Chữ Thứ Mười Một
CAPH (Cánh)
Số tiêu biểu: 20
|
Chữ nầy có nghĩa là CÁNH (như cánh chim). Chữ CÁNH được nhắc đến 82 lần trong Kinh Thánh; 78 lần trong Cựu Ước và 5 lần trong Tân Ước. Cánh chim biểu lộ tình thương và công việc diệu kỳ của Ðức Chúa Trời: đẹp và có sức mạnh. Loài chim có bộ lông cánh đẹp nhất là con công. Nhìn một con công xòe cánh và đuôi ra chúng ta sẽ thấy màu sắc của cái mống. Tại Nam Mỹ có một giống chim hết sức nhỏ, hình vóc chỉ lớn bằng con ong, mới xem qua người ta cứ ngỡ là con ong, nhưng khi bắt được nó mới biết đó là một giống chim tí hon kỳ lạ, giống chim này có nhiều màu sắc rực rỡ khác thường. Ðức Chúa Trời dựng nên loài chim, Ngài ban năng lực cho chúng nơi cặp cánh. Chúng không cần nhiệt lượng của hơi nước như tàu thủy hay tàu hỏa, cũng không cần nhiên liệu như phi cơ. Nhưng cặp cánh của chúng có sức mạnh phi thường. Chúng cất cánh bay lên giữa khoảng trời xanh bát ngát cách nhẹ nhàng, đúng như lời quyền năng của Chúa phán khi chúng mới được dựng nên: "các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời" (Sáng 2:20b). Chúng định hướng rất chính xác, dù sương mù dày đặc hay bão tố dữ dội, chúng vẫn lướt gió tung mây bay về tổ ấm cách an toàn. Khi mới nở ra khỏi vỏ trứng, cặp cánh chim con nhỏ bé trơ trụi, bao phủ bằng một lớp lông non mềm mại dễ thương. Nhưng cặp cánh ấy vô dụng vì không đủ năng lực để nâng chim lên khỏi tổ. Cánh ấy phải được phát triển, tức là phải mọc thêm những chiếc lông cánh dài tùy theo loại chim. Rồi cặp cánh ấy phải được huấn luyện cách thuần thục, bấy giờ mới có thể bay lên khoảng không cách nhẹ nhàng mau lẹ.
Trong sách Phục truyền luật lệ ký 32:11 cho ta thấy cách chim phụng hoàng tập bay cho chim con khi đã đủ lông cánh. Trước hết chim mẹ vất bỏ những vật mềm đã lót ổ khi đẻ trứng. Chim con phải nằm trên những cành cây khô cứng khó chịu, sau đó chim mẹ đùa chim con ra ngoài tổ dựa bên gành đá chơ vơ, đoạn hất mạnh chim con ra ngoài từ trên cao độ hai ngàn bộ. Chim con hốt hoảng liền tức khắc sử dụng cặp cánh. Nhưng vì cặp cánh ấy quá yếu ớt không đủ sức nâng lấy thân chim, nó chỉ bay phấp phới. Vài giây đồng hồ sau chim con đuối sức và từ từ rơi xuống. Chim mẹ lúc ấy bay loanh quanh theo con, khi thấy chim con đã rơi xuống giữa khoảng không, chim mẹ liền bay thấp xuống phía dưới xớt lấy chim con đem về tổ. Bài học ấy được lặp lại nhiều lần cho đến khi chim con thật quen thuộc, đủ sức bay một mình không cần sự giúp đỡ của chim mẹ nữa. Khi chim ưng con đã chịu huấn luyện sử dụng cặp cánh thuần thục rồi, lúc bấy giờ nó cũng bay cao như mẹ nó. Nó cũng tìm các ngọn núi cao để làm tổ và đường bay của nó cũng xa tít tận mây xanh. Kinh Thánh ghi nhận rằng đường chim ưng bay trên trời thật diệu kỳ, loài người không biết được (Châm ngôn 30:19a).
Cặp cánh của chim ưng là biểu tượng rất rõ ràng về đời sống thuộc linh cao thượng của Cơ-đốc-nhân. Mỗi người phải có cặp cánh đã chịu huấn luyện thuần thục, đã biết trông đợi Ðức Giê-hô-va để "nhận được sức mới" lúc bấy giờ mới có thể "cất cánh bay cao" như Ê-sai 40:31 đã diễn tả. Chim ưng bay cao không có thợ săn nào bắn trúng. Ðời sống Cơ-đốc-nhân cao thượng thì kẻ thù không bắn trúng họ, dù bằng tên lửa hay bất cứ loại khí giới nào. Trong mọi trường hợp nguy nan, khốn khổ, mọi hoàn cảnh tăm tối hãi hùng, họ sử dụng cặp cánh thuộc linh thật nhẹ nhàng, họ bay xa tít.
Như đời sống Giô sép, ông có cặp cánh "tin cậy và vâng lời" Chúa. Ông đã bay cao, mũi tên giàu sang quyền quý nơi nhà Phô-ti-pha không bắn trúng ông được. Tuy hoàn cảnh của Giô sép thật quá cam go, bi đát song ông đã bay thật cao và đã thoát. Khi gặp lại các anh mình, một lần nữa cặp cánh tin cậy vâng lời đã tỏa ra những màu sắc rạng rỡ bằng tình yêu thương tha thứ. Ông không hề phiền giận, cũng không cố ý trả thù về những mưu ác của các anh, mặc dù ông có đủ uy quyền trong tay. Cặp cánh thiêng liêng ấy đã cất ông lên tận trời xanh, mũi tên thù hận đành rơi xuống đất!
Chúng ta là tín đồ đấng Christ nhận được sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời cách nhưng không, chúng ta được phước lớn vì Chúa ban cho mình cặp cánh "tin cậy, vâng lời". Chúng ta thỏa lòng trong tổ ấm của gia đình và hội thánh với nhiều ơn phước Chúa đổ xuống khiến chúng ta vui sống trên thế gian nầy. Phần đông chúng ta muốn giữ mãi địa vị "chim non trong tổ ấm", cặp cánh thuộc linh không có cơ hội luyện tập nên chưa đủ sức bay cao. Lắm khi Ðứa Chúa Trời nhìn thấy hội thánh Ngài giống như đàn chim ưng đã lớn, cặp cánh đã dài, nhưng chưa biết bay nên Ngài phải tập cho họ bay bằng cách phá tan tổ ấm, tung chúng ta ra trong khoảng không nguy hiểm; nào hoạn nạn, đau đớn, bắt bớ, gian lao cho đến khi chúng ta có thể sử dụng cặp cánh "tin cậy và vâng lời" cách triệt để. Bài học ấy chúng ta phải học theo chương trình của Ngài cho đến khi nào chúng ta thật đủ sức bay cao.
Dân Y-sơ-ra-ên khi xưa cư ngụ tại Ai cập khoảng thời gian khá lâu là 430 năm. Cái tổ ấy rất ấm cúng. Nhưng Ðức Chúa Trời đã phá tan bằng cách khiến người Ê-díp-tô áp bức, tiêu diệt họ đủ mọi cách cho đến khi họ bằng lòng lìa khỏi tổ ấy để nương cậy nơi Ngài. Họ phải hoàn toàn "tin cậy và vâng lời" Ngài khi vượt qua Biển Ðỏ hãi hùng, qua sa mạc ghê rợn, thiếu nước, thiếu lương thực, nguy với quân thù, khốn đốn đủ mọi mặt, tưởng chừng như sắp bị tiêu diệt. Nhưng Ðức Chúa Trời luôn luôn xòe cánh ra xớt họ như chim phụng hoàng xớt con mình, khiến họ được bình an vào Ðất Hứa. Tuy nhiên, phần lớn trong bọn họ đã ngã chết dọc đường vì không chịu sử dụng cặp cánh "tin cậy và vâng lời" như lịnh Ngài truyền.
Hội thánh đầu tiên khi vừa vững lập tại Giê-ru-sa-lem, cái tổ ấm ấy quy tụ đủ các vị lãnh đạo là các sứ đồ, các tín hữu, đủ mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội lúc bấy giờ. Họ hình thành một tổ chức toàn hảo: "lấy mọi vật làm của chung". Hằng ngày cứ đến đền thờ cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Ơn phước ngập tràn, các phép lạ xảy ra thường xuyên. Nhưng một cơn bắt bớ khủng khiếp đến với họ do Sau-lơ cầm đầu, khiến các tín hữu tan lạc khắp nơi. Họ đã sử dụng cặp cánh "tin cậy và vâng lời" cách triệt để. Kết quả danh Chúa được đồn ra khắp thế gian.
Trên một phương diện khác, cánh là hình bóng về "ân tứ và khả năng". Nhiều Cơ-đốc-nhân có ân tứ và khả năng nhưng không chịu tập luyện để sử dụng cặp cánh thiêng liêng ấy, cứ xếp cứng vào mình cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Thật là đáng tiếc!
Tiến sĩ Oliver W. Holwes đã nói rằng: "Có nhiều người đã chết với khả năng âm nhạc của mình". Họ có khả năng âm nhạc hay bất cứ một khả năng nào khác, song không dám đem ra sử dụng cho công việc của Ðức Chúa Trời, có khi vì tánh nhút nhát hoặc vì thấy kẻ khác vượt trỗi hơn mình.
Qua thí dụ về những ta lâng, Chúa Giê-xu không muốn chúng ta giấu những khả năng Chúa ban cho mình. Mỗi chúng ta nên dùng ân tứ và khả năng Chúa ban cho vào công việc Ngài. Chữ thứ 11 của mẫu tự Hy-bá-lai có nghĩa là CÁNH để dạy chúng ta về đời sống đắc thắng trong lãnh vực thuộc linh, nhắc chúng ta nhớ đến tình yêu thương sâu đậm của Chúa Giê-xu. Khi xưa Chúa Giê-xu nhìn thấy thành Giê ru sa lem, cùng sự bại hoại của thành ấy nên Ngài khóc về thành mà phán rằng: "Hỡi Giê ru sa lem, Giê ru sa lem, ngươi ném đá các tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm các ngươi lại như gà mái túc các con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng" (Ma-thi-ơ 23:37).
Trong quyển "Sông Phước Vô Tận", tác giả là bà Ann Smith đưa ra nhiều sự dạy dỗ rất quý trong một chương có tựa là "Sống Trên Ðôi Cánh". Ước mong mỗi chúng ta đều có một đời sống mạnh mẽ vui tươi, hầu cho chúng ta có sức vượt khỏi thế gian mờ tối nầy mà bay cao như chim ưng, không mệt nhọc, không mòn mỏi cho đến khi gặp Chúa!
Trở về trang đầu
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..