Chữ Thứ Mười Sáu
AYIN (Con mắt)
Số tiêu biểu: 70
|
Chữ thứ mười sáu là AYIN (đây là một chữ câm, như chữ ALEPH, phiên âm như một dấu phẩy ngược, phát âm bằng những nguyên âm theo nó). Chữ nầy có nghĩa là con mắt (đơn). Cả Kinh Thánh Tân và Cựu Ước nói đến chữ nầy 578 lần.
Con mắt được nói đến lần đầu tiên do ma quỷ: "Ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác" (Sáng thế ký 3:5). Lần cuối cùng trong Khải thị 21:4 "Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng". Lời phán sau nầy bởi Ðấng ngự trên ngôi cao sang là Vua trên muôn Vua, Chúa trên muôn Chúa truyền ra. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, con mắt xác thịt mở ra thì con mắt tâm linh bị mù tối. Dòng giống A-đam ở trong sự tối tăm, không biết Ðức Chúa Trời là ai, không thấy sự chói lói của Tin lành vinh hiển. Con cái Chúa là người đã tin nhận Ngài, được Ngài mở mắt lòng, nhìn xem sự vinh hiển của Chúa Giê-xu, lòng được thỏa mãn, khoan khoái vì Ngài đặt những khải tượng thuộc linh trong lòng tín đồ, khiến họ có đức tin vững chắc. Họ thấy những điều mà người ngoại không thấy, tức là họ cứ nhìn xem Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin và cứ bước đi trong đức tin.
Khi xưa các vị tiên tri được người ta mệnh danh là người có khải tượng, là kẻ tiên kiến. Họ được mệnh danh như thế vì họ thấy xa hơn người khác. Các thi nhân có cặp mắt khác hơn người thường, họ có thể thấy những điều mầu nhiệm trong những đóa hoa, trong non cao, hố thẳm, biển cả, rừng xanh; họ thấy những điều mà người khác không thấy. Các khoa học gia là những người có mắt quan sát các sự vật quanh mình, từ đó khám phá ra những định luật thiên nhiên. Khi ông Newton nhìn thấy một quả táo rơi xuống đất, ông suy luận có một luật hút từ trái đất. Hàng triệu người cũng từng thấy quả táo rơi xuống đất, nhưng họ không thấy gì nữa ngoài quả táo rơi xuống đất! Với Newton thì ông biết có một luật gọi là hấp lực hay trọng lực trong cõi thiên nhiên. Và nhiều nhà phát minh khác cũng do quan sát sự vật trong cõi thiên nhiên mà sáng chế ra những máy móc thuận lợi cho đời sống con người.
Trong lãnh vực thuộc linh cũng thế, nhiều người tín đồ tin Chúa lâu năm (chỉ có trong danh sách mà thôi) nhưng không có một khải tượng thuộc linh nào. Như Sau-lơ (sau là sứ đồ Phao-lô) trước khi tin nhận Chúa ông không thấy gì khác trong Chúa Giê-xu, ông xem Ngài như một người bịp bợm, mị dân, tà giáo, nên ông tìm mọi cách để đàn áp những kẻ tin theo Ngài. Ông thấy trong tín đồ Ðấng Christ có những điều mà ông cho là kỳ quặc, phản lại Do-thái giáo, thù nghịch cùng Ðức Chúa Trời, nên ông bắt bớ, tàn sát họ như mãnh hổ vồ nuốt con mồi. Nhưng trên đường Ða mách ông đã gặp Chúa, mắt xác thịt bị mù song mắt lòng được mở ra, ông thấy rõ Chúa Giê-xu không phải là kẻ bịp bợm, lường gạt như ông tưởng, song Ngài thật là Ðức Chúa Trời thành nhục thể, một Ðấng Mê-si đã đến thế gian làm Cứu Chúa của mọi người. Ông nhận thức giá trị thật của sự trung tín nơi các môn đồ Ngài. Con mắt Chúa soi thấu lòng ông, bấy giờ cả hai mắt thuộc linh và thuộc thể ông được sáng sủa. Ông có một khải tượng mới, một ý chí vững chắc để đầu phục Ngài.
Con mắt Chúa Giê-xu đã từng khóc về tội lỗi của thành Giê ru sa lem. Ngài khóc về thành Giê ru sa lem vì thành nầy đáng lý ra phải là nguồn phước cho cả thế gian. Ngài yêu thành thánh nầy vì sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời ở trên thành ấy. Nhưng Ngài chỉ thấy sự bội nghịch, thành sẽ bị hủy diệt vì từ chối Ðấng Mê-si là chính mình Ngài. Ngài thấy, Ngài cảm xúc và Ngài khóc!
Ngài khóc khi La-xa-rơ chết, Ngài thấy vô số người đã chết, đang chết và sẽ chết trong tội lỗi. Họ bị trầm luân đời đời nơi địa ngục. Ngài thấy, Ngài cảm xúc và Ngài khóc!
Khi tiên tri Giê-rê-mi thấy tội lỗi của dân Giu-đa quá lớn, ông đã khóc dầm dề, Chúa bảo ông rằng một mình ông khóc cũng chưa đủ, phải mướn người ta khóc, phải dạy người ta khóc vì sự bội nghịch của dân sự và sự hình phạt của Ðức Chúa Trời sắp đổ xuống trên dân Y-sơ-ra-ên (Giê-rê-mi chương 9).
Khi Ê-xơ-ra và một số người Y-sơ-ra-ên được phép trở về xứ Giu-đa, xây sửa lại thành Giê ru sa lem và đền thờ, lúc họ khởi sự xây lại đền thờ thì những người trước kia đã từng thấy đền thờ cũ, cùng sự vinh quang rạng rỡ của nó thì liền khóc la lớn tiếng trong khi người ta bắt đầu xây nền (Ê-xơ-ra 3:12,13).Ê-xơ-ra đã cầu nguyện, khóc lóc cho dân Y-sơ-ra-ên vì họ lấy vợ ngoại bang. Dân sự khóc lóc nức nở vì con mắt xác thịt của họ bị cám dỗ mà lấy vợ ngoại bang, họ khóc lóc ăn năn tội. Khi mắt lòng họ mở ra họ nhất định lập ước với Ðức Chúa Trời, họ đuổi những người vợ ngoại bang ra khỏi nhà cùng với con cái họ (Ê-xơ-ra chương 10). Họ ăn năn khóc lóc là một việc, nhưng nếu chỉ khóc mà thôi cũng chưa đủ, họ phải lập ước với Ðức Chúa Trời, phải từ bỏ mọi sự sai lầm thật lòng trở lại cùng Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm xúc, khóc rồi trở lại làm theo ý chỉ của Chúa thì mới được phước. Khi con mắt lòng được mở ra, bấy giờ chúng ta mới thấy, mới cảm xúc và mới khóc lóc cách đắng cay.
Con mắt của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thấy bạc thì ham thích, bằng lòng đổi mạng thầy mình với ba mươi miếng bạc. Nhưng khi thấy Chúa bị án thì hối hận, nhưng không khóc, không ăn năn nên bị loại bỏ. Con mắt Phi-e-rơ thấy những người trong sân thầy cả thượng phẩm thì sợ nên chối Chúa; sau đó thấy ánh mắt Chúa nhìn đến ông, ông ăn năn thực sự đã "khóc lóc cách đắng cay". Chúa tha thứ và dùng ông cách lạ lùng.
Nếu chúng ta yêu thương linh hồn tội nhân như chính Ðấng Christ, nếu chúng ta nhìn họ qua cặp mắt Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ thấy, sẽ cảm xúc và sẽ khóc. Chẳng những chúng ta khóc mà thôi, nhưng tình yêu thương của Ðấng Christ cảm động khiến chúng ta vừa muốn vừa làm theo ý chỉ của Ngài là vâng mạng Ngài đi ra làm chứng về Chúa, dắt họ về với Chúa hầu Chúa cứu linh hồn họ, đó là làm theo ý tốt của Ngài vậy.
Cũng có những con mắt không khóc được, con mắt vẫn mở rộng ra, vẫn thấy rõ và chỉ thấy những cái may mắn, phước hạnh, khả năng, ân tứ của người khác để mà tức bực, khó chịu v. v... Ðó là con mắt ganh đố. Con mắt của vua Sau-lơ thời Cựu Ứơc đối với Ða-vít là con mắt ganh tị, ghen ghét như trên. Có một loại mắt khác nữa: con mắt kiêu ngạo, tự mãn, tự thị. Ðức Chúa Trời đã từng lên án dân Y-sơ-ra-ên là kẻ có con mắt nầy rằng: "Khốn thay cho kẻ chính mắt mình coi mình là khôn ngoan, tự mình xét đoán mình là thông sáng" (Ê-sai 5:21). Nếu ai có con mắt ấy, hãy xin Chúa cho nó mù đi, để con mắt "xem người khác như tôn trọng hơn mình" được mở ra hầu không làm cớ vấp phạm cho ai, song làm gương tốt cho mọi người. At tự cho mình là sáng tức là kẻ ấy đang bị mù (Giăng 9:39-41).
Chữ AYIN là con mắt, bao gồm cả mắt thuộc linh và thuộc thể, mắt Chúa và mắt người. Con mắt xui người ta phạm tội như Ê-va, con mắt khiến người ta được phước như Môi-se. Chúng ta là con cái Chúa, con mắt thuộc linh của chúng ta sáng sủa thì khi Ngài hiện ra chúng ta sẽ thấy Ngài cách rõ ràng, vì con mắt ấy đã được chữa lành bởi thuốc xức mắt của Chúa Giê-xu.
Trở về trang đầu
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..