Chữ Thứ Mười Ba
MÊM (nước)
Số tiêu biểu: 40
|
Chữ thứ mười ba trong mẫu tự Hy-bá-lai là MÊM, nghĩa là "nước". Phát âm như chữ M. Hình dáng chữ nầy tựa như sóng biển.
Kinh Thánh chép chữ "nước" 631 lần. Lần đầu trong Sáng thế ký 1:2; lần cuối trong Khải-thị 22:17. Nước là một trong ngũ-hành của công việc sáng tạo, là nhu yếu phẩm cho muôn vật mọi loài. Trong nước có sự sống sinh sản những động vật. Ðức Chúa Trời phán: "Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra" (Sáng 1:20,21).
Chữ nước thứ nhất bắt đầu với sự tối tăm hổn độn của vũ trụ. Sau khi Thần Ðức Chúa Trời vận hành trên mặt nước với lời phán quyền năng của Ngài, tức thì nước được phân rẽ ra, "nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không" (Sáng 1:7). Rồi từ giữa những "nước ở dưới trời" lại bày ra mặt đất, vì "đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước" (II Phi-ơ-rơ 3:5a). Mặt đất được lệnh Chúa truyền sinh cây cỏ, nhưng nước giữ một vai trò quan trọng là duy trì sự sống cho muôn vật.
Từ khi Ðức Chúa Trời dựng nên A-đam và Ê-va cho đến đời Nô-e, trải qua mười thế hệ, loài người chưa bao giờ thấy mưa, lúa bấy giờ mặt đất được tưới bằng "hơi nước dưới đất" bay lên và do nước của con sông bốn nhánh (Sáng 2:6,10). Chưa có một giọt mưa nào từ trời rơi xuống, vì thế người ta không ngờ rằng một ngày nào đó nước trên trời sẽ đổ xuống bởi những trận mưa kinh khủng suốt bốn mươi ngày đêm! Ðồng thời dòng nước êm ả từ con sông bốn nhánh cũng cuồn cuộn trào lên và dâng cao đến nỗi ngập cả núi non vạn vật! Kinh Thánh chép: "Chánh ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống" (Sáng 7:11). Thật là một tay họa khủng khiếp đổ xuống trên loài người lúc bấy giờ. Theo nguyên văn Hy-bá-lai thì chữ nước số nhiều là MAYIM, còn chữ trời cũng thuộc số nhiều là SAMAYIM. Thế thì biến cố đại hồng thủy trong Sáng thế ký chương 7 không phải là chuyện mơ hồ như một số người vô tín phủ nhận, mà đó là một sự kiện có thật.
Nghiên cứu trong Kinh Thánh chúng ta thấy Ðức Chúa Trời thường thực hiện ý định của Ngài trong công tác ở giữa loài người là nước. Chúng ta sẽ lần lượt nhận thấy như sau:
1. Tai họa đầu tiên Ðức Chúa Trời hình phạt loài người là Nước Lụt.
2. Các cuộc hôn nhân của Y-sắc, Gia-cốp và Môi-se đều từ các giếng nước. (Riêng cuộc đời của Môi-se phải bị trôi trên dòng sông suốt mấy tiếng đồng hồ). (Sáng 24:14; 19:10, Xuất 2:3-10 và 16:21).
3. Tai họa thứ nhất trút xuống trên đất Ê-díp-tô cũng bắt đầu với nước, nước hôi thúi (Xuất 7:1-7).
4. Dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai cập đã trải nghiệm quyền năng của Ðức Chúa Trời bởi "nước". Nước rẽ ra nơi Biển Ðỏ, cứu họ khỏi tay người Ê-díp-tô (Xuất 14:21-31).
5. Nước đắng hóa ngọt tại Ma-ra (Xuất 15:22-26).
6. Nước phun ra từ hòn đá Hô-rếp, (Xuất 17:3-7).
7. Nước tại Mê-ri-ba khiến hai vị lãnh tụ là Môi-se và A-rôn bị Ðức Chúa Trời lên án phạt không được vào Ðất Hứa (Dân 20:2-13).
8. Nước sông Giô đanh rẽ ra đưa họ vào đất Ca na an (Giô-suê 3:1-17).
9. Tiên tri Ê-li và Ê-li-sê cũng từng đập áo tơi mình nơi sông Giô đanh và nước của sông ấy rẽ ra cho hai ông đi qua (khi Ê-li-sê trở lại một mình dùng áo tơi của Ê-li đập nước thì nước cũng rẽ ra cho ông) (II Vua 2:8-14).
10. Một người ngoại bang đầu tiên được sạch bịnh phung nhờ tắm bảy lần dưới sông Giô đanh (theo lịnh truyền của Ê-li-sê; sách II Vua chương 5).
11. Khi Giăng Báp-tít bắt đầu chức vụ bằng cách làm lễ báp tem cho dân chúng tại sông Giô đanh trong số đó có Chúa Giê-xu cũng đến chịu phép báp tem nữa (Ma-thi-ơ 3:3-17).
12. Phép lạ thứ nhất của Chúa Giê-xu để bày tỏ sự vinh hiển Ngài là "hóa nước thành rượu" (Giăng 2:1-12).
13. Sự cứu rỗi đưa đến cho người đàn bà Sa-ma-ri và dân thành Si kha bắt đầu nơi giếng nước Gia-cốp (Giăng 4:7-42).
14. Chúng ta được cứu bởi ba điều chứng: Thánh Linh, Nước và Huyết, ba điều ấy hiệp một (I Giăng 5:8). Và còn nhiều nữa chúng ta kể không hết.
Công dụng của nước là duy trì sự sống và tẩy sạch những dơ bẩn. Các thầy tế lễ trước khi dâng của lễ phải tắm nước. Khi Chúa Giê-xu bày tỏ một lẽ đạo quan trọng đến sự cứu rỗi, Ngài phán: "Nếu một người chẳng nhờ Nước và Thánh Linh mà sanh thì không được vào nước Ðức Chúa Trời" (Giăng 3:5).
Thánh Phao-lô khi luận về sự thánh khiết của Hội Thánh đã tuyên bố: "Ðể khiến hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng đạo làm cho hội tinh sạch" (Ê-phê-sô 5:26).
Khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá Ngài bị một tên lính dùng giáo đâm ngang sườn Ngài tức thì máu và nước chảy ra (Giăng 19:34).
Trong thơ I Giăng 5:6 cho chúng ta thấy điểm quan trọng của sự hy sinh của Ðấng Christ liên quan đến nước. Ấy chính Ðức Chúa Giê-xu đã lấy nước và huyết mà đến, chẳng những lấy nước mà thôi, bèn là lấy nước và huyết. Một sự liên hiệp nhiệm mầu giữa ba yếu tố: Thánh Linh, Nước và Huyết (I Giăng 5:6).
Nước vật chất rất cần cho thân thể, nước thuộc linh thiết yếu cho linh hồn. Chúa Giê-xu đã dùng nước là một nguyên liệu phổ thông mọi người đều dùng đến để dạy một lẽ đạo quan trọng về nước hằng sống. Nước đó tức là Tin lành cứu rỗi, là chính Chúa Giê-xu Christ. Ngài phán: "Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình" (Giăng 7:38). Và "Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi, nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời" (Giăng 4:13,14). Nước ấy rất cần cho mỗi một người, nước đó chính là Ðức Thánh Linh, Ngài là mạch nước sống. Ðời sống Cơ-đốc-nhân nào không có Ngài thì sẽ khô héo, cằn cỗi không sanh hoa kết quả được. Tâm hồn người không có Thánh Linh luôn luôn thèm khát những gì thuộc về đời nầy. Vì họ tưởng rằng những thú vui của trần gian sẽ làm cho tâm hồn đã khát. Nhưng họ đã lầm! Khi họ miệt mài uống thứ nước của đời, họ càng khao khát mãi, không bao giờ thỏa mãn được. Cơ-đốc-nhân nào hết lòng tin nhận Chúa Giê-xu tức thì tội được tha, lòng được rửa sạch, tâm hồn sẽ thỏa mãn. Họ sẽ trở thành những con sông nước sống bắt nguồn từ Ðức Thánh Linh; dòng nước của sông ấy chảy mạnh và chảy xa, luôn luôn tràn đầy hạnh phúc cho những ai gần gũi họ. Một mạch nước chảy ngầm dưới đất chỉ trào lên khi có ai đào trúng mạch, nhưng những con sông trong lòng tín đồ thì tự nó tràn đầy dư dật. Ðó là "một ngọn sông dòng nước nó làm vui thành Ðức Chúa Trời" (Thi Thiên 46:4). Nếu mỗi Cơ-đốc-nhân là một con sông phước ắt sẽ dập tắt được ngọn lửa cuồng loạn của thế giới nầy.
Phần kết thúc của sách Khải thị cũng lập lại lời Ðức Thánh Linh mời gọi mọi người khao khát hãy đến nhận lấy nước sự sống, tức là sự cứu rỗi mà Ngài ban cho cách nhưng không (Khải thị 22:17; Ê-sai 55:1).
Trở về trang đầu
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..