khôi (1887 – 1960) dịch Cựu ước ra quốc ngữ và đến năm 1925 thì họ hoàn tất.” [11]Như vậy, để có được bản Kinh Thánh tiếng Việt toàn bộ cả Cựu Ước và Tân Ước cho những tín hữu Tin Lành đọc như ngày hôm nay, dịch giả Phan Khôi đã mất 5 năm dài có hơn. Thật là cả một công trình đáng trân trọng lắm vậy.

Mục Sư Lê Hoàng Phu cho biết: “Gia đình Cadman tiếp tục công tác dịch Kinh Thánh năm 1919, lần nầy với sự cộng tác của ông Phan Khôi, một học giả và văn sĩ lỗi lạc, đã ở với họ trong 10 năm. Họ hoàn tất Cựu Ước năm 1925, sau khi đã duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả Olsen, toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Hà Nội năm 1926.” 

          Một Số Lời Nhận Xét Về Bản Dich Kinh Thánh Của Phan Khôi Năm 1926
                        Người “Ngoại Đạo” nhận xét:

Về giá trị của bản dịch Kinh Thánh năm 1926, có một số người nhận xét rằng: Nhà báo Vu Gia viết: “Nhìn chung, đây là bản dịch tốt. Nhưng nói như vậy, chẳng khác nào khen phò mã tốt áo, bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi.” [12].

Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Kinh thánh cả Tân ước, Cựu ước của hội đạo Tin Lành , người ta bảo ông(PK-NV) dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã ca lời rất thơ” [13].

Trong tác phẩm Người Quảng Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc viết về việc Phan Khôi  dịch Kinh Thánh như sau: “Giai đoạn này, ông đã làm một việc khó ai ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh thánh cho hội Tin Lành. Bản dịch của ông câu cú gẫy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm.” [14]

Đó là nhận xét của một số  người “ngoại đạo” đã khẳng định sự uy tín về bản Kinh Thánh xuất bản năm 1926 của người Tin Lành. 

                   Người Tin Lành nhận xét:

Tôi tin chắc rằng bản Kinh Thánh Việt ngữ xuất bản năm 1926 đã ăn sâu vào trong tâm khảm của những tín hữu Tin Lành tại Việt Nam, tôi được biết có nhiều tín hữu Tin Lành đã thuộc nằm lòng khá nhiều câu Kinh  theo bản dịch ấy đến nỗi khó có thể thay đổi đi được trong tâm họ. Thậm chí có không ít những Mục Sư, tín hữu Tin Lành quả quyết rằng chỉ có bản dịch Kinh Thánh năm 1926 của nhà văn Phan Khôi là số một mà thôi, không bản dịch nào hơn cả và rồi họ chỉ dùng độc có bản dịch đó để đọc, để học, để chia sẻ, để giảng dạy. Nói như vậy để cho thấy rằng bản dịch Kinh Thánh năm 1926 đã có một chỗ đứng rất vững vàng trong lòng rất nhiều những người theo đạo Tin Lành tại Việt Nam trong một thế kỷ trôi qua.  Ngoài nhà văn, dịch giả Phan Khôi ra, được biết còn có nhà văn, dịch giả Trần Văn Dõng, cũng có góp phần trong việc dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ nữa.

                        Cá nhân:

Bản thân tôi, nói thật lòng, cũng rất thích bản dịch năm 1926 (mặc dù có chứa nhiều chất giọng Quảng Nam), nhưng tôi vẫn sưu tầm, tham khảo, tra cứu nhiều bản dịch Kinh Thánh khác (bản Bản Dịch Mới, Bản Hiệu Đính, Bản Phổ Thông, Bản dịch Công Giáo…) để xem và để sử dụng khi có cần cho công việc viết lách, khảo cứu, chức vụ giảng dạy của mình. Nhưng dầu sao, chúng ta cũng phải công nhận điều nầy, bản dịch năm 1926, cho đến nay, nhất là với  thế hệ lớn lên trong thời đại toàn cầu hoá nầy, đã có nhiều chữ khó hiểu với họ, hơn là những bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ hiện đại của người Tin Lành mới được xuất bản trong vòng gần hai thập niên trở lại đây (gồm có các bản Bản Dịch Mới, Bản Hiệu Đính, Bản Phổ Thông…).

Nói tóm lại, mặc dù bản dịch năm 1926, cho đến nay, có những chỗ chưa sát với nguyên bản, hay có những chữ khó hiểu cho thời đại ngày nay (như đã nói ở trên ), thì nó vẫn là bản dịch rất đáng trân trọng cho chúng ta. Tôi tin chắc rằng những tín hữu Tin Lành sẽ không thể nào không biết ơn các bậc tiền bối đã có nhiều công khó để cống hiến cho họ một bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ như đã có ngày nay, trong đó không thể không nhắc đến tên tuổi của nhà văn, dịch giả Phan Khôi.

Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã sử dụng trong vòng mấy chục năm qua, kể từ năm 1926 là lần xuất bản đầu tiên cho đến nay và tôi cũng tin chắc rằng nó sẽ còn dùng cho đến lâu dài về sau này nữa.[15]




[1] Phần lớn KT được Phan Khôi dịch. Theo chính lời Phan Khôi mà Lại Nguyên Ân sưu tập được thì ông dịch trọn bộ Tân ước và một phần ba cựu ước.
[2] Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, NXB. Văn Học, p. 366.
[3] Vu Gia, Phan Khôi – Tiếng Việt, Báo Chí và Thơ Mới, NXB. Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, 2003, p. 564.
[4] Vu Gia, sđd, p. 530.
[5] Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ Cha Tôi – Phan Khôi, NXB. Đà Nẵng, 2001,133.
[6] Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, NXB. Văn Học, p. 367.
[7] Tư liệu văn hóa, Báo Công An Nhân dân, http://vnca.cand.com.vn/vivn/tulieuvanhoa/2012/4/56960.cand , Truy cập 8:00 AM, 10/04/2012
[8]Phan Khôi, "Bàn về việc dịch Kinh Phật", PK-LNA, 
[9] Đặng Ngọc Báu, Thư email,  phúc đáp Nguyễn Tà Cúc, ngày 14.8.2012
[10] Phan Khôi, giới thiệu và phê bình thánh kinh báo - Cơ quan của hội Tin Lành xuất bản tại Hà Nội
[11]  Nguyễn Thanh Xuân, Bước đầu Tìm Hiểu Đạo Tin Lành Trên Thế Giới Và Ở Việt Nam (lưu hành nội bộ), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, p. 373.
[12]  Vu Gia, sđd, p. 390.
[13]  Vu Gia, sđd, p. 384.
[14] Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, NXB. Đà Nẵng, 2007, p. 273.
[15] Bùi Qúy Đôn Tổng hợp từ các nguồn thông tin………




Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :

Đăng nhận xét



NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »