GIA CỐP- GIEO TRƯỚC GẶT SAU
Gia-cốp- Gieo Trước, Gặt Sau
Sau đêm nằm đất giữa trời, gối đầu trên đá và gặp Chúa tại Bê-tên, Gia-cốp tiếp tục hành trình. Từng lừa cha, gạt anh, Gia-cốp sắp bị người lừa gạt. Màn sân khấu mở ra, cuộc đổi đời bắt đầu .
Gần đến Cha-ran, Gia-cốp gặp ba bầy chiên đang nằm bên giếng, giữa cánh đồng. Sau khi chào mấy người chăn, Gia-cốp hỏi họ từ đâu đến. Họ đáp, “Từ Cha-ran” (Sáng thế ký 29:4).
Ðã gần cuối đường tị nạn xa xôi, Gia-cốp hồi hộp hỏi dồn, “Các anh biết ông La-ban, con Na-cô không?” Họ đáp, “Biết chứ!” Gia-cốp tiếp, “Ông ấy mạnh giỏi không?” Ðáp, “Ông ta vẫn mạnh khỏe. Kìa, Ra-chên, con gái ông ấy đang dẫn bầy chiên đến!”
Biết La-ban là cậu ruột nhưng Gia-cốp chưa hề gặp mặt. Gia-cốp dành thiện cảm đặc biệt ấm áp cho Ra-chên ngay – vì đã từng nghe mẹ kể chuyện bà gặp Ê-li-ê-se, đầy tớ già của Áp-ra-ham bên giếng gần Cha-ran.
Có thể vì muốn được giây phút riêng tư với Ra-chên, Gia-cốp gợi ý, “Trời hãy còn sớm, sao các anh không cho bầy gia súc uống nước rồi thả chúng đi ăn trở lại?” Ðâu muốn chờ lịnh của người lạ, họ đáp, “Không được, theo lệ phải đợi các bầy súc vật tề tựu đông đủ mới lăn tảng đá đi, cho chúng uống nước!”
Một người mạnh khỏe có thể lăn tảng đá, tại sao họ phải chờ đợi nhau? Tò mò, muốn xem Ra-chên Gia-cốp, hay vì thói quen tụ tập mỗi chiều để bầu bạn, chuyện trò? Quây quần bên giếng phải là giờ phút lý thú nhất của nếp sống chăn chiên tẻ nhạt, lầm lủi, cô đơn.
Giây phút lịch sử đến, Ra-chên xuất hiện huy hoàng giữa trời chiều rực rỡ. Tiếng sét ái tình nổ ầm, chớp lửa, lóe sáng! Trống lòng giục giã rộn ràng. Người hùng cô đơn – một mình – lăn tảng đá khỏi miệng giếng, múc nước cho bầy chiên, chinh phục công chúa kiều diễm (29:10).
“Việc nước” vừa xong, Gia-cốp vuốt tóc và mồ hôi chạy lại ôm chầm Ra-chên hôn lấy, hôn để. Khóc òa lên, chàng cho nàng biết mình là anh em, là cháu gọi La-ban bằng cậu. Nước giếng, mồ hôi và nước mắt hòa lẫn trên hai khuôn mặt rạng rỡ trong nắng vàng hạnh phúc. Mừng vui lẫn kinh ngạc, Ra-chên vội vã chạy về báo tin cha.
Nhớ ngày nào vàng bạc, châu báu theo cụ già Ê-li-ê-se đến nhà mình khi Rê-bê-ca mời cụ ngụm nước giếng ngọt lịm. Bước chân La-ban chạy nhanh, chạy hối hả với con gái ra giếng.
Nếu chờ đợi cậu làm Gia-cốp hồi hộp lo âu, chắc hẳn chàng thở phào nhẹ nhõm khi La-ban hân hoan xuất hiện. Gia-cốp sung sướng được cậu ôm hôn và niềm nở đón về nhà.
Nhưng thất vọng quá, La-ban thấy cháu mình không có lấy một con lừa. Còn khoen vàng, vòng vàng, nữ trang, lụa là, sính lễ đâu? Chả có gì cả! La-ban biết ngay là số phận của cháu bây giờ nằm hẳn trong tay cậu. Cậu làm gì mà chẳng được!
Chuyện gì còn có đó! Sành đời, trầm tĩnh, La-ban tạm giữ yên lặng để cho cháu tha hồ tâm sự, và “Gia-cốp kể lại mọi điều cho La-ban nghe” (29:13).
Gia-cốp kể “mọi điều” thuận lợi cho mình – còn lừa cha, gạt anh, cướp quyền trưởng nam và bỏ chạy thoát thân làm gì nằm trong “mọi điều” đó! Cao điểm nổi bật phải có việc cha già bảo Gia-cốp về quê tìm vợ – và mẹ hiền thúc đẩy, sắp đặt.
Là người khéo nói, La-ban hào hiệp, ân cần với Gia-cốp. Với giọng ân hậu, ông ôn tồn: “Cháu đúng là cốt nhục của cậu!” (29:14). Nhưng sự thật về sau phủ phàng, vì La-ban sẽ đối xử với Gia-cốp như cách Gia-cốp đã đãi cha và anh.
Gia-cốp sắp gặt điều mình đã gieo. Mặc dầu gặp Chúa trong khung cảnh vô cùng mầu nhiệm, rõ ràng tại Bê-tên, Gia-cốp sẽ phải đón nhận hậu quả của tội lỗi mình gieo ra.
Thời đó, người ta thường tiếp đón khách ba, bốn ngày, nhưng Gia-cốp ở đến cả tháng mà không gởi gạo (cách nói Việt nam), cũng không đề cập vấn đề tiền bạc. Dĩ nhiên, Gia-cốp đâu có “ăn không, ngồi rồi” suốt ba mươi ngày dài!
Câu mở đầu của La-ban cho thấy rõ điều đó, “Không lẽ vì tình bà con ruột thịt mà cháu làm việc không công sao? Cháu muốn cậu trả lương bao nhiêu?”(29:15). Lời La-ban đầy thiện cảm, nhân từ nhưng thật tâm lại rất khôn ngoan, tính toán. Với tính khôn lanh, lọc lừa Gia-cốp cũng đã đắn đo, chuẩn bị.
Khi mới vào nhà cậu, Gia-cốp khám phá ngay việc cậu có hai cô con gái, Lê-a và Ra-chên. Thế nào Gia-cốp cũng biết phong tục tạp quán thời đó – cha mẹ gả trưởng nữ đi lấy chồng trước, rồi mới đến cô em. Tuy nhiên, Gia-cốp không màng đến Lê-a.
Tại sao? Lê-a “có cặp mắt yếu, còn cô em, thân hình cân đối, dung nhan tuyệt đẹp” (29:17). Gia-cốp chỉ say mê Ra-chên, nhưng làm sao cưới được nàng – khi cô chị vẫn còn đấy – không người để ý, hỏi han, xin cưới?
Bén nhạy về lòng tham của La-ban, Gia-cốp gài ngay một miếng mồi ngon mà cậu khó lòng bỏ qua: “Cháu xin giúp việc cậu bảy năm, nếu cậu gả Ra-chên cho cháu!” (29:18) – hơn gấp đôi thời giá!
Bảy năm chờ đợi để cưới được người mình yêu – ai dám nói là ngắn? Nhưng bài toán phức tạp Gia-cốp đã tính kỹ. Tại sao chịu thí công bảy năm lao động dài hạn – dầm mưa dãi nắng lam lũ, thấm mồ hôi, chai tay, còng lưng – làm giàu không công cho cậu?
Gia-cốp buộc La-ban ngoảnh mặt làm ngơ trưởng nữ kém may mắn! Bằng lòng hy sinh bảy năm thanh xuân vàng son đầy năng lực, Gia-cốp không tiếc công, tiếc của vì biết đây là vốn đầu tư vô cùng giá trị, không vàng ngọc nào sánh nổi.
“Bốn chín gặp năm mươi!” Lọt ngay nước cờ Gia-cốp đánh, La-ban vui vẻ chịu liền. Bảy năm lao động nặng nhọc của người tình si đầy năng lực như Gia-cốp là cả một kho vàng giá trị! Che dấu lòng tham và ích kỷ, La-ban ngọt ngào bảo cháu, “Thà cậu gả nó cho cháu, còn hơn gả cho người ngoài. Hãy ở với cậu!” (29:19).
“Vỏ quít dày, móng tay nhọn!” Gia-cốp không hề ngờ cậu đã có kế hoạch thứ hai, tận dụng sức lực, tình yêu và “lòng tin” của cháu. “Vì yêu Ra-chên, Gia-cốp xem bảy năm như là đôi ba bữa” (29:20). Mỗi ngày, Gia-cốp hăng say, tiếp tục đổ mồ hôi làm việc cho cậu, cho tình yêu và cho người yêu – để chuẩn bị “rước nàng về dinh.”
Mặc dầu chỉ “đôi ba bữa” nhưng Gia-cốp tính sổ từng ngày – suốt bảy năm. La-ban yên lặng để thời gian trôi qua – như đã quên ngày tháng. Bảy năm đã hết, không kèn không trống – nhưng La-ban cố vắt thêm một vài giọt cuối từ trái chanh tươi.
Đời nào để cậu quên, Gia-cốp (trừng mắt) nhắc liền, “Cháu đã làm đầy đủ, xin cậu gả nàng cho con để chúng con chung sống” (29:21).
Bao nhiêu thanh niên ngày nay bằng lòng trả giá như Gia-cốp? Gia-cốp yêu –“ba bốn núi cũng trèo, năm sáu sông cũng lội, bảy tám đèo cũng qua!” (Cuối cùng, Gia-cốp qua mười bốn đèo!) Tình yêu và hôn nhân đòi hỏi nhiều hơn là nhan sắc, vàng bạc. Thèm khát, thỏa mãn ngay hôm nay có hiểm họa của nó!
Tình yêu thật – kiên nhẫn chờ đợi – dầu phải chờ đợi bảy năm! Bảy năm không một lần vi phạm ranh giới và lòng tin của người mình yêu. Con người cũ gian dối trong Gia-cốp bắt đầu nhường chỗ cho con người mới, chập chững sống trong sạch, chân thật – bắt đầu trong tình yêu, hôn nhân.
Ngoài mặt, La-ban thỏa mãn hợp đồng bảy năm với cháu – “đặt tiệc lớn, mời tất cả cộng đồng đến dự lễ cưới” (29:22). Nhưng Gia-cốp không hề ngờ phải đối diện với thực tế phủ phàng.
Sau ngày đầu của tiệc cưới tưng bừng cho gia đình và cộng đồng, cô dâu chú rể lần đầu tiên được riêng tư với nhau, La-ban yên lặng, nhanh chóng tráo Lê-a, thế chỗ Ra-chên.
Trong đêm tân hôn tối đen không đèn, Gia-cốp không nghi ngờ gì cả về giây phút chăn gối mặn nồng thần tiên của đêm trăng mật đầu đời – cho đến sáng! Thử tưởng tượng khuôn mặt chú rể khi mở mắt thấy vợ đầu ấp tay gối – không phải là người anh “thường hay ước mơ...mơ người yêu lý tưởng!”
Tại sao Lê-a mà không phải là Ra-chên? Quý vị nhớ Dân Số Ký 32:23, “Tội chắc sẽ đổ lại trên các ngươi – be sure your sins will find you out – nhớ rằng tội nầy sẽ kết buộc anh chị em?” “Gieo gì, gặt nấy! Gieo Trước, Gặt Sau!”
Có lẽ không hay biết chuyện Gia-cốp lừa cha, gạt anh nhưng hành động của La-ban tàn nhẫn, lạnh lùng không kém. Dầu vậy, Chúa cho phép tai họa nầy xảy ra để Gia-cốp thấy mình trong gương – con người cũ – trước kinh nghiệm gặp Chúa tại Bê-tên!
Dĩ nhiên, hành trình tâm linh còn dài và Chúa sẽ còn mài giũa, uốn nắn Gia-cốp rất nhiều để đổi mới một Gia-cốp lọc lừa thành I-sơ-ra-ên ngay thẳng, kính sợ. Gia-cốp chỉ mới bắt đầu bước thứ nhất của hành trình ngàn dặm!
Tức giận, không ngờ bị lừa một vố thấm thía đớn đau, Gia-cốp (gay gắt, gằn giọng) hỏi cậu, “Tại sao cậu gạt cháu? Cháu phục dịch cậu chỉ vì Ra-chên, đúng không?”
“Tại sao cậu gạt cháu?” Gia-cốp lừa cha, gạt anh. Bây giờ bị cậu lừa gạt! “Gieo gì, gặt nấy” Gia-cốp thành nạn nhân. Gieo Trước, Gặt Sau – có gì lạ!
Các biến cố xảy ra quá nhanh. Cuộc đổi đời dồn dập. Thực tế phũ phàng bây giờ trở lại cắn Gia-cốp! Hy vọng Gia-cốp bắt đầu cảm thông một phần nhỏ nỗi đau đắng cay anh mình gánh chịu ngày nào!
Nhưng cơn đau của Gia-cốp cực kỳ lớn hơn nỗi đau của Ê-sau. Tại sao? Bởi vì Ê-sau xem thường quyền trưởng nam, còn Gia-cốp đánh giá Ra-chên cao hơn mọi người nữ khác.
Lạ gì phản ứng dữ dội của Gia-cốp, La-ban có sẵn câu trả lời: “Phong tục đây là thế! Không được gả em trước, chị sau. Cháu cứ đợi qua tuần trăng mật với Lê-a, cậu sẽ gả luôn Ra-chên cho, với điều kiện cháu giúp việc cho cậu thêm bảy năm nữa!” (29:26-27).
La-ban vẽ vời mưu đồ (trơ trẽn) nầy khi nào? Có lẽ bảy năm trước, khi đồng ý gả Ra-chên cho Gia-cốp để cháu quý làm công không lương – bảy năm. Biết Gia-cốp thương yêu Ra-chên vô bờ bến, La-ban nắm phần thắng trong tay – bảy năm nữa – không lương. Ðắc hơn thời giá bốn, năm lần!
Còn Lê-a biết mánh khóe của cha khi nào? Ra-chên nữa? Và bà mẹ hiền của hai cô? Cả ba không ít thì nhiều cũng đã biết. Dĩ nhiên tinh quái như La-ban đời nào tiết lộ cho con gái quá sớm!
Có lẽ La-ban chờ hạn bảy năm gần hết mới cho Ra-chên biết âm mưu nầy. Và La-ban phải lừa nàng vào chỗ trú ẩn nào, bắt nàng phải yên lặng chờ đợi “đêm tân hôn.”
Ra-chên phản ứng thế nào khi khám phá Gia-cốp đã động phòng với chị mình? Và nếu Gia-cốp bằng lòng rước Lê-a về lại Ca-na-an với cha mẹ – bỏ Ra-chên sau lưng? Thực tế phũ phàng nhất cho Ra-chên là chia xẻ người yêu, người chồng “lý tưởng” với Lê-a, chị mình!
Câu trả lời của Gia-cốp có lẽ làm mọi người ngạc nhiên. Vì yêu Ra-chên, Gia-cốp bằng lòng phục dịch La-ban thêm bảy năm nữa. Gia-cốp sống với Ra-chên và yêu Ra-chên hơn Lê-a. “Anh sẽ yêu em dài lâu,” bài hát chúng ta nghe quen những năm gần đây có lẽ xuất phát từ chuyện tình Gia-cốp Ra-chên!
Hết tuần trăng mật, La-ban gả Ra-chên cho Gia-cốp – làm vợ hai. “Vợ cả, vợ hai; hai vợ đều vợ cả!” Nhưng ai bảo Gia-cốp hoàn toàn sung sướng trên đỉnh cao hạnh phúc? Ai bảo quý bà rất hãnh diện làm vợ cả – như Lê-a?
Ai nói quý bà thích khoe làng, khoe xóm mình được chồng yêu, chồng cưng hơn vợ cả? “Gia-cốp sống với Ra-chên và yêu Ra-chên hơn Lê-a” (29:30) là khởi điểm của một trang sử dài đầy xâu xé đau buồn, xót xa, cay đắng.
Lừa cha, gạt anh – Gia-cốp bị cậu lừa gạt. “Gieo gì, gặt nấy. Gieo Trước, Gặt Sau.” “Ðừng để bị lừa dối. Ðức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu. Vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7).
***
“Em trước, chị sau? Chuyện đó không bao giờ xảy ra tại đây! Cứ đợi qua tuần trăng mật với Lê-a, cậu sẽ gả luôn Ra-chên cho – nếu muốn làm thêm bảy năm nữa!” Phán quyết của La-ban như bàn tay thẩm phán đập mạnh xuống giữa tòa. Mọi người im phăn phắt – bịt luôn cả miệng Gia-cốp!
Chúa ở đâu? Thang trời và thiên sứ trời ở đâu trong cuộc đổi đời nầy? Chúa vẫn tể trị. Thang trời vẫn đứng đấy và thiên sứ vẫn đi lên đi xuống trên thang ấy. Ðây là nhà của Chúa! Gia-cốp đang đứng tại “cổng trời.” Chúa đang ở với Gia-cốp và Ngài sẽ mang ông trở về Ðất Hứa bình an.
Gia-cốp sẽ về lại Ðất Hứa với mười hai con trai, một con gái. Mặc dầu không được thương yêu, chìu đãi, Lê-a và nàng hầu của mình sinh được tám con trai, tộc trưởng của các chi phái I-sơ-ra-ên – trong đó có Ru-bên, Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, I-sa-ca và Giê-bu-lun.
Mặc dầu Lê-a không được thương yêu, chiếu cố, Giu-đa và Lê-vi trở thành hoàng tộc và gia đình tế lễ phục vụ Ðền thờ. Con cháu nàng có Môi-se, nhà lãnh đạo giải phóng lừng danh, vua Ða-vít, và Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Gia-cốp thất bại, nhưng Chúa chuyển bại thành thắng. Gia-cốp phải nhận lãnh lấy hậu quả của lầm lỗi mình và được Chúa đổi mới trong tình yêu và ân sủng tuyệt vời.
Hôm nay, tất cả những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu đều được nhận làm con Thiên Chúa qua Con Một của Ngài, như Chúa Giê-xu bảo Na-than-na-ên: “Các anh sẽ thấy bầu trời mở ra và thiên sứ của Ðức Chúa Trời lên xuống trên Con Người” (Giăng 1:51).
Người nào thành tâm ăn năn đến với Chúa Giê-xu sẽ được tha tội, được làm con Thiên Chúa, trong tình yêu và ân sủng phước hạnh chan hòa. Amen.
Mọi đóng góp về bài vở xin liên hệ tới chúng tôi qua email:
luaphucamhp@yahoo.com
Trang Hoithanhkienbai Blog: Một trang chia sẻ cho bạn về niềm tin nơi Thượng Đế trong Đức Chúa Giê-xu Christ: Tin tức, dưỡng linh, đời sống, hôn nhân, vvv..
0 Ý Kiến- Bình Luận- Nhận Xét :
Đăng nhận xét
NỘI QUY ĐĂNG NHẬN XÉT
» Hội Thánh Kiền Bái Blog cảm ơn bạn đã giành chút thời gian để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét. Nhớ ĐỪNG ẨN DANH vì đây là điều TỐT để gây dựng Cơ Đốc.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét, bình luận phải lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu .
Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang Hoithanhkienbai Blog ngày một phát triển! Thank you!!!