CHỮ CÁI HI BA LAI
L ờ i N ó i Ð ầ u
Nếu có dịp nghiên cứu về cổ ngữ Hy-bá-lai, quí vị sẽ thấy vô cùng thích thú. Khi nhìn thấy văn thể mà chính Ðức Chúa Trời dùng để truyền đạt mạng lịnh, bày tỏ ý chỉ và công việc Ngài cho nhân loại, lòng chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu cao cả và quyền năng diệu kỳ của Ngài. Hầu hết con cái Chúa đều biết rõ là nguyên văn bản Kinh Thánh Cựu Ước được chép bằng chữ Hy-bá-lai. Bản văn nầy được Ðức Chúa Trời hà hơi cho các trước giả nên tự bản văn ấy có giá trị tuyệt đối!
Khi đọc đến những từ trong nguyên bản Hy-bá-lai thì tiếng phán của Ðức Chúa Trời như vang dội trong tâm linh ta, và dường như trực tiếp phán với chính lòng mình. Cũng như Kinh Thánh Tân Ước được chép bằng tiếng Hi-lạp, khi đọc đến nguyên văn Hi-lạp của Tân Ước, chúng ta có thể hình dung được lời phán từ miệng Chúa Giê-xu khi Ngài tại thế.
Hy-bá-lai văn là một cổ ngữ từ ngàn xưa, bắt nguồn nơi thổ ngữ Tây bắc Semitic. Dòng dõi Áp-ra-ham được mệnh danh là dân"Hê-bơ-rơ" (Hebrew). Trải qua hàng ngàn năm ngôn ngữ Hy-bá-lai vẫn giữ được tính chất thuần túy của nó. Cho đến khi người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày qua A-si-ri, Ba-by-lôn và bị các đế quốc đô hộ thì ngôn ngữ nầy bị pha trộn nhiều với tiếng Aramaic. Hy-bá-lai văn có 22 chữ cái với 27 hình thức khác nhau, phát ra độ 30 âm. Cổ ngữ nầy vốn không có nguyên âm, toàn là phụ âm. Mãi đến cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII S. C. mới có một nhóm học giả Do-thái điểm thêm nguyên âm, tức là những dấu chấm, dấu gạch hay dấu phết cặp theo các phụ âm. Tuy nhiên không có một nguyên âm nào tách rời. Nhờ điểm thêm nguyên âm nên chữ Hy-bá-lai dễ đọc và dễ hiểu hơn. Một đặc điểm nữa là không có một vần nào bắt đầu bằng một nguyên âm cả chỉ trừ ra liên tự "và" trong trường hợp bị biến thể khi đứng trước một vài tiền trí từ hay phụ âm nào đó thì cách viết và phát âm giống như một nguyên âm. Hiện nay tại Do-thái người ta không dùng nguyên âm mà chỉ dùng toàn phụ âm thôi, vì thế rất khó đọc và khó hiểu. Thỉnh thoảng mới tìm thấy một ít sách có cả nguyên âm và phụ âm. Lối đọc và viết đều từ phải sang trái (chiều ngang).
Loạt bài nầy không phải là học về Hy-bá-lai văn, nhưng chỉ nghiên cứu ý nghĩa thuộc linh của mẫu tự Hy-bá-lai. Nên tôi xin phép giới thiệu vài nét đại cương của một cổ ngữ có liên quan đến Cơ-đốc-giáo hầu cho con cái Chúa được rõ. Nguyện Ðức Chúa Trời ban phước cho quý vị khi đọc loạt bài nầy, nếu có chỗ nào sơ sót kính xin quý vị lượng thứ cho. Xin đa tạ.
Soạn giả cẩn tự.
Cảm Tạ
Cảm tạ ơn Ðức Chúa Trời là Cha yêu thương, thành tín, vì Ngài đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tập tài liệu Ý Nghĩa Thuộc Linh Trong Tự Mẫu Hy-bá-lai nầy.
Tôi xin dâng quyển sách nhỏ nầy cho Ðức Chúa Trời để Ngài dùng trong việc dạy dỗ, an ủi, khuyến khích con cái Ngài ở khắp nơi hết lòng noi theo đường lối Chúa, giống Chúa Giê-xu trong những ý nghĩa thuộc linh nầy hầu chúng ta không thất vọng ngã lòng, cứ mạnh mẽ đồng hành với Chúa cho đến khi gặp Ngài.
Tôi xin chân thành cám ơn Ông Mục sư Giáo sư Lê Hoàng Phu, Mục sư Ðoàn Trung Chánh (Sydney, Úc Châu), Bà Mục sư Nguyễn Anh Tài đã góp công sưu tầm, góp nhặt, photocopy tài liệu từ các số báo Thánh Kinh Nguyệt San phát hành tại Việt Nam hơn 20 năm trước. Cám ơn Ông Thoại, chủ nhà in V. A. đã giúp cho 100 tờ bìa đặc biệt để tặng các tôi tớ Chúa. Cám ơn Mục sư Nguyễn Xuân Sơn đã giảm giá trong việc đóng sách hầu kinh phí ấn loát nhẹ hơn. Cầu xin Chúa ban phước dồi dào trên mỗi quý vị. Xin quý vị nhận nơi đây lòng thành thật tri ân của tôi.
Soạn giả: Bà Phạm Văn Năm
California, ngày 9 tháng 3 năm 1994.
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..