Hôm nay:

BÀI VIẾT- BÀI LUẬN- GHI CHÚ

Xem tất cả Các bài luận- viết »

ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC

Xem tất cả Đời sống Cơ Đốc»

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

Xem tất cả Câu hỏi đáp »

.
Hội Thánh Kiền Bái » » Chữ Thứ Ba- Chữ Cái Hi Ba Lai

Chữ Thứ Ba- Chữ Cái Hi Ba Lai

Đăng bởi Bùi Qúy Đôn | Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

In bài
Cỡ chữ: +A =A -A







Chữ Thứ Ba

GIMEL (Lạc đà)
Số tiêu biểu: 3

            Chữ thứ ba trong mẫu tự Hy-bá-lai là GIMEL (như chữ G). Chữ nầy có nghĩa là "lạc đà". Con lạc đà trong Kinh Thánh được biết có ba công dụng rất quan trọng: Ði đường xa, mang nặng và chịu đựng. Chúng ta sẽ lần lượt học qua ba điểm sau đây.

Ði Ðường Xa
            Lạc đà là một con vật có biệt tài đi trong sa mạc rộng lớn mênh mông rất bền bỉ, không con thú nào bì kịp. Nó giống như một chiếc tàu lênh đênh trên "biển cát". Cơ thể nó có thể chịu đựng sức nóng như thiêu, có thể đi nhiều ngày trong sa mạc, không uống nước mà không mệt nhọc gì cả. Nó cũng có tài định hướng đi rất đúng. Nó không biết nhìn trời để "lần bước theo ngôi sao" như các vị bác sĩ ngày xưa, cũng không có địa bàn như những vị thuyền trưởng trên đại dương bát ngát mà vẫn đi đúng đường trong sa mạc mênh mông như sa mạc Sa-ha-ra chẳng hạn.
            Về điểm nầy con lạc đà tiêu biểu cho đời sống thuộc linh của Cơ-đốc-nhân, hay là sự sinh hoạt của Hội Thánh Ðấng Christ. Ngược dòng thời gian, chúng ta nhớ đến Áp-ra-ham là người được Ðức Chúa Trời kêu gọi trước tiên để lìa bỏ quê hương, đi đến nơi mà mình chưa biết. Dầu vậy Áp-ra-ham không lạc đường vì Ðức Chúa Trời đã dắt dẫn ông. Ông cứ đi, tuy không có địa bàn cũng không thể định hướng nhờ sao, nhưng ông đi thật đúng đường để vào xứ Ca-na-an.
Dân Y-sơ-ra-ên đi trong sa mạc 40 năm mà "giày họ không mòn, áo họ không rách" vì Ðức Chúa Trời là vị hướng đạo cho họ. Chúng ta ngày nay cũng đang đi đường đến xứ Ca-na-an thiêng liêng, từ đất đến trời. Chúng ta không phải là kẻ "đi mà không biết mình đi đâu" nhưng chúng ta có Chúa yêu dấu của mình là Giê-xu Christ, Ngày đã đến thế gian mở một con đường cứu rỗi từ đất đến trời cho chúng ta. Ngài đã đi trước để dẫn dắt chúng ta, dấu chơn Ngài còn in rõ trên "sa mạc thiêng liêng" cặp theo những dòng huyết tưới khắp nẻo đường. Chúng ta biết chắc nơi chúng ta sẽ đến là thiên đường. Hiện nay chúng ta là khách lữ hành trên đất, Thi Thiên 119:19 chép rằng: "Tôi là người khách lạ trên đất. Xin chớ giấu tôi các điều răn Chúa". Một khách lữ hành trên lưng lạc đà ở giữa sa mạc, điều cần yếu nhất cho người ấy là giếng nước, nếu không có nước thì thật là một tai nạn! Có hai điều làm cho viễn khách lo ngại cho cuộc hành trình của mình trong sa mạc là:
1.      Ði sai đường nên không tìm thấy giếng nước.
2.      Kẻ thù làm cho các giếng nước có chất độc.
Trong trận chiến tranh giữa người Âu châu và Ả-rập khi xưa, binh sĩ Âu châu thường phải thử nước của các giếng trong sa mạc trước khi uống vì sợ ngộ độc. Trên đường thuộc linh của Cơ-đốc-nhân thì Ðức Chúa Trời thường giấu những điều răn của Ngài, khỏi mắt con cái Ngài vì đó là những "giếng nước" làm thỏa mãn cho khách lữ hành thiêng liêng trên đường sự sống mà không có chất độc nào. Vì vậy tác giả Thi Thiên có lần đã cầu nguyện rằng: "Xin Chúa mở mắt tôi để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Ngài" (Thi Thiên 119:18). Tại sao Chúa giấu Lời của Ngài? Kinh Thánh là địa bàn, là kim chỉ nam, là suối nước sống, Cơ-đốc-nhân nhờ đó mà nhận định đúng đường lối của Chúa Giê-xu để trải qua sa mạc cách rõ ràng, tìm thấy những giếng nước trong lành ngon ngọt được lấp kín khỏi mắt kẻ thù là ma quỷ.
            Trong cơ thể lạc đà có một túi nước dự trữ, nên dù cuộc hành trình có dài bao nhiêu, nó cũng có thể chịu đựng được mà không chết khát. Ðức Chúa Giê-xu Christ cũng dự bị cho chúng ta một mạch nước đời đời không hề cạn tắt là Ðức Thánh Linh để ở với chúng ta mãi mãi. Vậy chúng ta phải hết lòng tìm kiếm và yêu mến Ngài hầu cho đời sống thuộc linh của chúng ta luôn được tươi mới, mát mẻ.

Mang Nặng
            Lạc đà có sức mạnh phi thường. Nó có thể mang những kiện hàng hóa nặng nề suốt đường xa kinh khủng. Với gánh nặng trên lưng, nào người, nào đồ vật, nó vượt hàng ngàn dặm mà không hề ngã quị giữa đường. Ðây cũng là đặc điểm một tín đồ thật của Ðấng Christ. Mỗi người đều mang lấy gánh nặng của mình và của người khác nữa. Phao-lô khuyên: "Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em đã làm trọn luật pháp của Ðấng Christ". (Ga-la-ti 6:2). Ðấng Christ cũng từng mang lấy mọi gánh nặng thay cho chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta là kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến với Ngài để được sự yên nghỉ (Ma-thi-ơ 11:28). Mỗi Cơ-đốc-nhân đều có gánh nặng trong lòng, gánh nặng về sự yêu thương linh hồn tội nhân đang hư mất, về sự yếu đuối của anh em, về sự mở mang vương quốc của Ðức Chúa Trời v. v... Chúng ta dù mang nặng nhưng có sức mang nổi, nhờ Chúa "thêm sức cho" mỗi ngày. Phao-lô đã chứng minh rằng "Tôi làm được mọi sự nhờ Ðấng ban thêm sức cho tôi" (Phi-líp 4:13). Lắm lúc chúng ta cảm thấy gánh nặng thật quá nặng nề hầu như lảo đảo, muốn "quăng phứt đi" cho rảnh thì liền lúc ấy có tiếng êm dịu nhỏ nhẹ trong tâm linh ta: "Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em" (I Phi-e-rơ 2:7).

Chịu Ðựng
            Con lạc đà lại có một đặc điểm nữa là "chịu đựng" cách bền bỉ dẻo dai. Nó vừa mang nặng, đi đường xa, chịu đựng lâu ngày dưới sức nóng như thiêu trong sa mạc. Ðấng Christ đã vào thế gian tăm tối nầy, Ngài mang gánh nặng tội lỗi chúng ta, Ngài hướng dẫn chúng ta tiến bước trên con đường xa thẳm, Ngài cũng chịu đựng những sai lầm vi phạm của chúng ta nữa. Khi tại thế Ngài chịu đựng sự phản trắc của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, sự chối bỏ của Phi-e-rơ, sự sỉ nhục của quân lính La-mã, sự độc ác của dân Do-thái, sự giả hình của bọn Pha ri si. Nhưng Ngài "như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông" để hoàn tất chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời. Ngài tỏ lòng nhơn từ đối với sự bất toàn của chúng ta, Ngài vẫn cầu thay cho chúng ta nơi ngôi thi ân trên trời. Riêng chúng ta là Cơ-đốc-nhân, chúng ta phải noi gương Ngài mà chịu đựng những thử thách khó khăn, chịu bắt bớ khốn khổ vì Ngài, chịu đựng những kẻ lạc lối lầm đường, những con người "xác thịt" trong hội thánh, những anh em giả dối là những kẻ có lương tâm đã lì v. v...
            Sứ đồ Phao-lô là con người chịu đựng bền bỉ dẻo dai, chúng ta hiểu được nhờ khúc sách sau đây: "Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Ðôi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn mươi; ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh, nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư? Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ nhưng không đến bỏ; bị đánh đập nhưng không đến chết mất, chúng tôi thường mang sự chết của Chúa trong thân thể mình, hầu cho sự sống Ðức Chúa Giê-xu cũng tỏ ra trong thân thể chúng tôi. Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Ðức Chúa Giê-xu mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Ðức Chúa Giê-xu cũng tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi" (II Cô-rinh-tô 11:23-29 và 4:8-11). Ðó là một bằng chứng cụ thể nhất. Mỗi Cơ-đốc-nhân chân chính có một sức chịu đựng phi thường, cả cuộc đời của họ thật vô cùng tốt đẹp, "không vết, không nhăn, không chi giống như vậy" nhưng "không chỗ trách được". Có lúc họ cũng đương đầu với hạng người bần tiện, đê hèn trong xã hội nhưng họ chẳng chút than van oán trách, cũng không nản chí sờn lòng, cứ "phó thác đường lối mình cho Ðức Giê-hô-va". Ðời sống họ giống như "cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó chẳng tàn héo". Người ngoại cuộc nhìn xem tưởng chừng như họ đang ở trong lửa bỏng dầu sôi như ba bạn Hê-bơ-rơ. Nhưng lạ lùng thay họ vẫn vui vẻ trong ơn yêu thương của Chúa, hoạt động cho công việc Chúa càng mạnh mẽ hơn nữa, môi miệng họ như một dòng suối mát mẻ tuôn tràn nước sống vì họ đã tìm được bí quyết của sự chịu đựng ấy là "Vì danh Chúa mà chịu khổ". Họ bằng lòng chấp nhận mọi cảnh khó khăn cho đến cuối cùng, như Ê-sai đã nói "Ðồng vắng và đất khô hạn sẽ vui vẻ, nơi sa mạc sẽ mừng rỡ, và trổ hoa như bông hường, nó trổ hoa nhiều và vui mừng, cất tiếng hát hớn hở. Sự vinh hiển của Liban và sự tốt đẹp của Cạt mên và Sa rôn sẽ được ban cho nó. Chúng sẽ thấy sự vinh hiển Ðức Giê-hô-va, và sự tốt đẹp của Ðức Chúa Trời chúng ta" (Ê-sai 35:12). Ðời sống họ không phải mỗi bước đều có rải hoa hồng, nhưng họ đang đi trong sa mạc, trong ấy ẩn những suối nước trong và có hoa hồng cặp theo.
            Qua bài học nầy chúng ta thấy rằng bởi sự sống Ðấng Christ ở trong chúng ta nên chúng ta cứ tiếp tục cuộc hành trình đầy gian khổ xa xăm (xa hơn cả nguyệt cầu mà các phi hành gia Hoa kỳ đã đổ bộ lần đầu tiên vào ngày 20-7-69). Ðây là hành trình thuộc linh từ đất đến trời, lâu dài cho đến hết cuộc đời chúng ta, không lạc hướng, không lầm đường, không mỏi mệt kiết sức dưới những gánh nặng đau thương, nhưng vẫn vui tươi cất bước cách hăng hái trên thiên trình trong quyền năng siêu việt của Ðức Thánh Linh. Ê-sai cho biết bí quyết thành công ấy không phải bởi sức người như sau "Ðức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi; làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; làm cho cứng mạnh các xương ngươi, ngươi sẽ như vườn năng tưới, như nước suối chẳng hề khô vậy" (Ê-sai 58:11) và "ai trông đợi Ðức Giê-hô-va chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi" (Ê-sai 40:31) và tác giả Thi Thiên cũng cho biết "Họ đi tới, sức lực lần lần thêm; ai nấy đều ra mắt Ðức Chúa Trời tại thành Si ôn" (Thi Thiên 58:7).
            Nguyện Chúa ban cho chúng ta sức mới hằng ngày để tiến bước thiên trình mà không "ngã chết dọc đàng" như dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc hành trình nơi sa mạc. 



Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email: luaphucamhp@yahoo.com


Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..


Share this article :
Blogger Comments ( 0 )
Facebook Comments( )
Google Comments

SỨC KHỎE- ÐỜI SỐNG

Xem tất cả Sức khoẻ đời sống »

SẮC ÐẸP

Xem tất cả Sắc đẹp »

GIA CHÁNH

Xem tất cả Gia chánh »

MẸ & BÉ

Xem tất cả Mẹ và bé »